LỜI NHẮC BẢO CỦA “TIẾNG CHUÔNG TRUYỀN TIN”

LỜI NHẮC BẢO CỦA “TIẾNG CHUÔNG TRUYỀN TIN”

(Lễ Truyền Tin – Acies của Curia Qui Nhơn – 2021)

​Không biết truyền thống đạo đức nầy đã có tự bao giờ, nhưng mãi đến hôm nay, vẫn còn duy trì ở rất nhiều nơi trong các cộng đoàn Kitô hữu: cứ đúng “giờ Ngọ” (đúng giữa trưa, thường là 12 giờ) chuông nhà thờ vang lên theo nhịp Kinh Truyền Tin; và dĩ nhiên, với những Kitô hữu đạo hạnh, đây là giây phút “tĩnh nguyện” ngắn ngủi, dừng lại mọi công việc, để thầm thỉ kinh nguyện Truyền Tin truyền thống của Giáo Hội mà những câu mở đầu đó là: “Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên thần truyền tin cho rất thánh Đức Bà Maria/ Và rất thánh Đức bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…”. Trong khi đó, tại các cuộc họp của cộng đoàn để cử hành việc đạo đức hay phụng vụ, trong hay ngoài thánh đường, sáng, trưa, tối…, thì kinh Truyền Tin cũng là lời kinh mở đầu không thể thiếu.

​Như vậy, có thể nói được rằng, Hội Thánh, trong sự khôn ngoan đầy Thánh Thần của mình, đã muốn cho con cái luôn ý thức và xác tín về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Con; và từ đó, luôn đáp trả tình yêu và thánh ý Chúa bằng thái độ “xin vâng” trước là của Ngôi Hai “Nầy con xin đến để thi hành thánh ý Cha” (Dt 10,9); và sau đó là của Đức Trinh Nữ Maria “Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên thần truyền” (Lc 1,38).

​Riêng trong chu kỳ Năm Phụng vụ của Hội Thánh, Lễ Truyền Tin cũng là một “cột mốc” mang dấu ấn đặc biệt trong “trường ca Vượt Qua” của Đấng vừa là “EMMANUEL” vừa là “ECCE HOMO” ! 

​Thật vậy, ở giữa bầu khí mang sắc thái chiến đấu khắc khổ của Mùa Chay để tiến tới cuộc tưởng- niệm- tái- diễn những ngày sau cùng trong cuộc đời trần thế của Đức Kitô (“Ecce Homo”), cũng là tâm điểm của mầu nhiệm Vượt Qua, Phụng Vụ lại mang chúng ta trở lại giây phút ban đầu của Mầu Nhiệm Nhập Thể: giây phút Ngôi Hai chính thức đi vào trần gian, chính thức mang lấy kiếp phận con người trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria (“Emmanuel”). Và giây phút nhiệm mầu, huyền diệu nầy được thực hiện tức khắc sau tiếng thưa chỉ với mấy lời đáp trả giản đơn của một người thôn nữ vô danh tiểu tốt ở làng Nadarét: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1,38).

​Cho dù “các nhà phụng vụ” muốn mặc cho huyền nhiệm Nhập Thể “tấm áo ý nghĩa nhân bản” khi đặt thời điểm lễ Truyền Tin (25/3) trước lễ Giáng Sinh 9 tháng (Đức Mẹ phải cưu mang 9 tháng mới sinh con !), thì cộng đoàn Dân Chúa, qua dòng chảy sống động của “đức tin Tông truyền”, vẫn tìm thấy nhiều ý nghĩa phong phú từ sứ điệp TRUYỀN TIN; nhất là cho cuộc hành trình Mùa Chay thánh trong những ngày sắp kết thúc để tiến vào “những ngày Vượt Qua Thánh” sắp sửa diễn ra nầy.

​Thật vậy, sứ điệp Truyền Tin chẳng phải mang đến cho chúng ta ý nghĩa của cuộc tự hạ thẳm sâu của Thiên Chúa: từ thân phận của một Thiên Chúa quyền năng chấp nhận hạ mình mang thân cát bụi: “Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thieein Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy hân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-8). Chính sự khiêm hạ nầy một lần nữa nhắc nhớ chúng ta nhớ lại tiếng gọi mời của ngày khai mạc Mùa Chay-Lễ Tro, khi chúng ta lãnh nhận chút tro trên đầu: “Hãy nhớ mình là tro bụi sẽ trở về bụi tro”. Chúa mà đã khiêm hạ đến thế, thì chúng ta là cái “thớ” gì để lên mặt kiêu căng !

​Và rồi, chúng ta lại nhận ra rằng: động lực cốt yếu cho hành vi “tự hạ thẳm sâu” của Chúa Con lại chính là thái độ “vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha”. Điều nầy đã được minh thị trong Thánh vịnh 39 và được thư Do Thái đặt lên môi miệng Đức Kitô mà chúng ta vưa nghe qua BĐ 2: khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa (Dt 10, 5-7). Đây lại là điều cốt thiết của việc chay tịnh Kitô giáo: từ bỏ ý riêng, dục vọng cá nhân, để uốn mình theo tiếng gọi của Lời Chúa, của luật Chúa. Chúng ta cũng đừng quên rằng: tiếng xin vâng của Đức Kitô chỉ “khép lại”, hoàn tất khi Ngài thân thưa lời cuối cùng với Chúa Cha trên Thánh giá: “Con xin phó thác linh hồn trong tay Cha” !

​Thế nhưng, để Thiên Chúa thực hiện trọn hảo và cụ thể việc “tự hạ-xin vâng” mang ơn cứu độ nầy, không thể thiếu vắng “yếu tố nhân loại”; nói cách khác, Thiên Chúa đã tìm được một địa chỉ “có một không hai” để Con Thiên Chúa “tự hạ vào đời” và để “Người Con Một” đó thực thi thánh ý Chúa Cha – cứu độ nhân loại. Địa chỉ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria mà thái độ “Xin Vâng” của Ngài đã nói lên tất cả: cuộc đời, sứ mệnh và sự thánh thiện. Vâng, qua hai tiếng “xin vâng”, có thể nói được, Đức Mẹ đã cho Thiên Chúa nhiều điều, như cách diễn tả của một bài thơ: “Mẹ Maria cho Thiên Chúa một thân xác, hình hài để mắt trần có thể nhìn thấy, để Ngài chạm đến vết thương đau của những người phong cùi. Mẹ Maria cho Thiên Chúa đôi tay để chúc lành các trẻ thơ bé nhỏ, để làm phép lạ nuôi đám đông no nê. Mẹ Maria cho Thiên Chúa đôi chân để đi đến với người đau yếu, để kiếm tìm người tội lỗi. Mẹ cho Thiên Chúa đôi mắt để khóc thương bên nấm mồ người bạn, để nhìn vào tận đáy lòng con người…”.

​Thế nhưng, để có được một thái độ, một cuộc đời “xin vâng trọn hảo” như thế, Đức Mẹ đã âm thầm lặng lẽ chuẩn bị một “mảnh đất tâm hồn” tỉnh thức, lắng nghe trong suy niệm nguyện cầu. Cho dù Thánh sử Luca không cho biết “sự kiện Truyền Tin” diễn ra lúc nào; nhưng cứ theo “chỉ dẫn của sách Khôn Ngoan”, thì đây là cuộc gặp gỡ, đối thoại trong bầu khí thinh lặng của đêm khuya: Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt…” (Kn 18,14-15).

​Như vậy, chúng ta có thể nói được, thiên thần Gabrien đã tìm đúng “địa chỉ” để “truyền tin”. Và như thế, khi cử hành đại lễ Truyền Tin hôm nay, ở giữa mùa Chay thánh nầy, chúng ta hãy tự hỏi, liệu chúng ta có trở thành một “địa chỉ đáng tin cậy” để Thiên Chúa tiếp tục truyền tin hay chăng ? Bởi vì, công cuộc cứu độ của nhân loại, công cuộc xây dựng Vương Quốc Nước Trời vẫn còn bao chuyện “ngổn ngang ra đó” mà Thiên Chúa vẫn đang cần, rất cần mỗi người chúng ta cọng tác bằng thái độ “xin vâng” của Đức Trinh Nữ Maria.

Riêng, với các anh chị em thuộc Hội Legio Mariae thì thái độ nầy lại càng gần gũi và cần thiết. Bởi vì chúng ta là “những người chiến sĩ trong đoàn quân của Mẹ” – Legio Mariae. Có lẽ cũng vì ý nghĩa nầy mà ngài Phan Đức khi sáng lập phong trào Legio Mariae đã đặt cuộc đại hội ACIES vào dịp lễ Truyền Tin để gọi mời con cái mẹ như một  “ĐẠO BINH ĐANG DÀN TRẬN” chuẩn bị tiến lên phía trước để xông vào cuộc chiến đức tin, cuộc chiến đấu cho công cuộc cứu độ thế giới do Đức Kitô thực hiện: “…mỗi năm vào ngày 25 tháng 3, hay một ngày nào gần đó, các hội viên sẽ dâng mình và đoàn thể mình cho Đức Mẹ, trong một ngày đại hội là Acies, với ý nghĩa một đạo binh sẵn sàng vào trận.”.

Và phải chăng, Nghi thức tuyên hứa trước “hiệu kỳ” (vexillum) là dấu chỉ sống động nói lên sự trung thành và quyết tâm trong sứ mệnh tông đồ cao cả nầy. Chúng ta đừng quên Thủ bản Legio 13 lần nhấn mạnh đến ý Chúa, 42 lần nhắc nhở ta vâng lời, vâng phục, vâng lệnh. Thưa vâng như Chúa Cứu Thế và như Mẹ Ngài là chìa khóa để ta không lạc vào chỗ mải mê theo công cuộc riêng nhưng sẽ chuyên chăm góp phần cho công cuộc của Thiên Chúa”.

Lễ Truyền Tin về giữa Mùa Chay thánh, mùa Phụng vụ âm vang tiếng Chúa mời gọi chúng ta sám hối và tin vào Tin Mừng, mùa của thống hối ăn ăn, mùa của đổi mới cuộc đời, quay trở về với Chúa, với anh em, với sứ điệp tình yêu của Chúa Giêsu, với con đường của hy sinh thập giá và hy vọng phục sinh. Cùng với tiếng gọi mời của Mùa Chay thánh đó, sứ điệp Truyền Tin hôm nay đang khơi dậy nơi chúng ta lời “Xin Vâng” của Ngôi Lời Nhập Thể: “Nầy con xin đến để thực thi thánh ý Cha”, lời “xin vâng” của Mẹ Maria, mà điệp khúc của một bài ca, bài “Từ lúc Mẹ nói lời xin vâng” của nhạc sĩ Trầm hương, đã diễn tả cách thâm thuý: “Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn thánh ý Chúa Cha, Mẹ thưa xin vâng với Tin Mừng của Con Chí Thánh. Mẹ thưa xin vâng với tác động của Chúa Thánh Linh. Con muốn theo Mẹ sống xin vâng với trái tim thảo hiền…”.

Vâng, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, trong Thánh lễ Truyền Tin nầy, hay mỗi ngày, với lời nhắc bảo của “tiếng chuông truyền tin”, cùng “theo Mẹ sống xin vâng với trái tim thảo hiền”. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền