NHƯ MỘT GIẤC MƠ

NHƯ MỘT GIẤC MƠ

(Khánh Nhật Truyền Giáo 2021)

​Sáng nay, thứ Bảy 24 tháng 10 của năm 2021, lên bàn phím, vô Google gõ thử hai từ “Truyền Giáo” thì lập tức, chưa đầy 6 giây, được thông báo có khoảng 195 triệu kết quả. Mình chắc mẫm: Ồ “Truyền giáo” cũng quan trọng đấy chứ ! Nhưng “bé cái lầm” ! Sau đó gõ tiếp chữ “Sex”, thì chưa đầy 3 giây, đã cho kết quả 6 tỷ chín trăm triệu ! Và lần lượt gõ thêm mấy từ khác như “tiền bạc”, “kinh tế”, “tài chánh”… từ nào cũng cho kết quả vượt trội hai từ “truyền giáo”. Riêng mấy từ như “Thiên Chúa”, “đạo đức”, “thánh thiện”, “ơn cứu độ”… thì ít ỏi đến thảm hại !

​Thì ra, câu chuyện “truyền giáo” hay những gì liên quan đến“Thiên Chúa”“ơn cứu độ”, “lòng đạo đức”, “sự thánh thiện”… xem ra không là điều đáng quan tâm của loài người hôm nay. Và như thế, xem ra cái viễn tượng huy hoàng của ơn cứu độ mà ngôn sứ Isaia đã được khải thị từ mấy ngàn năm trước e còn xa xăm tít tắp: Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi(Bđ 1).

​Nói thì nói vậy, chứ nếu đem so sánh “195 triệu bản tin liên quan đến truyền giáo” trong vòng mấy giây của mạng Google lan toả trên khắp thế giới hôm nay với bản “tin vui Phục Sinh” theo bước chân âm thầm lặng lẽ của mỗi mình cô Maria từ Mồ Trống trở về, thì quả thật, sau hai ngàn năm, công cuộc loan báo Tin Mừng đã được nhân lên gấp trăm, gấp triệu. Và như thế, có thể khẳng định rằng: mệnh lệnh các con hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19) hay “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15) mà Chúa Giêsu trao cho các Tông Đồ, cho Hội Thánh đã được thực hiện nghiêm túc, cho dù chưa đạt được kết quả “trăm phần trăm”.

​Phải chăng cũng vì cái kết quả “chưa được trăm phần trăm” đó mà, như thư mục vụ về truyền giáo năm nay của Đức Giám Mục giáo phận nêu bật, Tháng 10 hằng năm được Giáo hội chọn làm Tháng Truyền giáo, mở đầu với lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là Bổn mạng các xứ truyền giáo, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Cao điểm của Tháng Truyền giáo là Khánh nhật Truyền giáo được cử hành vào Chúa nhật áp chót của tháng 10” (số 1).

​Cùng với mục tiêu của “tháng mười truyền giáo” và của ngày “Khánh nhật truyền giáo”Đức Cha cũng nhắc đến những công việc, hành động cần thực hiện trong thời điểm đặc biệt nầy: Trong ngày này, toàn thể Giáo hội hiệp thông trong lời cầu nguyện cùng với những hy sinh để cầu cho công cuộc truyền giáo trên toàn thế giới cũng như tại các địa phương. Đây cũng là dịp để mỗi Kitô hữu suy nghĩ về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng mà mình đã lãnh nhận trong bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức, về cách thực hiện nhiệm vụ ấy trong những hoàn cảnh khác nhau và về nhiệt tình truyền giáo của mình, để cải thiện và ngày càng gia tăng hiệu quả của công cuộc truyền giáo” (số 1).

​Theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu hay như lời Đức Cha vừa nhắn gởi: nhiệm vụ loan báo Tin Mừng gắn liền với bí tích Rửa Tội và Thêm Sức nên không một Kitô hữu nào được miễn trừ; hơn nữa, trong chiều kích đức tin, “ân sủng và tình yêu” một khi đã được nhận lãnh và cảm nhận thì không được “giữ bo bo” cho riêng mình mà cần phải sẻ chia và loan báo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh điều nàytrong sứ điệp Truyền giáo năm nay: Một khi đã được trải nghiệm sức mạnh tình thương của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện từ phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không công bố và chia sẻ điều chúng ta đã thấy và đã nghe (SĐTG 2021)

​Vã lại, cái thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới ngập tràn ánh sáng của văn minh kỹ thuật, của sự giàu sang vật chất…, nhưng cũng chất chứa đầy dẫy bóng tối của đói khát lầm than, của hận thù chia rẽ, của tội lỗi dục vọng…, thứ bóng tối mà chỉ có “ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa” toả rạng trên thân mình Giáo Hội, trên đoàn Dân mới, mới đủ sức xua tan, đẩy lùi, như ngôn sứ Isaia đã từng được khải thị trước mấy ngàn năm: Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, và u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, và vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi”. Vâng, Giáo Hội Chúa Kitô chính ánh sáng, mỗi một người Kitô hữu chính là ánh sáng: “các con là ánh sáng cho thế gian”(Mt 5,14) và “ánh sáng đó cần phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp của các con mà tôn vinh Cha Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

​Thế nhưng, công việc “chiếu giãi ánh sáng vào trong đêm tối của thế gian” lại là chuyện “đội đá vá trời” xét theo phương diện loài người. Thật vậy, Đức Thánh Cha đã nhắc lại kinh nghiệm đầy khó khăn và thách đố của buổi đầu truyền giáo của Giáo Hội sơ khai: Các Kitô hữu sơ thời bắt đầu cuộc sống đức tin của họ giữa sự thù nghịch và khó khăn. Các kinh nghiệm về tình trạng bị loại trừ và giam cầm, cộng với các cuộc đấu tranh bên trong và bên ngoài, có vẻ như nói ngược lại và thậm chí phủ nhận những điều họ đã thấy và đã nghe” (SĐTG 2021). Thế nhưng, đây là cách mà họ đã thể hiện:Nhưng, những trải nghiệm ấy, thay vì là một khó khăn hay một trở ngại khiến họ lui bước hay khép kín trong nội bộ, trái lại, chúng thúc đẩy họ biến những vấn đề, những mâu thuẫn và những khó khăn thành những cơ hội cho sứ mạng. Những giới hạn và những trở ngại trở thành một cơ hội ưu việt để xức dầu Thần Khí Chúa cho mọi sự và mọi người” (SĐTG 2021). Đó chính là chứng từ được ghi đậm nơi từng trang sách Công vụ Tông Đồ mà Đức Thánh Cha, trong sứ điệp Truyền Giáo 2021, đã nêu ra như một bằng chứng đầy thuyết phục về công cuộc truyền giáo buổi sơ thời của Hội Thánh: Sách Công Vụ dạy chúng ta chịu đựng những khổ cực bằng cách bám chặt vào Đức Kitô, để lớn lên trong “niềm xác tín rằng Thiên Chúa có thể hành động trong mọi hoàn cảnh, thậm chí cả giữa những cái có vẻ là thất bại” và chắc chắn rằng “tất cả những ai phó thác mình cho Thiên Chúa thì sẽ sinh hoa kết quả dồi dào” (Evangelii Gaudium số 279)(SĐTG 2021).

​“Tháng Mười Truyền giáo” và ngày “Khánh Nhật Truyền giáo” năm nay, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến trong sứ điệp truyền giáo, đã diễn ra trong bối cảnh cả thế giới vẫn còn chìm ngập trong bóng tối của cơn đại dịch Covid-19 mà những hệ luỵ đau thương và đầy thách đố tiêu cực đang tác dụng trên đời sống Giáo Hội cũng như mọi người. Tuy nhiên, ngài mời gọi Dân Chúa hãy học kinh nghiệm của thời Công vụ tông đồ bám chặt vào Đức Kitô và để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ra đi loan báo và làm chứng về sứ điệp Phục Sinh, về niềm hy vọng: “Đức Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết và bây giờ là Đấng toàn năng. Đức Giêsu Kitô đang sống thực sự” (Evangelii Gaudium, 275) và muốn chúng ta sống, đầy tình huynh đệ, và có khả năng yêu quí và chia sẻ thông điệp hy vọng này. Trong các hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, nhu cầu cấp bách là phải có những người thừa sai của niềm hy vọng, những người được Chúa xức dầu để có thể cống hiến một lời nhắc nhở tiên tri rằng không ai được cứu rỗi một mình” (SĐTG 2021).

​Riêng Đức Giám Mục giáo phận chúng ta lại nhắc đến hiệu quả thần diệu của Kinh Lạy Cha được Đức cố Giám Mục Phaolô Huỳnh Đông Các phát động cầu nguyện cho công cuộc tái truyền giáo cho vùng Bắc Bình Định sau “biến cố 75”; và dĩ nhiên, phương thức “cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo với Kinh Lạy Cha” chắc chắn không bao giờ lỗi thời.

​Từ “khải thị” xem ra đầy huyển tưởng của ngôn sứ Isaia về một Giêruslem bừng sáng, đến những bước chân vội vã đầy hoảng sợ lo âu mang tin mừng Phục sinh của người thiếu phụ Maria Mađalêna của buổi bình minh ngày Thứ Nhất trong tuần, rồi cuộc tử đạo của thủ lãnh Tông Đồ Phêrô, Phaolô và hàng trăm ngàn Kitô hữu tử đạo thời bạo chúa Nêrô… cho đến hôm nay, với hơn hai tỉ người tin vào Chúa Kitô, trong đó có hơn một tỉ người thuộc Giáo Hội Công Giáo…, chuyện truyền giáo ôi thật lạ lùng !; và với giáo phận Qui Nhơn chúng ta, vùng Bắc Bịnh Định, từ một giáo hạt bị chiến tranh tàn phá hết chỉ còn lại một cộng đoàn duy nhất sau 75, đến nay đã có 7 giáo xứ và 3 giáo họ biệt lập…! Quả thật, công cuộc loan báo Tin Mừng cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý” (Bđ 2) chẳng khác nào như một “giấc mơ”, một giấc mơ đã, đang và sẽ trở thành hiện thực. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền