Vài lời tâm sự với Cha Thăm

Vài lời tâm sự với Cha Thăm

                  (1945-2021)

​Cho đến giờ, cha Thăm, cha đã đi về Nhà Cha được  gầntháng rồi. Anh em lớn nhỏ cựu chủng sinh (CCS) khắp nơi đều tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi quá đột ngột của cha. Chắc cha đã biết, Đinh Thế Tuyền, cùng lớp với mình trong những ngày đầu niên học 1958, cũng đã ra đi quá đột ngột, vì bệnh tim, thời gian gần đây. Lớp học những ngày đầu tiên là lớp học nằm rất gần phòng của “Ông Nội” (cha già Nguyễn Đình Hiến là linh hướng). Thỉnh thoảng, chúng ta ghé phòng chào thăm Ông Nội thì lập tức Ông Nội bốc một nắm kẹo “Nougat” đưa cho ăn. Quá vui!

​Chúng mình cùng vào một năm (sau Hè 1958), bắt đầu từ lớp 6 , để bắt đầu học La tinh. Để được nhận vào năm này, chúng mình đều phải thi “concours/competition”. Các bạn cùng thi để được nhận vào lớp 6 năm đó có : Nguyễn Văn Khanh, người thuộc địa sở Đại an, Nguyễn Đình Sáng, từ Gia hựu,  Dương Thành Thăm, thuộc họ đạo Sông cát (Ngọc Thạnh ?) và cá nhân tôi, từ địa sở Lạc điền. Chúng tôi đều đã dự thi và chỉ có hai môn được thi, đó là Pháp và Toán. Địa điểm thi là ‘Trường Lớn cũ” (Sau là trường trung học học Vi nhân).  Bàn ghế không có, nên phải ngồi trên nền mà làm bài! Bốn anh em chúng tôi đều đã trúng tuyển và được nhận vào lớp 6. 

​Chúng ta vào học lớp 6, vì là lớp bắt đầu học La ngữ, do cha Huỳnh Tòa là cha giáo dạy môn này. Cha Huỳnh Tòa còn phụ trách dạy Pháp văn. Ngài phát âm tiếng Pháp bằng giọng mũi, nghe giống như Tây. Khi bắt đầu năm học, nhiều anh em khác đều thầm gọi chúng tôi là những người tu muộn (vocation tardive). Mà cũng đúng thôi, bởi lẽ tuổi được tuyển vào trường phài là 11 hoặc 12. Riêng các anh em chúng tôi thì quá 12 tuổinên phải được xếp vào lớp 6. Anh NV Khanh, mà có một dạo anh em hay gọi tên là “Khanh Ba-lê”. Nguyên nhân thì thế này.Có một dịp lớp chúng tôi phụ trách văn nghệ. Chương trình văn nghệ thì có kịch “người con trai hoang đàng (fils prodigue)” (Lc. 15:11-32). Anh Khanh được chọn vai “người con trai hoang đàng”. Anh đã chọn Paris (Ba-lê) làm nơi ăn chơi, phung phí tiền của. Vì thế, kể từ đó, anh ta có tên mới là “Khanh Ba-lê.”Còn tôi, được cha Võ Ngọc Nhã (là giám đốc chủng viện lúc bấy giờ) chỉ định đọc sách đạo đức ở Nhà nguyện, như chầu Thánh Thể, trước giờ chầu Phép lành vào các ngày Chúa nhật… Ngoài ra, ngài còn giao tôi phụ trách các sáng thứ tư (ngày nghỉ giữa tuần), buổi sáng, bán sách vở, giấy bút, lại còn bán thêm đường táng, mà theo cha giám đốc khuyên, “ăn đường để bổ gân”. Mục bán đường này xem ra ăn khách lắm, bán chạy như tôm tươi.  

​Thời gian âm thầm trôi qua và rồi những gì xảy ra thì cũng đã xảy ra. Hai trong số 4 anh “tu muộn” đã nhận “chén gạo lui binh”1 (cha Tòa thường dùng những tiếng này). Anh NV Khanh thì rút lui sớm. Còn tôi thì rút lui mấy năm sau đó. Có người sẽ tò mò hỏi lý do tại sao? Xin miễn trả lời. Ai muốn tìm hiểu thêm cứ hỏi “Mr Google” thì rõ. Kể từ lúc Khanh và tôi rời mái trường thân yêu, chúng tôi không có dịp nào để gặp nhau nữa.Cuộc chiến tương tàn lúc ấy ngày càng leo thang. Tuổi trẻ phải bị động viên vào quân đội. Khanh, tôi được nghe biết, anh ta gia nhập ngành cảnh sát quốc gia, và làm việc tại Pleiku cho đến năm 1975, nghe như anh ta vượt thoát được khỏi VN, và định cư ở Úc châu. Cuối cùng, anh đã ra đi về cõi sau, tính đến nay cũng đã khá lâu. Riêng tôi, từ khi rời trường (vào thời gian tại LS bắt đầu mất an ninh, nên vài lớp trên, trong đó có lớp chúng tôi, được dời về Qui nhơn (trường lớn cũ). Khi rời nhà trường, kể từ đó, tôi lại phải tiếp tục học và rồi cũng bị động viên vào quân trường Thủ đức. Lúc ra trường, vì được xếp ở vị trí cao nên được chọn về nguyên quán (Bình định) và làm việc ở đó cho đến ngày tan hàng, năm 1975. Trong khi Khanh và tôi giã từ LS thì còn lại Dương Thành Thăm và Nguyễn Đình Sáng. DT Thăm được gởi đi học GHHV Đà lạt cho đến ngày thụ phong Lm năm 1972. Còn NĐ Sáng được địa phận cho du học Rôma, thụ phong Lm ở đó, và sau, sang phục vụ tại Mỹ. Nay cha Sáng đã về hưu, chờ ngày…

​Tôi muốn ghi thêm ở đây là cách đây khoảng trên 10 năm, cha DT Thăm có dịp đến Hoa kỳ một lần cho biết. Cha đã đi thăm một số nơi như San Jose, California; Houston, Texas, v.v Những ngày còn lại cha đã ở chơi nhà tôi, độ vài tuần. Sáng nào tôi cũng đưa cha đi lễ tại một nhà thờ Mỹ gần nhà. Ngoài ra, cha cứ nằm chiếc võng sau nhà tôi để đọc sách và chuyện vãn với nhau. Cha không đi dâng lễ tại bất cứ nhà thờ nào ở vùng này.Cha nói, “tôi đến Mỹ để chơi cho biết. Nếu ai cho đồng nào tôi để dành để đi “ Rô-mà”, Xin nói lái hai chữ “Rô-mà” thì biết. Bây giờ, cha đã thực sự đi “Ra-mồ”!

​Với những dòng vắn tắt này tôi muốn ghi lại đây để tưởng nhớ một người bạn cùng lớp vừa ra đi về cõi đời đời, ở tuổi 76.Ở cái tuổi này, cũng không phải là già nhưng cũng không phải là trẻ nữa. Được biết, cha đã về hưu khá sớm, vì bị bệnh. Về hưu, đối với những linh mục khác tại địa phận nhà là 75. Hiện tại, ở nhà hưu dưỡng Làng sông có hai cha Nguyễn Văn Kính (nguyên cha sở Gò thị) và cha Hoàng Minh Tâm, đã tới tuổi 75. Lời cuối, trước khi tôi kết thúc những dòng này: “Nguyện xin lòng nhân hậu Chúa sớm đưa linh hồn cha Stephano sớm về hưởng thánh nhan Chúa muôn đời…”

   Nguyễn Ngọc Thể