KHI CHIẾC “LỀU” TỎA RẠNG ÁNH SÁNG

KHI CHIẾC “LỀU” TỎA RẠNG ÁNH SÁNG

(Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ – 02.02.2023)

– Dẫn nhập đầu lễKính thưa cộng đoàn phụng vụ,

​Hôm nay, cộng đoàn chúng ta hiệp cùng toàn thể Hội Thánh cử hành lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Thánh lễ hôm nay còn còn được gọi là Lễ Nến, vì mở đầu Phụng Vụ Thánh Lễ, có nghi thức thánh hiến các cây nến để cộng đoàn thắp lên trong cuộc kiệu nến hôm nay hay những thời khắc khác trong cuộc sống đức tin. Và Hội Thánh cũng chọn ngày hôm nay để cầu nguyện cho tất cả những ai đã, đang và sẽ chọn sống cuộc đời thánh hiến, tu trì.

​Giờ đây xin mời cộng đoàn hãy sốt sắng bắt đầu đi vào nghi thức làm phép và kiệu nến.

– Chia sẻ Lời Chúa: Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

​Trước hết, cử hành phụng vụ lễ mẹ Dâng Chúa trong đền thánh nầy đã có lâu đời trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa mà nguồn gốc xuất phát từ truyền thống luật lệ và phụng vụ Cựu ướccủa Do Thái giáo như được ghi lại trong sách Lêvi 12,1-8 với nội dung sau: một người phụ nữ khi sinh con trai sẽ ở cử 40 ngày và sinh con gái sẽ ở cử 80 ngày. Sau thời gian đó phải đến đền thờ để thực hành nghi thức thanh tẩy và dâng con cho Chúa. Nếu giàu có mang theo con chiên, nếu nghèo mang theo 1 cặp bồ câu non. Tin mừng Luca hôm nay tường thuật việc Đức Maria và Thánh Giuse, sau 40 ngày sinh hạ hài nhi Giêsu tại Bê-lem, đã tuân thủ giáo luật cựu ước lên đền thờ thanh tẩy và dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa…

​Bài học vâng phục lề luật của Đức Mẹ, thánh Giuse là dấu chỉ đối nghịch với sự kiêu căng, bất tuân lệnh Chúa của Adong-Evà. Chính nhờ sự vâng phục đầy khiêm hạ nầy, ơn cứu độ đã đến cho trần gian.

​Tuy nhiên, phụng vụ hôm nay không chỉ đơn thuần là nhắc lại một sự kiện lịch sử hay nhấn mạnh về sự tuân thủ lề luật của gia đình Thánh Gia mà còn công bố mầu nhiệm “Chúa là Ánh Sáng đến chiếu soi trần gian” hay là “Đấng Cứu Độ đích thăm đến gặp gỡ loài người đang mỏi mòn mong đợi”. 

​Vâng, chính trích đoạn Lời Chúa trong sách Malaki được công bố nơi bài Đọc 1 đã khẳng định: Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm, và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người. Chúa các đạo binh phán: “Này đây Người đến”

​Riêng Tin Mừng Luca đã hiện thực hóa sự kiện “vô tiền khoáng hậu” nầy qua cụ già Simeon, hình ảnh của một nhân loại đang mòn mỏi héo hon đợi chờ “Ánh Sáng Cứu Độ”, đã như òa vỡ niềm vui của mãn nguyện hạnh phúc khi khi được bồng “Đấng Cứu Thế” trong đôi tay gia nua của mình: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

​Mừng biến cố Chúa Cứu Thế là Ánh Sáng đến gặp Dân Ngài trong đền thờ hôm nay (như lời tuyên xưng của cụ già Simeon) đã củng cố thêm mầu nhiệm “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9); và phụng vụ hôm nay đã cắt nghĩa cách sống động mầu nhiệm nầy qua nghi thức “Làm phép và kiệu nến”, một hình ảnh nhắc nhớ chúng ta hướng về NGỌN NẾN PHỤC SINH, biểu tượng của Đức Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6); Đấng là Ánh Sáng chiếu vào nơi tối tăm” (Ga 1,5), là Mặt trời hy vọng, là Sao mai giữa đêm trường.

​Chính trong “ý nghĩa ánh sáng” nầy, mà với quá trình “hội nhập văn hóa đức tin” vào một đế quốc Rôma ngoại giáo, mê tín, ngày lễ “chào mừng ánh sáng cứu độ” hôm nay đã góp phần thanh tẩy và biến đổi những cuộc “Rước đuốc” đầy ma mị và dâm đảng tại Rôma vào thế kỷ thứ 7 trở thành cuộc “kiệu ánh nến chào mừng Đấng là Ánh Sáng chiếu soi niềm hy vọng và sự sống vĩnh cửu cho thế giới”.

​Tuy nhiên, “Ánh Sáng Cứu Độ” mà chúng ta chào mừng hôm nay lại mang vóc dáng, hình hài bé bóng khiêm hạ của một “Hài Nhi”; và rồi sau đó, đã lớn lên làm người trong thân phận của một “anh thợ mộc”, đi rao giảng Tin Mừng như một “Rabbi nghèo không viên đá gối đầu”, và kết thúc cuộc đời trần thế với thân phận của một “tội nhân đóng đinh thập giá”. Nhưng đó lại là con đường Thiên Chúa đã chọn để Đức Kitô nên Vị Đại Giáo trưởng đền tội cho dân, như lời khẳng định của Thư gởi tín hữu Do Thái trong bài đọc 2: Người nên giống anh em Mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.

​Nếu ngay từ đầu, phụng vụ lễ Dâng Chúa vào đền thánh hôm nay đã làm loé sáng lên biểu tượng của “Ánh Sáng” thì phần cuối, như Tin Mừng Luca đã kể, lại cho chúng ta hình ảnh của “Thanh gươm”: “… Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”. Khi lựa chọn và công bố sứ điệp nầy trong ngày hôm nay, chắc chắn, phụng vụ muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Ánh sáng cứu độ bừng sáng lên trong con tim đợi chờ mòn mỏi của Simêon, Anna và thanh gươm loang máu trong viễn tượng Hy Tế của Chúa Con và trong con tim Xin vâng của Người Mẹ Đồng trinh luôn là “cặp đôi hoàn mỹ” trong chương trình Cứu Độ và trong cuộc hành trình Truyền Giáo: Ánh sáng cứu độ phải chỉ được tỏa sáng qua Thập Giá.

​Cũng chính trong ý nghĩa “ánh sáng và thanh gươm” nầy, mà Giáo Hội đã chọn ngày hôm nay làm ngày Hướng về ơn gọi Thánh Hiến để vừa tuyên dương những anh chị em tu sĩ khắp mọi miền thế giới, với biết bao sắc màu cách kiểu dấn thân, đã làm nên những cánh hoa tuyệt mỹ, những ánh sao rạng ngời… trang điểm khu vườnvà bầu trời Giáo Hội; vừa cũng là dịp gọi mời nhiều tâm hồn quảng đại dám “đập bể bình dầu thơm quí giá cuộc đời” để xức chân Chúa Kitô đang hiện diện trong những con người khổ đau, tật bệnh, đói nghèo…; hay như những lời trong Thư của Bộ Tu Sĩ gởi các anh chị em dấn thân trong đời thánh hiến năm nay (2023): Trong sứ điệp này, chúng ta tập trung vào sứ mạng: “Nới rộng lều”, một thái độ nằm ở trung tâm của hoạt động truyền giáo, như tiêu đề của Tài liệu Làm việc cho giai đoạn Châu lục của Thượng hội đồng nhắc nhở chúng ta. Truyền giáo dẫn chúng ta đến sự sung mãn của ơn gọi Kitô hữu; nó cho chúng ta cơ hội trở lại với phong cách của Thiên Chúa “gần gũi, trắc ẩn, và dịu dàng” được diễn tả bằng lời nói, bằng sự hiện diện, và bằng những mối dây thân hữu. Chúng ta không thể tách mình ra khỏi cuộc sống; cần có ai đó quan tâm đến “sự mong manh và nghèo khó của thời đại chúng ta, chữa lành những vết thương và những trái tim tan vỡ bằng dầu thơm của Thiên Chúa”.

​Quả thật Đức Kitô, Ánh Sáng cứu độ, đã đến và đang đến. Nhưng gặp được Ngài, mọi người phải có một đường riêng. Bởi vì ánh nến hôm nay rồi sẽ vụt tắt, cửa đền thờ chút nữa đây sẽ đóng lại. Ngoài kia muôn con đường cuộc sống lại mở ra. Nếu chúng ta bước đi mà trong tim không còn chút lửa nào của tình yêu Kitô đọng lại, thì cây nến được làm phép hôm nay chỉ là một trang sức vô duyên kệch cỡm, đức tin chỉ là một thứ thuốc lú bùa mê rẽ tiền. Nếu chúng ta đối diện với anh chị em đồng loại, với trách nhiệm và bổn phận đã được giao phó bằng một cõi lòng đóng kín, ích kỷ, nhỏ nhen, ghen ghét…thì quả thật đền thờ không còn phải nơi để gặp gỡ tin yêu, để đón nhận ân sủng…mà sẽ chỉ là một sân khấu để đến đó mà trình diễn thời trang hay là một câu lạc bộ giải trí để đến tìm một chút thư giản tinh thần.

​Vì thế, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, đặc biệt cho các tu sĩ nam nữ, trong cuộc gặp gỡ với Đức Kitô Thánh Thể hôm nay, trong Bàn Tiệc thánh đặc biệt nầy, không phải chỉ là cuộc “bồng ẳm Chúa Giêsu bằng đôi tay xa lạ”, mà là một cuộc hội ngộ của tình yêu, của dấn thân hành động, của “đi ra” và truyền giáo…; hay như lời mời gọi của “Chương trình Hiệp Hành cấp Châu lục” “HÃY NỚI RỘNG LỀU NGƯƠI ĐANG Ở” và làm cho chiếc “lều” đó tỏa rạng ánh sáng giữa sa mạc cuộc đời. Amen.

Trương Đình Hiền2