CỎ DẠI VÀ CHIM TRỜI
CỎ DẠI VÀ CHIM TRỜI
Hầu như chúng ta ai cũng thích ngắm cảnh thiên nhiên. Trong thiên nhiên có nhiều hoa quả, cây trái, do người trồng hay do thiên nhiên mà có. Nhưng có mấy ai trong chúng ta để ý đến những cây cỏ dại? Những ngày này, khi mùa xuân đang đến, cây cỏ đua nhau mọc cùng khắp. Cỏ dại mọc ngoài đồng, mọc trong vườn, mọc theo các vệ đường, hay dọc theo những lối đi. Tôi thường hay đi bộ mỗi sáng, dọc theo các lề đường. Những bụi cỏ dạimọc đầy, đủ màu sắc, vàng có, trắng có, màu tím cũng có, làm cho tôi phải để ý. Hoa đẹp thật. Màu sắc thật rực rỡ. Đã gọi là hoa cỏ dại nên không có ai trồng, không người chăm sóc, nhưng đến kỳ, tới mùa, hoa thi nhau mọc và thi nhau nở hoa, tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ, đầy thi vị.
“Cỏ dại ven đường…thế giới của tuổi thơ tôi, thế giới của những ngày mà chiều cao của tôi không cách xa bao nhiêu ngọn cỏ, nay cũng vẫn là thế giới của tôi, bởi vì nó luôn luôn nhắc nhở tôi phải sống đơn sơ, nhỏ bé, khiêm tốn và nghèo.”
“Vì là cỏ dại ven đường, bạn có thể sử dụng nó đúng với giá trị khiêm tốn của nó. Đây không phải là cây quí có thể lấy gỗ làm nhà, đóng bàn ghế, giường tủ, hay đóng thuyề v.v…Đây cũng chẳng phải là loại cây có thể làm thuốc, hay là những loại hoa quí để trưng bày hoặc ép lấy hương liệu.”
“ Cỏ dại ven đường chỉ có thể nuôi sống một vài con bò, hoặc một vài con dê. Bạn cũng có thể ngồi lên trên và nhất là dẫm lên trên mà đi, tránh bùn đất hay bụi bặm” 1
Những hoa này ai gieo trồng chăm sóc?
Nhưng tới mùa chúng thi nhau mọc lên,
Đủ màu sắc tạo nên cảnh thiên nhiên
Thêm vẻ đẹp khi một mùa xuân đến.
Những hoa này mọc lên do ai đó?
Có bàn tay huyền diệu luôn an bài
Bao hoa trái để người người vui lây
Và luôn nhớ mà dâng lòng cảm tạ…
. Và mỗi buổi sáng sớm hay lúc bình minh vừa ló dạng, có những con chim từ đâu bay đến, đậu trên cành cây sau vườn nhà và đua nhau hót líu lo, giọng thánh thót. Phải chăng, những con chim này đã hát lên những bài ca để ca tụng một ngày mới bắt đầu, khi mặt trời vừa
lên; vừa ca tụng Thiên Chúa vì Người là Đấng nhân lànhđã tạo dựng nên chúng, nên thiên nhiên. Ngoài kia, chim hát vang, ca tụng Chúa thay cho bao người còn đang ngủsay trong cõi mê lầm! Những con chim này hót một lúc rồi lại bay đi nhưng nào ai biết chúng đang bay về đâu? Rất có thể là chúng bay đi tìm mồi để sống trong ngày và rồi lại ca hát, trước lúc ngày tàn. Dĩ nhiên, không có một con chim nào mang theo túi, mang theo bị để chứa thức ăn dự trữ lúc đêm về hay dành để cho những ngày mưa gió.Tuyệt nhiên là không. Tuy nhiên, như chúng
ta đã biết, không một con chim nào bị chết đói. Quả vậy, khi chúng sà xuống một nơi nào có cỏ xanh hay những nơi có cây cối là chúng đã có thể tìm mồi cách dể dàng để sống.
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt. 6:26-30).
Một lần, có đôi chim câu, từ đâu bay đến, đậu tại một cành cây ngay trước nhà tôi. Chúng nhìn quanh, rồi lại bay xà vào một chậu hoa mai nhỏ, có nhiều cành, mà tôi treo trước hiên nhà. Chúng quan sát khung cảnh chung quanh, xem bề yên tĩnh, ít người tới lui. Cuối cùng chúng quyết định làm tổ. Thế là ngày ngày, con trống cũng như con mái, đi tha từng ngọn cỏ khô về làm tổ. Chẳng bao lâu, chúng làm xong chiếc tổ, và con mái bắt đầu đẻ trứng. Chim mái chỉ đẻ vài ba trứng mà thôi. Từ khi tổ có trứng, đêm đêm chúng bay về đó mà ngủ và ấp trứng.
Thực ra, tôi không quan sát và theo dõi kỹ từng mỗi ngày. Khoảng mấy tuần sau, các trứng bắt đầu nở con, kêu chim chíp thật đễ thương. Tôi không muốn lại gần vì sợ quấy rầy chúng. Rồi một ngày nào đó, khi chim con đã đủ lông đủ cánh, chim mẹ đã tập chúng bay và đưa các chim con bay đi mất!
Có một dạo, tôi nuôi đôi chim bé nhỏ, có lông vàng rất dễthương, và cho chúng ở trong một chiếc lồng. Ngày ngày, tôi cho chúng ăn một loại hạt mua ở tiệm “Pet Smart”. Để cho chúng đẻ trứng, tôi đã hỏi ở tiệm, và người ta có bán một loạiống trông như ống tre nhỏ, bề rộng khoảng 8 centimét, dài khoảng 40 centimét, có 2 ngăn. Ngăn ngoài, chúng chạy ra chạy vào. Còn ngăn trong, là nơi chúng sẽ đặt trứng. Khi chim bắt đầu nở, vì không biết, tôi có ý quan sát, nhìn vào trong đểxem chim đã nở con thế nào. Ngày đầu, thấy mấy chim con động đây, kêu chim chíp. Hôm sau, tôi lại nhìn nữa và thấy chim con đã chết! Tại sao? Tôi lại đến tiệm để hỏi cho biết, thì họ cho hay là khi chim nở, nếu có ai đến nhìn vào tổ thì chim mẹ sẽ giết chim con. Tôi học được bài học về cách nuôi loại chim này.Thật tội nghiệp cho các chim con vừa nở!
Xuân về chim ca hót
Từ những buổi sớm mai
Tiếng chim nghe thanh bai
Như để ca tụng Chúa.
Chim kia đáng là gì
Cha trên trời chắt chiu
Lo từng bữa cho chúng
Mỗi buổi sớm hay chiều.
Con người có là chi
Sao Cha vẫn thương yêu
Từng người trong cuộc sống
Người ơi chớ lo gì.
Hỡi người sống an vui
Trí lòng luôn tin tưởng
Phó thác Cha trên trời
Mỗi ngày nơi trần thế.
Nói đến chim, tôi nhớ lại câu chuyện về “con chim bồ nông” đi tìm mồi cho mấy chim con. Ngày nào cũng vậy, chim mẹ bay đi tìm mồi cho chim con. Khi tìm được mồi, chim mẹ bay về tổ để cho chim con ăn. Một ngày nọ, khi chiều đến, chim mẹ cố tìm mồi thêm cho con, nhưng cuối cùng thất vọng bay về tổ, không tìm thêm được miếng mồi nào, vì chiều đang xuống dần. Chim mẹ về đến tổ, thì trời vừa sụp tối. Thấy chim mẹ về, chim con há miệng thật to để chờ mẹ mớm mồi cho, như thường lệ. Nhưng nào đâu có mồi cho con ngày hôm đó. Thật đau lòng không nở để chim con đói qua đêm. Thế là chim mẹ đành phải lấy mỏ để rạch ngực mình ra, máu chảy lênh láng, và chim con đặt mỏ vào để hút máu vì cơn đói cuối ngày. Chim con nào biết nghĩ đến cảnh chim mẹ đã hy sinh cho con. Một lát sau, vì ra nhiều máu, chim mẹ lăn ra chết! Đêm đã tối hẳn. Chim con trong tổ kêu chim chíp, rúc vào chim mẹ để tìm hơi ấm mà ngủ, đang khi chim mẹ nằm lăn ra đó,nhưng đã không còn sống!
Qua câu chuyện ngắn vừa kể, tôi lại liên tưởng đến sự hy sinh vô bờ bến của Chúa Giêsu để chuộc tội thay cho nhân loại tội lỗi, lầm than. Chúa Giêsu đã chết, đã đổ máu mình ra, không phải vì Người đã mắc phải tội tình gì,nhưng vì quá yêu thương con cái trần gian, nên đành phó chính thân mình, mặc cho những quân lý hình đem đi hành hạ, để rồi cuối cùng chịu đóng đinh trên cây thập tự giá.Trong những ngày này, suốt Mùa Chay thánh, qua một số những bài Kinh thánh mà chúng ta nghe trong các thánh lễ, chúng ta có thể theo dõi được những diễn tiến sắp xảy đến thế nào cho Chúa Giêsu. Giáo hội muốn cho con cái phải chăm chú dõi theo để cùng tưởng niệm và dâng những hy sinh mỗi ngày của chính mình để thông phần vào sự khổ nạn của Chúa. Hình ảnh con chim mẹ bé tí mà đã hy sinh để nuôi lấy chim con, huống là chính là chính Chúa Giê su, đã vì tình yêu khôn lường với con cái loài người, không những đã đổ máu ra vì chúng ta mà còn ẩn thân trong nhà chầu ngày đêm để được ở gần với con cái loài người. Yêu nhau nên muốn được ở gần nhau.Chúng ta không thể hiều được điều này đâu. Hãy cùng suy niệm, cùng nghĩ suy cách thâm sâu về điều này từng phút giây trong đời. Điều này nói lên tâm tình cao cả mà chính Chúa đã thể hiện qua Bí Tích Thánh Thể. Vậy mỗi lần có dịp đến viếng Chúa, chúng ta cần có những tâm tình: Thờ kính – Ăn năn – Cảm tạ – và Khẩn khoản nài xin (ACTS: Adoration, Contrition, Thanksgiving, Supplication).
Nắng vàng sắp ngả về chiều đang giăng trải trên đồi Golgotha. Chúa Giê su đang vất vả vác một cây gỗ hình chéo nặng nề tiến lên đồi Calvario, bao quanh là cả một đám lý hình hò hét, chửi mắng người “tử tội”. Không có sử liệu nào cho biết chính xác sức nặng của cây thập giá. Người ta tin rằng, ‘”gỗ cây thập giá là loại gỗ rắn chắc, nên trọng lượng toàn cây thánh giá nặng khoảng 136 kí-lô” (tức trên 300 lbs). Chúa Giêsu đang khó nhọc tiến lên đồi, và dĩ nhiên, đọc đường Ngài đã phải ngả quỵ đến 3 lần, một phần, vì thánh giá quá nặng; phần khác nữa,
sức Ngài đang kiệt dần, vì đã bị hành hạ, đánh đòn suốt đêm, nhất là khi nghĩ đến nhân loại sẽ còn tiếp tục phản bội. Trước mặt Ngài là ngọn đồi nơi Ngài sẽ chịu đóng đinh ở đó.
“Đồi cao khoảng 292 mét (tức 959 ft).[2] Về hình dáng cây thập giá, theo “Justus Lipsius, hình dáng có 3 loại: hình chéo chữ X (crux decussata) – Hình chữ T (crux commmissa) và – Hình chữ thập (+, crux immissa). Tuy nhiên, theo những nhà khảo cổ nơi thánh địa cho biết, Chúa Giê su đã bị đóng đinh trên hai thanh gỗ hình chữ X, tức “Crux decussata” [3].
Dù vậy,đã có mấy nhà nghiên cứu như “W.E.Vine và E.W.Bullinger, cũng như Henry Dana Ward, thì cho rằng, Chúa bị đóng đinh trên một thanh gỗ dựng thẳng đứng mà không có thanh gỗ ngang (crossbar).[4] Hai bàn tay Chúa được xếp chập lên nhau trên đầu và đóng đinh. Hai bàn chân Chúa thì cũng vậy. Chúa đã bị đóng đinh trên ngọn đồi. Ngọn đồi này còn gọi là núi sọ. Hai bên Ngài là hai tên trộm cướp. Đó đây, quanh ngọn đồi, có những đàn chim bay lượn, như đang chứng kiến một cảnh buồn thảmxảy đến nơi Con Người, và buông tiếng kêu não nuột!
…Thời gian này, để cùng hiệp thông với Đức Giê sutrên đường khổ nạn, cụ thể là,
chúng ta có thể dùng thời gian nào trong ngày để giữ lặng thinh và cầu nguyện; hy sinh một tí về cách ăn uống, tìm đọc Lời Chúa trong Mùa Thương Khó này, như để dõi theo bước đường hy sinh trong những ngày cuối đời của Con Một Chúa. Thời gian thinh lặng trong ngày giúp chúng ta lắng dịu tâm hồn xuống để thấy được những lỗilầm, những sai phạm nơi chính mình hay với người anh em. Đây chính là lúc “gạn đục khơi trong” cho chính đời mình. Cũng giống như một bình nước đục, muốn lấy nước trong, ta phải để yên cho bình nước có thì giờ lắng xuống đáy những vẫn đục, những cặn bã.
Mùa xuân trở về, hoa lá xinh tươi, chim trời tung bay trên bầu trời xanh ngát, như báo tin cho toàn thể nhân loại biết rằng, việc cứu độ của Chúa Con đã hoàn tất. Giờ đây, những ngày buồn thảm của đất trời không còn nữa, và nơi chân trời xa thẳm, đang ló dạng ánh bình minh tươi sáng báo hiệu giờThiên Chúa Con đã phục sinh khải hoàn.
Nhân loại hỡi thôi đừng u sầu nữa
Cùng vui lên hòa nhịp với cung đàn,
Bài ca mới chúng ta cùng ca vang,
Mừng Con Chúa nay đã thắng sự chết.
Nguyễn Ngọc Thể
(PS năm 2021)
[1] “Cỏ dại ven đường”, Lm Thiện Cẩm, O,P,tr,6 &,7
[2] [3] [4] Trích từ Wikipedia
Recent Comments