CON NHỆN GIĂNG TƠ

CON NHỆN GIĂNG TƠ

Theo bản năng của loài nhện, chúng giăng tơ nhằm mục đích bắt mồi lúc chập tối. Chúng thường giăng tơ ban chiều,trước lúc mặt trời lặn, nhưng cũng có khi, chúng làm mạng nhện lúc mặt trời mọc. Đặc biệt, chúng thường giăng nơi những lối đi có ít người qua lại, vắng vẻ, để cho công trình của chúng khỏi bị hỏng. Một khi màn nhện đã giăng xong, sẵn sàng để rình và bắt mồi.

Một ít dòng về cách các loài nhện làm “mạng”. Khi bắt đầu, chúng tìm địa đỉểm thích hợp, tức có những cành cây nho nhỏ, và khoảng cách giữa hai cành không rộng lắm, cũng không hẹp lắm. Tìm địa điểm thích hợp xong, chúng bắt đầu nhả tơ để giăng. Đầu tiên, chúng giăng tơ giữa hai cành, lập đi lập lại độ vài lần, rồi chúng lần ra giữa, chọn một sợi tơ, bám vào đó, rồi tự thả mình rơi xuống một khoảng cách ngắn, thường là không xa, rồi dừng lại ở đó. Xong, chúng bắt đầu giăng tơ, theo hình tam giác, rồi hình bát giác, rồi đến hình tròn, từ trong ra ngoài. Chúng làm rất công phu, điêu luyện, như đã trở thành thói quen! Mạng nhện giờ đã hoàn tất, con nhện sẽ nằm thu mình ngay tại điểm giữa mạng nhện, và chờ con mồi bay ngang và vướng vào mạng. Bấy giờ, nhện bò ra, bắt lấy con mồi mà ăn 1

Con nhện giăng tơ với những đường tơ thật mong manh, nhưng lại có một độ dính nào đó để con mồi khó thoát được, khi mắc vào mạng nhện. Từng đường tơ thật nhỏ, nhưng nhiều đường tơ như thế, cứ quấn quanh một vật gì đó, hay một con vật bé nào đó, sẽ làm cho con vật chết cứng, không đường nào thoát được. Cũng vậy, người ta cho rằng, một thói quen xấu, một tập quán xấu, một tính hư tật xấu nào đó, nếu chúng ta vướng phải, thì khó mà thoát được. Lúc đầu, chúng ta coi thường, dần dà, theo thời gian, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân lúc nào không hay. Chẳng hạn như, chúng ta chơi đánh bài, có ăn thua bằng tiền bạc chút đỉnh hay hiện vật, lúc đầu chúng ta coi việc chơi bài nhằm tiêu khiển, giết thì giờ, nhưng rồi một ngày nào đó, chúng ta vướng mắc để rồi đi đến đam mê, mà không cách nào gỡ ra được. Người Việt có câu nói: “Đánh bạc quen tay”.  Hoặc có lời khuyên như sau:   

                          “Cờ bạc là bác thằng bần,

                          Đi vô mặc áo, ở trần đi ra!”

Việc nghiện ngập hút xách cũng vậy. Lúc đầu, chúng ta muốn thử cho biết, nhưng ngày một, ngày hai, chúng ta thấy có cái gì hấp dẫn, thấy “nghiện”, và không thể cưỡng chế được, rồi trở thành người “nghiện ngập” lúc nào không hay.

Trở lại chuyện con nhện. Như chúng ta biết, nếu quan sát hay tìm hiểu, chúng ta thấy có nhiều loại nhện khác nhau. Có loài nhện mang nọc độc, nên khi bị đốt vào người, làm nhiễm độc, có thể gây nên chết chóc hay làm cho người bị sưng tấy lên. Có người, mỗi khi nhìn thấy con nhện, bò đâu đó trong nhà hay ngòai vườn, dù chỉ là con nhện nhỏ thôi, họ cũng la lên, và bỏ chạy, vì sợ.

Trong ca dao Việt nam, cũng có 2 câu thơ về nhện khá tìnhtứ:

                    “Chiều chiều con nhện giăng tơ,

                  Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?”

Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta có biết được baosinh vật đang sống chung quanh, dù là bé bỏng, nhưng chúng có thể làm hại chúng ta như gây chết chóc, gây bệnh tật, như ruồi, muỗi chẳng hạn. Đó là những gì mà chúng ta thấy, biết và cảm nhận được. Tuy nhiên, có những điều mà chúng ta không thấy và biết được, nhưng chúng đã âm thầm len lỏi vào cuộc sống,vào tinh thần của chúng ta, và ở hẳn trong đầu, trong tâm hồn, để một lúc nào đó, chúng làm chủ con người chúng ta, điều khiển cuộc sống của chúng ta. Lúc đó, chúng ta như bị ràng buộc, bị trói chặt bởi những sợi tơ vô hình, không tưởng!

Trở lại hai câu ca dao trên, tuy vắn vỏi, nhưng cũng nói lên ước mơ, tâm tư nào đó của tình cảm con người. Nhện giăng tơ, theo bản năng, chỉ với mục đích bắt mồi để nuôi sống cho chính mình. Do đó, qua mạng nhện, chúng ta cũng có thể hình dung được có bao nhiêu cạm bẫy đang giăng mắc mọi nơi, nhằm lôi cuốn con người đi đến chỗ sa đọa, và bị diệt vong. Là những người con Chúa, con Mẹ chúng ta luôn gắn bó với các Đấng để không quên kêu cầu từng phút giây cho cuộc sống của chúng ta hằng được chở che, phù trì, tránh xa bao nhiêu cạm bẫy ở đời.

                    Nguyễn Ngọc Thể