CON ĐƯỜNG CỦA ANH CHÀNG MÙ

CON ĐƯỜNG CỦA ANH CHÀNG MÙ

(CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM A 2020)

​Hơn lúc nào hết, đây là những tháng ngày gần như toàn nhân loại cảm nhận thật rõ “bóng tối và con đường âm u… của sự chết”. 

​Thật vậy, kể từ khi những con đường của thành phố Vũ Hán Trung quốc bỗng dưng vắng lạnh vì bị cách ly bởi sự bùng phát dữ dội của dịch virus Corona, nhất là, khi những con đường của thành phố Bergamo bên bắc Italia nối dài bởi những chiếc xe mang quan tài nạn nhân tử vong vì Covid-19 đến nghĩa trang hay đi tới lò hoả thiêu…, nhân loại khắp nơi bàng hoàng trước sự hoành hành của “bóng tối sự chết”, “của xao xuyến bất an”, của “viễn tượng tương lai đen tối”…. Bóng tối, sự chết phủ bóng khắp nơi ; không chỉ nơi các nhà thương, bệnh viện, các đường phố, các nhà thờ, các khu giải trí, chợ búa, siêu thị…, mà lan tới các xí nghiệp, công ty, khu chế xuất…từ Á sáng Âu, từ Đông sang Tây….

​Và, từ giữa thấp thỏm lo âu ngập tràn bóng tối đó, ai ai và đâu đâu cũng mong đợi, ngóng chờ một “tia sáng” của niềm hy vọng cứu sống, ánh sáng của những phương dược chữa lành và mang lại sự sống, sự phục hồi cho nhân loại.

​Quả thật, hơn lúc nào hết, những ngày nầy, thế giới cần biết bao “ánh sáng sự sống” !

​Nhắc đến “ánh sáng”, chúng ta không quên trong đoạn mở đầu sách Tin Mừng thứ 4, Thánh Tông Đồ Gioan đã viết: Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng…Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người…” (Ga 1,5.9). Sau nầy, trong cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định chính Ngài là ánh sáng: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46).

​Trong khi đó cả 3 Tin Mừng Nhất lãm, khi tường thuật giây phút “lâm chung” của Chúa Giêsu đều đồng thanh nhắc đến sự cố “bóng tối bao trùm mặt đất từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín”: Chúa chết, dấu chỉ của “ánh sáng vụt tắt” và “bóng tối lên ngôi” !

Quả thật, Ánh Sáng – Bóng Tối đó là hai đối cực tượng trưng cho hai cuộc sống, hai thế giới, hai lãnh vực hoàn toàn đối nghịch nhau, cách xa nhau, triệt tiêu nhau. Và trong ngữ nghĩa Kinh Thánh, Ánh Sáng là tượng trưng cho chân lý và sự sống, cho vinh quang Thiên Chúa, cho niềm tin yêu hy vọng, cho ơn cứu độ, cho chính Đức Kitô…Còn Bóng Tối là quê hương của lầm lạc, tội lối, gian ác, xấu xa, ma quỷ…. 

Thật vậy, khi đưa mắt nhìn lại chiều dài của con đường cứu độ thì chúng ta thấy rõ điều nầy: nếu nguyên khởi của công trình Thiên Chúa tạo dựng chính là ánh sáng ; thì vào chiều Thứ Sáu, đỉnh cao của chối từ, xúc phạm, của bội phản vong ân, của hận thù quỷ quyệt…tất cả hùa nhau đóng đinh Con Chúa trên Đồi Sọ, thì lập tức, bóng tối đã bao phủ địa cầu, cũng chính là cái “bóng tối”chết tiệc, phủ chụp xuống con đường của Giuđa, khi rời khỏi Bàn Tiệc Ly, để thực thi dự định đen tối nộp Thầy: “Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó trời sụp tối” (Ga 13,30) !

​Sứ điệp phụng vụ hôm nay tập chú vào “huyền nhiệm ánh sáng” để vừa dẫn lối đưa đường các anh chị em dự tòng đến một chọn lựa nghiêm túc: hoặc là ở lại trong bóng tối của lầm lạc và xa cách Thiên Chúa, hoặc là bước tới ngưỡng cửa của đời sống mới trong ánh quang của con cái sự sáng qua bí tích Rửa tội ; đồng thời cũng gọi mời tất cả cộng đoàn tín hữu hãy mạnh mẽ tiến bước trên con đường của chân lý phúc âm và loại trừ mọi biểu hiện của cuộc sống ù lỳ trong bóng tối của tội lỗi. 

​Thế nhưng, để nhìn thấy ánh sáng, tiên quyết, cần có “đôi mắt của Thiên Chúa”. Ánh sáng có rực sáng bao nhiêu, ban ngày có rạng rỡ thế nào, thì đối với người mang đôi mắt mù, tất cả cũng chỉ là bóng tối. Trong đời thường cuộc sống, chính cái “hội chứng mù tâm linh”, mù tình người, mù nhân bản …sẽ biến xã hội thành tối tăm, cuộc đời chìm trong bóng đêm lạnh giá!

​Người ta nhận định rằng: nếu các nhà lãnh đạo của đảng Cọng sản Trung Quốc minh bạch ngay từ đầu, không ém nhẹm sự xuất hiện của con virus chết tiệc Corona tại Vũ Hán, không bưng bít thông tin về đại dịch…thì nhân loại đã có nhiều cơ hội chống dịch và giảm thiếu nhiều đau thương tang tóc cho thế giới !

​Cũng vậy, trong lãnh vực thiêng liêng, niềm tin cũng thế. Người ta sẽ không thể nhận ra Thiên Chúa, các công trình tuyệt diệu của Ngài, tình yêu cứu độ của Ngài, khi người ta bị mù loà tâm hồn. Lời Chúa hôm nay đề nghị chúng ta cần Thiên Chúa ban cho đôi mắt sáng thiêng liêng để nhìn bằng đôi mắt của chính Ngài. 

​Nếu đôi mắt của I-sai ngày xưa chỉ nhìn thấy diện mạo bên ngoài” thì với cái nhìn của Thiên Chúa, tiên tri Samuel đã “nhìn sâu tận đáy lòng” ; và vì thế, cậu con trai út  Đa-Vít đã được xức dầu tấn phong làm vua Ít-ra-en (BĐ 1). Đối với các anh chị em dự tòng sắp sửa lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo, thì việc trang bị “đôi mắt thiêng” đó chính là những tháng ngày chăm chuyên học hỏi giáo lý, kinh nguyện, sống đạo… Còn đối với chúng ta, những người Kitô hữu, để có được đôi mắt sáng của Thiên Chúa thì phải sám hối, thanh lọc cõi lòng, ăn năn trở lại. Gỡ bỏ đi những cái nhìn đầy thiên kiến, ghét ghen, ích kỷ ; lột bỏ đi những chiếc gương đen của kết án, xét đoán, hoài nghi, thù hận ; vứt xa đi những chiếc mặt nạ giã hình, môi mép, vụ hình thức của những anh chàng biệt phái như trong chuyện kể Tin Mừng về phép lạ chữa khỏi chàng mù hôm nay…để thay bằng đôi mắt đức tin tinh ròng của người mù tự thuở mới sinh, mà lần đầu tiên diện kiến Đức Kitô, đã quỳ xuống thân thưa với tất cả tấm lòng đơn sơ khiêm hạ: “Lạy Ngài Con Tin”. (TM). Đó cũng chính là điều mà trong BĐ 2, Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô đã nhắc bảo chúng ta: “xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công bình chân thật…”

Chính khi được trang bị với đôi mắt mới ấy để bước đi và hành động với trái tim yêu thương, một thế giới mới ngập tràn ánh sáng sẽ được hồi sinh trong ta và chung quanh ta, như ngôn sứ Isaia đã từng khẳng quyết: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông” (Is 58,8). Nói cách khác, một khi tâm hồn ta tràn ngập ánh sáng Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ có nhiều sức mạnh, nghị lực và tình yêu để đẩy lùi những mãnh lực của bóng tối tội lỗi và sự chết, như ngụ ý của một chuyện ngụ ngôn Ấn Độ sau đây:

Ngày kia, các môn đệ của thầy Haxiđich bên Ấn Độ đến than phiền với thầy về ảnh hưởng xấu của ma quỷ trên thế gian. Họ hỏi thầy phải làm thế nào để có thể xua đuổi ma quỷ? Thầy Haxiđich đề nghị trước hết hãy lấy chổi bắt đầu quét bóng tối khỏi căn phòng nhỏ dưới hầm. Các môn sinh ngạc nhiên trước lời dạy bảo đó. Nhưng họ cũng đành lòng vâng theo. Sau nhiều giờ mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi, nhưng họ vẫn không đuổi được bóng tối ra khỏi căn phòng nhỏ. Thầy Haxiđich bảo các môn sinh lấy gậy đập bóng tốiđể đuổi ma quỷ ra khỏi phòng. Nhưng vẫn uổng công vô ích. Lần thứ ba, thầy bảo các môn sinh hãy xuống hầm gào thét nguyền rủa bóng tối. Họ đã khan cổ, mất tiếng mà vẫn không sáng thêm được chút nào. Sau cùng thầy bảo các môn sinh: “Hỡi các con, mỗi người trong các con hãy đương đầu với thách đố của bóng tối bằng cách đốt lên một cây nến”. Họ thi hành theo lời thầy.  kìa, lập tức bóng tối đã bị đuổi đi. căn hầm tối tăm lạnh lẽo bỗng trở nên sáng rực và ấm cúng.

Đã hơn hai mươi thế kỷ “Ánh Sáng Thật đã đến trần gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9); và chính Đấng là Ánh Sáng đó đang thầm nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với anh chàng mù vừa được sáng mắt: “Người đó chính là kẻ anh đang nhìn thấy và đang nói với anh” (TM). Chúng ta hãy cầu xin cho các anh chị em dự tòng trên khắp thế giới, cho mọi dân tộc, và cho chính ta thật sự được gặp gỡ và đón nhận Đức Kitô, Ánh sáng thật, như anh chàng mù thuở trước, để ngay trong Thánh lễ nầy và từ hôm nay, trên độ đường Mùa Chay thánh tiến về lễ Phục Sinh, tâm hồn chúng ta luôn rạng ngời ánh sáng niềm tin, chân lý, tình yêu và ân sủng.Giữa bóng tối mênh mông của sự chết bởi nạn dịch Covid-19, mọi người Kitô hữu cần mang lấy ánh sáng Chúa Kitô trên đôi tay để phục vụ, mang ánh sáng của Chúa Kitô trong trái tim để yêu thương; đó chính là danh xưng, căn tính và sứ mệnh mà Đức Kitôđã trao phó: “anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Nếu không như thế, mãi mãi Kitô giáo chỉ là một thứ “muối đã nhạt” (Mt 5,13), một “chiếc đèn nằm dưới đáy thùng” (Mt 5,15).

Nói cách khác, con đường của mỗi người Kitô hữu hôm nay và mãi mãi, để thực hiện và giữ lửa cho đời, để trở thành và bảo tồn ánh sáng Chúa Kitô, chính là con đường của anh chàng mù hơn 2000 năm trước được biểu hiện qua 4 từ căn bản: “LẠY THẦY CON TIN”.

GiuseTrương Đình Hiền