NHỚ ANH.

NHỚ ANH.
KỶ NIỆM 6 NĂM ANH YNHAXIÔ NGUYỄN KHÁNH THỌ VỀ QUÊ TRỜI. 27/5/2009 – 27/5/2015.
Rev. Nguyễn Trường Thăng

Ynhac“VỀ ĐÂY”.
“Đã bao năm rồi xa cách, chưa dịp nào về thăm đất An Ngãi. Quê nghèo mà vui, còn được như thuở Thanh Bình, trước mùa ly loạn?
Có những chiều buồn, nhìn cánh chim bay về Phương Bắc, lòng chạnh mối hoài hương, gọi chim nhắn hỏi:
Chiều nay tung cánh giang hồ.
Về đâu chim hởi bóng mờ dặm xa?
Về chăng núi Quảng, thành Đà.
Cho ta nhắn gửi những là nhớ mong.
Hỏi quê An Ngãi còn không?
Thánh đường Xóm Giữa, ruộng nương Xóm Gò.
Xóm Bàu còn nhóm chợ mai.
Rừng sim Xóm Núi nở đầy hoa chưa?
Về đây… một vùng Đất Mẹ thu hẹp, trổ đầy cây lành trái ngọt, hoa thơm được khai trồng vun xới bởi hiều công lao và tâm óc.
Ai không thể về đây trong thực tế, xin hãy về đây trong tưởng tượng”!
SÀI THÀNH – THU 1965.
KHÁNH THỌ.
Ngtruongthang
Anh yêu quí. Hôm nay kỷ niệm năm thứ 6, anh xa gia đình và những người thân mến.
Qua những trang hồi ký của anh, đại diện cho cả một thế hệ quá tha thiết với quê hương, quê “nghèo”! Vào thời lấy lúa gạo làm tiêu chuẩn, quê nhà, vùng cận sơn sao có đủ lúa gạo. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn “thực phẫm”, phải nói giàu là đàng khác. Gặp nạn mất mùa, dân trong vùng có trăm món ngon, không bao giờ bị chết đói như những vùng chuyên canh cây lúa. Vườn nhà không thiếu trứng, rau, cây trái. Cá mắm không thiếu nơi vịnh Cửa Hàn. Bàu nước ngọt rộng hàng trăm hec ta kéo dài đến sông Cu Đê, ốc, vịt, gà nước, le le… , cá gáy (chép), rô, tràu (lóc, quả), trê, lương, chình…ê hề. Trên núi, 500 hecta chè lá, hàng ngàn hecta rừng Bà Nà, Ba Viên với bao cây trái, mít, chuối, sắn, khoai, môn (khoai sọ), bình tinh…chưa kể đến các thứ thú, trái, rau rừng. Đa dạng sinh học theo ngôn ngữ ngày nay.
Dân vùng Tây Bắc Hòa Vang, dân số chưa đến mười ngàn. Đói sao nổi.
“An Ngãi chia thành 4 xóm: xóm giữa là khu trung tâm có Thánh Đường, nhà Cha xứ, trường học… xóm Bàu, nằm về hướng Bắc bao quanh bởi những ruộng nước (gọi là Bàu), giáp quanh với 2 làng không công giáo là Vân Dương và Hưởng Phước… Xóm Gò, nằm về phía tây, tọa lạc trên những gò đất khôn cằn, sỏi đá, phía sau lưng là núi… Xóm Núi, về phía nam nằm dọc theo chân núi Cây Sơn, chạy dài từ ranh giới làng An Ngãi Đông đến giáp ranh giới Tùng Sơn, trước mặt là con đường Đà Nẵng – Bà Nà”.
Các chàng trai chất phác chỉ muốn sống yên bình bên đồi chè, ruộng lúa bị dòng lịch sử oan nghiệt đất nước cuốn phăng như những chiếc lá khô. Qua bao năm phấn đấu, khi tưởng công thành, danh đạt thì…
“Đoạn đường tiến thân qua bao gian khổ đã thấm mệt, nhưng về lại quê hương thứ hai, gặp lại bạn bè thân quen cũ, tôi cảm thấy mãn nguyện vơi cương vị một Thẩm Phán còn mong muốn gì hơn? Thôi thì cứ an phận tiếp tục vững bước trên đường công danh cho đến tuổi về hưu tận hưởng cảnh nhàn “lão giả an chi!”.
Nhưng… đâu ngờ… ….sự nghiệp tan theo mây khói, tương lai chới với, bập bềnh trôi theo vận nước. Mất hết chức quyền, 7 năm tù “cải tạo”, 2 năm tù bị quản chế, một lần vượt biên thất bại”.
Những năm cuối đời sống tha hương nơi đất khách quê người. Anh cũng chẳng thiết tha học lái xe, đua chen “job nầy job nọ”.
“Tuổi đời thuộc loại “phế canh” sống với số tiền trợ cấp “già” mỗi tháng cũng đủ “áo ấm cơm no”, bệnh được chữa trị miễn phí. Hàng ngày nhàn rỗi, nếu không có bạn đưa xe tới rủ đi chơi thì ở nhà hết viết văn, làm thơ lại xem truyền hình, đọc báo. Đôi lúc buồn nhớ quê hương, ngồi ghi lại những “KỶ NIỆM NHỚ ĐỜI”. (Reseda, California).

Hai tập hồi ký anh gửi lại cháu con, bạn bè , đọc lại thấy thương anh, thương mấy thế hệ của các anh, đầy lý tưởng vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc gia đình, quê hương…nhưng kết quả là huynh đệ tương tàn, xóm thôn tiêu điều, rách nát! Trách ai đây?
Ý NHẠC
Ý NHẠC 2
Các anh cầu mong cho một ngày “ đất nước chóng thanh bình, để đàn con ra đi sớm về đoàn tụ”.
Ngày ấy đã đến cách đây 40 năm. Rất nhiều người đi mãi, về phía bên kia thế giới. Bao người sống sốt cũng không thể về vì nhiều lý do . Riêng anh, sau bao năm “học tập cải tạo” là những năm tha hương đất khách quê người.
Cuối cùng anh cũng đã trở về trong chiếc quan tài buồn thảm.
Anh an nghỉ nơi nghĩa trang gia đình, tại quê hương một đời anh nhớ nhung lưu luyến.
nghiatranganhynhac
TOÀN CẢNH AN NGÃI VÀ TÂY BẮC HÒA VANG 1990.
canhanngai
HÔM NAY 2015.
Quê nhà hôm nay quá nhiều đổi thay trong cơn lốc đô thị hóa. Ruộng nương san lấp, chia lô. Xóm Bàu không còn chợ mai, chẳng còn ốc, cá, hương sen thơm ngát khi hè về. Xóm Núi hết hoa sim tím, trái sim ngọt, thay vào đó là những vết thương loang lổ, cày, xúc,, múc, ũi …
“Chân lý” mới: ”Đất đai là của Nhà Nước” ( Bí thư NBT), thế là xong!
Ai mạnh “đạn tiền, quyền” thì chiếm.
Chỉ riêng vùng đất ầy, Bà Nà 200 hecta! Công nghệ cao 400 hecta! Lẻ tẻ không tính!
Nghĩa trang nơi bốn trăm năm bao thế hệ đã nằm xuống, nơi 6 năm trước anh về sum họp với gia tộc mai ngày cũng chưa chắc còn!
Cát bụi trở về cát bụi, kể cả kẻ nắm quyền hành và giàu có!
Chỉ có Chúa là nơi tựa nương vững bền.
Tuy không còn thấy anh nhưng TÌNH YÊU CHÚA, mầu nhiệm “Các thánh thông công” luôn gắn kết chúng ta.
Phù vân đời nầy, ta còn hy vọng vĩnh hằng đời sau!
AN NGÃI, 27 THÁNG 6 NĂM 2015.
LM ANTÔN NGUYỄN TRƯỜNG THĂNG.

RIÊNG VỚI CÁC BẠN HỘI VIÊN CỰU CHỦNG SINH LÀNG SÔNG QUI NHƠN:
“Tháng 9/1973, tôi ra nhận chức vụ Dự Thẩm Toà Sơ Thẩm Quy Nhơn (Bình Định). Quy Nhơn được coi như quê hương thứ hai của tôi; từ nhỏ đã từng tu học tại Tiểu Chủng viện Làng Sông (1941 – 1948). Hai năm đi giảng tại Tiểu Chủng Viện Phan Rang (cũng thuộc Địa Phận Quy Nhơn) rồi chính Đức Giám mục Địa Phận Quy Nhơn (Đức Cha Marcel Piquet) gởi tôi vào tu học tại Đại Chủng Viện Sài Gòn và cũng chính ngài bảo tôi: “Chúa không chọn, con nên về thế gian”. (Xin xem những bài trước). Như vậy, trong 14 năm “ăn cơm Chúa”, dù ở đâu, đi đâu, tôi vẫn là người của Địa phận Quy Nhơn. Dù hôm nay, Quảng Nam quê tôi đã thuộc về Địa Phận Đà Nẵng, tôi vẫn còn nặng nợ với Địa phận Quy Nhơn. Tại địa phương, lúc bấy giờ chỉ có “Hội Cựu Tu Sinh” nhưng phần đông Hội viên là Cựu Chủng Sinh Làng Sông – Quy Nhơn…( tkd)
Đoạn đường tiến thân qua bao gian khổ đã thấm mệt, nhưng về lại quê hương thứ hai, gặp lại bạn bè thân quen cũ, tôi cảm thấy mãn nguyện vơi cương vị một Thẩm Phán còn mong muốn gì hơn? Thôi thì cứ an phận tiếp tục vững bước trên đường công danh cho đến tuổi về hưu tận hưởng cảnh nhàn “lão giả an chi!”.
Nhưng… đâu ngờ…(tkd) ….sự nghiệp tan theo mây khói, tương lai chới với, bập bềnh trôi theo vận nước. Mất hết chức quyền, 7 năm tù “cải tạo”, 2 năm tù bị quản chế, một lần vượt biên thất bại.
Rồi cũng… đâu ngờ… trong rủi có may, bỉ cực thái lai, mai trời lại sáng. Ngày 21/7/1994 tôi lên đường xuất cảnh qua Hoa Kỳ theo diện HO, định cư ở miền Nam California. Trên vùng đất mới tự do này có sẵn Hội dành cho những người bạn “TARU” đủ hạng tuổi, đã từng học tại hai Chủng Viện Làng Sông và Quy Nhơn, gọi là Hội Cựu Chủng Sinh Làng Sông Quy Nhơn Hải Ngoại (Hội CCS/LS/HN).
Tôi đã chính thức gia nhập Hội vào dịp Lễ Thánh Quan Thầy Giuse tháng 3 năm 1995. Tuổi đời thuộc loại “phế canh” sống với số tiền trợ cấp “già” mỗi tháng cũng đủ “áo ấm cơm no”, bệnh được chữa trị miễn phí. Hàng ngày nhàn rỗi, nếu không có bạn đưa xe tới rủ đi chơi thì ở nhà hết viết văn, làm thơ lại xem truyền hình, đọc báo. Đôi lúc buồn nhớ quê hương, ngồi ghi lại những “KỶ NIỆM NHỚ ĐỜI”.
MONG ANH EM CẦU NGUYỆN CHO ANH Ý NHẠC.

Leave a Reply