ĐỪNG CỨNG LÒNG VỚI CÁI HƯ KHÔNG !

ĐỪNG CỨNG LÒNG VỚI CÁI HƯ KHÔNG !

(CHÚA NHẬT 18 TN C 2022)

​Sứ điệp phụng vụ hôm nay, qua các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố, có thể được tóm tắt trong trong nội dung ý nghĩa nầy: Phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa và đừng cứng lòng với cái hư không

​Trước hết, lời dạy của Sách Giảng Viên trong Cựu ước khuyên nhủ chúng ta không nên thiển cận chỉ biết cặm cuội đầu tư tất cả cho cuộc sống tại thế và cho những giá trị vật chất mau qua; nhưng phải đặt cuộc sống trên những giá trị vĩnh hằng: Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không… Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?”.

​Hai chữ “hư không” được sách Giảng Viên lặp đi lặp lại nhiều lần chắc chắn không nhằm hướng chúng ta đến cuộc sống tiêu cực, chán đời, quay lưng lại với cuộc đời, với trách nhiệm và bổn phận…; nhưng cốt yếu gọi mời chúng ta phải vươn mình lên cao, tìm kiếm và đầu tư cuộc sống cho những giá trị vĩnh hằng, cho những gia tài trường cữu, những của cải khả dĩ mang lại hạnh phúc đích thật. 

​Không biết, có phải vì thấm nhuần đạo lý trên của sách Giảng Viên mà Đại văn hào Nga, Leon Tolstoi đã có một câu chuyện ngụ ngôn để đời: Một người nông dân kia tên là Pakhom rất ham thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh tậu được một mảnh đất 40 mẫu. Anh mừng lắm. Nhưng chẳng bao lâu anh muốn một mảnh đất rộng hơn. Anh lại làm lụng và để dành, bán mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, mua được một mảnh đất 80 mẫu. Nhưng anh chưa thoả mãn, muốn tìm một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người cho anh biết rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Ngay sáng hôm sau, anh nông dân đi sang vùng bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói: “Anh chỉ cần trả 1000 rúp thì có thể sở hữu được một vùng đất mà anh đi được trong một ngày. Nhưng cần nhớ là anh phải trở lại đúng nơi điểm xuất phát cũng trong ngày đó. Nếu về không kịp thì kể như mất tiền vô ích”. Đêm đó người nông dân sung sướng ngủ không được. Vừa rạng sáng hôm sau anh nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu bước đi. Càng đi anh càng sung sướng vì thấy đất của mình càng rộng thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên mất thời gian. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh mới hốt hoảng quay về. Nhưng vì anh đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Đến điểm mốc, anh ngã gục xuống. Vị tù trưởng đến chúc mừng: “Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh”. Nhưng người nông dân không đứng dậy được nữa để nhận lấy tài sản của mình, vì anh đã chết!”

​Trong thế giới nầy, trên cuộc đời nầy, không chỉ có một nhân vật Pakhom của Léon Tolstoi bị “thần mammon” ám cho tới chết; mà rất nhiều người trong chúng ta, có thể trong một lúc nào đó, cũng đã để mình bị cuốn hút theo một loại “thần mammon” với nhiều dạng khác nhau: có khi là những đam mê trần tục, những sự giàu có thế gian; nhưng cũng có khi là sự thành công, danh tiếng là quyền lực thống trị, là sắc đẹp, sĩ diện… để sẵn sàng quay lưng lại với Thiên Chúa, với Nước Trời.

​Đức Kitô không cho phép những kẻ theo Ngài “bắt cá hai tay”: vừa tiền của vừa Thiên Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm đầy tớ cho tiền của…” (Mt 6,24). Vâng, chọn Chúa, chọn đức tin, chọn Nước Trời… chúng ta cần phải vượt qua “nỗi buồn sụ mặt quay lưng vì có nhiều của cải” của chàng thanh niên giàu có (Mt 19,22), để sẵn sàng bắt chước những Phêrô, Gioan, “bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ cả cha già…” (Mt 4,18-22) để dấn bước lên đường !

​Dĩ nhiên, việc “từ bỏ” mà Chúa Kitô gọi mời không được khư khư hiểu theo nghĩa đen, mà cốt lõi, chính là sự “vươn mình lên”, là chiến thắng, là quảng đại sẻ chia, là hy sinh, hiến tế…

​Ý nghĩa nầy đã được Lời Chúa trong Bài đọc 2 hôm nay xác nhận: Đây là bài giáo lý sâu xa của Thánh Tông Đồ Phaolô trong trích đoạn thư gởi giáo đoàn Cô-lô-sê về cuộc sống mới trong Đức Ki-tô, một cuộc sống đòi hỏi phải lột xác thoát khỏi những đam mê và dục vọng trần tục. Quả thật, với Thánh Phaolô, cuộc chiến đấu đức tin không phải chỉ là chuyện giản đơn về “đồng tiền cắt bạc”, mà là một cuộc “vượt qua đầy thách đố” trước những cám dỗ củatrần tục và những đam mê thấp hèn: Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa… Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng.

​Sau cùng, lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca vừa được công bố như một tóm kết cho sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật hôm nayLÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA.

​Thật vậy, nhân câu chuyện “nhờ Ngài chia của”, Đức Kitô đã thâm thuý giảng dạy về sự lựa chọn con đường sống Làm giàu trước mặt Thiên Chúa“Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu… Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.

​Kể từ khi Tin Mừng được loan báo cho đến mãi hôm nay, đề nghị “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” của Đức Kitô đã được bao nhiêu người đón nhận và thực hiện; lịch sử 2000 năm của Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa đã khắc ghi bao chứng tích oai hùng của những con người, những cộng đoàn thể hiện cách trọn hảo “nguyên tắc vàng” của Tin Mừng nầy. Giải Nobel Hòa bình 1979 mà thế giới trao cho Mẹ Têrêsa Calcutta là một chứng từ rõ nét của một con người đã thực hiện nguyên tắc vàng ấy cho đến cùng ! Thế giới nầy, Giáo Hội nầy không chỉ có mỗi mình Mẹ Têrêsa Calcutta đã biết “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” mà là hàng traăm, hàng vạn !

Tóm lại, sứ điệp phụng vụ hôm nay không nhằm hô hào, cổ võ một thái độ sống tiêu cực, chán đời; nhưng là khai mở một cái nhìn tỉnh táo và khôn ngoan hướng vào cuộc sống nhằm giúp chúng ta định hướng và đầu tư cuộc đời sao cho phù hợp với chương trình khôn ngoan và đầy tình thương của Thiên Chúa. Đứng trước một xã hội mà vật chất, tiền của đang chiếm lĩnh mọi bậc thang giá trị, Lời Chúa hôm nay phải chăng là một cảnh báo thích hợp cho mỗi người chúng ta để chúng ta luôn sống đúng căn tính của người Kitô hữu và tìm được hạnh phúc đích thực.

Đứng trước tiếng gọi mời của Lời Chúa, chúng ta cùng ước nguyện cho nhau, như lời ước của Thánh Vịnh Đáp ca mà chúng ta đã cùng hát lên: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng”. Vâng, đừng cứng lòng vì những chuyện, những cái “hư không” nhưng sẵn sàng “cứng lòng” trong việc “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”. Amen.

Trương Đình Hiền.