CẦU XIN MẸ

CẦU XIN MẸ

Sóng gió muôn trùng thuyền con bấp bênh lắMẹ ôi. Áng đêm buông dày bao trùm thuyền con hết phương chèo bơi. Lênh đênh giữa vời con biết trông nhờ nơi ai. Con kêu đến Mẹ dắt thuyền con về yên hàn. Mẹ ôi, Mẹ ôi hãy nghe tiếng con nài nỉ cầu xin. Ngửa đầu tìm Mẹ, con trút hết tâm hồn yêu mến, cậy, tin. Từ bao năm trời Mẹ là vì sao sáng con nhìn theo. Giờ đây xin Mẹ lại đưa thuyền con thoát nơi hiểm nghèo[1]​Trong những ngày ngồi trên thuyền, mông mênh trên biển cả, tôi luôn cầu xin ơn Mẹ thương cứu giúp cho đến nơi bình an. Tôi đã âm thầm hát một mình đoạn thánh ca trên nhằm khấn xin Mẹ đoái thương nhận lời cho đoàn con được an bình và mau đến bến bờ tự do.

​Tôi rời quê hương Việt nam vào một ngày cuối tháng 9, cách nay gần 40 năm, nhằm lễ kính các đấng Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-e,  Ra-pha-e và Ga-bri-e. Trên một chiếc thuyền không lớn lắm nhưng sức chứa cũng độ trên 100 người. Ngày tôi lên đường, được Chúa thương ban, trời im, biển lặng khi thuyền thực sự rời xa biển Vũng tàu, trực chỉ ra hải phận quốc tế, lúc trời chưa sáng.

​Thuyền giờ đang ở ngoài biển khơi, êm ả lướt sóng, và theo dự tính của thuyền trưởng, thuyền sẽ hướng về vùng biển Nam dương (Indonesia). Thuyền đi đã 3, 4 ngày mà vẫn chưa thấy bến bờ. Có người bị xỉu vì phải chịu cảnh trên nắng dưới nước. Thực phẩm thì coi như không có gì, ai mang được thứ gì để ăn thì tốt. Dù vậy, mỗi buổi sáng, những người trên thuyền được nhóm tài công cung cấp thêm nước uống nhờ những cây nước đá tan ra. Nước uống thật vô cùng quan trọng trong  trongnhững ngày này. Riêng tôi, lúc lên đường có mang theo ítbánh bích-quy để ăn lót dạ cho qua ngày. Qua ngày thứ ba, người tôi cảm thấy mệt nhoài, vì bị say sóng dữ dội và khó chịu.

​ Nhìn lại hình bóng quê hương thì đã xa tít mù, ngàn trùng xa cách! Lòng cảm thấy quặn đau, vì khi ra đi, tôi bỏ lại gia đình đàng sau, ra đi một mình với những nỗi niềm nhớ nhung. Niềm luyến nhớ gia đình và quê hương thật không sao diễn tả được trong lúc này. Tôi chợt nhớ lại, trước lúc ra đi, có ghé thăm một người chú bà con.Ông này bảo: “khi ra đi, sống nơi quê người, cháu sẽ cảm thấy nỗi nhớ về quê hương vô vàn. Ông đã đọc tập sách“Nostalgia” nên muốn chia xẻ tâm tình này cùng tôi. Tôi ghi nhớ và giữ lấy trong lòng.

​Tuy nhiên, “Căn nhà chung nhân loại, cũng là tháp Babel mới do bàn tay con người xây nên, thách đố với một chữ nhà với âm hưởng khác nơi lối nói thi

ca: nhớ quê, nhớ nhà. Hai thi sĩ Việt nam Sáng Đình Nguyễn Văn Thích và Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã lắng nghe được âm hưởng thi ca của quê nhà: 

​​- Nhớ lời hẹn Nước thề Non

​​- Muôn năm nhớ Nước Non Nhà.

​Không bước chân xa nhà, vẫn nhờ Nhà; không dời quê nửa bước, vẫn nhớ Non Nước!

​Thề thì “Nhà”, “Quê” là gì? Và phải chăng chỉ là ký ức của một dĩ vãng đã qua?

​Chữ “ Nhà” đã được thi sĩ Sáng Đình Nguyễn Văn Thích ngâm nga như là nơi cư  ngụ của tổ  tiên, nguồn văn hóa xây dựng con người qua các thế hệ, nay chỉ được hiểu là đống gạch, mái tôn. Không phải khủng hoảng nhà ở vật chất nay là khủng hoảng duy nhất được nhắc đến, khi đặt vấn đề về chốn cư ngụ của con người hay sao?

​Và quê hương “Non Nước” được thi sĩ Tản Đà cảm hứng như một mối tình vạn đại, nay chỉ còn là cơ chế chính trị, hành chánh điều hành sinh hoạt sản xuất và tiêu thụ của một một tập thể vô hồn!

​“Quê Nhà” còn không khi mất nỗi nhớ? Ngôn ngữ Tây phương lấy từ gốc Hy lạp gọi nỗi nhớ đó là “cơn đau” và sự “ trở lại” (nostalgia: notos=trở về; algos= đau, bệnh). Chúng ta gặp lại âm hưởng đó trong bài thơ của Tản Đà:

​​Nước non nặng một lời thề,

​​Nước đi đi mãi không về cùng non,

​​Nhớ lời nguyện nước thề non,

​​Nước đi chưa lại, non còn đứng không.

​​Non cao những ngóng cùng trông,

​​Suối tuôn giòng lệ chờ mong tháng ngày. [2]

​Nỗi luyến nhớ quê hương bao gồm  những khúc nhạc xưa  mà chúng ta còn nhớ và hay hát lúc còn xuân  trẻ; những hình ảnh xưa cũ, những mẫu chuyện xưa của cuộc sống trong quá khứ  v.v. Tất cả đã gợi lên trong ta biết bao là kỷ niệm dấu ái mà cho đến giờ, chúng ta vẫn mãi còn ấp ủ trong lòng. Nay nếu có dịp hay ai đó nhắc đến thì những kỷ niệm xa xưa đó như trở lại với bao hình ảnh rõ ràng, khiến cho tình cảm của chúng ta như bồi hồi, như đang sống  trở lại một thời đã qua.

​Giữa biển trùng khơi mênh mông, chưa biết đâu là bến đỗ, là nơi đến. Thỉnh thoảng, nhìn xa xa, thấy có vài chiếc tàu trên biển, muốn chạy lại gần để xin tiếp cứu,nhưng không thể được.

​Sang đến ngày thứ tư và ngày thứ năm, chúng tôi đang lướt sóng trên vùng biển Nam dương . Cho đến xế chiều ngày thứ năm của cuộc hành trình, chúng tôi bắt gặp được một chiếc tàu dàn khoan dầu. Quá đỗi vui mừng, người tài công cho thuyền hướng về đó. Chiếc thuyền nhỏ bé của chúng tôi đánh bạo tiến gần và áp sát bên chiếc tàu to lớn đang neo đậu giữa biển khơi. Chúng tôi cùng xin kêu cứu. Có vài nhân viên trên tàu nhìn xuống. Họ hỏi chúng tôi cần gì? Chúng tôi trả lời: Xin tiếp cứu, vì máy lúc này không còn tốt nữa. Dầu máy cũng cạn. Họ đã bàn gì với nhau trên boong tàu. Rồi từ trên cao, một người Mỹ thả dây neo xuống và lần theodây neo này ông ta xuống thuyền chúng tôi để quan sát. Sau đó, người Mỹ này đã liên lạc với thuyền trưởng của ông ta và chúng tôi đã được tiếp cứu.

​Trời đang về chiều. Ngày sắp tàn và đêm ập đến trên trùng dương mênh mông. Sóng gió biển lúc này vẫn lặng yên. Mọi người đều khấp khởi vui mừng. Từ xa, ánh mặt trời sắp lặn chiếu ánh nắng đỏ rực ở cuối chân trời tây, tạo nên sự rực rỡ huy hoàng của Đấng Hóa công. Những đàn chim biển đang thong thả bay đi tìm chỗ trú đêm. Từ trên tàu, chiếc thang dây được thả xuống, và họ bảo, đàn bà và trẻ em lên tàu trước, và chúng tôi, những đàn ông được lên sau cùng. Chiếc thuyền bé bỏng của chúng tôi, cuối cùng đã bị nhận chìm xuống lòng đại dương.

​Bây giờ đoàn người vượt biên đang ung dung bước đi trên một chiếc tàu sắt thật lớn. Họ bào chúng tôi dồn về một góc tàu, nghỉ ngơi, tắm rửa thoải mái. Sau đó, chúng tôi được cho uống sữa nóng, và ngay sau đó, chúng tôi được cho ăn chiều. Trong khi ăn họ đã nhắc nhở: “chúng tôi đã liên lên lạc với chính quyền Singapore để xin tiếp nhận, nhưng họ đã từ chối. Chúng tôi xin chính quyền Nam dương, và họ đã đồng ý tiếp nhận. Vậy đêm nay, chúng tôi sẽ đưa bà con đến một đảo mà hiện giờ đang có người Việt tạm dung. Đó là đảo Kuku, cũng thuộc lãnh thổ Nam dương. Đến khoảng 12 giờ đêm, tàu nhổ neo, trực chỉ đưa chúng tôi đến đảo Kuku. Hành trình này phải mất gần 24 giờ mới đến đảo. Khi đến nơi, chúng tôi chứng kiến thấy có một số người tỵ nạn Việt nam đã đến trước chúng tôi.  Trong khi làm các thủ tục cần thiết, những cảnh sát Nam dương trên đảo cho chúng  uốngthuốc ngừa sốt rét, rồi lần lượt, từng nhóm nhỏ, họ hướng dẫn chúng tôi vào trú tại các căn lều đã có sẵn.

​Chúng tôi dừng chân tại đảo này độ hơn tháng trước khi được chuyển đến trại tỵ nạn chính, trại Galang, nhờ một chiếc tàu của tổ chức đạo Tin Lành “World Vision” đưa chúng tôi đến đó. Trong những ngày dừng chân ở đảo Kuku, chúng tôi được biết có một linh mục cũng đi vượt biên cùng với một số người công giáo gốc Bà Rịa. Vì thế, ngày ngày chúng tôi được tham dự thánh lễ. Khi đến Galang, vị linh tại đó là Cha Gildo Dominici, thuộc Dòng Tên, ngài có tên Việt nam là Đỗ Minh Trí. Ngài có thời gian dạy học cho các thầy tại Giáo hoàng học viện Thánh Piô X Đà lạt, và ngài đã bị trục xuất khỏi Việt nam ngay sau khi Việt cộng chiếm Sài gòn, vì là người ngoại quốc. Khi có người tỵ nạn trốn thoát khỏi Việt nam, đến các nước Phi luật tân. Mã lai, Nam dương thì ngài xin bề trên đến giúp người Việt tại trại tỵ nạn Galang, Nam dương.Chúng tôi được chuyển từ đảo Kuku đến Galang và linh mục này cũng được đến Galang. Sau khi đến Galang, cha Dominici đã trao sách kinh nhật tụng, mời ở một căn phòng tại “nhà xứ”, đồng thời, mời dâng lễ mỗi ngày, và rồi ngài đã dò hỏi linh mục này được lãnh chức linh mục ở  đâu và do Đức cha nào truyền chức? Không biết sao,”linh mục” này đã trả lại sách kinh và đến ở chung với những người đi cùng tàu với “cha” mà không còn  ởnơi “nhà xứ” nữa. Cha Dominici, sau đó, đã đánh điện (gởi Telegram) đi Sài gòn để xin Đức Tổng Nguyễn VănBình điều tra về vị” linh mục” này. Cuối cùng, sau 5 tháng, kết quả điều tra từ Đức Tổng Bình cho biết, ông này chỉ là một cựu tu sĩ (Ex-Brother thuộc dòng OSB). Còn nhiều chi tiết nữa, nhưng tôi không tiện nêu lên ở đây.

​Những gì tôi ghi lại trên đây cách vắn tắt, qua cuộc hành trình vượt biên, không ngoài mục đích đề cao lòng sùng kính Mẹ Maria, không những trong suốt cuộc sống của người con Chúa, con Mẹ trên trần thế mà nhất là trong những lúc gặp khó nguy, gian nan, thử thách mỗi ngày trong đời. Câu kinh mà chúng ta vẫn thường đọc mỗi ngày: “Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời…trong cơn gian nan, khốn khó Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng. 

​Một đoạn thánh ca ngắn trên đây, tôi ghi lại, đế nói lên tâm tình của mình trong lúc khó nguy. Thuyền ra khơi với bao nguy hiểm đang đón chờ. “Sóng gió muôn trùng thuyền con bấp bênh Mẹ ôi. Áng đêm buông dày bao trùm thuyền con hết phương chèo bơi. Lênh đênh giữa dòng con biết trong nhờ nơi ai. Con kêu đến Mẹ dắt thuyền con về yên hàn.”Thuyền con lướt sóng, đi đến một nơi nào vô định, nào ai biết những gì sắp xảy đến, sóng to gió lớn sẽập đến, nào là những tên cướp biển đang đón chờ. Tôi luôn thầm kêu xin Mẹ thương cứu giúp. “Mẹ ôi, Mẹ ôi hãy nghe tiếng con nài nỉ cầu xin. Ngửa đầu tìm Mẹ, con trút hết tâm hồn yêu mến, cậy, tin. Giờ đây xin Mẹ lại đưa thuyền con thoát nơi hiểm nghèo.” 

​Mẹ ôi, Mẹ ôi!  Đời con đang sống giữa chốn trần ai, nơi “sủng đầy nước mắt”, ngày ngày con chứng kiến baohiểm nguy đang vây bủa quanh con, như “sư tử đang gầm thét hầu muốn cắn xé con.” Mẹ thấy chăng, thuyền đời con đang sắp chìm, đang sắp rơi vào tay kẻ thù địch. Nhưng con không bao giờ ngả lòng trông cậy và mãi luôn kêu xin. Chắc chắn Mẹ sẽ không từ bỏ lời con nguyện cầu. Đặc biệt, trong tháng Mân Côi kính Mẹ này, chúng con xin dâng lên Mẹ quê hương  mà chúng con đang sống, giờ xảy ra bao cảnh rối loạn, tranh chấp căng thẳng, giết chóc, thù hận lẫn nhau. 

​Tháng Mân Côi trở về. Là những người con Chúa, con Mẹ chúng ta hãy cùng nhau dâng lên Mẹ Chúa những lời kinh thấm lệ qua từng đêm, nơi từng gia đình: “ Kínhmừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà…” Mẹ đang lắng nghe những lời kinh nguyện từ con cái Mẹ. Hơn ai hết, Mẹ đã từng sống qua cõi trần, đã từng cam chịu những khổ đau, nhất là khi chứng kiến cảnh Con Mẹ chết treo trên Thánh giá vì tội lỗi chúng ta. Nguyện xin Mẹ đoái thương ban cho chúng con sự an bình mà chúng con đang kêu xin. Xin Mẹ thương nhận lời chúng con, nhất là “cầu cho chúng con khi này và trong giờ chết.”

         Nguyễn Ngọc Thể

(Tháng Mân Côi Kính Mẹ -2020)\

_____________________________

[1] Đại Thanh, tu sĩ dòng Thánh Giuse, Kim châu, Bình định

[2 ] Bài viết “Nhớ Quê Nhà”, của Nguyễn Đăng