NỐT NHẠC TRẦM ẨN KHUẤT

NỐT NHẠC TRẦM ẨN KHUẤT

(Chút cảm nhận từ bài viết “TIẾNG RAO” của nữ tu Anne LêDòng MTG.QN)

Người ta hay nói

Đó là một “bức tranh” nghịch ngợm đủ loại gam màu.

Nhưng có lẽ đúng nhất,

Là một bản “đại hoà tấu” 

dở dở dang dang nhiều cung nhiều điệu…

Bởi tác giả…đủ loại mảnh đời ngàn muôn ức triệu,

Mỗi cuộc đời…

nào không là giai điệu tuyệt vời đó sao.

Có những nốt mượt mà quyền quý vút cao,

Nhưng cũng lắm nốt nhạc trầm thoáng hiện ẩn khuất.

Trên những đường khuôn nhạc đời bon chen tất bật,

Giữa bộn bề tiết tấu giai điệu,

Con đường khuya, khu phố vắng, vẵng đâu đây,

“Tiếng Rao” quen thuộc, 

Nốt nhạc trầm như mang cả ghánh nặng ắp đầy,

Của đói của nghèo,

Của gió, của sương, của lạnh lùng bão tố…

Quang gánh của mẹ, của chị,

Của những “thân cò mà đi ăn đêm, nhọc nhằn gian khó,

“Tiếng Rao” khuya, dấu lặng hay những nốt nhạc trầm…

thoắt ẩn, thoắt hiện, khi lặn lội âm thầm…,

Nhưng, là những âm thanh, giai điệu làm nên kiệt tác.

Những “Tiếng Rao”,

Tiếng của núi, của sông của miền nam ruộng đồng bát ngát,

Của sắn, của khoai, của “đất cày lên sỏi đá” miền trung.

Của ngọt ngào, êm dịu như dòng nước sông Hương,

Tiếng của cha, của mẹ

Hà Tĩnh, Nghệ an, “Liên khu năm”…bao đời chịu thương chịu khó…

“Tiếng Rao Việt Nam”,

Những nốt nhạc trầm trải những nghìn năm bão bùng giông tố,

Vẫn vang lên,

Qua xóm, qua thôn, qua muôn vạn góc phố con đường.

Qua nắng hạ, mưa đông, qua sáng sớm, đêm trường…

Âm thanh huyền thoại,

Của những “nhạc sĩ” buôn gánh bán bưng ẩn khuất,

Vâng, “Tiếng Rao”,

Những nốt trầm làm nên “bản đại hoà tấu đời kiệt tác” !

Sơn ca Linh (PS 2020).

P/S: Xin đọc bài “TIẾNG RAO” trên trang mạng của Giáo phận Qui Nhơn: