TỪ BIỂN CẢ

TỪ BIỂN CẢ, MỘT NGÀY, HỌ SẼ TRỞ VỀ.
TƯỞNG NHỚ LINH MỤC PHANXICÔ XAVIÊ HỒ QUANG LIÊM.

Rev. Nguyễn Trường Thăng

tuongnho• Hôm qua, ngày 22 tháng 5 năm 2015 , nếu còn sống, cha Phanxicô Xaviê Hồ Quang Liêm kỷ niệm 40 năm linh mục.
Cha Phaolô Đoàn Quang Dân, người em cùng cha bảo trợ nhắc nhở ông anh, linh mục Antôn, biến cố này.
• Anh chẳng nhớ gì cả.
Linh mục Antôn, anh cả gia đình thiêng liêng của cố linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn cảm thấy ân hận vì ít khi nghĩ đến người em thân thương trên. Em chết đã lâu, không một nấm mồ, không lễ quy lăng. Buồn!
Năm 1959, linh mục Antôn xin về học tại chủng viện Làng Sông, Qui Nhơn. Nơi đó, gặp cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn, người cha thân yêu đã thương nhận cậu làm con thiêng liêng vì thương hoàn cảnh côi cút, thiệt thòi so với chúng bạn. Được chuyển về làm phó xứ địa sở Đà Nẵng năm 1957, cha vẫn dành tiền túi, gửi gắm cậu cho linh mục bạn Huỳnh Kim Lăng coi sóc. Do nông nổi tuổi mới lớn, bị cậu Tađêô Mừng viết thư nhắc nhở “Sao không chịu viết thư chúc Tết bà con … ỷ thế có cha bảo trợ rồi phải không?, cộng thêm vài câu chòng ghẹo khác của bạn bè, cậu trai 15 tuổi quyết định viết thư xin “từ cha”. Trong thư còn xin trả lại tiền, Từ điển Pháp –Việt lớn.
Sau nầy, chú Antôn cứ xấu hổ mãi vì lá thư trên, viết từ Tiểu chủng viện Nha Trang 22 Duy Tân, nay là Tòa Giám mục Nha Trang. Khốn nổi , “cố vấn tối om” là bạn đồng lớp Giuse Trần Thanh Phong, được cho xem thư trước khi gửi, đã không có ý kiến phản bác gì mà còn khuyến khích. Hệ thống kiểm duyệt khá ‘gắt gao” của Bề trên Joseph Clause Hồng MEP cũng vô hiệu, để lọt thư qua lưới!
Sau này cha Xuân Văn kể lại : nhận được thư con, cha đem xuống bàn ăn cho linh mục Giuse Lê Văn Ấn, cha sở họ Đà Nẵng xem.
• Cha xem thơ chú Thăng viết “từ” con này.
Sau khi xem, cha sở Giuse cười và phán.
• Đồ thằng con “bất hiếu”!
Đến niên khóa 1959 – 1960, sau hai năm học ở Tân Phước, Bà Rịa và Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn, cậu trai xin về học lớp đệ tứ tại Làng Sông cho gần nhà Quảng Nam. Trời xui đất khiến sao, tại đây chú gặp lại cha Phanxicô đang dạy học và làm quản lý. Chú Antôn quá bối rối và xấu hổ, nhưng “gương đã bễ” làm sao lành được, “nước đã đổ” làm sao hốt lại. Thấm thía khi nhận ra sự nông nổi ngày xưa, nhưng cục “tự ái” khá to, cậu tránh gặp mặt cha hoặc lộ vẻ “ta đây không cần”.
Rất may, cuối năm đó vào ngày bãi trường, sau bửa ăn tối, các linh mục Tòa, Cần, Lăng, Văn … đang chuyện vản với nhau, biết rất rõ chuyện xưa, thấy chú Antôn đi qua, gọi lại.
• Cha con giận nhau làm chi , hàn gắn lại đi!
Một cái kết có hậu.
Cậu khóc xin lỗi cha, cha chỉ cười coi như việc trẻ con, làm tim cậu thêm đau nhói.
Từ đó, cha con yêu thương, gần gủi nhau, cho đến 5 giờ sáng thứ 5 ngày 10.01.2002, tại nhà xứ Tuy Hòa, cha Phanxicô Xaviê, sau khi nhận lãnh phép giải tội “lòng lành của Chúa”, đã trút hơi thở cuối cùng trên đôi tay đứa con “bất hiếu” ngày xưa.
Trở lại Làng Sông niên khóa 1959 – 1960, năm đó, tại chủng viện, có một cậu bé trắng trẻo, khôi ngô tên Phanxicô Xaviê Hồ Quang Liêm vào lớp 7. Cậu bé là con của ông Hồ Quang Sum, câu nhất (trùm họ) lâu năm địa sớ Đà Nẵng, tức Tourane. Là con trai út của một gia đình vọng tộc gốc Huế, dòng dõi một vị quan và là thánh tử đạo, Micae Hồ Đình Hy, cậu rất được cưng chìu, không rõ động cơ nào gia nhập Tiểu Chủng viện Làng Sông. Gia đình xin cha phó cũ Phanxicô Xuân Văn bảo trợ.

Leave a Reply