Ngày trở về
Cát Giang
Đã bước chân vào cánh cổng Tiểu chủng viện thì phải coi chuyện xa nhà là cái nghiệp dĩ và coi việc mình bị nhốt giữa bốn bức tường nhà trường là chuyện đương nhiên. Một năm xa nhà 8 tháng, được về thăm nhà hai bận, một lần vào mùa hè dài 3 tháng và lần kia vào dịp tết 15 ngày. Ai muốn nghỉ nhiều hơn xin cứ tự nhiên : chén gạo lui binh.
Còn nhớ những ngày giáp tết năm 1966, khi lần đầu tiên phải xa nhà tới sáu tháng trường, lũ tôi, cả một bọn nhóc lớp đệ thất mới lên mười một mười hai tuổi mà thằng nào cũng “ từ nhỏ con chưa xa vắng quê nhà mẹ ơi. Một buổi xa con, nhớ thương chắc mẹ chẳng vui. … ” nên thằng nào cũng rộn ràng chờ mong cái ngày được trở về với mẹ.
Cứ nghĩ tới lúc được đặt chân vào nhà gặp lại mẹ cha, găp lại chị em mà hồn dâng bao thao thức bồn chồn. Sáu tháng rồi mẹ ơi.
Đêm trước ngày trở về, một cơn mưa bất chợt chạy rầm rập trên mái tôn nhà ngủ khiến tôi thấy dường như những giọt mưa ấy chỉ vừa mới chui ra khỏi trái tim mình, nó bốc lên cao rồi quay trở lại đập vào mái tôn để nhắc cho mọi người biết rằng ngày mai cái lũ nhỏ này sẽ được về nhà.
Trằn trọc hết chuyện này tới chuyện nọ, trằn trọc mớ hành lý…
Này là nữa ký thèo lèo đậu phụng mua cho chị cho em, này là cái khăn xanh mua cho mẹ cái khăn trắng cho cha, này là hai bộ đồ tây mang về đi lễ, này là cái khăn lau mặt cái áo mai ô, này là kem bót đánh răng. Riêng cái khoản kem bót sau cùng này thì cả nhà tôi chưa từng có ai được xài, tha hồ mà ngạc nhiên nhé…
Chỉ có mấy thứ vụn vặt như vậy thôi nhưng vì chưa bao giờ phải tự mình lo một chuyện gì nên bụng tôi cứ lo mãi, cả khi đã lên tới bến xe Gia Long rồi mà vẫn còn lo và cái sự lo ấy chỉ chịu nhường bước khi mọi người đã yên vị đâu đó trên xe, tai đã nghe tiếng máy nổ mắt đã thấy phong cảnh đổi thay theo đường dài vạn dặm.
Độ ấy tình hình chiến sự ba hồi nóng ba hồi lạnh, mới hồi tháng 8 nhập trường thì đi máy bay mà tới tháng 2 khi nghỉ tết lại phải ngồi xe đò, nhưng cũng nhờ thế mà chỉ trong vòng có 6 tháng thôi mà bằng tay không lũ tôi đã bắt được cả hưu lẫn nai. Xưa đã được ngồi máy bay, được coi trời xanh mây trắng thì nay lại được ngồi xe đò, được ngắm núi thẳm đồng xanh. Thế cũng là như lên tiên rồi.
Phong cảnh Qui Nhơn – Tuy Hòa với tôi, một thằng bé trước khi đi TCV chưa bao giờ rời khỏi nhà mình hơn một cây số là vô cùng kỳ lạ, mở to mắt nó ngắm hết cảnh rừng núi lại ngắm ruộng đồng phố xá, miệng hết chữ ô rồi lại a .
Đèo Cù Mông. Cái tên gì mà nghe tức cười quá. Cù (cái) Mông. Rồi Sông Cầu. Cái tên này thì được, nghe nó hay hay phải không Ngân. Xe dừng Sông Cầu cho hành khách nghỉ chân. Là xứ dừa nên nơi đây người ta bán toàn những món làm từ dừa như bánh su sê, bánh ít dừa, nhưng cái lạ nhất là món mộng dừa.
Nguyên trái dừa sau khi xếp đều ở vườn sau, họ đem cành lá lẫn đất mùn tơi xốp tấp lên rồi tưới nước cho dừa nẩy mầm, tới khi bên trong ruột đã hóa thành một khối mộng trắng tinh thì đem chặt ra lấy mộng bán. Không mùi vị, nhai giòn giòn, cảm giác nhàn nhạt rất lạ miệng nhưng ăn chỉ nữa trái là ớn. Bạn bè ăn ớn bẻ cho một cục mà tôi nuốt cũng không hết. Phần mình, tôi chỉ dám mua vài miếng kẹo dừa vàng ươm mà cũng chỉ dám nhai nhin nhin, ngậm từ từ cho nó ngon lâu.
Bầu không khí tết đây đó đã ló dạng với những nhánh mai rừng bày bán bên vệ đường, với những trẹt lá chuối gói bánh chưng, với những khay bánh in nện trắng muốt… Chắc thiên hạ đã rộn ràng sắm sửa tết nhất rồi nhưng với tôi thì chúng chả có ý nghĩa gì, tôi chỉ mong sao mau được về tới nhà.
Rồi xe ta lại bon bon lăn bánh đường dài. Đây đó cũng thấy mùi chiến tranh bốc lên qua những chiếc xe GMC chở đầy lính, qua những đoạn đường kẻm gai với súng ống canh chừng. Khi tới khu vực Vườn Xoài, tất cả các xe đều phải dừng lại bên đường để cho lính tráng có xe bọc thép hộ tống làm gì đó một hồi khá lâu rồi mới được tiếp tục chạy. Trên xe người lớn lo lắng nhưng lũ con nít thì vẫn xa va, vẫn cứ hồn nhiên thò đầu ra mà chỉ trỏ, mà cười nói.
Rồi Chí Thạnh, Rồi đèo Quán Cau. Rồi Hòa Đa. Rồi Long Thủy. A ! Núi Chóp Chài kìa ! Tới Tuy Hòa rồi bay ơi !
Tuy Hòa. Vừa nghe mấy tiếng đó là tự nhiên hai hàm răng tôi mỏi rũ rượi, mỏi như thể sắp rụng tới nơi, cùng lúc ấy một cảm giác rả rời xâm chiếm, hồn đi đường hồn, xác đi đường xác. Đoạn đường từ Chóp Chài về cho tới xóm nhà thờ cũ, mặc bạn bè hò reo còn riêng tôi chỉ ngồi im. Hàm răng càng lúc càng mỏi. Cái cảm giác răng mỏi và hồn rả rời này thì thỉnh thoảng trong những lần về nhà sau này tôi cũng còn gặp lại, nhưng cái lần đầu tiên ấy là mảnh liệt nhất.
Tới đầu xóm nhà thờ cũ xe tấp vào lề tạm dừng. Một mình xách cái vali bằng thùng thiếc màu xanh tôi bước xuống. Trời đã quá trưa nên đường xá không một bóng người, khiến ngay đến việc một thằng bé xa nhà đã sáu tháng trường hôm nay mới trở về lần đầu mà chả được ai để ý.
Ngựa trở về sao cây cỏ chẳng xiêu…
Nhưng không được ai để ý lại giúp cho lòng tôi bình tĩnh trở lại, chỉ cảm thấy hơi bồn chồn, tôi xách chiếc vali bước dọc theo con đường đất cát đầy quen thuộc. Vài người ngồi trong nhà reo lên : A. Thằng Mến về rồi kìa. Tôi cất cao giọng chào lại và rồi cũng chỉ có thế, họ vẫn ở yên trong nhà của họ.
Ngựa trở về sao cây cỏ chẳng xiêu…
Gần tới nhà thì chị Hai là người thấy đứa em mình trước tiên. Chị la lớn : Em về rồi thầy mẹ ơi ! Em về rồi thầy mẹ ơi ! Tôi nhìn người chị ốm yếu rồi nhìn mái nhà tranh vách đất đầy quen thuộc mà sao bỗng lạ lẫm, nó nhỏ bé và lụp xụp quá. Nhà mình nghèo tới vậy ư.
Chị tôi dành lấy chiếc va li. Từ trong nhà thầy mẹ và các em tôi ào ra ríu rít. Bao cảm giác dâng trào khiến vừa bước qua khỏi cái bậu cửa thấp lè tè là tôi không thể nào kìm được nổi xúc động, tôi vội chạy ào vào buồng mẹ rồi nằm xuống, ở đó hồn tôi rung lên từng hồi nức nở.
Tôi khóc cho một mình tôi nghe…
Cát Giang
Recent Comments