CHIM BO NONG

Chim Bo Nong
Cây nến Phục Sinh ở Rome Năm 2020 với Đức Giáo Hoàng Chủ Tế Thánh Lễ Vọng Phục Sinh.
Từ Phục Sinh đến giờ tôi vẫn mãi suy nghĩ về hình một con chim Bồ nộng được khắc (hay dán) vào cây nến Phục Sinh mà tôi nhìn thấy trong khi tham dự Thánh Lễ có Đức Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô chủ tế ở Rome (livestream). Hình ảnh nầy làm tôi nhớ lại năm 1962-63 gì đó, tôi đã thấy tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông Qui Nhơn và một Linh Mục đã giải thích đó là hình một con chim Bồ Nông, khi không thể tìm được thức ăn cho con, thì nó tự mổ rách ngực để lầy máu của nó nuôi con. Lúc đó tôi thương con chim Bố Nông quá vì nó dám hy sinh cả mạng sống cho con của mình. Thời gian tiếp nối thời gian, hình ảnh chim Bồ Nông cũng tan dần và không còn đọng lại trong tôi một chút nào cả.
Năm nay, Thứ Bảy ngày 11 Tháng Tư Năm 2020, tôi bị ở nhà vì dịch Covid- 19, Nhà Thờ đóng cửa, mọi người phải “tự nhốt” trong nhà để tránh sự lây lan của Virus Wuhan. Suốt Tuần Thánh có Tam Nhât Thánh ( Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy), là quan trọng nhất trong năm đối với người Tín Hữu Công Giáo, thì cũng phải ở nhà và chỉ tham dự các Nghi Thức Phụng Vụ qua online mà thôi. Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Bảy, tuy ở nhà, nhưng tôi cũng ăn mặc chỉnh tề và cho mọi người chuẩn bị trước 10 phút để tham dự Thánh Lễ cho sốt sắng. Ngoài việc thương cảm khi nhìn vị cha chung là Đức Giáo Hoàng Phanxico bước đi khó khăn vì tuổi già bệnh tật, tôi chợt giật mình khi nhìn lên cây nến Phục Sinh có hình chim Bồ Nông lấy máu mình nuôi con. Môt cảm xúc từ trái tim chuyển lên não và rồi chạy suốt châu thân làm tôi chết lặng và từ khóe mắt đôi giọt lệ lăn dài.. lăn dài trong suốt Thánh Lễ. Cũng may tôi ngồi đầu nên vợ con không thấy gì.

Sau Thánh Lễ tôi âm thầm tìm tra tự điển loài chim Bồ Nông và quả thật loại chim nầy khi không tìm thấy thức ăn cho con, thì chim mẹ tự mổ ngực mình để lấy máu nuôi con. Tôi lục lọi tìm về qua khứ để xem có lần nào trong nhiệm vụ làm cha, tôi có chút tình thương nào đối với con cái của tôi như loại chim nầy không ? À có rồi, tôi còn nhớ thằng con trai của tôi lúc 2 tuổi nó bị lên trái, khuôn mặt nó bị các mụn mọc trên mặt làm 2 con mắt hiếp lại, miệng thì méo xệch qua môt bên, đau nhức lắm, thế mà khi tôi đi làm về, cháu nhìn tôi cố gắng mở môt con mắt, nhìn ba rồi mỉm cười, tôi bế cháu lên, vừa hôn vừa rơi lệ và thầm thì trong trí: Chúa ơi sao Chúa không để con bị thay cho con của con ? Một lần nữa, lúc cháu 2 tuổi rưởi vì ngón tay cái bị cái khớp đóng mở bị đau nên phải giải phẩu. Trước khi giải phẩu, Bác sĩ phải gây mê cháu, vì còn nhỏ nên họ bỏ cháu trong một chiếc xe nhỏ rồi kéo đi, khi xe qua mặt tôi, tôi thấy nó cười và con mắt từ từ nhắm lại, đầu nghiêng qua một bên và người nó rủ xuống trong chiếc xe trước khi vào phòng mổ. Lúc đó tim tôi quặn thắt và tôi cũng gục đầu để lau những giọt nước mắt đương trào ra vì thương cảm. Còn nhiều nữa, nhưng thôi vì tôi nghĩ, ai đã từng làm cha làm mẹ, đều trải qua những kinh nghiệm thương đau và hy sinh hơn tôi nhiều. Vậy thì chim Bồ Nông không biết suy nghĩ mà còn thương con như thế thì huống chi con người chúng ta.
Nhưng cái băn khoăn của tôi là hình chim Bồ Nông trên cây nến Phục Sinh! Vì sao tôi băn khoăn? lục lại trí nhớ, à vì tôi đã xem phim Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu do Mel Gibson đạo diễn hôm Thứ Sáu Tuần Thánh vừa rồi, tôi cũng đã thấy Chúa bị những trận đòn chí tử, bị đội mão gai, bị té lên té xuống nhiều lần trên những viên đá lổi lõm đường Thương Khó và nhất là cảnh Chúa bị đóng đinh và treo trên Thánh Giá không còn hình tượng con người nữa, tôi không hiểu Đức Mẹ làm sao có thể chịu được cảnh nầy ? và rồi sao Chúa lại phải chịu như thế ?
Từ hình ảnh chim Bồ Nông và Hình ảnh Thương Khó của Chúa, tôi chợt hiểu thế nào là hai chữ Tình yêu. Trong hoàn cảnh shelter in place ( tự giam), biết bao người thèm một cái “ôm nhau” mà không được vì sau khi đi giúp các bệnh nhân ở bệnh viện, khi về nhà họ phài cách ly với người thân vì sợ lây nhiễm, họ rất khao khát chia xẻ tình yêu với nhau mà không được, trong khi tôi chỉ ngồi nhà, muốn ôm hôn vợ con lúc nào cũng được thì còn phàn nàn nỗi gì trong lúc mọi người đang ở tuyến đầu, lấy mạng sống của chính mình để đánh đổi mạng sống cho người khác.

Và cũng chính vì sự liên hệ đó mà khi tham dự Thánh Lễ trên online, tôi để thêm Cây Thánh Giá trước màn ảnh để suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu cũng giống như chim Bồ Nông mẹ, đã lấy máu mình mà nuôi con. Tôi hiểu thêm về sự Hy sinh của Chúa và sự hy sinh của các người ở tuyến đầu, cũng chỉ vì Tình Yêu. Đó không là Chim Bồ Nông trong cơn đại dịch của thế kỷ thứ 21 nầy sao ?
Sương Mai, Cali Tuần Thánh 2020 (Shelter in place)