TUYÊN XƯNG VÀ HÀNH ĐÔNG: GIÂY LIÊN KẾT TUYỆT VỜI !

TUYÊN XƯNG VÀ HÀNH ĐÔNG: GIÂY LIÊN KẾT TUYỆT VỜI !

(CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B 2021)

​Trong tương quan cuộc sống, có những “câu hỏi và trả lời” mang theo một “hệ luỵ nhức nhối”, nhiều khi, dẫn đến thảm kịch bi đát !

– Câu hỏi và câu trả lời của mẹ con bà Hêrôđia: “Con xin gì đây” – “Xin đầu Gioan Tẩy Giả”. Thế là cái đầu của Gioan Tiền Hô đi đứt ! (Mc 6,17-29).

– Câu hỏi của viên sĩ quan Đức và câu trả lời của tù nhân Maximilien Kolbe: “Mầy muốn gì” – “Tôi muốn chết thay cho người kia”… Thế là linh mục Maximilien Kolbe bị bỏ đói và sau đó bị tiêm thuộc độc cho chết.

– Câu hỏi và câu trả lời của quan án Gia Định và chàng thanh niên Phaolô Hạnh: “Anh có phải là người theo đạo Kitô” – “Tôi theo đạo Kitô và Kitô hữu cho đến chết”. Sau câu trả lời đó, Phaolô Hạnh bị nhiều hình khổ tàn khốc và cuối cùng bị chém đầu ngày 28.5.1859…

​Hôm nay, trích đoạn Tin Mừng Maccô, nơi phần đầu tiên cũng đến với chúng ta qua những câu hỏi và câu trả lời:

“Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”.

“Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”.

– Điều đầu tiên chúng ta lưu ý là cái “không gian” xảy ra “câu hỏi và câu trả lời” trên:

​Có ý gì khi Chúa Giêsu đã chọn cái không gian “vùng Cêrarê Philip” xa xôi, tiếp giáp với vùng đất dân ngoại, nơi có hang thờ thần Pan và gần đó là đền thờ đá trắng thờ hoàng đế La mã Cêsarê để hỏi các môn sinh về “dư luận cũng như quan niệm về chính bản thân Ngài” “Thầy là ai?”. Phải chăng Ngài muốn rằng: chính ở cái nơi đầy tính chất ngoại đạo, đầy mê tín dị đoan, đầy những thần tượng thế tục, câu trả lời đúng về Ngài là aicủa các môn sinh sẽ là một thành công sau mấy năm cận kề đào tạo, giáo dưỡng, lắng nghe và mục sở thị những “dấu lạ” của Ngài.

​Thánh Máccô đã chuyển tải một sứ điệp đầy ý nghĩa ! Thật vậy, khimọi sự bình yên, được dâng lễ trong nhà thờ, nghe những bài Thánh ca cao vút, những lời kinh rập ràng giữa một cộng đoàn đông vui sốt sắng…, trong không gian đẹp đẽ, thánh thiêng ấy, nếu Chúa hỏi “con có tin Chúa không”, ai lại không trả lời cái rộp “dạ tin”; hay nếu Chúa hỏi “Ta là ai?”, chắc ai cũng trả lời ngon ơ “Chúa là Đấng tốt lành, quyền năng, yêu thương…”. Thế nhưng, trong hoàn cảnh Covid nầy, nhà thờ không tới được, đâu đâu cũng thấy, cũng nghe người chết; đâu đâu cũng bị cách ly theo chỉ thị 16, đâu đâu cũng văng vẳng tiếng rên đói, khổ, lầm than… mà nếu Chúa hỏi “con có tin Chúa không”, hay “Chúa là ai”, chắc không ít người lúng túng, khó trả lời: “Có Chúa mà sao thế này ? Chúa tốt lành quyền năng mà sao cứ nối tiếp…”.

​Thì ra, cái không gian của “câu hỏi và câu trả lời ở Cêrarê Philip”xem ra chưa bao giờ hết mang tính thời sự. Cái vùng “Cêrarê Philip” ngoại đạo, mê tín, đa thần… luôn vẫn còn hiện hữu xung quanh chúng ta, giữa cuộc sống chúng ta…; và vì thế, một đức tin trưởng thành, một lòng đạo đúng nghĩa luôn phải được trui rèn, thử thách để trụ vững trung kiên giữa một “Cêsarê Philip” của đời thường phức tạp oái ăm; chứ không phải đòi hỏi một lối đi yên bình, một cuộc sống tiện nghi, một môi trườngtốt đẹp hạnh thông giữa một “thánh điện huy hoàng” để ngồi yên hưởng thụ.

​Chúng ta đừng quên, câu trả lời về đức tin của Thánh Anrê Phú Yên, Anrê Kim Thông, Stêphanô Thể, Gagelin Kính… và bao nhiêu vị Tử đạo Việt Nam khác không diễn ra ở nhà thờ, ở trong thánh lễ đại trào, ở trong hoàn cảnh đạo Chúa được bình yên thoải mái…, mà ở nơi pháp đình, ở trong tù ngục, ở pháp trường… Chính cái không gian “Cêsarê Philip đầy oan nghiệt, đe doạ, nhục hình, cám dỗ chối đạo” đó… các Ngài đã trả lời dứt khoát “tôi tin”, “tôi là Kitô hữu cho đến chết” !

– Tiếp theo, nội dung các câu trả lời có gì lạ ?

​Với câu hỏi và câu trả lời đầu tiên: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Như vậy thì cũng không tệ lắm ! Đấng Mêsia mà đám đông hiểu về Ngài cũng là một tiên tri mà ! Cho dù vẫn còn khá mơ hồ ! Thì ra cái phép lạ chữa anh mù Bếtxaiđa vừa xảy ra trước đó giống như một dấu chỉ: Với cái chạm đầu tiên của Chúa, anh mù Bếtsaiđa chỉ thấy mờ mờ. Cũng vậy, một đám đông chỉ tiếp xúc với Chúa “xa xa, a dua, hổn tạp”… thì làm sao mà nhận biết Chúa cách tỏ tường. Phải đợi Chúa chạm lần thứ hai anh mù mới thấy rõ. Và đây chính là lần thứ hai với câu trả lời của Phêrô: Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Đúng phóc. Cùng đi, cùng ở, cùng ngủ, cùng ăn… với Thầy; được nghe bao lời giảng, được thấy bao phép lạ…, nào chẳng phải là “cú chạm thứ hai” đó sao ! Đã đến nước đó mà trả lời không đúng mới là lạ ! Chính vì lẽ đó mà trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐGH Phanxicô đã nhấn mạnh: Một người truyền giáo đích thực, người không bao giờ thôi là một môn đệ, biết rằng có Đức Kitô cùng đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình” (EG 266). Theo ý ngĩa đó, chúng ta hôm nay cũng vậy: muốn biết rõ về Chúa Giêsu phải để cho Ngài “chạm lần thứ hai” !

Hơn nữa, hình như thánh sử Máccô muốn trình bày đỉnh điểm việc mạc khải chân dung của Chúa Giêsu – Đấng Mêsia trong giai đoạn đầu chính là ở tại Cêsarê Philip nầy qua lời tuyên xưng trọn hảo của thủ lãnh nhóm Mười Hai: “Thầy là Ðấng Kitô”. Và cũng tới đó mà thôi. Vì sau những lời đó, thì Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

– Tiếp đến: điều gì xảy ra sau câu trả lời của Phêrô ?

​Như vậy còn cái gì hay ho nữa đây ? Không phải hay ho mà ngỡ ngàng: Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Tới đây, thì rõ ràng câu trả lời của Phêrô “Thầy là Ðấng Kitô” đã mới chỉ đúng trên danh xưng chứ chưa hẵn đúng với nội hàm trong mạc khải của Thiên Chúa. Thật vậy, hầu chắc cả nhóm Tông Đồ, cũng như với hầu hết dân Israel thuở ấy, đều hiểu chân dung Đấng Kitô hoàn toàn mang tính thế tục: một quân vương đến trên ngai vàng, trên dũng lực để “tế thế kinh bang”, để mang lại giàu sang vững mạnh… Trong khi đó, lời cắt nghĩa của Thầy Giêsu lại vẽ chân dung Kitô trong dáng đứng của “Người Tôi tớ Giavê trong Bài Ca thứ Ba của sách Isaia mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 1: Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

​Hèn chi đây là một “bí mật” mà Chúa Giêsu chỉ “bật mí” khi tới “Giờ” của Ngài, Giờ mà ở giữa nơi đồng không mông quạnh của Cêsarê Philip, Ngài đã long trong tiên báo: Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Những lời loan báo trên đã làm các môn sinh “sốc nặng”. Bằng chứng là “vị nhóm trưởng” Phêrô đã không chịu được: Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Ngườiđể phải lãnh nhận một “gáo nước lạnh vào mặt đáng đời”: Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

​Không phải cách đây 2000 năm tại Cêsarê Philip mới xảy ra sự ngộ nhận về chân dung của Đức Kitô, đặc biệt nơi nhóm Mười Hai. Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không chấp nhận một Đức Kitô như thế, một Giáo Hội như thế. Con theo Ta ? Dạ theo ! Con tin Ta ? Dạ tin. Con vác thập giá của Ta ! Xin hẹn Ngài dịp khác ! Mà đây là cách sống đạo rất phổ thông. Chúa chỉ là “phương tiện để cậy nhờ, xin xỏ”; chứ không phải là “lý tưởng để cất bước noi theo” ! Hay, chỉ theo Chúa để được thoải mái, vinh quang, hãnh tiến… chứ không để đón nhận khổ đau, tai vạ… Thế nhưng, lời mời gọi bước theo Ngài trên con đường thập giá vẫn là tiếng gọi thâm sâu nhất, căn bản nhất, mang căn cước Kitô nhất. “Sẽ không là môn đệ Ta, nếu không bỏ mình, vác thập giá…”.

​Thì ra, sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta thực thi ba điều căn bản nầy: HIỂU ĐÚNG, TIN THẬT VÀ THEO SÁT. Hiểu đúng: khi hiểu rõ Giêsu người thợ mộc Nadarét chính là Đấng Kitô, Chúa thật, người thật, được Chúa Cha sai đến. Tin thật: khi xác tín một Đức Kitô tử nạn phục sinh. Theo sát: khi chấp nhận tù bỏ chính mình và chấp nhận mọi thương đau khổ ải vình tình yêu dâng hiến hy sinh. Phải chăng đó cũng chính là “nguyên tắc vàng” mà Thánh Giacôbê đề nghị cho Dân Chúa muôn nơi và muôn thuở”: “Đức tin mà không hành động là đức tin chết tận gốc rễ” (Bđ 2). Phải chăng Kitô giáo chính là sự nối kết tuyệt hảo lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô và hành động bác ái yêu thương của thánh Giacôbê ! Đức tin của tôi hôm nay chính là hiện thực hoá mối giây liên kết đó. Amen.

Trương Đình Hiền