TCV Làng Sông

CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG QUI NHƠN

NGUYỄN CÔNG LUẬN (Sưu tập)

Danh xưng “CHỦNG VIỆN” cho ta cảm nhận được rằng: đây là địa-điểm đặc biệt để ươm Giống, hay nói đúng hơn: nơi để đào-tạo hàng Linh-mục, vì theo sự thiết-lập (Giáo Hội) của Chúa Giê-su KiTô “đã có con chiên, tất nhiên phải có chủ chiên”.
Như vậy, tìm hiểu sơ lược về Lịch-sử Chủng-viện của Giáo phận nhà tưởng cũng là điều hữu ích. Rất tiếc vì nơi đất khách quê người, tài liệu nói về Chủng-viện Làng-sông/Qui-nhơn quá hạn hẹp, nên việc sưu-tập không được mấy đầy đủ, còn nhiều thiếu sót. Kính mong quí bậc cao niên vui lòng bổ-túc thêm.
Nội san Liên Lạc của Hội Ái-hữu Cựu Chủng-sinh Làng-sông Qui-nhơn tại California, số kỷ-niệm Lễ Thánh Quan Thầy Giu-Se năm 2000, trang 86, có một bài tường-thuật do Nguyễn Trường- Thăng sưu-tập. Bài báo mô tả: Ngày 14 tháng 12 năm 1963, Chủng-viện Làng-sông mừng “Kỷ-niệm bách chu niên”. Phần mở đầu của bài này ghi nhận: Trích từ bản Thông-tin Địa-phận Đà-Nẵng và Qui-Nhơn tháng 4 năm 1964 và ghi chú rõ tác giả Nguyễn-Trường-Thăng chính là Linh-mục Nguyễn-Trường-Thăng, chủng-sinh Làng-sông Qui-nhơn, hiện nay là Cha sở Giáo-xứ Thanh-Bình, Đà-nẵng. Bài báo tường-thuật khá chi tiết về việc tổ chức buổi Lễ “Mừng một trăm Tuổi” của Chủng-viện, có sự hiện diện của hai Giám-mục: Đức Cha Phêrô Phạm-Ngọc-Chi, Giám-mục Đà-nẵng chủ-tế và Đức Cha Đaminh Hoàng-Văn-Đoàn, Giám-mục Qui-nhơn thuyết giảng. Ngoài ra còn có hai Cha Chính của hai Địa-phận Qui-nhơn và Kontum, Cha Giám-Đốc Chủng-viện Làng-sông cùng một số đông Linh-mục tham-dự mà Cha già Tý là niên-trưởng, phát biểu cảm-tưởng.
Nếu quả thật đúng vậy, thì Chủng-viện Làng-sông Qui-nhơn đã được thành-lập từ năm 1863. Cũng trong Nội san Liên Lạc năm 1996, trang 29, có một bài của Cha Nguyễn-Trường-Thăng, viết từ Paris, Pháp quốc (khi Ngài đang du học tai đó) nói về Lễ Khánh-thành tân Chủng-viện Làng-sông ngày 21 tháng 9 năm 1927, và ghi rõ trích bản tin Khánh-thành Tiểu Chủng-viện nhân dịp mừng Ngân-khánh Giám-mục của Đức Cha GRANGEON (Mẫn) và Ngân-khánh Linh-mục của Cha Chính Địa-phận LABIAUSSE (Cố Sáng) và Cha Giám-Đốc Tiểu Chủng-viện Cha GAGNAIRE (Cố Định), đăng trong Mémorial de Quinhon cuối năm 1927.
Để tìm hiểu gốc-tích Chủng-viện Làng-sông Qui-nhơn thêm chi-tiết hơn, tưởng cũng nên đi ngược lại dòng lịch-sử Giáo-Hội Việt Nam.
Căn cứ vào Sử-liệu chính-thức thì Giáo-Hội Việt Nam được kể từ Thế-kỷ thứ XVI (1533). Công việc rao giảng Tin Mừng Phúc Âm trong buổi sơ-khai do các Giáo-sĩ thuộc các Dòng Đa-minh và Phan-xi-cô đảm-trách mà cơ-sở truyền giáo chính nằm tại Ma-cao (Trung-Hoa) và Ma-ni-la (Phi-luật-Tân). Tại đảo Malacca, Tu-viện Santa Cruz cũng là một Trung tâm Truyền-giáo đến từ Nhật-Bản, trong số này có Linh-mục Buzomi (gốc Ý- 1615-1638) hoạt-động rất đắc-lực ở vùng Nam-hà. Đến năm 1626 Dòng Tên mở rộng Truyền-giáo ra Bắc-hà, lại có Cha A-lịch-sơn Đắc-Lộ (Alexandre De Rhôdes), người đã sáng lập ra vần Quốc-ngữ, để đào-tạo những cộng-sự-viên người bản xứ trong công việc mở mang nước Chúa, Cha Buzomi đã thành-lập “Hội Thầy Giảngz” tại xứ Nam-hà. Đó là một tổ-chức gồm những thanh-niên độc thân, để lúc nào cũng có thể sống bên cạnh các Thừa sai và hy-sinh tất cả cho hoạt-động truyền-giáo. Rút kinh-nghiệm sự cần thiết và lợi ích của Hội Thầy Giảng Nam hà, Cha Đắc-Lộ cũng quan tâm tổ chức hội Thầy Giảng tại miền Bắc hà.
Các Thầy Giảng tuyên hứa ba điều: Sống độc thân trong thời gian hoạt-động truyền giáo, vâng lời các Đấng Bề-trên và để tất cả làm của chung cho Cộng-đoàn Dân Chúa. Á Thánh An-rê Phú-yên Tử đạo là một Thầy Giảng. Đó là nguồn gốc “Nhà Đức Chúa Trời” ở miền Bắc sau này, nơi xuất thân của những Linh-mục bản xứ tiên khởi (Les origines des Clergés Vietnamiens – Saigon-1959) và cũng gọi được là mô-hình Chủng-viện lúc ban khai tại Việt-Nam.
Hơn một trăm năm sau, ngày 9 tháng 9 năm 1659, Đức Thánh Cha Alexandrô VII (1655-1667) công-bố sắc lệnh thiết lập tại Việt Nam hai Địa-phận: Địa phận Đàng Ngoài (còn gọi là Bắc hà) do Đức Giám-mục Francois Pallu Giám-quản Tông-tòa và Địa-phận Đàng Trong (Nam hà) dưới quyền Giám-quản của Đức Cha Lambert De La Motte, lấy sông Gianh làm ranh-giới, theo địa-dư chính-trị hiện thời giữa hai hệ-thống quyền-lực: Chúa Trịnh miền Bắc và Chúa Nguyễn miền Nam. Địa-phận Đàng Trong lúc đó gồm từ sông Gianh trở vào miền Thuận-Hóa trên đất Việt, qua phía Nam đất Chiêm-Thành, sang Cao-Miên đến Thái-Lan.
Năm 1665, Đức Cha Lambert De La Motte thiết lập ngay một Chủng-viện tại Juthia trên đất Thái, dành riêng cho hàng Giáo-sĩ Việt Nam. Cũng trong năm này Đức Cha Pallu giao quyền Giám-quản Giáo-phận Đàng Ngoài cho Đức Cha Lambert để trở về Âu-châu tìm thêm thợ gặt truyền giáo. Ngày 24 tháng 2 năm 1668, Đức Cha Lambert phong chức cho hai tân Linh-mục bản xứ tiên khởi tại Bắc-hà: Cha Bênêđitô Hiền và Cha Gioan Huệ. Một tháng sau cũng năm đó, ngày 21 tháng 3 Đức Cha lại phong chức cho hai tân Linh-mục Đàng Trong là Cha Giu-se Trang và Lu-ca Bền. Bốn vị Linh-mục Việt đầu tiên này được tuyển chọn từ hội Thầy Giảng, có đủ điều-kiện và được đào-luyện một thòi gian tại Chủng-viện Juthia (Thái Lan).
Ngày 14 tháng 2 năm 1670, Đức Cha triệu tập Công-Đồng Miền (thứ nhất) tại xứ Nam, phong-chức cho bảy tân Linh-mục bản xứ, phân bổ các chủ chiên, tuyển chọn Chủng-sinh (theo tinh thần Công-Đồng Tridentino 1545-1563) và thiết lập Dòng Mến Thánh Giá, đồng thời chọn Thánh Giu-se làm Quan Thầy Giáo-Hội Việt Nam.
Sáu mươi lăm năm sau, năm 1730, Chủng-viện Juthia được dời về Chantabun (Thái-Lan) đời Đức Giám-mục Alexandrô (1728-1738).
Năm 1767, đời Đức Giám mục Piguel, Chủng viện được Hội Thừa sai Paris tạm đặt cơ sở tại Hòn Đất (gần Rạch Giá, thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay). Cũng trong năm ấy, Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béheine) được gởi sang truyền giáo tại Việt Nam và làm giáo sư Chủng viện. Năm 1768, ngài được đề cử làm Giám đốc. Tháng 12 năm 1769, Chủng viện Hòn Đất bị quân Cao Miên tấn công thiêu hủy, linh mục Giám đốc và Cha Morvan cùng với khoảng 13 chủng sinh phải rời khỏi Việt Nam sang Malacca, đoạn xuôi về Pondichéry, nằm trong vịnh Bengale, đông nam Ấn Độ. Năm 1770, Cha Giám đốc lập một Chủng viện tạm thời tại Virampatnam phía bắc Pondichéry). Một năm sau, Chủng viện đã có 39 Chủng sinh, gồm 12 người Trung hoa, 21 người Việt Nam (16 thuộc Đàng Ngoài, 5 thuộc Đàng Trong), 4 người Thái lan, một Cao miên và môt Mã lai Á. Chủng sinh được chia ra làm 4 ban: thứ nhất là ban Thần học, ba ban còn lại, học tiếng La-tinh, Văn chương và Tôn giáo.
Năm 1771, Đức Giáo Hoàng Clementê XIV bổ nhiệm Cha Bá-Đa-Lộc làm Giám mục phó. Cũng trong năm ấy, ngày 20 tháng 6, Đức Giám mục Piguel lìa trần, Cha tạm quyền Giám quản Tông toà, đến tháng 2 năm 1774, mới chính thức được tấn phong và ngày 12 tháng 3 năm 1775, ngài mới vế lại Giáo đoàn Đàng Trong. Thời ấy, các Linh mục cải trang làm mọi thứ nghề: thợ mộc, thợ nề, thầy lang, bán thuốc cao đơn hoàn tán, đi câu, đánh cá, lái buôn, thậm chí đi hớt tóc dạo, gánh nước thuê v.v. . . để truyền đạo, làm công tác mục vụ và được sự trợ giúp tích cực của các thương nhân.
Những nơi tạm thời làm Chủng viện lúc đó, đều nhà tranh vách đất, nhiều khi trên các thương thuyền, thiếu thốn đủ mọi thứ và thường năng di động (trốn chạy nơi này sang nơi khác vì bị ướp bóc hay bị lệnh bắt đạo truy nã). Việc học hành gặp nhiều khó khăn, phức tạp, phần thì thiếu dụng cụ giáo dục, sách vở, tự điển, phần lại phải hồi họp lo sợ các sắc dụ cấm đạo.
Tháng 3 năm 1776, Đức Giám mục được Đề Đốc Hà Tiên, Mạc thiên Tứ (còn gọi là Mạc thiên Tích, con của Mạc Cửu) cấp cho một khu đất khá rộng tại cây Quao để đặt Toà Giám mục. Ngài cũng cất một Chủng viện và tập trung các Chủng sinh về đây tu tập, dưới sự hướng dẫn của Cha Morvan. Năm 1778, nhiều đoàn cướp Cao Miên tràn sang đốt phá Chủng viện, giết Chủng sinh, nên Chủng viện bắt buộc phải dời về Gia Định.
Tháng 8 năm 1782, Nguyễn Huệ kéo quân thủy bộ nam tiến, đánh đuổi quân Chúa Nguyễn. Nguyễn phúc Ánh bị đánh bật ra khỏi đất Gia Định, chạy về Rạch Giá, lại bị quân Chân Lạp (Cao Miên) đuổi bắt, phải bôn đào ra đảo Phú quốc. Giám mục Bá Đa Lộc đưa tất cả chủng sinh sang đất Cao Miên.
Bị thất trận liên tục trong mấy năm liền, binh lực của Chúa Nguyễn ngày càng suy yếu, lương thực khô cạn dần, vì vậy, Chúa Nguyễn nảy ra ý định “nhờ ngoại quốc yểm trợ”. Lúc bấy giờ có nhiều thương gia và nhà truyền giáo ngoại quốc đến từ: Pha lang sa (Pháp quốc), Tây ban nha, Bồ Đào nha, Ý Đại lợi. Trước tình hình an ninh bất ổn định, hơn nữa nhà Tây Sơn cấm đạo quá nghiêm ngặt, muốn cho dễ dàng trong việc mua bán làm ăn, nhất là vấn đề truyền giáo, Giáo sĩ cũng như thương gia Tây phương bắt tay ngoại giao với Chúa Nguyễn và hứa sẽ vận động Chính phủ của họ trợ giúp cho quân của Nguyễn phúc Ánh phục quốc. Vì Đức Cha Bá Đa Lộc đang quản nhiệm Giáo Đoàn Đàng Trong, nên Nguyễn phúc Ánh nhờ cậy cầu viện Pháp quốc và La mã. Nguyễn phúc Ánh ủy nhiệm Đức Cha Bá Đa Lộc làm Sứ giả, trao dấu ấn Vương triều và đem Hoàng Tử Cảnh (Thái tử Nguyễn phúc Cảnh, hơn 5 tuổi) theo để làm con tin. Đức Cha rời khỏi Việt Nam từ tháng 2 năm 1785, mãi cho đến tháng 7 năm 1989 mới trở về lại. Vì rất nhiều khó khăn trở ngại trên vấn đề di chuyển cũng như do nội tình phức tạp của nước Pháp và Âu Châu lúc bấy giờ, nên không đạt được sở nguyện. Tuy nhiên, nhờ vào số tiền vận động được của các gia đình bà con, bạn bè, cọng thêm sự giúp đỡ của các thế lực thương mãi, Đức Cha đã mua sắm một số vũ khí: súng ống đạn dược, chiến thuyền và mộ thêm binh lính (trong đó có một số cựu quân nhân thiện chiến) có thể bồi lực cho quân Chúa Nguyễn.
Tình hình đã thay đổi thuận lợi. Quân Chúa Nguyễn Ánh lần lượt chiếm lại miền nam, đặt Tổng Hành Dinh tại Tân Triều (Đồng Nai). Đức Cha cũng chọn địa điểm Lái Thiêu làm trung tâm Giáo phận, đặt Toà Giám mục và xây toà nhà Chủng viện.
Ngày 9 tháng 10 năm 1799, Đức Giám mục Bá Đa Lộc được Chúa gọi về.
Kể từ năm 1802, Vua Gia-Long thống nhất sơn hà, tuyên bố hủy bỏ các chiếu dụ cấm đạo Công giáo, cho phép các Giáo-sĩ được tự do truyền đạo, xây cất Thánh-đường, và các cơ-sở bác ái, giáo-dục. Đến măm 1805, Đức Cha Gioan Labartette (1793-1823) kế vị Đức Cha Bá-Đa-Lộc (Pigneau De Béheine).
Kể từ năm 1820, Minh-Mạng nối nghiệp Vua, vì ác cảm với người ngoại quốc và đạo Công-giáo nên Vua đã ra nhiều chiếu dụ cấm đạo. Năm 1825, Chủng-viện Lái-Thiêu đã phải dời sang Pinang, thuộc Mã-lai-Á, đến đời Vua Thiệu-Trị (1840-1847), ít chú tâm đến việc cấm cách đạo giáo nên Giáo-Hội Viẹt Nam được tạm thời yên ổn. Trong thời gian đó, địa phận Đàng Trong dưới quyền cai-quản của Thánh Giám-mục Têphanô Cuénot (Thể) (1840-1861 – Tử đạo). Năm 1841, Đức Cha Têphanô Thể triệu tập Công-đồng chung toàn Giáo-phận, ổn định các giáo xứ, mở rộng vùng truyền giáo lên miền Cao-nguyên, tái thiết Thánh đường, chuộc lại những người còn bị giam giữ, đặc biệt chú trọng việc đào tạo giáo-sĩ bản xứ, ngài chọn nơi nào thuận lợi, lập nhà Dục-anh để đào tạo thiếu niên, tuyển chọn chủng-sinh. Năm 1844, Đức Giám-mục xin Tòa Thánh tách phần đất phía Nam để làm Giáo phận mới: Giáo phận Tây Đàng Trong (tức Sài gòn hiện nay) đặt dưới quyền chăm sóc của Đức Cha Đamianô Lefèbre (Ngãi). Năm 1850, tách phần đất Cao-Miên làm Giáo -phận Nam-Vang. Phần còn lại (Địa phận cũ) gọi là Đông Đàng Trong gồm lãnh thổ từ sông Gianh đến Phan-Thiết. Tòa Giám-mục đặt tại Nước Mặn (GòThị). Vùng Nước Mặn còn gọi là Thị-Nại là vùng đồng-bằng đông dân, trù phú, nằm dọc theo đầm Thị-nại, chạy dài từ chân núi Triền-châu, Phù-cát (Cữa Cách-Thử) đến tận cửa khầu Qui Nhơn thông ra biển Nam Hải. Thị Nại là đất của Chiêm-Thành khi xưa, có tên là Criny Banay, được phiên âm thành Thị-lợi Bỉ-nại, gọi tắt là Thị-Nại.
Gò-Thị (Nước Mặn) khi đó là nơi rất đông đúc tín-hữu công-giáo. Cũng cần nhắc lại rằng từ khi chia hai Địa phận Đông và Tây Đàng Trong, Chủng-viện Pi-Năng trực thuộc về Sài gòn, nhưng Giáo phận Qui-nhơn vẫn còn gởi được chủng-sinh vào tu-tập.
Kể từ 1848, Vua Tự-Đức cấm đạo ráo riết gắt gao, công việc truyền bá Phúc Âm cũng như sinh-hoạt Tôn giáo đầy khó khăn trở ngại, thời gian này đã trở thành một “Thời tử nạn” với chuỗi ngày đau thương nhất cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Đông Đàng Trong (Quinhon) nói riêng. Đất đai, vườn tược, nhà cửa, súc vật, mùa màng của người công-giáo, tất cả đều bị chiếm-đoạt. Người công-giáo từng nghìn, từng vạn phải kéo nhau chạy trốn lên rừng sâu hoặc chui rúc dưới các hầm thuyền lênh-đênh ngoài biển khơi, một số đông bị bắt bớ tù đày, chịu gông cùm xiềng xích, sau cùng chịu chết (xử lăng-trì, xử bá đao, chôn sống, thiêu sinh . . . ) vì đạo Thánh Chúa. Máu Tử-đạo chảy nhiều nhất trong Nam cũng như ngoài Bắc trong thời gian này. Đức Giám-mục Têphanô Cuénot (Thể) chịu Tử đạo năm 1861. Tòa Giám-mục Qui-Nhơn bị trống ngôi trong ba năm, đến 1864 Đức Cha Charbonier (Trí – 1864-1878) kế vị Đức thánh Giám-mục Thể, đựợc một tàu Pháp đưa đến Qui-nhon (Lịch-sử Giáo-Hội Việt Nam của LM Bùi-Đức-Sinh OP. trang 364). Chiến tranh Việt-Pháp đưa tới Hòa-ước Nhâm-tuất (5-6-1862), bắt buộc Tự-Đức phải chấm dứt cuộc bách hại công-giáo. Lúc bấy giờ giáo dân lục-tục trở về làng quê của mình. Những giáo-sĩ sống sót trở về nhiệm sở cũ cùng con chiên, tái thiết giáo xứ, lập lại cuộc sống.
Trở lại vấn đề: Chủng-viện Làng-sông Qui-nhơn được thành lập năm 1863 (ước đoán căn cứ theo bản thông-tin Giáo-phận Qui-nhơn & Đà-Nẵng tháng 4-1964, như đã nêu ở đầu bài), thì năm 1863 Địa phận Đông Đàng Trong (Qui nhơn) chưa có Giám-mục cai-quản chính-thức (Đức Cha Thể tử đạo năm 1861 – Đức Cha Trí năm 1864 mới đến nhậm sở). Tuy nhiên, chắc chắn là phải có một Linh-mục Bề-trên giám-quản (chưa có tài liệu nào cụ thể). Có thể phỏng định rằng: Thời gian mà các Giáo phận được yên tĩnh, đều phải cố gắng tái lập sinh hoạt, tái thiết giáo-xứ, xây dựng cơ sở, chủng-viện . . . và như vậy Giáo-phận Đông Đàng Trong cũng phải trên đà phát triển dựa theo lược đồ của Thánh Giám-mục Têphanô Thể để lại .
Năm 1883 Vua Tự Đức chết, Triều-đình rối ren, phải ký Hòa-ước 1883, rồi 1884 công nhận quyền bảo-hộ của nước Pháp. Nhưng đến năm sau, 1885, phong-trào Văn Thân nổi lên, kéo nhau đi quấy phá các làng có người công-giáo, tái diễn cuộc bách hại tàn bạo hơn trước. Tại Địa phận Đông Đàng Trong, Đức Cha Van Camelbeke (Hân -1884-1901) phải chứng kiến những cuộc bách hại khủng khiếp nhất của Văn Thân: 8 Linh-mục Thừa sai, 5 Linh-mục Việt, 60 Thầy Giảng, 170 Nữ tu và trên 25 ngàn tín-hữu bị sát hại, trên 200 Thánh đường và nhà nguyện, cô-nhi-viện, tu-viện đều bị thiêu hủy. Từ năm 1888, nạn Văn Thân được dẹp yên, Giáo Hội Việt Nam, các Giáo phận được trở lại thời an-bình, cố gắng xúc tiến công việc củng-cố đức Tin, kiến thiết giáo xứ và xây dựng các cơ-sở.
Một tài liệu của tòa Giám-mục Qui-nhơn ghi nhận rằng: Sau Văn Thân, Tòa Giám-mục và cơ sở Nhà Chung được xây dựng lại năm 1891, Tiểu Chủng-viện Làng-Sông được xây cất năm 1892 và Đại Chủng-viện Đại- An năm 1893 .
Danh hiệu Tiểu Chủng-viện Làng-Sông đã nói rõ địa điểm tọa lạc. Tài liệu còn cho biết Tiểu Chủng-viện nằm kề cận khuôn viên Tòa Giám-mục, như vậy khẳng định được rằng: Tòa Giám-mục và cơ sở Nhà Chung cũng đều nằm tại khu vực Làng-Sông. Còn Nữ Tu-viện Mến Thánh Giá, cô-nhi-viện vẫn tại giáo-phủ cũ Gò-Thị. Kể từ đời Đức Cha Hân (Camelbeke) Chủng-viện được chính thức ổn định cơ sở. Chủng-viện chia ra làm hai cấp: Cấp nhỏ là Tiểu Chủng-viện tại Làng-Sông (Xã Phước-Thuận, Tuy-Phước), nơi đào tạo tiểu Chủng-sinh (gọi là Chú) về phương-diện đức-dục, trí-dục và thể-dục, nhất là trau dồi về sinh-ngữ La-tinh. Cấp lớn, Đại Chủng-sinh (hay Thầy) tại Đại Chủng-viện Đại-An (xã Cát Nhơn, Phù-Cát) tu-tập về Triết học, Thần học . . .
Trước khi có Đại Chủng-viện, Chủng-sinh phải gởi sang học tại Chủng-viện Pinang.
Kế vị Đức Cha Hân là Đức Giám-mục Damianô Grangeon (Mẫn – 1902-1930). Ngài chú trọng đến công trình kiến trúc đúng nghĩa các cơ sở của Giáo phận mà trước đó, Đức cố Giám-mục tiền nhiệm mới chỉ tạm thời thiết lập. Năm 1904, Đức Cha gởi Cha Maheu (Cố Mỹ) sang Hồng-Kông nghiên cứu nhà in Nazareth rồi về thiết lập một nhà in tại Làng-Sông để in sách Kinh, sách Giáo-lý, sách giáo-dục, thư chung mục-vụ, thông cáo của Tòa Giám-mục, bản Thông tin của Giáo-phận (Mémorial) . . . Năm 1925, Đức Cha cho xây cất lại Tiểu Chủng-viện gồm hai gian nhà gạch, lợp ngói, dài, có tầng lầu, thay thế 4 dãy nhà tranh cũ. Công việc xây cất trong vòng hai năm và ngày 21 tháng 9 năm 1927, lễ Khánh-thành Tân Chủng-viện (như đã đề cập nơi phần đầu). Mémorial Địa phận năm đó ghi nhận là do công khó của Cha Gagnaire (Cố Định), Giám-đốc Chủng-viện đồng thời cũng là phó Bề trên Địa-phận (Vice-Provicaire). Kiến-trúc-sư là Cha D’ Orgeville (Cố Sĩ) và quản đốc xây cất là Thầy Hòa (Hội Thầy Giảng).
Trước kia, tuyển sinh được thu nhận vào tu tập tại Tiểu Chủng-viện, cứ ba hoặc hai năm một đợt, nhưng từ khi Chủng-viện có cơ-ngơi rộng lớn, tiện-nghi, bắt đầu từ năm 1930 (?) mỗi năm đều có nhận một lớp mới, sĩ số mỗi lớp cũng càng đông hơn. Tiểu Chủng-viện gồm có 8 lớp, tính từ lớp Tám đến lớp nhất. Các lớp 8+7 và 6, gọi là chú nhỏ, sử dụng căn lầu phía Tây. Từ lớp 5 đến lớp nhất, gọi là chú lớn, sử dụng căn nhà phía Đông. Mỗi bên đều có phòng ngủ, phòng học (riêng cho từng lớp), nhà chơi, sân chơi, nhà vệ sinh riêng, sinh hoạt riêng, còn Nhà Thờ (đọc kinh, xem lễ, chầu Thánh Thể) và giảng-đường chung. Vì trên Đại Chủng-viện, tất cả sách học về Triết-học và Thần-học đều bằng tiếng La-tinh, nên bắt đầu từ lớp 6 đã phải chuyên học về La ngữ.
Giám-đốc Tiểu Chủng-viện còn gọi là Cha Bề-trên, thời trước đều là các Cha Pháp: Cha Gagnaire (Cố Định), đến Cha Guillaume (Cố Yên), sau là Cha Joseph Clause (Cố Hồng). Giáó sư các lớp gồm vài Cha Tây và đa phần là các Cha Việt. Ngoài ra còn có ba Thầy, một giám-thị cho chú lón, một giám-thị cho chú nhỏ và một làm phụ-giáo (Ba Thầy này được tuyển chọn trong số các Thầy mãn Triết-lý và ra đi giúp xứ, thực tập trong 2 năm).
Đến đời Đức Cha Augustin Tardieu (Phú, 1930-1942), Tòa Giám-mục lại được đưa về Qui-nhơn. Qui-nhơn, trước năm 1900, chỉ là một dãi phù sa, có một số ngư-phủ cư ngụ gọi là làng Chánh-thành. Vì lúc bấy giờ chưa có phương tiện giao thông, chi có đường thủy là thuận lợi, Qui-nhơn có cửa khẩu thông ra biển, có đầm Thị-nại nên ghe thuyền buôn bán tiện lợi tấp nập, các thương gia Hoa-kiều (Trung-Hoa) đã biến thành thương-khẩu để hành nghề thương mại. Bắt đầu Thế-kỷ 20, bãi cát Chánh-Thành hóa ra một thương-khẩu phồn thịnh, người dân tấp nập đến cư ngụ buôn bán làm ăn, do vậy mà có danh từ Qui nhơn (theo chữ Hán: Qui là về còn Nhơn là người), và từ đó biến thành địa danh cho khu trù phú mới. Sau đó, chính-quyền Bảo-hộ Pháp thiết lập cơ sở của tòa Khâm-sứ và các cơ quan trực thuộc. Năm 1925, chính quyền Nam triều Tỉnh Bình-định (Tổng-đốc, Bố-chính, Án-sát, Lãnh-binh, đồn Khố Xanh, Lao-xá…), cũng dời cả về Qui nhơn. Trong báo cáo thường niên về Tòa Thánh năm 1931, Đức Cha Phú (Tardieu) ghi nhận rằng: “Chúng tôi thiết nghĩ Giáo phận Qui-nhơn rộng lớn, một ngày nào đó sẽ chia thành ba hay bốn Giáo-phận và bỡi vì vị trí trung tâm nên Chủng-viện tại Qui-nhơn trong tương lai sẽ là một Chủng-viện Miền”. Cuối tháng 6 năm 1933 dịp khánh-thành tòa nhà Đại Chủng-viện, đã tổ chức lễ phong chức cho khóa tân Linh-mục tại nhà nguyện Đại Chủng-viện (lần đầu tiên) cho các Cha Trịnh-hoài-Ân, Nguyễn-Bàng, Nguyễn-thanh-Long, Châu-Phận và Dương tấn-Quá. Lúc đó Tòa Giám-mục mới được khai móng, còn nhà thờ Chính tòa Qui-nhơn quá nhỏ và đến năm 1939, nhà thờ Chính Tòa xây cất lại mới được hoàn thành. Tiểu Chủng-viện vẫn nằm tại Làng-Sông.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tất cả Linh mục thừa sai người Pháp, kể cả Đức Giám-mục đương nhiệm, Đức Cha Michel Piquet (Lợi) đều bị tập trung đưa vào Nha-Trang. Giám-đốc Chủng-viện được bàn giao lại cho Linh-mục Dương-tấn-Quá. Tháng 8 năm đó Việt minh cướp chính quyền, quân-đội Pháp được tái võ-trang xâm lược. Năm 1946, lệnh toàn quốc kháng chiến (chiến tranh Việt-Pháp), thành phố Qui-nhơn bị bắt buộc phải di tản để tiêu thổ. Đại Chủng-viện phải dời về Làng-Sông. Căn nhà phía Tây của chú nhỏ được dành một nửa để nhường cho các Thầy sử dụng. Một số chú nhỏ ở các Tỉnh Khánh-Hòa, Phan-Rang, Quảng-Nam về nghỉ Hè, bị kẹt không thể về học. Quân đội Pháp chiếm lại vùng Sàigòn và các vùng Nha-Trang, Đà-Nẵng. Đức Cha Lợi giám quản những vùng Pháp đã chiếm đóng. Còn từ cầu Bà-Rén (Quảng-Nam) đến La-Hai (PhúYên) do chính quyền Việt Minh cọng-sản kiểm soát, gọi là Liên-khu V. Tòa Thánh đặt Cha Đặng-quyền-Huy Giám quản Tông Tòa.
Năm 1946 Đức Cha Piquet (Lợi) mượn trường học Tấn-Tài thuộc Giáo xứ Dinh-Thủy, Phan-Rang để làm Tiểu Chủng-viện tạm thời cho các Chủng sinh ở vùng Quốc Gia kiểm soát vào tiếp tục học và tuyển thêm lớp mới. Riêng Chủng viện Làng Sông, mặc dù bị đình trệ vài tháng, nhưng cũng tiếp tục mở cửa dón nhận chủng sinh vào học. Cho đến đầu năm 1952, Chủng viện hoàn toàn bị đóng cửa. Những năm sau đó, số Tiểu Chủng sinh bị kẹt trong vùng Liên khu V (Việt Minh kiểm soát) trước đây (1950), một số trốn thoát được vào Nha-Trang, một ít được Đức Cha thu nhận cho tiếp tục tu-trình Linh mục; số nữa trở về cuộc sống gia đình. Hầu hết số chủng sinh bị kẹt ở vùng Việt Minh không trốn đi được đều nản lòng chờ đợi và hòa mình vào cuộc đời trần tục.
Năm 1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, từ sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 trở vào thuộc Chính quyền Quốc-gia, nhưng mãi đến tháng 5-1955 bộ đội Việt Minh mới triệt thoái hết.
Tháng 9-1955 Tiểu Chủng viện Làng sông mở cửa trở lại, những chủng sinh cũ không còn nữa, thu nhận lớp học sinh mới, gọi là Lớp Nhất (Supérieur) chuẩn bị cuối năm thi bằng Tiểu học. (Còn một ít Thầy vào trình diện Đức Giám-mục Địa phận, nhưng bị Đức Cha từ chối, chỉ có hai Thầy kiên nhẫn đã được Đức Cha Phạm-ngọc-Chi gọi lại và đã lãnh chức Linh mục là Cha Nguyễn quang-Báu và Cha Nguyễn-thanh-Huệ (Thất). Thời gian này Tiểu Chủng viện Tấn Tài vẫn được duy trì và đã được dời về Nha-Trang.
Kể từ niên khóa 1956, Tiểu Chủng viện chỉ còn học có 7 năm theo chương trình của Bộ Quốc-gia giáo-dục VNCH. Học-sinh được tuyển vào sau khi đã có bằng Đệ tam, Đệ nhị và Đệ nhất (Trung học Đệ nhị cấp). Đầu tiên Cha Hoàng (Quàng ngãi ) làm Giám đốc (1955-1956), đến Cha Nguyễn-công-Nghị (1956-1958), rồi đến Cha Huỳnh-văn-Hóa (1958-1960); sau đó Cha Võ-ngọc-Nhã (1960-1962) rồi Cha Huỳnh-kim-Lăng (1962 – ). Tháng 7 năm 1957, Tòa Thánh chia thêm Địa phận mới Nha-Trang gồm hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, và Đức Giám mục Piquet (Lợi) giám quản .Giáo phận Qui Nhơn còn lại 5 Tỉnh (Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên) đặt dưới quyền cai quản của Đức Giám-mục Phạm-ngọc-Chi.
Một biến cố quan trọng sau 4 Thế kỷ truyền giáo VN là ngày 21 tháng 12 năm 1960 , Đức Thánh Cha Gioan XXIII qua Tông chiếu Venerabilium nostrorum, thiết lập Phẩm Trật Hội Thánh tại Việt Nam. Tháng 1 năm 1963, hai tỉnh Quảng Tín, Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng được tách ra để lập Giáo phận mới mang tên Đà Nẵng, trách nhiệm chăn dắt giao cho Đức Cha Phạm-ngọc-Chi.
Giáo phận Qui Nhơn chỉ còn lại 3 tỉnh Quảng Ngãi Bình Định và Phú Yên đuợc Đức Cha Đaminh Hoàng-văn-Đoàn đảm trách.
Tháng 11 năm 1963, quân đội do Tướng Dương-văn-Minh cầm đầu làm cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô-Đình-Diệm. Từ những tháng cuối năm 1963 và đầu năm 1964, tình hình chính trị trong nước bị xáo trộn do những vụ chỉnh lý, đảo chính và những cuộc xuống đuờng của các lực lượng chống đối, nhất là nhóm Ấn-quang. Tình hình an-ninh lãnh thổ do vậy trở nên trầm trọng, cộng quân miền Bắc xâm nhập liên kết với du kích của cái gọi là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, xâm lấn chiếm cứ một số vùng nông thôn. Dân chúng thôn quê mất an ninh phải di tản về các Quận lỵ và Thị xã. Niên khóa 1964 Tiểu Chủng viện phải rời Làng sông, vì cơ sở trường Bình Lợi quá nhỏ không đủ chỗ dung nạp nên các lớp nhỏ (Đệ nhất cấp) còn tạm thời nằm lại Làng sông thời gian. Còn các lớp lớn Đệ nhị cấp) dọn về Qui Nhơn, đặt tại trường Bình Lợi La San cạnh Nhà thờ Chính tòa . . . Trường Dòng La San dọn về tại cơ sở Đại Chủng viện Qui-Hải. Trong thời gian Chủng viện chia đôi học sinh, cha Huỳnh-kim-Lăng về Qui-nhơn, cha Nguyễn thanh-Bình tạm thời làm Bề trên Tiểu Chủng viện tại Làng sông. Cha Quản lý Địa phận (Nguyễn-Sồ) đã cho tạm dựng lên thêm những láng trại vách gỗ ván ép, mái tôle, làm nhà nguyện, nhà cơm, nhà chơi, phòng học . . . đến năm sau, tất cà Tiểu Chủng sinh đều được tập trung cả về Qui-nhơn … Từ đó Tiểu Chủng viện không còn mang danh xưng là Làng-sông nữa, mà danh hiệu “Chủng viện Qui-nhơn”. Riêng cơ sở Làng Sông không còn là nơi lưu học cho tiểu chủng sinh nữa. Cuối năm 1964, bộ đội Bắc Việt đột phá bắn bazôka vào làm sập mất cầu thang phía tây và hư hại một số cửa, nhưng may mắn không có thương vong về nhân mạng. (đến năm 1970, Làng sông bị Việt cọng đột nhập một lần nữa làm hư hại khá nặng gian nhà phía Đông).
– Năm 1966 cha Lăng xin từ nhiệm Giám đốc vì lý do sức khỏe, cha Trịnh-hoài-Ân tạm giữ chức Giám-đốc Chủng viện đợi cha Huỳnh-đông-Các du học ở Hoa-Kỳ trở về. Cha Lăng vẫn còn danh nghĩa Hiệu trưởng. Năm 1967, cha Huỳnh-đông-Các được bổ nhiệm làm Giám đốc Chủng viện Qui-nhơn. Kể từ 1967, Chủng viện lại phải thay đổi thứ tự lớp học theo chủ trương mới của Bộ Quốc gia giáo-dục Đệ nhị Cộng Hòa, nghĩa là lớp đệ thất trở thành lớp 6 và tính lên cho đến lớp 12 .(Đệ nhất cũ). Năm 1968, cha giám đốc Huỳnh-đông-Các khởi công kiến thiết lại Chủng viện. Lược đồ kiến trúc do Thầy Dòng Đồng Công vẽ. Kinh phí xây cất do Đức Giám-mục Hòang-văn-Đoàn tài trợ một phần, phần còn lại do cha Huỳnh-đông-Các vận động ở các ân nhân. Công trình xây dựng đã đuợc hoàn thành vào năm 1972. cơ sở gồm có: tầng trệt và ba tầng lầu, tiện đầyđủ. Dĩ nhiên, đây là Trung tâm đào tạo chủng sinh, nhưng còn được sử dụng như một Trung tâm mục vụ trong những kỳ Hè. Tại đây đã mở những khóa đào tạo giáo viên các trường công lập với sự bảo trợ của Viện Đại học Công giáo Đà Lạt; giảng viên là các giáo sư trường Cao Đẳng Sư phạm Qui-nhơn. Mỗi năm giáo sinh được tu nghiệp một môn chính như Quốc văn, Toán và một môn phụ. Tất cả đã được 5 khóa, khóa Hè 1974 là khóa sau cùng.
Cũng trong giai đoạn này, vì cơ sở Đại Chủng viện giao cho các Thày Dòng La-San xử dụng nên chủng sinh sau khi mãn Tiểu Chủng viện phải ra giúp xứ, thực tập 2 năm trước đã, sau đó mới về Đại Chủng viện vào Triết học (trước đó vào Đại Chủng viện học xong 2 năm Triết rồi mới ra thực tập). Số các Thầy về Thần học được gởi đến các Đại Chủng viện Giáo Hoàng Học viện Đà-Lạt, hoặc ĐCV Xuân Bích (Huế) hay Chủng viện Hòa Bình Đà-Nẵng (chi nhánh của Xuân Bích).
Năm 1972, các Thầy Dòng cổ trắng Lasan dọn cả về Nha Trang trao Đại Chủng viện lại cho Giáo phận, Đức Cha Hoàng-văn-Đoàn dùng cơ sở này thiết lập một trường Trung học công-giáo: “Trường Vi Nhân”. Cha Huỳnh-kim-Lăng được đề cử làm Giám đốc kiêm Hiệu trưởng.
Năm 1974, Cha Huỳnh-đông-Các được Tòa Thánh trạch cử làm Giám-mục Giáo phận Qui-nhơn, Giám đốc Tiểu Chủng viện được giao cho Cha Huỳnh Tòa.
Cuối tháng 4 năm 1975, Cọng sản miền Bắc thôn tính cả miền Nam, chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ. Chủng viện vì vậy mà cho nghỉ hè sớm. Với chính sách của cọng sản, tài sản của Giáo phận bị chiếm đoạt. Vì tài chánh bị kiệt quệ, năm học 1975, Tiểu Chủng viện tuy có mở cửa, nhưng chỉ nhận có 2 lớp (11 và 12). Tiếp sau đó, cha Tòa đi theo di tản ra nước ngoài, cha Huỳnh-đắc-Nhì được Đức Cha chỉ định làm Giám đốc thay thế.
Năm 1976, lớp 12 mãn, chỉ còn có lớp 11 lên 12, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình định yêu cầu Đức Giám-mục cho chính quyền mượn cơ sở Chủng viện Qui-nhơn để làm “Cung Thanh-niên” của Tỉnh, Đức Cha Phao Lô không đồng ý vì tòa nhà tọa-lạc sát cạnh nhà thờ Chính Tòa, sự ồn ào không thích hợp với sự tôn nghiêm của Thánh đường.
Đến niên khóa năm 1977, hai lớp sau cùng của Tiểu Chủng viện cũng đã mãn chương trinh. Tuy vậy phải ở lại tại đó để giữ gìn cơ sở. Kể từ đó, Tiểu Chủng viện Qui-nhơn không còn chủng sinh nữa. Các Đại Chủng viện Xuân Bích, Đà Lạt, Hòa Bình cũng lâm vào cảnh phải đóng cửa. Các Thầy được gởi đi học các nơi đó, phải trở về lại Giáo phận. Lúc bấy giờ tạm thời chia ra làm 3 địa điểm tu tập: Một số (lớp lớn) ở tại ĐCV Qui-hải do Cha Nguyễn Soạn làm Giám-đốc, Một số (lớp nhỏ hơn) về lại Làng sông do cha Huỳnh-thanh-Khương giám quản, một số vào tại Long-mỹ với cha Nguyễn-tri-Phương, còn lại hai lớp nhỏ nhất mới vào Thầy vẫn ở nguyên tại cơ sở Tiểu Chủng viện với cha Huỳnh-đắc-Nhì. Mỗi nơi đều vừa học vừa phài tự lực cánh sinh: Làng sông làm đìa cá, Long Mỹ (Phú Tài) lo canh tác, còn nhóm Qui nhơn lúc đầu chạy xe ba gác, nhưng sau đó bị Chính quyền cấm đoán phải xoay qua làm ruộng mối. v. v … Cũng có mấy thầy được ra giúp xứ tại Phú Yên và Qảng Ngãi. Kéo được một thời gian, nhiều lớp đã học hết chương-trình Đại Chủng viện, nhưng nhà nước cọng sản không cho được phong chức. Năm 1980, chính phủ chỉ cho mỗi Miền có hai Chủng viện, Giáo tỉnh Miền Trung chỉ có Huế và Nha Trang mới được có Chủng viện. Căn cứ theo đó, năm 1983, Tô-đình-Cơ, chủ tịch tỉnh Bình-định ra lệnh dẹp bỏ Chủng viện tại Qui Nhơn, và như vậy cả Đại lẫn Tiểu Chủng viện đều bị giải thể.
Ai cũng biết, Chủng viện Qui nhơn là công trình kiến tạo của Đức cố Giám-mục Phao Lô Huỳnh-đông-Các. Vận động tiền bạc để đủ xây cất đã là một việc lớn lao, song bảo quản, nhất là giữ được không bị quốc-hữu hóa là việc còn khó khăn hơn. Trong mấy năm nay, Chủng viện Qui-nhơn là nơi dừng chân cho những đoàn hành hương hoặc đi viếng mộ Thánh Nguyễn kim-Thông tại Gò-Thị, hoặc đi viếng đền thờ Đức Thánh Giám-mục Têphanô Thể ở Vĩnh-Thạnh, hoặc đi viếng Linh địa Đức Mẹ Trà-Kiệu hay Thánh-địa Đức Mẹ La-Vang. Chưa nói đến nơi đó còn là chỗ lưu trú cho các Linh mục toàn Giáo phận hằng tháng về tĩnh tâm và hằng năm về cấm phòng.
Tháng 8 năm 1999, tại nơi đây đã diễn ra 2 cuộc lễ lớn nhất của Giáo phận: Ngày 11 Lễ Mừng Ngân Khánh Giám-mục của Đức Cha Phao Lô và ngày 12, lễ Tấn phong Giám-mục cho Đức Cha Nguyễn Soạn, Giám-mục đương kim Giáo phận Qui-Nhơn.
Theo dự tính của Đức Cha Soạn thì đây sẽ là một Trung tâm Mục vụ trong tương lai gần.
Để kết thúc, xin mượn tâm tình của Đức Giám mục Qui-Nhơn trong thư đề ngày 6 tháng 4 năm 2002 gởi cho Thân-hữu Qui Nhơn hải ngoại, Đức Cha ưu ái rằng: “Mỗi năm vào ngày Lễ kính Thánh Giu-Se, các cựu chủng sinh Làng sông Qui- nhơn xa gần đều tụ họp nhau để giao lưu. Ngày đó có Thánh Lễ, ôn lại quá khứ thân thương và qui tụ chẳng những các cựu học viên mà còn cả gia đình vợ con của các anh. Điều này nói lên phúc lành của Thiên Chúa dành cho những ai đã từng sống dưới mái trường thân yêu này. Người làm Giám-mục, người làm Linh-mục, kẻ có đôi bạn, kẻ sống độc thân, tất cả đều được rèn luyện nơi đây để trở nên hữu ích cho Chúa, cho Giáo Hội, cho các gia-đình không phân biệt ngôi thứ, đẳng cấp hay điều kiện sống. Như vậy, Làng Sông nay không phải đi vào dĩ vãng, mà trở nên “ALMA MATER”, người Mẹ thân thương, trở nên biểu trưng cho tình Chúa nhập thể nơi chúng ta, nay lan rộng khắp muôn nơi, vượt qua mọi biên giới để mang tinh thần huynh đệ thắm thiết đến cho mọi

Leave a Reply