CẢ MỘT ĐỜI CẢM ƠN CHƯA ĐỦ

CẢ MỘT ĐỜI CẢM ƠN CHƯA ĐỦ

(CHÚA NHẬT XXVIII TN C 2022)

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, chính xác là vào năm 1959, làng điện ảnh thế giới đã ngỡ ngàng với sự xuất hiện của một “siêu phẩm điện ảnh” hay “kỳ quan điện ảnh” với 11 giải Oscars, là bộ phim “BEN HUR”, một phim sử thi do hảng phim MGM của Mỹ sản xuất với nhà đạo diễn chính là William Wyler theo kịch bản được soạn với Karl Tunberg cùng với 4 nhà biên kịch khác: Maxwell Anderson, S. N. Behrman, Gore Vidal và Christopher Fry dựa trên cuốn tiểu thuyết lịch sử phiêu lưu lừng danh Ben Hur – A Tale of Christ, xuất bản năm 1880, của nhà văn Mỹ Lewis Wallace. Cho đến thời điểm 1900, cuốn Ben Hur  tiểu thuyết Mỹ bán chạy nhất thế giới; và suốt 80 năm sau, số lượng sách bán ra vượt xa cuốn Túp lều của bác Tom của Hariet BeecherStowe và Cuốn theo chiều gió của Magaret Mitchel…

Sở dĩ nhắc đến bộ phim và cuốn tiểu thuyết Ben Hur vì ở đó có một chi tiết thật cảm động: bà mẹ Miriam và người em gái Tirzah của chàng dũng sĩ Ben Hur được Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh phong hủi. Trong khi tiểu thuyết của Wallace đặt “phép lạchữa lành” nầy xảy ra khi hai mẹ con của Ben Hur gặp Chúa trên con đường Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem, thì nơi phim Ben Hur của đạo diễn Wyler, hai mẹ con được chữa lành phung hủi nhờ cơn mưa thấm máu đào của Chúa trên đồi Sọ…!

​Sở dĩ cuốn tiểu thuyết và cuốn phim Ben Hur đã trở thành “văn hóa phẩm” vĩ đại bất tử, vì nội dung cốt yếu chuyển tải sứ điệp tình yêu và cứu độ của Chúa Giêsu bằng ngôn ngữ nhân văn lãng mạn của tiểu thuyết hay ngôn ngữ trung thực huy hoàng diễm lệ của điện ảnh.

​Hôm nay, Chúa Nhật 28 thường niên năm C, Lời Chúa cũng muốn chuyển tải nội dung sứ điệp “tình thương và sự chữa lành”đó khi nhắc đến những người mắc bệnh phong cùi và hồng ân được Thiên Chúa chữa lành từ thời ngôn sứ Elisêô trong Cựu ước hay thời Chúa Giêsu của Tân ước.

​Trước hết là câu chuyện trong Sách Các Vua quyển hai: Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạchSau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói:“Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

​Trong khi đó, trích đoạn Tin Mừng Luca tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành không chỉ một mà là “10 bệnh nhân phung cùi”; nhưng lạ một điều là “chỉ có một người duy nhất trở lại tạ ơn sau khi đi “trình diện với hàng tư tế” !

​Bị mắc bệnh hiểm nghèo – bệnh phung cùi và được chữa lành, nếu xét về mặt khoa học tự nhiên thì cũng là chuyện bình thường. Ngày hôm nay, với biết bao khám phá mới lạ về y học, về thuốc men và các phương pháp điều trị xuất chúng…, một số các bệnh nan y ngày xưa (cả bệnh phong cùi) không còn là “bất khả trị”.

​Tuy nhiên, sứ điệp Lời Chúa hôm nay chắc chắn không nhằm quảng cáo hay đề cao “phác đồ điều trị bệnh phong cùi cách dứt dạc và mau chóng của Chúa Giêsu; và cũng chắc chắn, không là một lối “giới thiệu chân dung đích thực Đấng Mêsia”, Đấng thi thố quyền năng siêu quân bạt chúng, mà tâm thức đám đông dân chúng bấy giờ đang mộng tưởng !

​Vâng, “phung cùi” và việc “được chữa lành” mà Lời Chúa hôm nay đồng thanh nhắm tới lại mở ra một viễn tượng khác; và đó chính là tiêu đích của mạc khải Thánh Kinh: “tội lỗi” và “tình thương cứu độ”.

​Thật vậy, ngay từ thuở xa xưa, chính trong cái nỗi bi đát khốn cùng của kiếp phận sống dở chết dở đó, mà bệnh phong cùi đã được các Thánh ký dùng làm biểu trưng của “thân phận tội lỗi” của con người. Tội lỗi chính là một thứ “cùi hủi tâm linh”, một tình trạng bi đát khiến con người bị đẩy vào tình trạng xa cách Thiên Chúa và anh em đồng loại. 

Đặc biệt trong ngữ cảnh của Tin Mừng Luca hôm nay, mười người phung cùi lang thang đi tìm Đấng Cứu Thế “đang đứng ở đàng xa” với lời van xin tha thiết: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”, chúng ta như nghe vọng về những lời nguyện xin của những tâm hồn tội lỗi nài xin lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa:

– Người thu thuế đấm ngực thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi” (Lc 18,13)

– Người con hoang trở về thưa cha: “Thưa cha, con đã đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15,21)

– Kẻ trộm bị đóng đinh sám hối: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. (Lc 23,42)

​Và Thiên Chúa đã đón đợi từ lâu để “chữa lành” những thân phận con người “phung cùi đáng thương” đó. Lịch sử cứu rỗi phải chăng là một thiên tình ca về lòng yêu thương và sự chữa lành của Thiên Chúa dành cho thân phận tội lỗi cùi hủi của loài người. 

​Vâng, Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng đó là Vị Thiên Chúa “đã cắm lều cư ngụ giữa loài người”, là một Rabbi Giêsu đã không kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình, đã chấp nhận những giọt nước mắt sám hối và nụ hôn chân của người phụ nữ tai tiếng tội lỗi, đã chén thù chén tạc với anh em thu thuế bị người đương thời phỉ nhỗ, loại trừ…; đó là Vị Thiên Chúa đã không ngần nại chạm đến những kẻ phung cùi bị vất bỏ “bên bờ rìa cuộc sống” để mang họ trở lại cuộc sống mới, cuộc sống với đầy đủ phẩm giá và tự do để ngẫng cao đầu bước tới… 

​Và như thế, chuyện “phung cùi” và “chữa lành” đâu chỉ là “chuyện ngày xưa kể lại” và chỉ liên quan đến một số người nào đómà là chuyện liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay, đến nhân loại nói chung, một nhân loại tội lỗi, yếu hèn luôn cần được chữa lành tha thứ.

​Chuyện những người phung cùi hôm nay còn muốn nói với chúng ta rằng: Dòng nước sông Giođanô đã tẩy sạch bệnh phung cùi cho Naaman, để từ đây, ông trở thành một người tin thờ Thiên Chúa của Israel: vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”, phải chăng đó chính là hình bóng tiên trưng dòng nước của bí tích Thánh Tẩy sẽ tẩy sạch chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi để được gia nhập vào đoàn Dân mới, Dân Thánh, Dân tư tế, Dân vương đế ! Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ, khi Đức Kitô chữa lành 10 người phung cùi, thì điều đầu tiên Ngài lệnh cho họ là phải đi trình diện với các tư tế. Điều đó muốn nói lên rằng, một khi đã được chữa lành khỏi vết nhơ tội lỗi, con người sẽ được hội nhập vào cộng đoàn dân thánh, là công dân Trời, sẽ được ngẫng cao đầu đĩnh đạc tiến vào mái nhà của Thiên Chúa mà không sợ ánh mắt nào đố kỵ, rẽ khinh. Quả thật, phung cùi hay tội lỗi đều có chỗ trong mái nhà Thiên Chúa và đều có cơ hội để ngẫng cao đầu vui sống !

​Làm sao con người có thể vô tình vô ơn khi lãnh nhận hồng ân cứu độ cao cả như thế ! Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ hôm nay còn gọi mời chúng ta phải luôn biết sống tâm tình tri ân cảm tạ vì muôn vạn hồng ân đã nhận được từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã từng nhắc khéo: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”

​Nếu “Tạ ơn” hành vi cốt lõi của đức tin, là câu điệp khúc của toàn bộ Sách Thánh: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107,1)là sự biểu hiện cao nhất, đúng nhất của mọi tôn giáo, tín ngưỡng, thì trái lại, vô ơn đồng nghĩa với thái độ vô thần, vô tôn giáo, vô tín ngưỡng…; trong chiều kích nhân bản, đó chính là thái độ tự mãn, kiêu căng, lấy mình làm đủ, coi mình bằng trời…Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm !”; “Ông trời dẹp lại một bên, để cho nông hội đứng lên làm trời….  

​Nơi Bài đọc 2 hôm nay, qua lời nhắn gởi cho người đồ đệ Timôthê, Thánh Phaolô đã một cách nào đó, cảnh báo chúng ta về thái độ “vô ơn” và “biết ơn”: Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta.”

​Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu bật mẫu gương của Thánh Phanxicô Assisi về thái độ “biết ơn, tạ ơn”: Đó là điều Thánh Phanxicô Assisi đã sống, ngài có thế cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn trước một mẩu bánh mì khô, hay vui mừng hát ca tôn vinh Thiên Chúa chỉ vì một làn gió nhẹ làm mát khuôn mặt ngài.” (GE 127).

​Và như thế, đâu cần phải là người “phung hủi được chữa lành”, là kẻ “tội lỗi ngập đầu được thứ tha”…; vâng,

Đâu phải cứ thật lớn, thật nhiều, mới trở thành con nợ,

Một lát bánh mì khô, một làn gió nhẹ… thế thôi.

Một nụ cười, một ánh mắt, một bờ môi,

Một chút tình thôi…, cả một đời cảm ơn chưa đủ ! (Sơn Ca Linh: Mẫu bánh mì khô và làn gió nhẹ)

Trương Đình Hiền