Làng Sông qua dòng thời gian

Lm Võ Đình Đệ

Lời giới thiệu:
Cuối năm 2006, từ Philippines, tôi có viết một trang mời gọi hướng về kỷ niệm 150 năm Chủng Viện Làng Sông và đã được đăng vào Nội San CCS/LSQN. Ý tưởng ấy dựa trên kỷ niệm mừng 100 năm (1964). Hơn một tháng qua, được về lại Giáo Phận, tôi có dịp đọc lại lịch sử Giáo Phận, trong đó có bài sau đây của cha Gioan Võ Đình Đệ đặt vấn đề về thời điểm khai sinh Chủng Viện Làng Sông. Theo đó, có sử liệu cho biết năm 1850 hai chủng viện Làng Sông và Mương Lở đã có 60 chủng sinh. Như vậy, đến nay Làng Sông đã có trên 157 năm lịch sử. Xin gởi đến quý cha và anh chị em bài này để chúng ta rõ hơn về cội nguồn. Nhân tiện, cũng xin đính chính một chi tiết trong bài hướng tới 150 năm nói trên, trong đó tôi đã viết sai giáo phận Đông Đàng Trong thành Tây Đàng Trong. Xin thành thật cáo lỗi. Thân ái chào quý cha và anh chị em.
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh

Con người có cố có ông
Như cây có cội như sông có nguồn.

Có những dòng sông phát nguyên từ nguồn không dài lắm. Có những dòng sông phát nguyên từ nguồn xa thăm thẳm. Chủng Viện Làng Sông đã từng trải qua dòng chảy thời gian khá lâu dài. Ngày 14-01-1964, Chủng Viện Làng Sông hiệp với Giáo Hội hoàn vũ mừng kỷ niệm 400 năm ngày công đồng Tridentinô quyết định thành lập các Chủng viện để đào tạo linh mục1, nhân dịp nầy cũng đặc biệt mừng 100 năm thành lập chủng viện Làng Sông. Đại lễ kỷ niệm được kể lại: “… Ngày 14, từ 7 giờ sáng, quý khách đã bắt đầu tới. 8 giờ 40 thì hai Đức Cha Quy Nhơn và Đà Nẵng đến cùng với các Cha Chính Quy Nhơn, Kontum và nhiều Cha khác……… 9 giờ 10, Chủng sinh rước hai Đức Cha vào nhà thờ… Bài giảng Thánh lễ của Đức Cha Quy Nhơn đã làm cho cử toạ chú ý. Đức Cha đã trình bày hai điểm chính: Sắc lệnh công đồng Tridentinô thiết lập các Chủng viện và lịch trình tiến triển của Chủng viện Làng Sông…. ”2. Sự kiện lịch sử mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Chủng Viện Làng Sông đã được ghi lại trong ký ức của những ‘người đương thời’ mừng lễ, nay vẫn còn sống, và trên giấy trắng mực đen cho hậu thế được tường. Ngoài tài liệu kể trên, khi được tiếp cận với những tài liệu khác có liên quan đến Chủng Viện Làng Sông, chẳng hạn trong tiểu sử Cha Phaolô Châu, nguyên Giám Đốc Chủng Viện Làng Sông, ghi rằng:”Cha Châu sinh tại Bình Định, làng Xuân Hương, Gò Thị hội. Cha là Hoà, mẹ là Nguyện; cả hai đạo dòng, sanh lý thương mãi, đủ ăn đủ mặc, không tham ô, không ngược xuôi với ai. (Có bà con với Chơn Phước Năm Thuông). Khi chín mười tuổi, cha mẹ cho đi học văn. Học mau, hiểu lẹ, sáng dạ hơn hết cả lớp tuổi với người. “Vừa mười ba tuổi, cha mẹ dưng hầu Đức Cha. Người thấy trẻ sáng trí, tính hiền nết tốt, tử tế thì sai qua Pinang. Học bảy năm, đặng tiếng các cha giáo trường khen rằng: “Học giỏi sảo thông, luật mẹo chín chắn, đạo đức đủ bề, đã nên trò tốt”. Mãn học, Đức Cha đòi về, sai đi giúp giảng đạo ba năm. Đến đâu siêng năng giúp dạy người ta, ân cần lo việc bổn phận, ăn nói hiền lành, dịu dàng khiêm nhượng; ai ai cũng đều yêu vì tôn phục.
“Sau Đức Cha phong chức cho người tại Gia Hựu, và sai vô cai trường Mương Lở, chừng ba năm. Mà khi nhà trường nầy nhập vào trường Làng Sông, thì người coi bổn đạo ngoài ấy, đâu hai tháng. Lại khi Cha Tư bị bắt, thì Đức Cha sai người vô trường Làng Sông, cai thế đó gần hai năm.
“Đến khi có chỉ ra bắt bổn đạo đi phân sáp, cùng truyền phá nhà bổn đạo hết, cho nên các chú ở nhà trường không được nữa, thì Đức Cha dạy người lo chở các chú vô Gia Định; nên người dọn đem đồ cần dùng, và mướn đặng một chiếc ghe kẻ ngoại, lại dặn các chú phải chia nhau ở xung quanh gần chổ ghe đậu mà đợi người. Mà có bữa kia người xuống một mình dưới ghe ấy, có ý gặp lái ghe, mà hỏi thăm cho biết ngày nào chạy, thì có một tên thơ lại, và chức việc làng tới bắt người trong ghe tại sông Dinh gần nhà trường, liền gia giang giáo mác dùi gậy, giải về huyện, tra hỏi căn do, tên tuổi chức phận. Người xưng ngay mình là đạo trưởng, tức thì quan huyện giải người nạp tỉnh. “…….
“Bấy giờ nghe tiếng truyền rằng: hễ nghe ba hồi chiêng rồi, thì cứ y như lịnh dạy; mà khi mới nghe một hai tiếng chiêng, tức thì nó đã chém rồi…. khi ấy bổn đạo ở xung quanh khóc om sòm, cùng chạy lại lấy vải thấm máu; đoạn thầy Khoa lo chôn cất phô đứng ấy nơi xử. Đến khi cha Triết lấy cốt đem về Gò Thị, rồi chở vô nhà trường Làng Sông, táng trong nhà thờ. Trước năm ất dậu dỡ nhà thờ ấy, thì lấy cốt vào quách, để trong phòng nhà thờ mới; đến năm giặc, phải thân hào phá mất hết, chỉ còn một mình xác cha Châu mà thôi, vì các cha nhà trường Pinang đã xin cùng chôn tại nhà thờ”.3 Cha Châu bị sát hại tại Gò Chàm, Bình Định vào năm thứ 15 triều đại Tự Đức, tức năm 1862 (dương lịch)4. Căn cứ vào các tài liệu nầy, chúng ta có thể xác định Cha Phaolô Châu thụ phong linh mục khoảng năm 1856; ‘cai trường’ Mương Lở5 từ năm 1856 –1859; ‘cai trường’ Làng Sông từ năm 1859 đến khi bị bắt (1861). Như vậy ‘trường Làng Sông’ và ‘trường Mương Lở’ được thành lập khi nào?.
Từ khi Giáo Phận Đàng Trong được thành lập (1659) cho đến thời Đức Cha Cuénot Thể về ở tại Gò Thị (1839), chưa có Chủng viện nào được thành lập tại phần đất thuộc Giáo Phận Quy Nhơn ngày nay. Trong hoàn cảnh bị cấm đạo, việc huấn luyện chủng sinh trong một Chủng viện có quy củ là việc không thể dễ dàng. Tuỳ hoàn cảnh, các thừa sai có thể nhận nuôi dạy vài ba học trò tiếng La tinh, sau đó tìm cách gởi qua Chủng Viện Pinang để được đào tạo. Sau thời điểm Công Nghị Giáo Phận Đàng Trong được Đức Cha Cuénot Thể tổ chức tại Gò Thị6, chủng viện mới được thành lập: “Đức Cha lại lập nhà trường qui học trò tập học tiếng latinh, để nữa lựa gởi qua học Pinăng, hầu sau về làm thầy cả, giúp việc linh hồn người ta, cùng mở rộng Hội Thánh Nam Kỳ cho càng ngày càng thạnh. Vậy đã lập một trường tại tỉnh Quảng Nam, chính họ Tùng Sơn; còn tỉnh Bình Định, một trường tại họ Mương Lở, và một trường tại họ Làng Sông”.7
Thời điểm năm 1850, sau khi Toà Thánh lấy hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và nửa tỉnh Quảng Bình lập thành Giáo Phận Bắc Đàng Trong, phần còn lại vẫn giữ tên Giáo Phận Đông Đàng Trong, gồm các tỉnh từ Quảng Nam tới Bình Thuận, lúc bấy giờ tại Chủng Viện Làng Sông và Mương Lở đã có 60 chủng sinh8. Các chủng viện nầy sinh hoạt tương đối ổn định cho đến năm 1859, thời điểm Vua Tự Đức ra sắc dụ cấm đạo. Sau khi sắc dụ cấm đạo được ban hành, Đức Cha Cuénot cho giải thể chủng viện Tùng Sơn và Mương Lở, chỉ mình chủng viện Làng Sông còn sinh hoạt, lúc bấy giờ Cha Tư đang làm giám đốc. Đang lúc cấm đạo gắt gao, “Tự Đức thập nhị niên, thập ngoạt, Cha Tư cai trường Làng Sông cỡi ngựa ra Gò Thị, hầu Đức Cha mà bàn tính việc. Đến nửa đàng, Cha phải bắt tại Kỳ Sơn, cùng giải lên tỉnh, nạp cho quan Tổng đốc”9. Sau khi Cha Tư bị bắt, Cha Phaolô Châu từ Mương Lở về thay thế. Hai năm sau, năm 1861, chiếu chỉ phân sáp của Vua Tự Đức được các quan thi hành triệt để. Đức Cha Cuénot Thể bị bắt ngày 24-10-1861 và trút hơi thở cuối cùng tại nhà giam Bình Định vào đêm 14-11-1861. Cha Phaolô Châu cũng bị bắt và chịu xử trảm tại Gò Chàm, Bình Định vào tháng 5 năm 1862. Do tình hình cấm đạo gắt gao như thế, Chủng viện không còn sinh hoạt được nữa.
Ngày 25 tháng 8 năm 1862, Vua tự Đức hạ chỉ ân xá cho các tù nhân, trong đó lệnh phân sáp người công giáo cũng được bãi bỏ. Lúc bấy giờ, đoàn tín hữu đã tan nát, phân tán khắp nơi. Cha Herrengt, Cha Jean Claude Roy cùng hai Cha già người Việt và mười hai chủng sinh đã vâng lệnh Đức Cha Cuénot di cư vào Gia Định từ hôm 21-8-1861. Cha Charles Herrengt, Cha chính của Giáo phận đã ở Gia Định, trong khi chờ được trở về Giáo phận, ngài được bổ nhiệm làm Cha sở Xóm Chiếu. Ngài qua đời ngày 20 tháng 6 năm 1863 tại Sài Gòn. Trong khi đó “Các Cha phần nhiều bị bắt: Cha Châu cai trường Làng Sông…; Cha Luận và Cha Hân đã trốn lên núi phía trên cửa Giã cũng bị làng đuổi theo bắt mà nộp quan; Cha Huệ, Cha Sự, Cha Bửu đã xuống ghe ông Qui và ông Me mà trốn dưới sông dưới sát, rủi phải kẻ ngoại tìm đặng mà giải lên thành; sau hết Cha Thủ cũng bị bắt ngoài Bồng Sơn, mà điệu vào tỉnh. “Có Cha sống sót, giả đạo chúng mà phân sáp, như Cha Vịnh, Cha Khương, cũng khổ cực chua xót. Lại cũng có Cha như Cha Triết, tính bạo dạn, chuyên lo ẩn mình, giả dạng đi làm phước cho bổn đạo khắp nơi cấm cố, hay là lén vào tù thăm viếng phô kẻ bị giam cầm vì Chúa..”10
Trong tình trạng thiếu Linh mục trầm trọng như thế, việc đào tạo Linh mục phải là một ưu tiên hàng đầu và khẩn cấp hơn lúc nào hết. Do đó, có thể các Chủng sinh được tái quy tụ về Làng Sông trong thời điểm sớm nhất sau ngày 25 tháng 8 năm 1862, ngày Vua Tự Đức hạ chỉ bãi bỏ lệnh phân sáp.
Từ ngày Đức Cha Cuéot Thể qua đời cho đến năm 1865, Giáo phận mới có chủ chăn. Đức Cha Eugène Charbonnier Trí, một thừa sai làm việc ở Đàng Ngoài, đã bị bắt năm 1861, đã nếm cảnh lao tù, đòn vọt, đã bị kết án tử, nhưng rồi được tha và bị trục xuất về Âu châu. Ngày 27 tháng 12 năm 1864, Ngài được tấn phong Giám mục tại nhà nguyện Chủng viện Hội Thừa Sai nước ngoài Paris. Ngày 13 tháng 4 năm 1865, sau khi nhận phép lành của Đức Thánh Cha Piô IX, Ngài lên đường đến Giáo phận Đông Đàng Trong. Ngày 14 tháng 7 năm 1865, đoàn tín hữu còn rỏ ràng hai chữ ‘tả đạo’ trên má, vui mừng đón nhận vị chủ chăn của mình. Năm 1865, có 21 Chủng sinh đang theo học tại Chủng viện Pinang và 20 Chủng sinh được Đức Cha đón nhận tại Gia Hựu11. Sau 13 năm chăm sóc Giáo phận, Thứ Tư, ngày 7 tháng 8 năm 1878, Ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong 13 năm chăm sóc Giáo phận, Đức Cha Charbonnier đã tổ chức việc đào tạo Linh mục bản xứ: lập Đại Chủng Viện Nước Nhỉ và tái lập Tiểu Chủng Viện Làng Sông. Ngày Ngài qua đời, đã có 30 Đại Chủng sinh tại Đại Chủng Viện Nước Nhỉ và 50 Chủng sinh tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông.12 Các tài liệu trên đây đã hé mở cho chúng ta phần nào về nguồn gốc Chủng Viện Làng Sông. Trong thư luân lưu của Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn, ngày 22 tháng 8 năm 1962, có chỉ thị:“Thể theo ý nguyện của Thánh Bộ, sau khi đã bàn với ban tư vấn, và được sự đồng ý của Đức Giám mục Đà Nẵng, tôi định ngày 14 tháng I dl. 1964 tại Chủng viện Làng Sông sẽ khai mạc tuần tam nhật để kỷ niệm đệ tứ bách chu niên ngày Công Đồng Tridentinô quyết định thành lập các Chủng viện. Cha Giám đốc, các Cha giáo sư Làng Sông vui lòng phụ trách tổ chức cuộc lễ. Chương trình sẽ gởi sau”13. Thư luân lưu nầy không đề cập gì đến việc mừng kỷ niệm 100 năm Chủng Viện Làng Sông. Ngày Chủng Viện Làng Sông mừng kỷ niệm 100 năm thành lập, theo như Cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng, ‘người đương thời’ cùng với Cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình14, đứng ra tổ chức đại lễ kỷ niệm ấy, đã cho biết: “Việc mừng kỷ niệm 100 thành lập Chủng viện Làng Sông nhân dịp kỷ niệm 400 năm công đồng Tridentinô ra quyết định thành lập các Chủng viện, nhằm mục đích cổ võ ơn thiên triệu và đề cao Chủng viện là một tổ chức nòng cốt của Địa phận đã có một lịch sử lâu dài ”.
Sau cuộc lễ đại kỷ niệm nầy, vì tình hình an ninh, ngày 02 tháng 10 năm 1964, Hội Đồng Chủng Viện đã quyết định với sự đồng ý của Bề trên Địa phận, cho hai lớp Đệ nhị và Đệ tam xuống Quy Nhơn lưu học tại trường La San. Tháng 3 năm 1965, Bề trên Địa phận cho phép bãi trường sớm và quyết định niên khoá 1965-1966, tất cả các lớp tựu về học tại cơ sở Bình Lợi cũ ở Quy Nhơn, cạnh nhà thờ Chính toà. Vì nhu cầu cho 197 Chủng sinh trong niên khoá nầy, Ban Giám Đốc cho dựng thêm một nhà cơm, một nhà chơi và một nhà ngủ. Ngày 02 tháng 02 năm 1968, Tiểu Chủng Viện Quy Nhơn được khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 20 tháng 5 năm 1972.15
Cho đến hôm nay, Tiểu Chủng Viện Làng Sông & Quy Nhơn đã trải qua chặng đường lịch sử khá lâu dài với những thăng trầm, hưng thịnh, có lúc ngừng nghỉ, có lúc hoạt động như những nhịp đập của quả tim, lúc thì mở rộng tuôn máu ra khắp cơ thể, lúc thì khép lại, hút máu quy tụ về. Ngày hôm nay, những sinh hoạt rộn rã, những âm thanh bài thánh ca đồng giọng “đực rựa”, những giọng tập đọc tiếng Pháp, tiếng Latinh trong các giờ lớp, những âm thanh thình thịch của giờ đá banh, mùi khói trấu nấu cơm từ nhà bếp… đã nhường chỗ cho tiếng lao xao rì rào của hàng cây sao, cho những tiếng cúc cu của bầy chim gáy, cho những âm thanh ri rỉ của dế mèn. Sự tĩnh mịch của Chủng Viện Làng Sông hôm nay như nhịp tim đang khép lại, hút máu quy tụ về. Bởi lẽ, những con người đã từng được sống nơi đây, đã từng đồng ẩm đồng thực cơm gạo đồng với nước mắm cá cơm, có khi cơm ghé khoai bắp với chút hương vị trứng luộc hay canh rau tạp tàng, tất cả đều được nhận lệnh của Thầy Chí Thánh: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Dù hôm nay người đã nằm xuống trong lòng đất lạnh hay người đang rong ruổi trên mọi nẻo đường, lệnh của Thầy Chí Thánh vẫn được thi hành trong cầu nguyện, trong hy sinh, trong công việc bổn phận, trong công việc tông đồ.
Ngày 22/02/1963 Thánh Bộ Chủng Viện và Đại Học ra Văn thư số 348/63 gởi đến các Đấng Bản Quyền, ước mong các Đấng Bản Quyền sẽ tuỳ theo hoàn cảnh và phương tiện mà tổ chức mừng kỷ niệm. Trong Địa phận Quy Nhơn, Đấng Bản Quyền đã ấn định ngày 14-01-1964 tổ chức mừng lễ kỷ niệm tại Làng Sông.
1(Thông tin Địa phận số 38, tháng 9 năm 1963, trang 05).
2 Thông tin Địa Phận số 42, tháng 4 năm 1964, trang 16.
3 Mm. 29 Fevrier 1909, p. 76-80.
4 Mm. 29 Fevrier 1909, p. 86-87.
5 Mương Lở, ngày nay là giáo họ Hoà Mục thuộc thôn Hoà Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
6 Công Nghị được nhóm họp vào ngày mồng 05, mồng 06 và mồng 10 tháng 8 năm 1841 (Dl).
7 R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Lang-Song imp. de la mission 1907, trang 43.
8 P. Durand, Les Missions Catholiques No. 3123, 1er, Dec. 1930, p. 539.
9 R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Lang-Song imp. de la mission 1907, trang 70.
10 R.P. Tardieu, Hạnh Đức Cha Thể, Lang Song imp. de la mission, 1907, p. 76-77.
11 P. Durand, Les Misions Catholiques, no. 3123, 1er Dec. 1930, p. 539.
12 P. Durand, Les Misions Catholiques, no. 3123, 1er Dec. 1930, p. 543.
13 Thông tin Địa phận số 38, tháng 9-1963, trang 5.
14 Cha Phaolô Bình qua đời ngày 07-3-2007. Bài nầy được viết khi Cha Phaolô còn sống.
15 Thông tin Địa phận số 72, tháng 06 năm 1972, trang 01.
LM. Võ Đình Đệ

Leave a Reply