Học sĩ bổn tràng

hocsibtHọc sĩ bổn tràng
Lê Phú Hải

Niên khóa 1969-1970 tôi vào học lớp đệ thất tại tiểu chủng viện Qui Nhơn, ngày nay trên mạng anh em Qui Nhơn thường gọi nhau là dân Làng Sông nhưng thật sự tôi chưa một lần được biết chủng viện Làng Sông ra làm sao, chỉ nghe kể đó là một công trình kiến trúc đẹp và có tự lâu đời (xây dựng vào thập niên 40, thế kỷ XIX), nằm ở huyện Tuy Phước, Bình Định. Đây vốn là nơi đào tạo chủng sinh cho giáo phận từ xưa nhưng rồi do chiến tranh loạn lạc nên phải bỏ Làng Sông mà đi. Chiến tranh còn khiến cho ngay cả việc đưa các chủng sinh về thăm trường củ thôi mà cũng không dám tổ chức, dù Làng Sông cách nơi tu mới có 8 cây số. Trường mới ở Qui nhơn ngày đó cũng khá bề thế, nằm ngay trên đường Gia Long, giữa Nhà thờ lớn và Tòa giám mục. Tôi chỉ học ở đây được hai năm.
Giám đốc chủng viện ngày đó là linh mục Phaolô Huỳnh Đông Các (năm 1974, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Quy nhơn, đã mất năm 2000) chúng tôi vẫn quen gọi tắt là “Cha Đốc”. “Cha Đốc” rất nóng tính, có lần tôi bị cha nắm tóc suýt chút nữa là xô xuống nền nhà vì tội leo lên bục giặt đồ để rửa chân. Các giáo sư dạy trong trường đều là linh mục, ngoài ra còn có ba thầy Sanh, Son và Tấn phụ trách giám thị và dạy một số môn học như Anh văn, Toán và Công dân. (Sau này cả ba thầy đều trở thành linh mục)
Chuyện về hai năm ở tiểu chủng viện cũng nhiều, ở đây chỉ ghi lại một vài kỷ niệm vui vui. Trước hết là chuyện bị ăn đòn. Hình như thời đó thầy dạy lúc nào cũng nghiêm khắc, mình sơ hở một chút là bị dính đòn ngay, mà mỗi người có một kiểu đánh khác nhau. Cha Bao dạy Việt văn và âm nhạc hay bộp tai. Cha Công dạy Pháp văn gõ ống pipe lên đầu. Thầy Sanh dạy toán đánh roi mây vào mông đít… Cha Bao là nhạc sĩ nên rất chú trọng về nhịp phách. Học lớp đệ thất rồi mà cha vẫn còn bắt chúng tôi tập đọc. Qui định gặp dấu phẩy thì nghỉ một nhịp, dấu chấm phẩy, hai chấm thì nghỉ hai nhịp, dấu chấm và dấu chấm than nghỉ ba nhịp, chấm xuống hàng nghỉ bốn nhịp. Qui định tưởng không có gì khó nhưng khá nhiều đứa cứ va vấp hoài. Vấp vài lần cha cho qua nhưng nhiều quá thì cha nổi nóng và cho một bộp tai chúi đầu xuống đất, mặt in nguyên dấu mấy ngón tay. Tôi không bị lỗi trong môn tập đọc này nhưng có một lần nói chuyện trong giờ tập hát nên cũng bị một bộp tai, thấy đầu óc như tóe lửa và suýt nữa thì té dài xuống nền nhà.
Giáo phận Qui nhơn bao gồm ba tỉnh: Quảng ngải, Bình định và Phú Yên nên chủng sinh cũng là người của ba tỉnh này. Giả sử lớp có 40 đứa thì 20 của Bình Định, 10 của Phú Yên và 10 của Quảng ngải. Có lẽ do Bình Định là sở tại nên số vào học đông hơn? Mà ba tỉnh này rõ ràng là trung tâm của giọng “nẫu”. Ban đầu tiếp xúc tôi nghe cũng tức cười nhưng riết rồi quen. Nhắc chuyện này vì nhớ đến sự việc của thằng bạn cùng lớp tên Quy, người Bình Định, trong giờ học Pháp văn của cha Công. Năm đệ thất chúng tôi đang học cuốn Le Français élémentaire I. Giờ học từ vựng “vỏ cá bự lại rẻ” (vocabulaire). Cha Công hỏi nó mấy chữ, đến chừng: la cuisine là gì? Nó trả lời: thưa cha là cái nhà “bíp”. Sẵn cầm cái ống điếu (pipe) trên tay, cha gõ lên đầu nó nghe cái cốp: “bíp” là cái ống điếu đây nè con ơi, nói lại cho đúng coi. Thằng Quy rưng rưng nước mắt nói rụt rè: dạ thưa cha la cuisine là cái nhà… “bớp”. Lại một cái cốc khác nữa: “boeuf” là con bò con ơi, nói lại cho đúng coi. Tôi ngồi dưới mà cảm thấy nóng ruột. Thằng Quy có lẽ ở miệt nông thôn nên không phát âm được vần “êp”. Vụ này người Phú Yên và Bình Định hay bị lắm. Tôi nhìn môi nó mấp máy mà thầm mong cho nó bật ra được chữ “bếp” cho yên. Loay hoay miết mà không xong nên cha Công bực tức cho nó đi xuống. Tôi nhìn thấy nước mắt giàn giụa trên mặt nó. Không biết sau vụ này đầu nó có bao nhiêu cục u, chỉ biết cha Công cũng là người quê Bình Định như nó. Hic hic!
Nhưng tôi ngán nhứt là giờ Toán của thầy Sanh. Lúc nào đến lớp thầy cũng cầm theo cây roi mây. Tôi là một trong những đứa thường hay bị nằm trên bục để chịu đòn vì học toán quá dở. Sợ nhứt là mùa lạnh. Hình như trời lạnh bị quất roi đau hơn mùa nắng. Thành thử vào mùa lạnh hễ cứ đến giờ toán là tôi mặc sẵn mấy cái quần: hai quần đùi trong cùng, đến cái quần sọt, quần bà ba, rồi đến quần tây, để lỡ bị đòn sẽ bớt đau. Còn nếu bị thầy hỏi sao mặc nhiều quần thì sẽ nói dạ thưa con lạnh. Hì hì…
Ngày đó bộ sách Anh văn English for today đã được học phổ biến trong các trường học, mỗi năm học một quyển, lên dần. “Cha Đốc” rất giỏi Anh văn, vì cha từng du học ở Hoa Kỳ và lấy bằng tiến sĩ ở đó. Hôm đó cha vào lớp tôi thông báo ngày mai cha có mời một số người Mỹ đến trường để cho chúng tôi tập đàm thoại. Cha nói ít nhất mỗi đứa cũng phải nói được một câu. Tôi lật cuốn English for today ra tìm một câu và học thuộc lòng. Sáng hôm sau có mấy người Mỹ mặc quân phục đến gặp chúng tôi. Họ và Cha Đốc nói chuyện xí lô xí lào gì đó nghe rất hay. Rồi đến phiên chúng tôi mỗi đứa đứng lên nói một câu để nghe ông người Mỹ kia trả lời. Đến lượt tôi dõng dạc nói câu đã học thuộc sẵn: How long did you stay in VN? Ông Mỹ trả lời gì đó tôi không nghe kịp, chỉ biết đứng nhe răng cười.
Năm tôi học lớp 7 (lúc này tên lớp đã được gọi theo kiểu mới), nhà trường tổ chức đi chơi Cù lao Xanh bằng ghe. Đây là một hòn đảo rất đẹp của Qui nhơn. Chúng tôi tha hồ tắm táp, bơi lội. Cha Đốc mặc chiếc quần tắm bơi ra khá xa bờ, rồi bất chợt nằm ngữa, hai tay khoanh trước ngực, người vẫn nổi bềnh bồng trên mặt nước. Chúng tôi nhìn và khoái quá. Một đứa tỏ ra hiểu biết nói: chỉ cần thả lỏng cơ thể và bình tĩnh là có thể nằm ngữa trên mặt nước được. Có vài đứa bắt chước làm thử. Tôi lội ra một khoảng xa xa, nước vừa ngập cổ. Thả lỏng cơ thể, tôi khoanh hai tay, ngữa người ra và rút chân lên. Chìm lĩm. Báo hại sặc nước ho một trận gần chết.
Một hôm kia, sau giờ cơm chiều tôi ra sân đi dạo như thường lệ với các bạn trong lớp. Hai tay đút túi quần tôi lững thững bước đi. Bỗng phía trước thầy giám thị tiến lại, tay cầm cái roi nhỏ. Tôi ngước mặt lên nhìn để xem thử thầy có chuyện gì la rầy không. Thầy không nói không rằng quất roi vào hai cánh tay tôi lia lịa. Đau quá nên tôi rụt tay lại xuýt xoa. Thầy cũng không nói gì, chỉ lặng lẽ bỏ đi. Tôi ngạc nhiên quá hỏi tụi bạn gần đó sao tao bị đánh vậy ta? Mấy thằng bạn lắc đầu không biết. Hôm sau tôi kể lại chuyện này với một “chú” học ở lớp trên (“chú” là tên gọi chung các chủng sinh học ở tiểu chủng viện). Anh này cười hè hè: À, ổng sợ mày đút tay túi quần rồi rờ “chim” đó. Hu hu…
Hai năm học ở tiểu chủng viện tuy ngắn ngủi nhưng có khá nhiều kỷ niệm. Chuyện tu học tuy vất vả nhưng vẫn có thể vượt qua. Cực nhất là nhớ nhà. Buổi sáng ngủ dậy thì không sao nhưng buổi tối học bài trước khi đi ngủ tôi nhớ nhà da diết. Tôi nhớ nhất là má tôi, sau rồi đến mấy đứa em mà con bé nhỏ nhất còn chưa biết đi. Ngồi trên lầu cao học bài tôi thường hay nhìn xuống đầm Thị Nại. Những ánh đèn nhấp nháy trên đầm làm tôi liên tưởng đến những con thuyền, rồi hình ảnh con thuyền làm tôi tưởng tượng đến những chuyến đi cùng những chia ly xa cách. Khổ nỗi khi nỗi nhớ đã với đi thì lại đến tết, tôi được nghỉ hai tuần về nhà. Sau tết về lại trường thì nhớ lại từ đầu cho tới gần hè. Và nỗi nhớ của tôi gắn liền với mỗi chuyến bay Qui Nhơn – Nha Trang và ngược lại. Mỗi lần máy bay cất cánh từ Nha Trang, tôi chỉ ngồi im lặng, để mặc cho cô chiêu đãi viên tới giúp tôi cài dây an toàn. Tôi ngoái đầu nhìn xuống đất, ba tôi vẫn còn đứng đó, cặp kính đen ngước nhìn theo phi cơ cất cánh. Phải chi ba tôi cứ đi về trước có lẽ tôi sẽ bớt nhớ hơn…
Cuối năm học lớp 7, Cha Đốc kêu tôi vào văn phòng báo cho biết tôi bị cho về luôn vì sức học yếu quá. Tôi chỉ ngồi im lặng mà nước mắt chảy như mưa. Cha Đốc an ủi tôi, đại ý là đừng buồn, chỉ vì con không có ơn kêu gọi, thôi thì về lại đời sống trần tục để làm một người tốt sau này v.v… Tôi cầm xấp hồ sơ học bạ đi về nhà ngủ mà lòng buồn vô hạn. Buồn vì không còn được tu học ở đây nữa và buồn vì biết mình đã không đáp ứng được kỳ vọng nhiều người.
Hôm sau nhà trường cho xe chở tôi ra phi trường Qui Nhơn. Tôi bùi ngùi biết đây là lần cuối vì mình sẽ không còn trở lại nữa. Về nhà, ba tôi vẫn không tỏ vẻ buồn phiền gì. Ông an ủi tôi, nói thôi học ở đâu cũng được. Má tôi thì mĩm cười: Con về nhà cũng vui mà, không sao đâu.
Và thế là tôi đã bước qua tuổi ấu thơ để vào thời niên thiếu.
Lê Phú Hải

Leave a Reply