NỖI BUỒN XA XỨ

NỖI BUỒN XA XỨ

Nguyễn Ngọc Thể

Những ngày này, dường như hầu hết những người Việt đang sống lưu vong khắp nơi trên thế giới, nhất là những ai vào hạng tuổi 65 trở lên, đều nhớ về một quá khứ,những tưởng là đã xảy ra mới đây, nhưng thực ra đã gần nửa thế kỷ rồi! Một nửa thế kỷ với bao nỗi buồn nhiều hơn vui: Nỗi buồn của những người xa xứ. Giờ hồi tưởnglại bao người đã ra đi mà không hẹn ngày vế nơi cố quốc thân yêu. Ở đó, còn lại những người thân yêu: cha mẹ, ông bà, anh em, bà con, dù là còn sống hay đã qua đi. Ở đó, còn lại những nấm mồ tiên tổ, giờ đã không còn người chăm sóc khói hương. Ở đó, còn lại nơi “chôn nhau cắt rốn.” Và chỉ điều này thôi cũng khiến cho chúng ta không sao quên được và ngậm ngùi nhớ về đất mẹ của mình, nơiđã từng được “cắt rốn chôn nhau.”

Nhớ đến quê mẹ, kể từ những năm 1975, đất nước lâm vào cảnh tao loạn. Người người chạy tứ tản. Vợ chồng, kẻ sống người chết. Con cái lạc mất mẹ cha, trở thành côi cútbơ vơ. Quân ngũ, khí giới còn đó nhưng buộc lòng phải quy hàng quân giặc, vì có những tên phản quốc đầu hàng giặc thù! Còn đau đớn nào bằng nỗi đau mất nước. Nói đến đây, người viết nhớ lại bài thơ sau đây của Bà Huyện Thanh Quan:

​​    “Bước tới  “Đèo Ngang” bóng xế tà,

                           Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

​​      Lom khom dưới núi, tiều vài chú, 

                           Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

​​      Nhớ nước đau lòng con quốc quốc.

                         Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” 

                                          Dừng chân đứng lại, trời non nước,

                           Một mảnh tình riêng, ta với ta. 1

Năm 1975, cũng là ngày đánh dấu của một đất nước đang trải qua thời kỳ đen tối nhất lịch sử Việt nam, một đất nước đang thay ngôi đổi chủ. Một đất nước, từ nay sẽ không còn hai chữ tự do.  Hai mươi mốt năm (1954) trước đó, đất nước rơi vào tình trạng qua phân, Bắc Nam chia lìa, lấy vĩ tuyến 17 (tức sông Bến Hải/cầu Hiền Lương) làm ranh giới giữa hai phe “quốc-cộng”. Miền Nam được xây dựng bằng thể chế cộng hòa, chọn chế độ tự do cho người dân: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí,tự do đi lại. Những người dân được sống trong cảnh thanh bình, âu ca. Cuộc sống của người miền Nam tràn đầy niềm hoan lạc. Trái lại, tại miền Bắc được đặt dưới sự thống trị của cộng sản. Và như ai cũng biết, đất nước nào do công sản cai trị, mọi thứ tự do, quyền hạn của người dân đều bị tước đoạt, cấm chỉ. Qua đó, đã có khoảng một triệu người rời bỏ ruộng vườn miền Bắc di cư vào Nam, mà đa số là người công giáo (chiếm đến 85,6%) trong tổng số người rời khỏi miền bắc là 927.000 người 2. Phương tiện chuyên chở từ Bắc vào Nam, do Mỹ và Pháp đảm trách.

Sau hai mươi năm (1955-1975), đất nước giờ lại rơi vào tay công sản toàn trị, do lực lượng phía Bắc xâm nhập vào Nam, để cuối cùng, cưỡng chiếm phía Nam, coi thường hiệp định mà họ đã ký kết (điều 14d). Hiệp định được ký kết tại Geneva từ năm 1954, phân chia Nam và Bắc Việt nam, đã trở thành mảnh giấy lộn. Rồi họ cũng đã vi phạm một hiệp định thứ 2, được ký kết tại Ba-lê (Pháp quốc)ngày 27 tháng 1 năm 1973, sau gần 5 năm đàm phán:  “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt nam”. Hiệp định này được ký kết giữa các phe: Hoa kỳ, Việt nam cộng hòa (miền Nam), Việt nam Dân chủ cộng hòa (miền Bắc), và cái gọi là “Mặt trận giải phóng” (chính quyền ma do cộng sản tạo nên). “Hiệp định chấm dứt chiến tranh” vừa ký, chưa được ráo mực, thì người cộng sản lại bắt đầu gây chiến ác liệt hơn để cho đến năm 1975, chiếm trọn miền Nam. Theo RFA thì hiệp định này được sắp xếp, dàn dựng tại Bắc kinh trước khi được ký kết tại Ba-lê 3.

Kể từ những năm đó (1975), từng đoàn người lại phải rời bỏ đất nước thân yêu, ra đi bằng đủ mọi phương tiện, cố vượt thoát khỏi Việt nam, trốn thoát khỏi chế độ cộng sản,để đi tìm tự do tại bất cứ một đất nước nào trên thế giới. Như vậy, có nhiều người đã phải hai lần trốn chạy! Từ miền Bắc vào Nam (1954), và từ Việt nam đi tìm tự do tại nhiều nước trên thế giới (kể từ năm 1975). Hiện tại, có khoảng 4 triệu 500 ngàn người Việt đang sinh sống tại một số quốc gia trên thế giới, trong số này, có độ trên 2 triệu người đang định cư tại Hoa kỳ. 4

Con dân Việt rời bỏ quê hương từ dạo đó, đi bằng thuyền,chấp nhận mọi hiểm nguy nơi đại dương; hoặc bằng đường bộ, chấp nhận mọi gian lao để băng rừng, vượt suối. Cho nên, số người bị chết trên đường vượt biển, tuy không có dữ liệu nào cho biết con số chính xác, nhưng theo tài liệu của Văn phòng Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc(UNHCR/ United Nations High Commissioner forRefugees) số người tỵ nạn (gọi là thuyền nhân) bằng đường biển, con số tử vong ngoài biển khơi, từ 200,000 cho đến 400,000! Một con số tử vong không phải là nhỏ.

Có rất nhiều thảm trạng trên đường vượt biên, đủ mọi hình thức, đủ mọi gian nguy. Dưới đây, tôi xin thuật lại một vài câu chuyện đau thương điển hình mà tôi đã có dịp gặp hoặc nói chuyện với một số nạn nhân hoặc tại nơi mình định cư hoặc trong những ngày còn sống tại trại tỵ nạn Nam dương (Galang, Indonesia). 

Có một gia đình tổ chức đóng thuyền và chỉ dành cho những người bà con, anh em đi với nhau, khoảng trên dưới 30 người. Một ngày nọ, thuyền ra khơi, nhưng sau vài ngày, lạc đường, lại gặp sóng gió dập vùi, không biết đâu là bến bờ. Đa số những người này đã đã chết trên biển khơi. Còn lại năm, bảy anh em và may mắn tấp lại một hòn đảo nhỏ, chơ vơ giữa đại dương. Họ sống bằng cách nào? Mỗi ngày, tùy theo nước thủy triêu lên xuống nơi biển. Khi nước thủy triều bắt đầu dâng lên, họ trèo lên cao. Khi thủy triều hạ xuống, họ men theo đi xuống thấp để tìm những gì có thể ăn được. Quanh đó, có những con ốc, con sò, những rong rêu, thì đó là những thực phẩm nuôi sống họ mỗi ngày. Họ còn sống sót nhờ những thứ này. Ngoài ra, thì không còn gì khác nữa cả. Ngày lại ngày, họ đưa mắt nhìn xa chung quanh, may ra có thể thấy được con thuyền hay chiếc tàu nào đi ngang qua để ra dấu hiệu xin tiếp cứu. Tuyệt nhiên là không. Quần áo không còn nữa. Tóc họ ra dài. Da thì bị cháy nám dưới ánh mặt trời nóng bức. Họ sống trong hoàn cảnh như thế đến mấy tháng trời!

Một sáng nọ, họ nhìn thấy từ xa, có một con thuyền thật nhỏ đang hướng tới họ. Thuyền mỗi lúc mỗi đến gần hơn. Họ rất đỗi vui mừng. Sau cùng, thuyền con này đã ghé lại hòn đảo. Đây là một chiếc thuyền đang đánh cá thuộc vùng biển Hồng-kông. Họ được báo cho biết, có những bóng người ẩn hiện trên hòn đảo này. Cuối cùng, chiếc thuyền này đã đến cứu họ. Họ được đưa lên thuyền và đã đưa thẳng họ đến trại tỵ nạn Hồng-kông. Ở đó, các viên chức Cao ủy tỵ nạn tại trại và một số các người tỵ nạn đổ xô ra bãi biển để đón tiếp họ. Bây giờ họ chỉ là những bộ xương người biết đi! Họ vui mừng vì được đón tiếp. Sau đó, họ được tỉnh dưỡng, lập thủ tục nhập trại, và bắt đầu sinh hoạt như bao người tỵ nạn khác trong trại, cho đếnngày lên đường định cư. Hai trong số những người này họ kết hôn với nhau, thành vợ thành chồng ngay trên trại tỵ nạn. Tuy nhiên, qua mấy lần nói chuyện, tôi linh cảm thấy người vợ của anh này đang mắc chứng bệnh “trầm cảm”(Autism). Người ít nói và thường hay cười vẩn vơ.

Một trường hợp khác. Như đã được sắp xếp trước để sẵn sàng ra đi vượt biên, tôi đã đi một mình, chấp nhận mọi sinh tử đang chờ đón, cùng với những người khác trên một chiếc thuyền dài khoảng 18 mét, bề ngang khoảng 5mét. Tất cả chúng tôi có khoảng trên 150 người lớn bé, kể cả phụ nữ. Thuyền chúng tôi rời bến ngay tại cầu chữ Y,Sài gòn, lúc đêm khuya, ngày 29 tháng 9, 1981 và đã được tàu khoan dầu trên vùng biển Nam dương cứu chúng tôi vào chiều ngày 3 tháng 10, 1981. Những ngày lênh đênh trên biển, riêng tôi, hằng nài nỉ kêu xin Mẹ thương cứu giúp. Tôi âm thầm hát lên bản ca thánh mà tôi đã thuộc từ lúc còn bé: “Sóng gió muôn trùng thuyền con bấp bênh, lắc lư Mẹ ôi. Áng đêm buông dày bao trùm thuyền con hết phương chèo bơi. Lênh đênh giữa vời con biết trông nhờ nơi ai? Con kêu đến Mẹ dắt thuyền con về yên hàn. Mẹ ôi, Mẹ hỡi, hãy nghe tiếng con nài nỉ, cầu xin. Ngửa đầu tìm Mẹ, con trút hết tâm hồn yêu mến, cậy, tin.Từ bao năm trời, Mẹ là vì sao sáng con nhìn theo. Giờ đây xin Mẹ lại đưa thuyền con thoát nơi hiểm nghèo.”

Như vừa nói, chỉ sau 4 ngày và 4 đêm trên biển cả thì tất cả số người chúng tôi được cứu và đưa lên trên boong tàu dàn khoan. Trời chiều đang xuống dần và màn đêm đang tới. Từng đàn chim hải âu bay lượn trên không, gọi nhauchim chíp, rồi chúng cùng bay đi xa, xa mãi tận chân trời đen thẳm. Trên boong tàu, trước hết, nhóm thủy thủ cho chúng tôi tắm rửa, uống sữa nóng, sau đó, được ăn chiều.Chúng tôi được ban chỉ huy trên tàu cho biết, họ đã liên lạc với chính quyền Singapore, để được tiếp nhận, nhưngđã bị từ chối. Họ liên lạc với chính quyền Nam dương, thì được nhận, và cho chúng tôi đến tạm dung tại một đảonhỏ có tên là đảo Kuku. Thế là ngay đêm hôm đó, nhóm thủy thủ thuộc tàu dàn khoan nhổ neo, đưa chúng tôi đếnmột hòn đảo này. Đến đêm hôm sau, sau hơn 24 giờ, tàu mới đến đảo Kuku. Nơi đó, chúng tôi thấy đã có một số người tỵ nạn Việt nam đã đến đó trước.

Tại đảo này, vài ngày sau đó, lại có một chiếc thuyền khác, đến lúc đêm khuya. Vì đang đêm, không ai theo dõi và cũng không ai hay biết. Nước thủy triều đang dâng lên cao lúc ban đêm. Khi đến gần đảo này, những người trên thuyền thấy có nhiều ánh đèn, họ không ngại ngùng, cho thuyền đi thẳng vào bờ. Gặp thủy triều lên cao, che phủ những tảng đá ngầm ở dưới, thuyền đã va mạnh vào những tảng đá ngẩm, thuyền vỡ từng mảnh, chỉ cách bờ chừng vài mươi mét. Trên một trăm con người nơi chiếc thuyền này đều đã chết cả! Tuy là đảo tạm dung nhưng cũng có cảnh sát Nam dương làm việc ở đó. Sáng sớm hôm sau, những cảnh sát trên đảo đã phát hiện thảm cảnh này, tất cả không một ai còn sống sót! Cảnh sát cho vớt xác người lên trên bờ biển, lo phương tiện và chôn cất tất cả nơi triền núi gần đó!!!

Lại có một chiếc thuyền khác nữa, khi đến được đảo Galang, là trại tỵ nạn chính ở Nam dương thời gian đó. Cảnh sát Nam dương đã phát hiện ra chiếc thuyền này thìchỉ còn vỏn vẹn có vài người! Những người khác, vì đói khát, vì bị nắng thiêu đốt, đều đã chết. Vài người còn sống sót đó đã ăn thịt những người chết trên thuyền, đểđược sinh tồn. Câu chuyện bi đát này do chính những người còn sống sót, đã thuật lại.

Đây chỉ là một ít những mẩu chuyện mà chính tôi nghe những nạn nhân còn sống kể lại qua những thảm cảnh trên đường vượt biên. Còn nhiều chuyện thương tâm khác nữa, nhưng qua bài viết này, tôi không sao nói lên hết được.

Suốt những năm tháng dài, kể từ những ngày đất Việt rơi vào tay cộng sản, mẹ Việt nam đã từng chứng kiến bao cảnh thương tâm. Có những người đã gục ngả trên đường chạy loạn vì những viên đạn thù hay vì những cảnh đói khát triền miên trong khi tìm đường vượt thoát.

Người còn lại bao người dân trong nước, bắt đầu nếm phải sự kềm kẹp, kiểm soát gắt gao trong cuộc sống hằng ngày. Tài sản đều bị tước đoạt. Một nhân viên làm việc tại một ngân hàng trước năm 1975, đã kể: sau khi cộng sản vào đến Sài gòn, một số những nhân viên ngân hàng cũ được tái thu dụng. Mỗi ngày, những người làm việc trước đó, đã được đám cộng sản, thành lập từng toán, đến từng gia đình, để kiểm kê tài sản. Ai có những vàng bạc, quý kim, chúng bảo kê khai đưa cho họ giữ (!), nói là chính quyền tạm giữ, rồi sẽ trả lại sau. Như thế, vàng bạc, họ gom hết, và mãi mãi không bao giờ thấy hoàn trả lại! Người ra đi, một số (như đã nói trên) đã bị trầm mình nơi biển cả mênh mông. Một số khác thì bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp và giết chết. Số còn lại, may mắn hơn, đến được các trại tỵ nạn như Phi luật tân, Mã lai, Thái lan, Nam dương. Tại chính những nơi này bắt đầu có những nhân viên chức thuộc Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phái tới để tiếp xúc, lập thủ tục cho đi định cư tại một số nước thứ ba trên thế giới. Bên cạnh đó, có những phái đoàn từ một số nước như Hoa kỳ, Canada, Úc, Tân tây lan, lần lượt đến tại các trại tỵ nạn trên để tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn, và khi đã được chấp thuận, các phái đoàn đại diện lo phương tiện lên đường đi định cư.

Trước khi kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện ngắn sau đây: Thời gian ở trại tỵ nạn, tôi đã có dịp làm việc vớimột linh mục người Ý, cha Gildo Dominici 5. Ngài cho biết, tại trại này ngài đã phát hiện một linh mục (nghi là)giả. Chính “linh mục” này đã đi cùng tàu Seasweep với tôi, từ đảo tạm dung, di chuyển đến trại Galang, do tổ chức Tin lành “World Vision”, chuyên chở. Tôi đã có dịp tiếp xức với “linh mục” này khi ông ta đặt chân lên đảo tạm dung. Lúc đầu, tôi nghe những bà con đi cùng thuyềntừ Bà rịa đến, đã nói: “Chúng tôi có một linh mục cùng đi.” Tôi đã gặp và chào hỏi thăm ông, khi vừa lên bờ. Ông này cho biết: “Tôi là linh mục tuyên úy.” Mấy mươi ngày sống tạm ở đảo này, ông ta đã làm lễ mỗi ngày, đã giải tội. Tôi cũng đã xưng tội với ông trong những ngày này! 

Khi đến trại tỵ nạn Galang, Cha Dominici rất vui mừng, vì từ nay có một linh mục VN đến giúp ngài. Ngài vồn vã đón tiếp, trao Sách Kinh nhật tụng (Breviarium/Breviary) cho ông và mời ông đến ở một phòng dành riêng tại nhà thờ của trại tỵ nạn, nhà thờ thánh Giuse. Ngày ngày, kể cả lễ Chúa nhật, ông đã cùng với cha Gildo Dominici, thay nhau dâng lễ, giảng thuyết, và không một ai có thể nghi ngờ gì là một “ông cha giả”. Theo luật, sau đó, cha Dominici đã dò hỏi “cha giả” này chịu chức ở đâu và vị Giám mục nào truyền chức? Qua cách trả lời của “cha giả”, cha Dominici tỏ vẻ nghi ngờ, và qua thái độ của “cha giả này” bằng cách trả lại Sách Kinh và từ chối cộng tác với cha Dominici, đến ở “Barrack” của những người đi cùng thuyền. Để biết được thực hư, cha Dominici đã đánh Telegram đi Sài gòn, xin Đức Tổng Bình (lúc ngài còn sống) điều tra.

Khoảng 5 tháng sau, cha Dominici nhận được Telegramtừ Đức Tổng Bình, trả lời vắn tắc: “Ông ta chỉ là một cựu tu sĩ dòng Biển đức.” Cũng ngay ngày hôm đó (ngày cha Dominici nhận được Telegram trả lời), ông ta được gọi tên lên đường đi định cư ở Canada. Cha Dominici hay tin, vội vàng gặp ngay ông ta tại bến tàu, đưa tiễn và chúc ông lên đường bình an. Cha còn nhắn nhủ: “Khi sang Canada, xin ông đừng làm như vậy nữa, vì tôi cũng đã đánh điện cho Đức Khâm sứ tại đó biết tin.”

Qua những dòng viết ở trên, phần nào người viết muốn nói lên, muốn bày tỏ nỗi lòng của một người đang sống xa đất mẹ Việt nam. Đây là chính là tâm tình, là cảm xúc của một con người đang sống nơi đất khách quê người. Hiện tại, vì hoàn cảnh, chúng ta đành chấp nhận một cuộc sống tạm dung, qua ngày, đoạn tháng nơi xứ người để gọi là “Vui là vui gượng kẻo mà”. Vẫn biết, là những người con Chúa, sống ở bất cứ nơi nào, xứ sở nào trên cõi trần gian, thì cũng chỉ là cõi tạm, nơi “lũng đầy nước mắt” (Kinh “Lạy Nữ Vương”), mà chỗ ở vĩnh viễn của chúng ta chính là quê trời, là cõi thật. Không phải là cõi tạm sao được, vìmột ngày nào đó, chúng ta sẽ từ bỏ, sẽ rời xa khung cảnh đang sống, rời xa vĩnh viễn những người thân thương nhất trên cõi đời này để sống nơi một thế giới khác bền vững, lâu dài hơn…

Có những buổi chiều, khi nắng đã dần tàn, có ai đã từng hồi tưởng lại cuộc sống trong quá khứ, nơi quê nhà, để âm thầm lập lại câu thơ:

                          “Chiều chiều ra đứng ngỏ sau.

                       Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.”

_________________________________________________________________________________________________________

[1]  Bài thơ “Qua Đèo Ngang”, tức “Chiều Hôm Nhớ Nhà” của Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848).

[2]  Theo WikipediA.

[3] Theo RFA (Radio Free Asia)

[4] Theo WikipediA

[5] Cha Gildo Dominici, S.J, còn có tên Việt nam là Lm. Đỗ Minh Trí (+), với tập sách ngài viết bằng tiếng Việt:“Việt nam quê hương tôi.” Ngài đã từng dạy Kinh thánhcho các thầy tại Giáo hoàng học viện Đà lạt cho đến khi mất nước (1975) và bị trục xuất. Sau đó, ngài tới lui các trại tỵ nạn để giúp các người tỵ nạn Việt nam, lâu nhất là trại tỵ nạn Galang, Nam dương. Nơi đây, vì ngài rất yêu thương, và luôn bênh vực người tỵ nạn Việt, nên đã mấy lần, cảnh sát Nam dương tìm cách trục xuất ngài khỏi đảo. Mỗi lần như thế, ngài đã đích thân đi Jakarta (thủ đô Nam dương), để xin Đức khâm sứ, đại diện Toà thánh can thiệp. Nhưng cuối cùng, ngài cũng đã bị trục xuất vĩnh viễn khỏi trại tỵ nạn. Chính người viết đã có dịp gặp lại ngài tại Mỹ, như tại Atlanta (GA), và một lần nữa tại Nam Cali. Hiện ngài đã an nghỉ trong Chúa tại quê hương của ngài.