Cảm nghĩ về một chuyến đi

Cảm nghĩ về một chuyến đi

Tùy-bút của Nam Lộc -Thủy
KNMCDSau hơn 15 giờ bay, thêm 2 giờ nghĩ tại phi trường Đài Loan cuối cùng tôi đã đến Sai-Gòn, thành phố mà một thời được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Không khí ở đây nóng bức và có mùi ẩm ướt của miền nhiệt-đới làm tôi ngột ngạt khó chịu. Đến cổng vào, tôi trình pasport, visa và tờ khai báo cho nhân viên hành sự, nguời nhận giấy tờ là một nữ công an. Theo kinh nghiệm của nhiều người, để tránh những rắc rối hoặc sự cầm giữ vô lý của nhân viên hải quan khi qua cổng, thì nên đặt hình tổng thống Lincoln giữa hai trang pasport, như thế mọi chuyện sẽ êm xuôi, cho dù không có tờ khai báo, hoặc khai báo có sai, thì cũng chẳng sao, và còn được ân-cần hỏi thăm về gia đình, con cái một cách đon đả, nồng ấm của nhân viên hành sự, mặc dầu hành khách chẳng có quan hệ hay quen biết gì với nhân viên đó. Riêng tôi và hành lý chẳng có điều gì gọi la phi pháp, nên tôi làm mọi thủ tục một cách bình thường như bao nhiêu hành khách khác. Khi ra đến quầy lấy hành lý,có một ít người ăn mặc đồng phục, họ dành lấy hành lý của tôi để đòi phục vụ mà chẳng có sự yêu cầu nà, nhưng rồi tôi đã từ chối một cách khôn khéo, vì theo tôi nghĩ hầu bao không phải lúc nào cũng mở ra một cách vô lý, cuối cùng tôi đẩy hành lý ra khỏi cửa phi trường với cảm giác như thoát nợ…
Ba đứa cháu, Du,Thắng và Chương đón tôi ở cổng phi trường khi tôi vừa ra khỏi khu cách ly. Từ đằng xa chúng đã kêu Cậu..Cậu..Cậu.., tôi ngước mắt nhìn thấy chúng đang nở những nụ cười mầng rỡ. Nhìn mặt từng đứa cháu, lòng tôi như chùng xuống . Mặt mày rám nắng, đen đỉu ,những vết hằn in sâu trên trán, như chứng tích của những tháng ngày lam lũ vất vả, cực nhọc với công việc rẫy nương. Tôi thầm nghĩ trong lòng, giả như ba đứa này ở một đât nước bên trời Âu, Mỹ chắc rằng chúng đã có một tương lai hứa hẹn, một cuộc sống sung túc. Ngày gia đình tôi vượt biển 1981, cháu Thắng và Chương vẫn còn nhỏ, chỉ tiếc cho cháu Du đã lỡ một chuyến đi, khi tôi đã sắp xếp và báo cho cháu biết ngày, giờ và địa điểm xuất phát, nhưng đến ngày đi, cháu bị công an theo dõi và bám sát, cuối cùng vì cháu muốn giữ an toàn cho chuyến đi nên cháu phải hy sinh và quay trở về Ban Mê Thuột theo lệnh của công an. Sau hai mươi chín năm xa cách, kẻ đó người đây, bây giờ gặp lại cháu, trong nỗi luyến tiếc nghẹn ngào về cái ngày không may ấy. Đang suy nghĩ miên man về những ngày chuẩn bị bỏ nước ra đi của hai mươi chin năm trước, bổng có chiếc taxi dừng lại trước đống hành lý của tôi, cắt đứt những giòng suy nghĩ. Chúng tôi lên xe về khách sạn. Xe lướt đi trong bụi mờ, dưới cái nóng gay gắt của một ngày đầu tháng sáu. Các ngã đường, đủ mọi loại xe, xe buýt, xe hàng, xe taxi, xe du lịch, xe gắn máy, xe đạp chen chúc dành nhau từng khoảng đường, đan chéo vào nhau như cái màng nhện. Từ trong xe tôi nhìn ra ngoài, trên từng chặng đường từng khu phố, chính những nơi này, nhiều lần tôi đã đi qua, như gợi lại cho tôi những hoài niệm dấu yêu của một thời cắp sách đến trường, cái thuở đầu đời biết yêu, biết làm thơ, bài thơ đầu mùa tuổi dại, chợt trong khoảnh khắc tôi nhớ lại mây câu thơ của Mạc-Phương-Đình :
…Người đi chân lạc phương trời cũ
Mưa nắng tàn phai tuổi hẹn thề
Con phố không dài như kỷ niệm
Thời gian mòn dấu kẻ ra đi
Chúng tôi tìm đến một khách sạn tọa lạc tại đường Lê-Thánh-Tôn, gần khu chợ Bến Thành, mục đích là để có tiện nghi ăn uống, đi lại mua sắm dễ dàng. Từ trên hành lang của tầng lầu sáu, tôi nhìn xuống đường phố, từng làn sóng xe cộ dồn dập nối đuôi bám sát nhau, lách qua, lách lại để tranh dành từng khoảng đường chật hẹp. Tôi tự hỏi, họ đi về đâu? Phải chăng trong dòng đời sinh hoạt dọc ngang, họ đang tìm kế sinh tồn cho gia đình, cho bản thân, trên từng góc phố, trên từng con đường của một đất nước đã hết chiến tranh 35 năm !!! Nắng chiều vẫn gay gắt chiếu trải trên từng cánh phượng vĩ đỏ thắm, mây vẫn bay trên vùng trời thương nhớ từ thuở ta xa cách, và biết bao mùa lá rơi mang theo những nỗi buồn chia ly, sầu muộn. Tôi đão mắt nhìn quanh, những ngôi nhà chằng chịt, san sát nhau, bên cạnh những cao ốc, những khách sạn đồ sộ, mà lòng quặn đau khi thấy mấy người hành khất tay bồng tay giắc bé thơ, đang ngữa tay xin những người khách qua lại bên vệ đường. Đành rằng bầu trời nào cũng có nắng có mưa, ở đâu cũng có hạnh phúc và khổ đau, nơi nào cũng có nước mắt và nụ cười, nhưng có lẽ ở đất nước tôi sinh ra và lớn lên, nước mắt nhiều hơn nụ cười, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Đường phố đông người, chen chúc trên lối đi. Người bộ hành và kẻ buôn thúng bán bưng vẫn ngược xuôi, xuôi ngược bên những vệ đường chật hẹp. Chúng tôi tản bộ dọc theo con đường Lê-Lơi, nơi có tiệm sách Khai-Trí ngày nào, nhưng cảnh cũ người xưa đã mất dấu, có còn chăng là hoài niệm của ký ức. Cũng trên đường phố này trước năm 1975 nhộn nhịp vào những chiều thứ bảy, chúa nhật, trai thanh, gái lịch, dập dìu tài tử giai nhân như nét đẹp văn hóa của một thời thanh bình, sầm uất. Nhưng bây giờ đất nước đã đổi chủ, thành phố đổi tên, kỷ niệm chìm khuất theo từng con phố cũ, chạnh lòng tôi nhớ đến mấy câu thơ của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, đã được phổ nhạc, qua tiếng hát Khánh Ly :
Sài gòn ơi ta mất người như người đã mất tên,
mất từng con phố đổi tên đường,
khi hẹn nhau đã lạc lối tìm…
Nắng nóng đã giảm nhẹ dưới những tàn cây cao, chúng tôi đi tìm một quán ăn. Tôi hỏi mấy đứa cháu, có tiệm ăn nào sạch sẽ và ngon để chúng ta cùng đi ăn không? Câu trả lời của mấy đứa cháu làm tôi xót xa . “Những quán ăn của dân lao động thi chúng cháu biết,nhưng những quán ăn ngon thì chúng cháu chưa bao giờ được ăn “.Qua câu trả lời đơn sơ, chân tình làm liên tưởng đến cuộc đời tôi ,cách đây 46 năm. Hồi đó còn sinh viên, ngoai giờ học, đi dạy kèm cho hai em học sinh lớp 10 con bà chủ quán Bar ở đường Trần-Hưng-Đạo,số tiền lương chỉ vừa đủ cho tiền nhà, tiền xăng cho chiếc xe velosolex và chi phí linh tinh, còn ăn uống thì bữa đói bữa no, để hợp với túi tiền thì chỉ có qua Kho Năm ở Khánh Hội ăn theo phần ăn của lao công mới đủ no..! Dĩ vảng xa rồi, thời gian quá lâu đủ để quên những ngày còn bạch diện thư sinh, nhưng hôm nay những hình ảnh trong quá khứ như khơi lại trong tôi qua ánh mắt và lời nói chân thật của đứa cháu, để rồi xót xa cho một thời đã qua và để đồng cảm, chia sẽ với những ngươi cùng cảnh ngộ, mà đã ba mươi lăm năm nghèo đói vẫn đè nặng trên cuộc sống.
Mặt trời đã chìm khuất sau những hàng cây, chỉ còn lai một chút nắng vàng yếu ớt, chiếu rọi qua kẻ lá, như báo hiệu một ngày sắp hết. Chúng tôi ung dung đi hết con đường Lê-Lợi, qua cữa Nam, cữa Tây và cữa Băc của khu chợ Bến Thành, và cuối cùng rẽ vào một quán ăn lộ thiên. Phố xá đã lên đèn, nhưng không khí vẫn còn oi bức và ngột ngạt khó chịu. Hai quạt máy mở hết số đang quay về hướng bàn của chúng tôi, tuy nhiên càng quạt càng thấy hừng hực. Những phục viên là những cô gái trẻ, trang phục áo dài màu hồng, quần satin trắng, tóc búi cao, lấm tấm đôi giọt mồ hôi trên trán làm tăng vẻ đẹp tự nhiên, họ tiếp đãi nhanh nhẹn và lịch sự. Quán càng lúc càng đông ; có những người khách ngoại quốc dẫn cả gia đình, vợ con cùng ăn. Sau khi rời quán, chúng tôi đi dọc theo những gian hàng bán quần áo, dày dép, đối diện với quán ăn để vừa xem vừa đi dạo mát. Sau đó chúng tôi trở về khách sạn nghỉ, để chuẩn bị cho những ngày kế tiếp, và tối hôm đó sự mệt mỏi đã làm cho tôi có một giấc ngủ ngon và quên đi những sinh hoạt nhộn nhịp, tấp nập về đêm của khu chợ Bến Thành .
Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy hơi muộn, vệ sinh cá nhân xong, xuống phố điểm tâm. Phố xá tấp nập, sinh hoạt nhộn nhịp cho một ngày mới. Một mình tôi rảo bước xuống đường Hàm Nghi, qua chợ Cũ tìm dấu tích ngày xưa, hình dung lại những buổi chiều vàng với một vài người bạn bên những ly sâm bổ lượng. Tôi lần theo các ngã đường xuống bến Bạch-Đằng trốn nắng. Ở đây không khí dịu lại nhờ hơi nước của giòng sông. Ngồi trên ghế đá, nhìn xuống giòng sông, nước vẫn chảy, bốn mùa con nước lên xuống chẳng biết đưa đẩy đám lục bình trôi dạt về đâu ? cùng chuyên chở biết bao con thuyền xuội ngược, và biết đâu rằng trong số những con thuyền ấy đã có những con thuyền biền biệt ra đi, để rồi chẳng bao giờ trở lại bến xựa. Nhánh sông nào rồi cũng chảy ra biển, nhưng có thuyền nào chở hết những niềm đau? Tôi vẫn bồng bềnh trên những nhánh sông đời, lắm lúc trôi ngược dòng về quá khứ, tìm lại dấu yêu nhạt nhòa trong ký ức tuổi thơ. Mặt trời đứng bóng, nắng vẫn trôi trên giòng sông, tôi băng qua nhiều con đường, băng xã vào những dòng xe ngược xuôi để tìm cho mình một lối đi.Nhớ laị hai mươi chin năm trước, vào một đêm đầu tháng sáu,tôi đem sinh mạng của tôi và gia đình bất chấp hiểm nguy đi tìm sinh lộ, để rồi hôm nay hoa sắc muôn màu đã nở rộ bên bờ sinh lộ ấy. Hôm nay ngày 4 tháng 6, kỷ niêm ngày gia đình tôi đến đảo Lubang,môt đảo thuôc miền trung Phi luật Tân, đối diên với Thái Bình Dương, và chiều nay tôi cũng sẽ đáp ga tàu về Đà nẵng, thành phố đã cho tôi một thuở rong chơi hồn nhiên của tuổi thơ. Nói đến tháng 6, tôi có nhiều duyên nơ, duyên nợ vui, buồn, duyên nợ hạnh phúc và bất hạnh. Từ chuyện học hành đậu đạt, lấy vợ, đi lính, ở tù, ra tù, vượt biển, đến Phi, đến Mỹ, về lại Việt Nam, đều là tháng Sáu, rồi ngày13 tháng sáu tôi sẽ có mặt trong lễ truyền chức Linh mục của cháu Trí, và tôi sẽ trở về Mỹ cũng trong tháng sáu.
Cơm tối xong, vợ chồng tôi rời khách sạn, thuê taxi đến ga Sài gòn lấy vé tàu đi Đà-nẵng. Mua vé xong, chờ mãi đến 11giờ khuya,tàu mới tới. Căn cứ vào hai tấm vé, chúng tôi vào phòng số 4, thuộc toa 11, mỗi toa gồm có 5 hoặc 6 phòng , mỗi phòng 4 giường, 2 giường trên và hai giường dưới, có mền đắp và đồ trải, có máy điều hòa, có TV, xem ra khá tươm tất, vợ tôi mang giường số 8 còn tôi mang giường số 6, cả hai số 6 và 8 đều nằm giường trên, tuy hơi bất tiện lên xuống ,nhưng chỉ cần ngủ một giấc dài đến ngày mai thì đã gần tới Đà-Nẵng. Chúng tôi vào phòng đã thấy có hai người khách đã nằm sẵn ở hai giường dưới. Sau khi thu xếp hành lý, tôi và bà xã mỗi người cùng trèo lên giường của mình. Tàu đã khởi hành, để lại sân ga buồn vắng,hắt hiu trong khói sương. Tiếng động cơ “xình xịch” đều đều tiếp nối tạo thành tiếng kêu quen thuộc đưa tôi vào giấc ngủ hồi nào không hay. Khi tỉnh giấc trời đã gần sáng, tàu đang ngừng ở một sân ga nào đó, trên tuyến đường dài 972 km từ Sài gòn đến Đà-Nẵng. Tôi nhìn ra ngoài, qua ánh đèn mờ, đọc được hàng chữ trên tấm bảng dài dưới mái hiên nhà ga : “Ga Ba Ngòi “. Sau khi rửa mặt, đánh răng và vệ sinh cá nhân,tôi trở về đứng ngoài hành lang,nhìn qua khung cửa sổ, đưa mắt nhìn xa về khoảng không gian mờ đục. Ánh hồng đã bừng lên sau mấy rặng cây. Khung cảnh hiện ra đã dần dần rõ nét, xem ra đâu đây như có phần quen thuộc. Bởi vì, sau những ngày ở tù về, những địa danh từ Cam ranh ra đến Nha Trang như gắn liền với cuộc sống của gia đình tôi. Đã hơn 30 năm , bao mùa thu đi qua, nhưng những nỗi buồn đau, xót xa vẫn chưa phôi pha trong ký ức. Bao nhiêu cây số đường tôi đã đi qua trong thời gian đó là bấy nhiêu nỗi đau thấm mồ hôi và nước mắt. Tôi mang danh một sĩ quan “ngụy” thuộc loại công dân hạng hai, bị quản chế sau ngày ở tù về, hai vợ chồng và 7 đứa con ,sống trong thời bao cấp, hai thước vải phải đo, một kí lô gạo cũng là tiêu chuẩn, biết lấy gì để sinh sống? Giờ đây trên lối xưa, đi về thành phố cũ đã một thời cho tôi những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui, mà nghe hồn mình quặn đau, khi nhớ lại khoai, sắn, bo bo, bữa đói bữa no, ăn cầm chừng nhường cơm cho lũ trẻ, nhưng vẫn không thấy được nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ trên những đôi môi thiếu dinh dưởng. Nhớ lại hồi đó, từ sáng tinh sương, hai vợ chồng qua bến xe đi vào Hòa Nghĩa, Cam Phúc, CamRanh dạo mua những đồ cũ như tôn, ván ép, cây gỗ, v.v. để về bán lại kiếm tiền nuôi con.! Có nhiều bữa, đi không, về không, chẳng mua được gì, lỗ tiền xe, cả gia đình lại thê thảm. Thế rồi năm tháng trôi qua, nhưng đói nghèo vẫn đeo đẳng.Vi`thấy cuộc sống quá bấp bênh, nên tôi đổi nghề “ đạp xe ba gác”. Hằng ngày đậu xe tại bến, dọc theo quốc lộ số 1, về hướng Tháp Bà, cách Cầu Xóm Bóng 200met về phía Bắc gần quán Café ông Chín Đốc, và phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Kể từ ngày nhập đoàn xe ba gác, tôi an phận thủ thường. Mỗi buổi sáng vào khoảng 4 giờ sáng tôi kéo xe ra bến vừa uống cà phê nơi quán vừa chờ khách. Hàng hóa là cá, heo, gà vịt, trái cây, xác mắm v.v..nhiều khi hàng là những vật nặng đá, gạch, sắt. Lắm lần vì quá mệt nhọc, tôi tìm đến một bóng cây nào đó, nằm dựa vào thùng xe lấy mũ che mặt tìm một giấc ngủ, để quên đời cay đắng. Và cứ thế, cuộc đời cứ lăng lẽ trôi qua, như tấm lịch hết ngày chúa nhật rồi thứ hai ; và chiếc xe ba gác suốt bao năm tháng đã chuyên chở những nỗi nhọc nhằn,những trân chuyên, những nỗi buồn của những tháng ngày gian khó…
Đúng 6 giờ sáng, tàu ngừng lại trước ga Nha-Trạng, tôi như chợt nghe tiếng hát của ca sĩ Thiên-Kim về trong trí tưởng, qua bài hát Nha Trang Ngày Về của Phạm-Duy “ .Ôi Nha-Trang ngày về,ngồi đây tôi lắng nghe, đêm nay lòng tôi khóc ,như oán hờn trách móc ,ôi trăng vàng lẽ loi! ôi đời, trời biển ơi !Không có nuôi tình tôi. Nha trang biển đầy, tình yêu không có đây, tôi như là con ốc, bơ vơ nằm trên cát, trôi sâu vào thân xác lưu đày, dạ tràng ơi ! sao lấp cho vơi sầu này..!! “ Nha Trang, thành phố đã cưu mang tôi suốt 17 nặm với những kỷ niệm khó quên. Từ thành phố này tôi hiến tuổi thanh xuân cho cuộc đời quân ngũ. Sự mất mát lớn nhất trong cuộc đời tại nơi đây là mất ba mẹ, biến cố đó đã cho tôi nỗi đau buồn chất ngất mà vành khăn tang không đủ thấm những giọt nước mắt, và những tràng hoa tím vẫn tím mãi trong cuộc đời tôi. Sau cuộc chiến 1975, thành phố này đã đưa đẩy tôi vào tù, để lại người vợ hiền, thân cò lặn lội một nắng, hai sương , với đôi vai gầy nặng trĩu đàn con thơ dại trong bao năm tháng lẽ loi mang nhiều tâm sự. Nơi đây tôi đã bị xô xuống bùn đen của tháng ngày tù ngục và quản chế, vất vả trên những dốc đời gian khó , lao đao kiếm sống trong biển đời long đong . Và cũng từ thành phố này tôi dẫn gia đình bỏ nước ra đi vào một đêm tối, và bỏ lại dấu chân trên cát nhạt nhòa theo sóng vỗ. Sau bao nhiêu năm tôi trở lại, và đang hiện diện trên thành phố này, hỏi rằng lưu luyến ngày xưa có còn vương vấn đâu đây, hay lưu lạc chốn nào? Tình còn nồng thắm những đêm trăng sáng hòn Chồng?, sóng có còn vổ về bờ cát trắng ?Tháp Bà có nghe vọng tiếng ma Hời Chiêm Quốc ? Cầu Xóm Bóng có còn hửng hờ khi sông nước vẫn trôi, có ngậm ngùi khi con thuyền bỏ bến ra đi? Tôi mãi bâng khuâng về những nghi vấn, mà không biết con tàu đã chuyển bánh từ lúc nào . Nắng đã lên làm tan những giọt sương đọng trên từng ngọn cỏ. Tàu chạy vùn vụt như đi trong gió, xuyên qua những rặng cây, đánh động chim rừng bỏ tổ vụt bạy, buông những tiếng kêu hờn trách. Tàu băng qua những cánh rừng, những đồi núi, những bờ vực cheo leo bên triền núi, dọc theo bờ biển, chui qua những đường hầm, và rồi thênh thang trên những cánh đồng thiếu vắng phì nhiêu, những xóm làng hiu hắt, những ngôi nhà đổ nát, những bức tường chơ vơ… Tàu đi qua từng đoạn đường, từng cây số trên mảnh đất quê hương sau 35 năm chấm dứt chiến tranh, mà tôi có cảm tưởng như đi qua một chố nào hoang phế, ngậm ngùi tôi liên tưởng đến mây câu thơ của Cao-Tần
…Những số nhà chớp mắt đã tang thương
Những chố hẹn nghìn năm không trở lại,
Những tên đời tơi tả khắp quê hương. . .
Tôi mãi mê đưa mắt nhìn ngắm cảnh gần, xa, quên cả thời gian, không gian. Con tàu từ từ chậm lại, rồi buông một tiếng va chạm mạnh, tàu ngừng hẳn lại,trước mặt tôi, chênh chếch trên mái ngói, có tấm bảng đề : Ga Qui Nhơn. Tự nhiên tôi nhớ đến Hàn-Mặc-Tử, thi sĩ của một thế giới trăng sao lộng lẫy,sống chết trên mảnh đất này ,với những lời thơ thống-thiết như phát xuất từ đau thương rướm máu, say đắm trong tình yêu, nghiệt ngã trong cơn bệnh, và trong cơn tuyệt vọng thi nhân đã cho nhân thế những câu tuyệt vời, để rồi muôn đời sau còn tiếc nuối :
Người đi một nữa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bổng dại khờ (Hàn-Mặc-Tử)
Mặt trời càng lên cao càng nóng,không khí càng oi bức. Con tàu lại chuyển bánh, đi qua những cánh đồng khô cằn,nứt nẻ, như dấu tích của nhiều năm mất mùa, hạn hán, mà trong cuộc sống người nông dân phải gánh chịu. Tàu tiếp tục đi qua nhiều địa danh quen thuộc, băng qua những bãi dừa Tam Quan mộng mơ, kỳ thú, dọc theo bờ biển Sa-Huỳnh lồng lộng gió mát, nhưng đó đây vẫn còn vết tích điêu tàn của cuộc chiến trên mảnh đất Bồng-Sợn, và chẳng mấy chốc tàu đã đến Quảng Ngãi, thường gọi là vùng đất “xôi đậu”. Hồi tưởng lại những tháng ngày nơi đây, tôi vẫn còn có cảm giác sợ hãi, rùng mình khi nhắc đến. Tôi sống sót sau những lần giao tranh ,và lắm lần tưởng mình như trở về từ cõi chết. Con đường từ Sơn-Thành xuống Mỹ- Lai, Ba-Tăng- Găng, đơn vị tôi đã bị phục kích, bị bao vây, bị bắn sẻ khi được biệt phái làm tiền sát viên (DLO)detach,liaison,observation cho tiểu đoàn bộ binh, chết, sống lúc đó chỉ là gang tấc. Những địa danh như Nghĩa-hành, Mộ-Đức,Tư-Nghĩa, Ba-gia là những nơi xãy ra những trận chiến ác liệt. Núi Thiên-Ấn vẫn sừng sững đứng đó là chứng tích và chứng kiến biết bao cuộc giao tranh đẩm máu, giòng sông Trà-Khúc không kịp mang phù sa về bồi đắp, mà vẫn lạnh lùng u buồn trôi theo từng con nước, và mang theo những nỗi niềm u- uẩn ra biển khơi. Sơn-hà, Trà-bồng là hai quận hạt của miền sơn- cước đã để lại trong tôi những sợ hãi kinh hoàng qua những cuộc pháo kích và tấn công sau hơn một năm lưu lại nơi đây. Kể làm sao hết những ưu tư và những nỗi buồn lo của một thanh niên mang nhiều hoài bảo và mơ ước tương lai, nhưng bất hạnh vì lớn lên trong thời đất nước loạn ly. Ôi chiến tranh đã cướp đi những hoài bảo đó. Trong thinh không tôi như nghe đươc tiếng thơ của Vũ-Hoàng-Chương than thở để thương cho thân phận mình :
Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỷ
Một đời người u uất nỗi trơ vơ
Từ hành lang tôi nhìn ra ngoài qua khung cữa, ánh nắng chói chang hắt vào, mang theo hơi nóng. Nước sông Bình-Sơn vẫn đục như ngày nào. Con tàu tiếp tục chạy song song với quốc lộ 1, từ xa nhìn về căn cứ Chu Lai, tôi nhớ lại những lần đến đây chờ máy bay đi phép hoặc vào PX (post exchange) mua thuốc lá, đồ dùng..vv. Trước năm 1975, quận lỵ này nhộn nhịp, người dân tấp nập, kẻ buôn bán, người làm công nhân, cuộc sống chan hòa. Bây giờ trông thật hoang vắng, cỏ mọc um tùm, cột đèn xiêu vẹo, giây kẽm sắt rỉ sét, khó để có thể tìm lại vết tích ngày xưa. Gần 1 giờ chiều, tàu đi qua Tam-Kỳ, thành phố không có ngã tư, với những quán cơm gà nổi tiếng. Phố xá , hàng quán nằm dọc theo quốc lộ 1. Xe hàng, xe du lịch, xe gắn máy, xe đạp, kẻ đi bộ ,người gánh gồng buôn bán, chen lấn nhau trên cùng một con phố chật hẹp, nhưng mang những mãnh đời khác nhau . Con tàu tiếp tục cuộc hành trình, bỏ lại đằng sau một thành phố nghèo nàn, và biết đến bao giờ những cảnh thê lương, với trăm ngàn khốn khó và nhiều nỗi chua cay được thay thế bởi một cuộc sống bớt lầm than cho mọi người dân ở đây. Đúng 2 giờ chiều,tàu đến Đà Nẵng . Em Đạt chồng em gái bà xã đón chúng tôi trước sân ga. Đà nẵng, thành phố đã cho tôi một thời dấu yêu đầy ắp tuổi thơ . Tôi theo gia đình đến đây lúc 11 tuổi, định cư tại Đức-Lợi. Hình ảnh thầy giáo già Vũ-Khánh-Liệm và ngôi trường tiểu họcThánh Giuse,bên cạnh nhà thờ Đà-Nẵng vẫn còn in đậm nét trong ký ức của nhũng ngày tháng đầu tiên tôi đến thành phố này, mặc dầu đã 55 năm trôi qua. Tôi vẫn không quên quá khứ đầy ắp tuổi thơ ấy. Tôi còn nhớ, mỗi buổi sáng chúng tôi đi dọc theo con đường Độc-Lập, dưới bóng mát của những tàn lá cây bàng để đến trường. Sau giờ tan trường, chúng tôi đi dọc theo bờ sông để trở về nhà, dưới ánh nắng chan hòa theo làn gió mát thổi nhẹ từ giòng sông Hàn và tung tăng dưới hàng phựơng vĩ đỏ thắm. Tôi ngồi trên xe taxi mà thấy quá khứ như hiện về trong trí nhớ với bao kỷ niệm. Còn đâu những đêm trăng ù mọi, những buổi chiều đánh khăng, thả diều, đá banh nơi bãi cát bồi, hoặc đi câu cá, băt coòng bên bờ sông Hàn vào những ngày nghỉ học. Tôi lớn lên theo tiếng chuông ngân của một xứ đạo hiền hòa, với biết bao kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu. Rồi thời gian qua mau, trôi nổi theo giòng đời, tôi xa thành phố này học hành đỗ đạt rồi lại trở về đây, và cũng nơi đây tôi chứng kiến cảnh đốt phá xóm làng Đức lợi, Thanh bồ (Thanh Đức ) trong những mưu toan chính trị. Tôi còn nhớ,vào một đêm mùa thu 1964 Thanh-Đức chìm trong biển lửa, dân làng xuống ghe, thuyền di tản qua bãi Tiên Sa , tiếng than khóc vang vọng cả một khung trời dĩ vãng, cho đến nay máu và nước mắt vẫn còn đầm đìa trong những giấc mơ. Sau biến cố đó, tôi xa thành phố giữa lúc bão tố đầy trời, nước sông Hàn cuộn sóng, mang theo nhà cửa, trâu bò ra biển khơi. Tôi ra đi, một số người cũng ra đi, như chim bỏ ngàn, như mây trắng bỏ trời xanh, để như nhà thơ Thái Tú Hạp :
. . . . .Một mùa chim bỏ Ải- vân về trời,
Tím hoa xưa cuộc rong chơi,
Em Phan-Thanh-Giản bỏ đời theo anh.
Hôm nay tôi trở về đây sau bốn mươi sáu năm xa cách, quê xưa thật gần, như máu trong tim, mà những năm tháng dài là những nhắc nhở để nhớ về. Trong khoảng thời gian đó đã có biết bao biến cố đổi thay, với những buồn vui chợt đến, chợt đi, qua những thăng trầm, nổi trôi, theo vận nước. Nhà cửa xóm làng đã đổi khác, nhà một tầng, nhà hai tầng,nhà ba, bốn,năm tầng mọc lên, chen lấp cả những lối đi . Những người cùng trang lứa, nay là những cụ ông, cụ bà, da mồi tóc bạc, lưng còng theo gánh nặng thời gian, và người đi, kẻ đến cứ thế tiếp tục trải qua bao thế hệ. Ôi! thời gian đã làm mọi thứ đổi thay. Nhưng thánh gía trên nóc giáo đường Thanh-Đức vẫn hiên- ngang sừng-sững đứng đó, như thách thức và chứng kiến những biến động của thời cuộc . Tháp nhà thờ bao năm qua vẫn mang nỗi buồn u-uẩn, âm-thầm lặng nhìn bao con nước của giòng sông Hàn lên xuống, bao con thuyền xuôi ngược ,và bao cuộc đời bồng bềnh trên những nhánh sông đời trong khoảng thời gian dài đằng đẳng ấy. Tôi cũng cố gắng tìm về những dấu ấn kỷ niệm ngày nào ,tìm lại những nơi chốn hẹn hò ngày xưa của một cuộc tình thủy chung cho tới hôm nay, với nụ hôn đầu đời đã làm phai mờ những truân chiên lưu lạc sau những gió mưa cuộc đời và vui với niềm đau hạnh phúc, gắn bó sắt son như núi Non Nước mà nhà thơ Ngô-Anh-Tuấn tâm sự :
. . . . Bốn mươi năm nụ hôn đầu vẫn ngọt,
anh và em vẫn mãi bước chung đường,
năm cụm núi vẫn ngàn năm chẳng đổi
cuộc tình mình vẫn mãi với trăm năm
Mặt trời đã lặn khuất sau đèo Hải-Vân, ánh hồng sáng lên một góc trời, như báo hiệu màn đêm sắp buông xuống, không khí nóng bức đã dịu lại. Từ con đường lộ của bờ biển Thuận -Phước, nhìn ra cửa biển, tôi thấy thuyền tàu tấp nập trở về sau một ngày dài đánh bắt. Xe vẫn ngược xuôi trên đuờng phố. Sinh hoạt về cuối chiều xem ra nhộn nhịp, rộn ràng nhưng vội vã. Các quán nhậu, quán ăn, quán giải khát bắt đầu bày biện bàn ghế và kêu mời khách hàng. Ánh đèn màu trước các quán bia ôm, karaoke nhấp nháy không ngừng, như cùng đang hòa nhịp với tiếng nhạc xập xình từ trong quán dội ra. Chiều đã tàn. Bóng đêm đã về. Những áng mây đục giăng mắc trên bầu trời, che lấp những vì sạo. Tôi rảo bước về nhà với những bước đi nặng trĩu cùng những suy nghĩ ngổn ngang về thành-phố này, mà một thời đã cho tôi những ngày tháng hồn nhiên của tuổi thơ, những mộng mơ của tuổi biết yêu,những hoài bảo và trăn trở của tuổi bước vào đời, qua những biến động của thời cuộc, dồn dập những thiên tai lụt lội hàng năm, để rồi u uẩn cả một nỗi lòng như nhà thơ Như Chi:
Ôi nỗi buồn chan khắp đại dương,
Một quá khứ phủ màu tím ngắt,
Một tương lai thăm thẳm nẻo đường,
Chúng tôi lưu lại nơi đây một ít ngày để thăm những người thân và bạn bè đã một thời xa cách, kẻ đó người đây, và cũng để đốt một vài nén hương cho những ngừời trong thân tộc đã an nghĩ trong lòng đất lạnh, sau đó chúng tôi rời bỏ thành phố này lên vùng cao nguyên để tham dự thánh lễ Tạ-Ơn và tiệc mầng cháu Trí thụ phong linh mục. Hơn tám giờ đồng hồ nằm trên chiếc xe khách dùng cho khách nằm, chúng tôi đã đến vùng đất cao nguyên. Vì quá mệt nhọc trên chuyến xe đêm,mà đã ngủ quên không báo cho tài xế ngừng lại khi đã đến nơi, nên phải thuê xe Taxi chạy ngược về Hà lan C. Không khí nơi đây mát dịu, bầu trời trong xanh, gió hiu hiu thổi nhẹ đủ làm rơi những hạt sương đêm đọng lại trên những cây cà phê. Xe chạy theo quốc lộ 14 ,qua những triền dốc cao, tôi nhìn thấy toàn cảnh một màu xanh chập chùng của quận hạt Buôn Hô. Nhà cữa rải rác hai bên đường, và được phủ bằng một lớp bụi màu đỏ. Trong hơi sương lạnh của một buổi sáng miền sơn cước,trên đường lộ, xe cộ ngược xuôi, nào là xe hàng, taxi, xe gắn máy, xe đạp, xe cày đang mở đầu cho sinh hoạt của một ngày. Xe taxi dừng lại trước con hẻm, chúng tôi băng qua đường lộ, lần theo con hẻm vào nhà người chị, khi tới nơi mọi người đã tề tựu đông đủ. Gia đình anh chị bỏ Đà-Nẵng vì biến cố 1975, rồi lên đây lập nghiệp, lúc đầu gia đình chỉ có mười người,sau ba mươi lăm năm, trở thành một đại gia đình, có tất cả bốn mươi ba người, gồm dâu, rể, cháu, chắt . Anh rể đã già đi nhiều, còn chị tôi đã thoát chết sau một ca mổ tim, nên sức khỏe đang trong thời kỳ hồi phục, các cháu đã khôn lớn và già đi nhiều so với tuổi tác. Hai vợ chồng em gái tôi, trông thật tiều tụy , ốm yếu và xanh xao. Hình ảnh đó như nói lên sự lam lũ, khổ cực suốt trong bao năm qua mà bụi hồng, đất đỏ thay phấn son điểm trang cho niềm khổ nhọc của một người đàn bà, chạnh lòng tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Thái Tú Hạp :
Em đi mờ mịt Buôn Hô
Đường lên bụi đỏ chiều xơ xác lòng
Hồi tưởng lại hơn ba mươi năm trước, khi mới ở tù về, cả một tương lai đầy tăm tối bao phủ lên gia-đình tôi. Mang danh một sĩ-quan ngụy, bị đẩy ra ngoài mọi sinh hoạt của xã hội , và vợ con đều mang cùng một hệ lụy. Nhiều đêm khắc khoải, trăn trở như con thuyền bơ vơ lạc vào trong cơn bão giữa đại dương bao la, mà chẳng biết dặm bờ nơi nao. Tôi đã có dịp lên miền sơn-cước này, không phải để tìm nghe tiếng đàn Ta-Lư nơi rừng thiêng, nhưng để tìm con đường mưu sinh nuôi sống gia đình với nghề nông, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hai tiếng tróc trảy chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức tôi khi lần đầu tiên tôi đến đây. Lúc đầu tôi chẳng hiểu “ tróc,trảy” là gì . Sáng hôm sau mọi người lớn trong gia đình thức dậy sớm, ăn sáng xong, còn mang theo buổi ăn trưa. Ra đến rẩy, mỗi người một công việc. Tôi rất đổi ngạc nhiên, trâu , bò thì không có mà lại có cái cày. Tôi được phân nhiệm là thay con bò kéo cái cày đi trước và một người đi sau điều khiển cái cày, cứ thế hết luống cày này đến luống cày khác, người mang cái cày làm việc như một con bò,và gọi công việc đó là “tróc”. Sau khi tróc xong, phải cào đi cào lại cho thật nhuyển, một người đi trước cầm một cây nhọn, đâm xuống đất làm thành những lỗ trống, và người đi sau bỏ hạt giống vào lỗ, và lấp đất lại, công việc đó gọi là “trảy “.Sau một tuần lễ ở lại Buôn Mê Thuột,t ôi học thuộc hai chữ” tróc, trảy” không phải bằng giấy bút, sách vở, mà bằng mồ hôi, nước mắt và những nỗi nhọc nhằn chất chứa những oan khiên in hằn những vệt lằn bầm tím trên đôi vai gầy guộc, và sau lần đó tôi đã bỏ cuộc, và trở về lại miền duyên hải, chấp nhận một cuộc sống khác. Lắm lần trong cuộc sống tôi tự hỏi, cuộc đời của mỗi người có phải đều do số mệnh đã an bài hay không? Nếu tôi không trở về Nha-Trang sau bài học đắng cay tróc, trảy đó, thì tôi và gia đình chẵng biết bây giờ đang phiêu bạt nơi bến bờ nào của biển đời mông mênh. Đã hơn ba mươi năm, bầu trời vẫn là bầu trời ngày xưa, bốn mùa thay đổi, trời có lúc nắng lúc mưa,nhưng cuộc sống lầm than và khổ cực của người dân vẫn không thay đổi. Nắng đã lên cao, không khí dịu mát, những người thân từ các nơi xa như Nha-Trang, Đà-Nẵng,Huế ,Lộc-Thủy,Hà-Tĩnh đang từ từ về hội ngộ. Họ đang vui-vẽ cười nói, nỗi vui mầng hớn hở lộ ra trên từng khuôn mặt như náo-nức chờ đợi một biến cố quan trọng sẽ xãy ra trong ngày mai cho gia tộc tôi,ngày lễ Tạ Ơn.
Sau lễ tạ ơn một vài ngày, chúng tôi xuống Nha-Trang và xuôi về miền Nam bằng chuyến tàu đêm để kịp chuyến bay về lại Hoa-Kỳ. Sau khi check in, chúng tôi theo dòng người lần lượt lên máy bay. Ngồi trên máy bay lòng tôi bổng chùng xuống với những suy nghĩ ngỗn ngang về một đất nước tôi đã sinh ra và lớn lên. Một đất nước miên trường trong khổ đau vì chiến tranh. Đất nước hồi sinh và xây dựng sau ba mươi lăm năm chấm dứt chiến tranh, mà những sự đổi mới chỉ như lớp sơn bóng loáng bên ngoài một khúc gỗ mục. Qua những cây số đường tôi đã đi trong những ngày quạ, ở đâu tôi cũng thấy dấu vết của nghèo đói, của khổ đau, của lam-lũ lầm-than, và biết đến bao giờ hoa hạnh-phúc nở rộ trên cánh đồng Việt-nam và tôi ước mơ một ngày nào đó nắng sẽ ấm, gió sẽ hiền và tình yêu thương mau về ngự tri trên quê-hương đất nước này. Máy bay từ từ cất cánh khỏi phi đạo, từ cửa sổ tôi nhìn xuống phi trường Tân-Sơn-Nhất, bùi ngùi nhớ lại hai câu thơ của Trần-Trung-Đạo :
. . . Còn ở đó một quê nghèo nắng bỏng
Vết chân mòn trên những cánh đồng khô !
Nam-Lộc-Thủy
California mùa hè 2010

Leave a Reply