HÃY CHIA VUI VỚI CHÚA

PM. Cao Huy Hoàng
haychiavuiKhi nói đến “Con chiên lạc”, có thể bạn, tôi, chúng ta nghĩ ngay đến một số thành phần không mấy tốt đẹp, không mấy đàng hoàng trong Hội Thánh. Có người nghĩ ngay đến những người rối vợ, rối chồng công khai, hoặc nghĩ đến ả giang hồ ở cuối xóm, tên du thử du thực lang thang chè chén tối ngày ở đầu phố. Người khác lại nghĩ đến cụ già đôi ba vợ kia đã đến lúc sắp hết hơi rồi mà chưa chịu xưng tội rước lễ, hoặc nghĩ đến bao người nay ăn nên làm ra rồi, khá giả rồi, ở nhà thoải mái, bỗng trở nên cao ngạo, ươn lười, nguội lạnh với Nhà Thờ Nhà Thánh…
Nghĩ như thế là do bởi lòng kiêu ngạo xúi giục tự nhận mình là thánh thiện hơn bao nhiêu người khác và gắn cho mình con mắt, cõi lòng đầy thành kiến xấu xa về tha nhân.
Nghĩ như thế, thì thiết tưởng chính mình là… con chiên lạc trước tiên. Lạc mà không biết mình lạc. Còn lầm lạc hơn nữa, khi tỏ ra bất bình với một số người nhiệt thành trong Hội Thánh Chúa, mặc lấy tấm lòng nhân hậu của Chúa, luôn nghiêng về phía những người đau khổ, tội lỗi, thấp kém.
Nghĩ như thế thì có khác gì người Pharisêu đã từng suy nghĩ và lẩm bẩm về việc Chúa Giêsu:: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.
Cả hai dụ ngôn “Con chiên lạc” và “Đồng bạc bị đánh mất” được Chúa nói cho cả hai đối tượng: người Pharisêu và người thu thuế, kẻ tội lỗi.
Đối với người Pharisêu, hai dụ ngôn ấy là một lời cảnh tỉnh trực diện để họ phải nhận ra rằng chính họ mới là “con chiên lạc”, là “đồng bạc bị đánh mất”. Lạc vì họ đang sống kiêu căng, sống thiếu tình khoan dung, yêu thương; lạc vì họ không muốn hiểu đường lối của Chúa, vì không muốn mặc lấy tình thương của Chúa trong con tim mình… Bài học dành cho người Pharisêu là đừng lầm tưởng mình đạo đức, nếu không mặc lấy đức khiêm cung và lòng nhân hậu mà đối xử với tha nhân. Họ cần có cái nhìn mới mẻ hơn đối với người tội lỗi, cái nhìn của Thiên Chúa, cái nhìn của lòng thương xót xoáy vào sâu thẳm hơn, để cảm thông hơn vì bao nỗi bất hạnh, không phải cái nhìn nông cạn bề ngoài để rồi sinh ra ganh tỵ, xét đoán…
Còn đối với người tội lỗi, cả hai dụ ngôn là Lời rất vui mừng cho họ, vì:
– Lời mặc khải cho họ biết một Thiên Chúa vô cùng khiêm cung, và yêu thương. Lòng thương xót, khoan dung, nhân hậu của Ngài luôn luôn lớn hơn tội lỗi, thân phận của họ.
– Lời xóa tan nỗi ám ảnh bị khinh bỉ, phân biệt, có khi còn bị trừng phạt dã man cho đến chết vì luật xua đuổi khỏi cộng đồng, luật ném đá…
– Lời khơi dậy cho họ một niềm hy vọng, mở ra cho họ một con đường sống và nhất là tái lập cho họ một tương quan quí giá đối với Thiên Chúa, tái lập cho họ một nhân vị xứng đáng là con cái Thiên Chúa.
– Và cũng qua hai dụ ngôn, cả người Pharisêu và người tội lỗi có thể nhận ra một điều kỳ diệu là Thiên Chúa luôn đi bước trước đối với những tội nhân.
Đề cập đến bước trước, tôi nhớ câu chuyện về Đức Tin đơn sơ của cụ Biên ở phía sau nhà tôi. Cụ luôn là người khôi hài vui vẻ. Đến lúc gần chết cũng còn vui vẻ. Năm 1979, trong cơn hấp hối, khi nghe một anh Legio giữ kẻ liệt cầm sách mục lục đọc kinh cho cụ, đọc sai chỗ nào, cụ đập nhẹ bàn tay, bảo: “Đọc lại, đọc lại, đọc sai làm sao Chúa hiểu”. Đêm cuối cùng, cụ chỉ cho mọi người biết là cụ đang chết từ dưới chân lên đến giữa lưng rồi. Rồi cụ nói: “Còn nói được mấy câu nữa thôi, cho tôi nói với Chúa. Chúa đã lỡ bước xuống đời rồi, thì còn ngại ngần gì mà không bước tới đây đưa con về với Chúa. Chúa ơi, con tin”. Rạng sáng hôm ấy, cụ đã về với Chúa.
“Chúa đã lỡ bước xuống, thì còn ngại ngần gì mà không bước tới”. Câu nói đơn sơ mà cho thấy cả một xác tín. Hôm nay, nghe lại dụ ngôn “Con chiên lạc”, mới ngộ ra là không chỉ Chúa chẳng ngần ngại gì mà không bước tới, mà còn dám bước trước, và bước kiên trì nữa: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ?”
Vâng đó là một bước trước, và kiên trì: “Đi tìm cho kỳ được” Quả là kỳ diệu ! Nếu trước đây chưa ai dám tiếp xúc với những người thu thuế tội lỗi, vì sợ nhơ bẩn con người, thanh danh của mình, thì Chúa Giêsu đã bước một bước trước đến với họ.
Hai dụ ngôn nói trên còn vén màn một chi tiết độc đáo của tình thương Thiên Chúa, đó chính Người đích thân đi tìm con chiên lạc, gọi đích danh, tha thứ vô điều kiện, âu yếm ẵm trong vòng tay, vui mừng vác chiên lên vai, mở tiệc tưng bừng. Thiên Chúa mời mọi người đến chia vui vì “trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.
Người ta mở tiệc ăn mừng những dịp cưới hỏi, tân gia, sinh nhật, thi đỗ, thoát nạn… Trong đời tôi, lại được tham dự một bữa tiệc lạ thường. Chuyện là thế này: Giáo Xứ tôi có một người tên là T. được rửa tội năm 1972 tại Thủ Đức khi anh lập gia đình với chị N. Anh kể với các anh chị Legio, anh đã giữ đạo sốt sắng hơn 7 năm. Đến năm 1979, anh sa đà đủ món ăn chơi trên trần gian này. Chị N. bỏ anh đi. Anh càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Bỏ lễ, bỏ các Bí Tích. Năm 1996, anh em Legio thăm và khuyên bảo anh xưng tội, anh nói: “Nhiều quá, làm sao xưng cho hết ! Chúa không thể tha một lúc nhiều như vậy đâu !” Sau hơn 3 năm, cha sở và các anh chị Legio kiên trì cầu nguyện cho anh, năm 1999, anh quyết định đi xưng tội. Cha sở FX. Lê Quang Diễn đã yêu thương lắng nghe anh nói chuyện tòa ngoài với ngài hết một buổi sáng và thêm nửa buổi chiều. Chiều hôm đó, anh xưng tội. Ngày hôm sau, anh mở tiệc mừng. Có khoảng 3 bàn tiệc. Anh nói mấy câu trước khi vào tiệc: “Con cảm ơn cha, cảm ơn mọi người, xin CHIA VUI VỚI CON, và xin CHIA VUI VỚI CHÚA”. Từ đó, anh đổi mới hoàn toàn, thật sốt sắng với Chúa và dễ thương với mọi người. Anh đã qua đời năm 2008. Linh hồn Phaolô.
Mọi người bất ngờ về câu nói của anh: “xin CHIA VUI VỚI CON, và xin CHIA VUI VỚI CHÚA”. Thiết tưởng, anh không chỉ cảm nghiệm được niềm vui của mình là được trở về, mà với Đức Tin, anh còn dám cảm nghiệm được “niềm vui của Chúa’, của Chúa Chiên, người đã bỏ chín mươi chín con chiên tốt lành kia trong ràn, mà đi tìm anh, con chiên lạc.
Cảm nghiệm được niềm vui của Chúa phải là người đang sống thông hiệp mật thiết với Chúa lắm, như hai người tình đang kết hợp toàn tâm toàn ý với nhau, và dĩ nhiên, niềm vui không của riêng chỉ một người. Suy tư ấy có thể là suy tư cách rất con người, rất chủ quan thôi. Nhưng rõ ràng, thử hỏi ai trong chúng ta, những người vỗ ngực xưng tên mình là đạo đức, đã có bao giờ có được cái cảm nghiệm “chia vui với Chúa” cách trọn vẹn, nếu không đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót của Chúa, nếu không mặc lấy tình thương xót ấy mà xót thương bao kẻ tội lỗi, khốn cùng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con Đức Tin vào lòng thương xót của Chúa để biết mình là con chiên lạc được Chúa tìm về, và mặc lấy tình thương ấy mà cộng tác với Chúa, chia vui với Chúa khi có người anh em tìm được hạnh phúc được Chúa thứ tha. Amen
PM. CAO HUY HOÀNG

Leave a Reply