CUỘC HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC “CÀNH THIÊN TUẾ”

CUỘC HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC CÀNH THIÊN TUẾ”

(Chúa Nhật Lễ Lá 2020)

Hôm nay toàn thể thế giới Kitô giáo nói chung (Công Giáo, Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo) đều cử hành long trọng Ngày Chúa Nhật đặc biệt với danh xưng cũng đặc biệt mà ngôn ngữ Phụng Vụ Việt Nam gọi là Chúa Nhật Lễ Lá. (Tiếng La Tinh gọi là Dominica Palmarum (hay đầy đủ theo Phụng Vụ Công Giáo là Dominica in palmis de Passione Domini: Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa).

Riêng các xứ đạo miền Trung chúng ta thì hôm nay mỗi người phải có được một cành lá và phải là lá thiên tuế (hay vạn tuế; nếu không có thì lá dừa) !

Tại sao lại có yếu tố “Lá thiên tuế hay vạn tuế” ở đây? Chúng ta biết rằng cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm khi tường thuật biến cố Chúa vào thành Giêrusalem có nhắc đến việc dân chúng “chặt cành cây nhưng không nói loại cây gì (Mt 21,8; Mc 11,8) ; trong khi Luca không nhắc đến cành lá gì hết: “Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường” (Lc 19,36). Chỉ riêng Tin Mừng Gioan thì nói cách cụ thể tên của loại cành cây dân Ít-ra-en đón rước Chúa: “Họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò…” (Ga 12,13).

Dùng biểu tượng “Cành lá Thiên Tuế” để dẫn vào con đường “Tử nạn-Phục Sinh” của Đức Kitô mà Phụng Vụ Tuần Thánh đang “tưởng-niệm-tái-diễn” (Anamnèse), ngôn ngữ Tin Mừng của Thánh Gioan đã cho thấy mối liên hệ giữa “Khổ Nạn” và “Vinh Quang”, giữa “đau thương của thập giá” với “chiến thắng Phục Sinh”. 

Thật vậy, “vạn tuế hay thiên tuế” (tiếng la Tinh là palma, Pháp: Palmier, Anh: palm) thuộc họ “cây cọ dừa”, là biểu tượng của “chiến thắng, đoạt giải”. Người chiến thắng hay đoạt giải thì cầm cành cọ dừa (hay vạn tuế); nên cụm từ “mang cọ dừa” (To carry the palm)đồng nghĩa với chiến thắng, đoạt giải hay vinh quang.

Như vậy, cách đây 2000 năm, ở giữa rừng cành vạn tuế tung hôchiến thắng, Đức Kitô tiến vào thành Giêrusalem để hoàn tất hành trình Vượt Qua mà đích điểm chính là cuộc tử nạn thảm khốc và phục sinh vinh quang. Chúng ta dễ dàng nhận ra dụng ý của Phụng vụ khi cô đọng “ý nghĩa kép” nầy qua lời kinh Tổng nguyện lúc đầu lễ:

“…Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc Thương Khó, và được thông phần vinh quang phục sinh với Người.” (Lời nguyện nhập lễ).

​Trong lời kinh Tổng nguyện nầy, chúng ta để ý thấy 2 cặp từ chủ yếu: THƯƠNG KHÓ và PHỤC SINH; đó cũng là 2 nội dung chủ yếu mà cử hành phụng vụ hôm nay nêu bật:

​Phần đầu, với “nghi thức Rước Lá hay Kiệu lá”, chính là sự chiến thắng và vinh quang phục sinh. Thật vậy, chúng ta được chính Đức Kitô dẫn đầu để tiến vào vương quốc Nước Trời, tiến vào cuộc chiến thắng vinh quang của ơn cứu độ, của tình yêu muôn đời bền vững của Thiên Chúa. Theo Đức Kitô mà dẫn tới thất bại, tới đường cùng, tới thất vọng…thì theo làm quái gì ! Một lần nữa, mầu nhiệm Phụng vụTuần Thánh, khi tái diễn các biến cố sau cùng của Đức Kitô, tức mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài, Hội Thánh muốn tái tuyên xưng về sự chiến thắng của Đức Kitô trước thần lực của ma quỉ và sự dữ, trước khổ đau và tội lỗi, trước thập giá và quyền lực của thế gian.

​Khi tái diễn cuộc vào thành vinh quang của Chúa Kitô với cành thiên tuế, biểu tượng của chiến thắng, Phụng vụ một lần nữa đưa chúng ta tham dự vào “Giờ” chiến thắng Vượt Qua của Chúa Kitô mà Thánh Gioan đã tiên báo từ 2000 năm trước: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh…Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, mt khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Ngài phải chết cách nào. (Ga 12, 23.31-33)đồng thời cũng hiệp thông vào sự chiến thắng của một đoàn dân đông đảo trong vinh quang Nước Trời mà sách Khải Huyền đã mô tả: “Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9).

​Tuy nhiên, con đường chiến thắng vinh quang đó, con đường phục sinh lẫy lừng đó không phải là chuyện “dễ ợt” theo cái kiểu “bất chiến tự nhiên thành”, mà phải là một cuộc dấn thân “trầy vi tróc vảy”, một cuộc chiến đấu một mất một còn, một chọn lựa không phải một “rừng mơ ngọt ngào của Tào Tháo”, mà là một “hoang mạc đầy dẫy gai chông, cạm bẫy, thách đố, nhục nhã, đắng cay” mà “người Tôi Tớ đau khổ của Gia-vê” phải đón nhận như cách khắc hoạ của ngôn sứ Isaia (BĐ 1); phải đi qua con đường khổ nạn và cái chết như trình thuật Thương Khó của Thánh Matthêô; và nhất là được cô đọng nơi những lời Thánh Vịnh 22 được chính Đức Kitô đọc lên như lời cầu thống thiết trong giờ hấp hối trên thập giá: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Chúa bỏ con?”

​Và như vậy, Tuần Thánh được mở ra hôm nay với cuộc “vào thành” của Đức Kitô, sẽ tuần tự diễn ra cả một tiến trình Vượt Qua của Đức Kitô mà Thánh Phaolô đã tóm tắt trong một đoạn Thánh thi gởi giáo đoàn Philipphê được nối lại bởi hai đầu của bốn từ: TỰ HẠ và TÔN VINH (BĐ 2). Vâng, đây chính là cuộc “Vượt Qua” mà toàn thể Dân Chúa được gọi mời tham gia và đón nhận vào chính cuộc hành trình đức tin của mình. 

– Bởi vì không thể là Kitô hữu nếu không đi qua “Ngày Thứ Năm Tuần Thánh” khi “cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống” chính Bánh Thánh Thể và Chén máu Giao ước và sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho anh chị em (Lễ Tiệc Ly).

– Cũng vậy, không thể là Kitô hữu nếu không sống “Ngày Thứ Sáu khổ nạn” khi can đảm chấp nhận “chén đắng” của hy sinh, bỏ mình, và những thập giá xuyên qua suốt cuộc đời, thập giá của bệnh hoạn, tật nguyền, yếu đau…trong tâm hồn cũng như ngoài thân xác, cùng bao nhiêu gánh nặng đau thương nhức nhối khác…. Trong những ngày nầy, nào chẳng phải chúng ta và toàn nhân loại đang trải qua những nỗi đau nhức nhối của “thập giá đại dịch Covid-19” để qua đó, mọi người, đặc biệt, những người Kitô hữu nhận ra dấu chỉ thanh tẩy và lời gọi mời hoán cải của Thiên Chúa.

– Và cũng không thể là Kitô hữu, khi chúng ta không đi qua “Đêm Vọng Phục Sinh” và “Bình minh của ngày sống lại” khi mang một trái tim mới, một thần khí mới, một ngọn lửa mới, đó là Đức Kitô phục sinh, đó là niềm vui và sự chiến thắng của tình yêu và hy vọng, đó là sự “tái sinh vào vương quốc sự sống”, đó là “bỏ lại đằng sau nấm mồ của tăm tối, nô lệ để bước đi trong ánh bình minh của tin yêu hy vọng”. 

​Nếu phải tìm một chứng nhân, một chứng từ để hiện thực hoá những ý nghĩa trên, ý nghĩa của cuộc hành trình chinh phục “cành thiên tuế”, có lẽ mọi người trên thế giới đều đồng thanh chọn lựa bác sĩ Lý Văn Lượng, một nạn nhân nhưng cũng là một Kitô hữu chứng nhân cho Tin Mừng “Tử Nạn-Phục Sinh” tại Vũ Hán trong mùa đại dịch Covid-19, mà đoạn cuối của bài thơ ông viết, cũng là di chúc tinh thần ông đã để lại cho thế giới hôm nay:

Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa,

Người ta học được đứng thẳng,

Không còn để những người tử tế,

Phải chịu đau khổ vô tận,

Và nỗi buồn bất lực.

Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,

Đã chạy hết chặng đường,

Đã giữ vững niềm tin.

Giờ đây, tôi chỉ đợi vòng hoa dành cho người công chính.” (2Tm 4,7-8a)

​Vâng, mọi người chúng ta, từ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, đều được gọi mời cùng lên đường tham gia vào cuộc hành trình chinh phục “cành thiên tuế” của chính Đấng đã vượt qua cái chết đau thương tủi nhục để bước vào cuộc chiến thắng phục sinh vinh quang. Amen.​

Trương Đình Hiền