HONG LẠI NIỀM TIN TỪ “VẾT SẸO”

HONG LẠI NIỀM TIN TỪ “VẾT SẸO”

(CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – Năm A 2020)

​Không dè “đức tin vào Đấng Phục Sinh” của tông đồ Tôma lại xoay quanh câu chuyện về “vết sẹo” !

​Khởi đầu là “vết sẹo” và lời thách thức: Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.

​Tiếp đến: “vết sẹo” và sự hiện diện để chứng minh: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.

​Cuối cùng: “vết sẹo” và lời tuyên xưng đức tin trọn hảo: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”

​Thì ra, Đức Kitô Phục Sinh – Đối tượng cốt yếu của niềm tin nơi người Kitô hữu, không là một hình hài ảo ảnh, một nhân vật huyền thoại hoang đường, một thần thánh vô hình trừu tượng…, mà là một “Ngôi Vị” mang hình hài của một “Con Người” đầy “vết sẹo”. Và như thế, lời thách thức hôm nào của tông đồ Tôma lại là một “chìa khoá” để mở ra một chiều kích đức tin đầy tính nhân văn và hiện thực.

​Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu, Kitô giáo được xây dựng và hình thành bằng những “chuyện kể” của các chứng nhân về một “Con Người đã mang trên mình vết sẹo thập giá và đã chỗi dậy khỏi ngôi mộ trống”. Vâng, đó là những “chuyện kể” của người thiếu phụ Maria Mađalêna, của các bà đạo đức, của Phêrô và Gioan, của hai môn đệ trên đường Emmau, của “7 anh ngư phủ” trên biển hồ Tiberiat, của “nhóm 11 tông đồ trong đó có Tôma”…

​Các nhà truyền giáo đầu tiên của Kitô giáo đó là những người đã từng biết, sống, làm việc…và nhất là từng chứng kiến việc Giêsu Nadaret bị bắt, kết án, vác thập giá và bị đóng đinh trên đồi Sọ, được an táng trong mộ với thân xác đầy vết sẹo….; và cũng là “chứng nhân của chuyện kể về “ngày ngày Thứ Nhất trong tuần”: ngôi mộ trống, các vật dụng liên quan đến “vết sẹo thập giá” vẫn còn nguyên: băng vải liệm xác, khăn liệm che đầu…, và thiên thần báo tin “Ngài đã sống lại”…(Xem Cv 1,21-22).

​Và chính Đấng “mang đầy vết sẹo thập giá” đó đã hiện diện để ấn chứng như một con người sống thực chứ không là bóng ma: Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? ” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (Lc 24,39-40).

​Quả thật, nếu câu chuyện “Chúa sống lại” chỉ là một “bản tin giật gân của mấy mụ đàn bà hoang tưởng” hay của mấy tay dân chài dốt nát “có vấn đề thần kinh”… đã tự thêu dệt ra để tự vỗ về an ủi…, rồi sau đó khép lại như bao câu chuyện của đời thường, tuyệt nhiên không có gì xảy ra sau đó, thì thử hỏi trên thế giới nầy liệu có được mấy  người tin Chúa Giêsu ?  Mà dẫu cho thế giới có sai lầm và mù quáng suốt 2000 năm nay chăng nữa, thì ở giữa thời đại văn minh như hôm nay, liệu có tồn tại không một tôn giáo dựa trên một lời bịa đặt, một sự tuyên truyền dối trá, một ?

​Vâng, đằng sau bản tin “Mộ trống” của các trang Tin Mừng, đằng sau câu chuyện nhát gừng “Chúa đã sống lại” của các phụ nữ, đằng sau lời đoan quyết “Tôi đã thấy Chúa” chẳng ai làm chứng của bà Maria Mađalêna, và cả những lời xác nhận “chúng tôi đã thấy Chúa” không mấy xác tín của đám đông Tông Đồ trong “căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái” …phải có một “sự thật vĩ đại”, một “ấn chứng thần linh” chắc chắn, một sự “hiện diện đích thực của Đấng Phục Sinh với xác thân mang đầy vết sẹo”…mới làm cho “chân lý Phục Sinh”, “Tin mừng Phục Sinh” được thuyết phục, tin yêu, đầy sức sống và hy vọng suốt 2000 năm.

​Từ “đức tin nhờ thách thức của Tôma”, một lần nữa chúng ta xác tín rằng: chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa, chỉ có sức tác động của Chúa Thánh Linh, chỉ có “Bàn tay quyền năng của Đấng Phục sinh chạm tới” mới làm nên phép lạ kỳ diệu và đầy thuyết phục của “Tin Mừng Phục Sinh”, của “Tín điều Phục Sinh”, của giáo lý Phục Sinh”…

​Chính vì thế, chúng ta có thể phát biểu một cách xác tín mà không sợ “lạc đạo” rằng: mầu nhiệm phục sinh đó là “mầu nhiệm Đức Kitô đang hiện diện”:

– Một sự hiện diện làm nên Kitô giáo, một sự hiện diện làm nên lâu đài đức tin.

– Một sự hiện diện làm nền tảng của giáo lý, tâm điểm của mọi cử hành phụng vụ.

– Một sự hiện diện làm kim chỉ nam cho mọi qui luật luân lý và tu đức.

– Một sự hiện diện làm nên chính lương thực trường sinh và sức mạnh thiêng liêng cho cuộc đời tại thế.

– Một sự hiện diện có sức mạnh lôi kéo con người tiến bước trong niềm hy vọng hạnh phúc vĩnh hằng.

– Một sự hiện diện làm bật rễ những tâm hồn tăm tối tội lỗi để vươn mình chỗi dậy bước vào ánh sáng tình yêu và ân sủng…

​Chính vì thế, niềm tin của người kitô hữu, cuộc sống đích thực của người Kitô hữu chính là sống “sự hiện diện nầy”, như lời định nghĩa của Thánh Phaolô: “Tôi sống đây không phải là tôi sống màchính Đức Kitô sống trong tôi”; đó chính là Đức Kitô Phục Sinh mà chàng Tôma cứng tin đã luỵ phục hoàn toàn sau khi chứng kiến “những vết sẹo” mà anh ta đã thách thức: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”.

​Nhưng chúng ta cũng biết rằng: sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Kitô chỉ hiện diện cách hữu hình vỏn vẹn có 40 ngày. Sau đó “Ngài lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa”, nhường chỗ cho một sự “hiện diện mới”, một Đức Kitô phục sinh vô hình nối dài trong lịch sừ, mà theo ngôn ngữ thần học của Thánh Phaolô, đó chính là “Thân Thể huyền nhiệm của Ngài”, là Hội Thánh.

​Quả thật, Lời Chúa hôm nay cho dù âm vang những tên gọi khác nhau như “các anh em…thông hiệp huynh đệ, bẻ bánh, cầu nguyện”, “các tông đồ”, “Mọi kẻ tin sống hoà hợp” (Cv), “Đức Kitô phục sinh đã tái sinh chúng ta” (Thư Phêrô), “các môn đệ họp có cả Tôma” (TM)…thì tất cả đều qui chiếu về một điều duy nhất: “một cộng đoàn đang làm chứng về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”, làm chứng về sự “đồng tâm nhất trí”, về chia sẻ huynh đệ, về sự cầu nguyện và cử hành phụng vụ Thánh Thể…, như những lời mô tả đơn sơ của sách Công vụ Tông đồ nơi Bđ 1: “Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng.”

​Nếu diễn tả theo ngôn ngữ thần học hiện nay, thì đó là:

– Một cộng đoàn Hội Thánh mang tính “hiệp hành” (Synodality)đang gắn kết cùng nhau trên cuộc lữ hành đức tin tiến về quê Trời.

– Một cộng đoàn qui tụ với nhau trong bí tích Thánh Thể để “chạm đến thương tích của Đấng Phục sinh đang hiện diện” và trở thành những đôi tay nối dài của Ngài để xoa dịu những vết thương đau giữa cuộc đời.

– Một cộng đoàn sống mầu nhiệm thánh tẩy bằng thái độ dấn thân lên đường để hoàn toàn phó thác vận mệnh cho “lòng xót thương của Thiên Chúa”

​Một cộng đoàn Hội Thánh nào không phản ảnh hay phản lại những giá trị trên, những đặc tính nền tảng trên sẽ không bao giờ có Đức Kitô phục sinh hiện diện. 

​Cũng vậy, khi nào mỗi người Kitô hữu chúng ta lìa xa Hội Thánh, tách rời cộng đoàn để “xé lẽ ăn riêng” sẽ rơi vào nguy cơ “cứng lòng, vô tín như Tôma”.

​Khi nào cộng đoàn Hội Thánh vẫn còn sống trong sự nhát sợ, cục bộ, ích kỷ  “đóng cửa kín bưng” để xa rời anh em đồng loại, sẽ có nguy cơ làm xơ cứng cũ mòn lời chứng về sự Phục sinh và sẽ không thuyết phục được con người hôm nay tin vào việc Chúa sống lại.

​Sau hết, chúng ta đừng quên, Đức Kitô không hề che giấu những “vết sẹo thương khó” trên thân thể phục sinh của Ngài; đó chính là dấu chỉ sống động cụ thể của “lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa” mà Thánh Phêrô, một nhân chứng cụ thể của bi hùng kịch “Tử nạn-Phục sinh”, đã diễn tả cách thâm thuý qua thư thứ nhất của ngài vừa được công bố qua Bài đọc 2 hôm nay:“Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời.”

​Trong cái nhìn thần học của Thánh Gioan, “Vết sẹo” mà Chúa Kitô Phục Sinh mời gọi Tôma chạm đến cũng chính là vết sẹo từ “cạnh sườn Đấng bị đâm và máu và nước đã chảy ra từ đó”. Đức tin phát xuất từ cạnh sườn Chúa Kitô và Hội Thánh cũng phát sinh từ đó, từ “vết sẹo của tình yêu”, từ “vết thương của lòng thương xót”, từ chính Máu và Nước, biểu tượng của hai nhiệm tích Thánh Tẩy (nước) và Thánh Thể (Máu). Chúa mời gọi Tôma đụng chạm đến cạnh sườn phải chăng đó là dấu chỉ sống động của “Lòng Thương Xót”. Thị kiến của nữ Thánh Faustina sau nầy qua hình tượng ánh sáng trắng và đỏ (bức ảnh Lòng Chúa thương xót) từ ngực Chúa chiếu ra phải chăng là một minh họa thêm cho mặc khải tối hậu nầy !

​Năm nay, giáp 20 năm ngày Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II phong hiển thánh cho Chân phước Faustina (30.4.2000), cũng là ngày vị Thánh Giáo Hoàng nầy đã thiết lập “Chúa Nhật kính lòng Chúa Thương Xót” là Chúa Nhật II Phục Sinh hằng năm, phải chăng là dịp đặc biệt để toàn Dân Chúa ôn lại và sống cụ thể hơn, sinh động hơn sứ điệp “Lòng Chúa Thương Xót”.

​Nếu sứ điệp “Lòng Chúa thương xót” được mạc khải và ký thác cho thánh nữ Faustina vào thời ngọn lửa kinh hoàng của chiến tranh thế giới lần thứ II đang bao phủ địa cầu, thì cũng sứ điệp nầy, hôm nay, trong thời đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen sự chết lên toàn thế giới, một lần nữa nhắc nhở mọi người chúng ta vững tin vào “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”.

​Cũng vậy,  nếu trên “Thân Mình Hội Thánh” và trong nhân loại hôm nay, còn có biết bao nhiêu phận người mang hình ảnh của “Đức Kitô loang lổ vết sẹo” của đói nghèo, bị áp bức, bệnh tật, tù đày…đang cần được “chạm đến” với bàn tay của “Lòng Thương Xót”, thì cần thiết biết bao, những “tông đồ Tôma” luôn trở về “ở lại với anh em trong mái nhà Hội Thánh và hong lại niềm tin từ vết sẹo của Đấng đã chết và sống lại vì yêu, “vết sẹo của Lòng Thương Xót”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền