LỚN LÊN TỪ ĐỨC KITÔ
LỚN LÊN TỪ ĐỨC KITÔ
(Để “đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện”)
DIỄN TỪ KHAI MẠC HỌP KHOÁNG ĐẠI HỘI ĐỒNG MỤC VỤ 17.10.2019
1. Mục vụ giới trẻ và hướng tiếp cận :
Có một điều chúng ta không thể tránh né : Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội Việt Nam và ngay cả Giáo Hội địa phương là giáo phận Qui Nhơn chúng ta, đang nhắm đến một ưu tiên mục vụ đó là MỤC VỤ GIỚI TRẺ.
Lý do : nếu chỉ tính độ tuổi dành cho giới trẻ (thanh niên) của Liên Hiệp quốc từ 15-25 thì thành phần người trẻ đã chiếm hết ¼ dân số thế giới (khoảng 1 tỷ 8). Nếu mở rộng khái niệm của nội hàm “người trẻ”, e rằng, đây là chính là thành phần đại đa số đang chi phối và điều hành toàn bộ sinh hoạt của thế giới. Mà đây lại là đối tượng gần như “ôm trọn”, “lãnh đủ” mọi khía cạnh, chiều kích, vấn nạn…tích cực cũng như tiêu cực, ánh sáng cũng như bóng tối…của thân phận con người trong thế giới hôm nay, như cách phân tích của “Tài liệu làm việc” trong Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XV vừa qua với chuyên đề “Giới trẻ” :
– Trước hết Thượng Hội Đồng đánh giá rằng : “Diễn trình tham vấn trước THƯỢNG HỘI ĐỒNG làm nổi bật tiềm năng mà thế hệ trẻ vốn có, và các niềm hy vọng và mong muốn họ vốn ấp ủ: người trẻ là những người chính đi tìm kiếm ý nghĩa, và được hấp dẫn và thúc đẩy hành động bởi bất cứ điều gì đồng điệu với việc họ tìm cách đem lại giá trị cho đời sống của họ.”.
– Nhưng tiếp đó, đã nhận định : “những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đáng kể tạo ra bầu khí bạo lực phổ biến và đưa đẩy một số người trẻ vào thế giới tội phạm và buôn bán ma túy có tổ chức; một hệ thống chính trị bị thống trị bởi sự tham nhũng, làm suy yếu niềm tin vào các định chế của chúng ta và hợp pháp hoá thuyết định mệnh và chủ trương rút lui; các tình huống chiến tranh và nghèo đói cùng cực khiến mọi người phải di cư để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Ở một số vùng, giới trẻ thù ghét sự kiện này: các quyền tự do căn bản và tự chủ bản thân không được Nhà nước công nhận, trong đó có tự do tôn giáo; trong khi đó, ở các khu vực khác, việc loại trừ về phương diện xã hội và lo lắng về hiệu suất khiến một số người trẻ phải trải qua các chu kỳ nghiện ngập (ma túy và rượu chè nói riêng) và cô lập xã hội. Ở nhiều nơi, nghèo đói, thất nghiệp và bị cho ra rìa đang gia tăng số người trẻ sống trong điều kiện bấp bênh, cả về mặt vật chất, xã hội và chính trị.”.
Trên bình diện Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội tại Á Châu, người trẻ cũng đã được xác định chính là ưu tiên hàng đầu, như khẳng định của Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu :
“Trong việc huấn luyện Kitô hữu cho giới trẻ tại Á Châu, phải nhìn nhận rằng giới trẻ không những là đối tượng của việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, mà còn là “những tác nhân và cộng tác viên trong sứ mệnh của Giáo Hội qua các việc tông đồ đa dạng của Giáo Hội nhằm yêu thương và phục vụ”. Do đó, trong các giáo xứ và giáo phận, người trẻ và phụ nữ phải được mời gọi tham gia vào việc tổ chức các hoạt động có liên can tới họ.”
Và khi đề cập đến “giới trẻ” hay “người trẻ” thì có rất nhiều góc nhìn. Riêng tôi, trong bối cảnh của cuộc họp khoáng đại Hội Đồng Mục vụ giáo phận quan trọng nầy, tôi muốn chọn cách “tiếp cận mục vụ” dành cho người trẻ theo hướng nhìn của Bacon (1561-1626), một triết gia người Anh vào thời Phục Hưng thế kỷ 17. Ông nói :
“Điều thích hợp với thanh niên là: phán đoán không bằng phát minh, bàn luận không bằng thực hành, làm công việc cứng nhắc không bằng theo đuổi kế hoạch mới.” Bacon (Anh).
Nói cách khác, để cuộc họp của Hội Đồng Mục vụ hôm nay mang lại một “kết quả”, một “định hướng” thật sự hữu ích, khả thi và thích hợp cho người trẻ trong giáo phận, chúng ta :
– không dừng lại ở “phán đoán”, “phê bình” (đúng, sai, tốt, xấu…) mà mạnh mẽ đề xuất những ý tưởng xây dựng, giải pháp khả thi, những phát minh hữu ích thích hợp.
– Không loay hoay “bàn luận” những chuyên đề nặng lý thuyết, rườm rà hình thức… mà hướng thẳng đến thực hành.
– Không cố chấp, cả nể, sợ “lấm tay”…để chọn ở lại trong những phương pháp cũ, con đường xưa, mà phải “xăn tay áo” can đảm dấn thân vào những kế hoạch mới.
Đây cũng là “điểm nhấn” được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lưu ý trong Thư chung tháng 10/2019 vừa qua : đổi mới mục vụ giới trẻ :
“Theo hướng đi trên, chúng tôi mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221). Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một “hành trình chung” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206). Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.” (Thư chung số 5).
2. Nội dung định hướng : Điểm xuất phát – 5 chiều kích trưởng thành – 4 điểm quy chiếu.
Và chúng ta cũng biết, đề nghị của HĐGMVN đó là dành ra 3 năm để triển khai và áp dụng chương trình mục vụ giới trẻ, mà định hướng của năm đầu tiên (tức niên khoá mục vụ 19-20) đó là : Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
Và Hội Đồng Giám Mục cũng đã dành nguyên số 7 của Thư Chung để giải thích và đề xuất các hướng mục vụ nhằm thực hiện định hướng trên. Chúng ta có thể tóm tắt với 3 nội dung chính sau :
2.1/- Người trẻ trưởng thành toàn diện đặt nền tảng ngay từ điểm xuất phát đó là : Chiêm ngắm Đức Kitô. Nói cách khác, mọi sự cần “xuất phát lại từ Đức Kitô”.
“Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (số 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người…”
2.2/- Người trẻ trưởng thành toàn diện với 5 chiều kích : Thể lý, Tâm lý, Tâm linh, Văn hoá, Phân định.
2.3/- Hình ảnh quy chiếu và phương thức thực hiện : Con đường Emmau với 4 điểm quy chiếu : Lời Chúa, Thánh Thể, đời sống cộng đoàn, đời sống nhân chứng :
“Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệmgặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).
3. Điểm nhấn cần lựa chọn : LỚN LÊN TỪ ĐỨC KITÔ (Người Đang sống – Luôn ở đó – Đứng trước mặt).
Thật ra, không phải chỉ người trẻ, mà tất cả chúng ta đều phải “xuất phát lại từ Đức Kitô”, như một khẳng quyết :
“Vâng, ta phải xuất phát lại từ Đức Ki-tô bởi vì chính từ nơi Người mà các môn đệ đầu tiên đã khởi hành tại Ga-li-lê; từ nơi Người mà suốt giòng lịch sử, những người nam nữ thuộc mọi cấp bậc và văn hoá, được Chúa Thánh Thần hiến thánh theo ơn gọi của họ, đã khởi hành; vì Người, họ đã từ bỏ gia đình và quê hương, theo Người cách vô điều kiện, chuẩn bị sẵn sàng để loan báo Nước Trời và làm điều lành cho mọi người (x. Cv 10,38).
Xuất phát lại từ Đức Ki-tô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa. Nếu “chúng ta yêu mến” đó là “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,10.19). Điều đó có nghĩa là nhìn nhận Người yêu ta với cái ý thức sâu đậm đã làm cho thánh Phao-lô thốt lên: “Đức Ki-tô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống cho tôi” (Gl 2,20)…Chính tình yêu ấy làm cho họ trở nên mạnh mẽ, có thể dám làm mọi sự.”
Chỉ cần tập trung vào điểm nhấn căn bản đó thôi; và đó cũng chính là tiêu đích của tông huấn CHRISTUS VIVIT- ĐỨC KITÔ ĐANG SỐNG. Mọi phương pháp, con đường mục vụ nhắm đến việc đào tạo sự trưởng thành toàn diện cho người trẻ mà không đặt nền tảng trên yếu tố nầy sẽ chẳng đi đến đâu. Phải trang bị và làm sao cho người trẻ Kitô hữu hôm nay cảm nhận thật sự và xác tín 3 điều căn bản nầy :
– “Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”.(CV 1)
– “Người vẫn luôn ở đó để ban lại cho con sức mạnh và hy vọng”. (CV 2)
– Người “đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con trai đã chết của một bà goá, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục sinh, Người thúc giục con : “Nầy con, Ta bảo con : hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14). (CV 20).
Có rất nhiều gợi ý phong phú để làm bật nổi và hướng dẫnthực hiện điều trên, nhưng có lẽ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh hơn khía cạnh “Lời rao giảng nguyên thuỷ” (Kerygma) như là “chìa khoá” cho mọi chương trình mục vụ giới trẻ:
“sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng trong Mục vụ Giới trẻ “Lời rao giảng tiên khởi (kerygma) nên nhường chỗ cho một sự huấn luyện được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc hơn, sâu sắc hơn, đậm đà hơn và khôn ngoan hơn lời rao giảng tiên khởi ấy. Tất cả sự huấn luyện đức tin Kitô giáo trước hết là việc đi sâu vào lời rao giảng tiên khởi và làm cho nó ngày càng đi sâu hơn và tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta”. Vì thế, Mục vụ Giới trẻ nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống. Có thể làm điều này bằng những cách thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa, và thậm chí là sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan. Thế nhưng, không bao giờ được thay thế kinh nghiệm thú vị gặp gỡ Chúa bằng một loại hình “tuyên truyền” có tính giáo điều nào.” (CV 214).
4. Vượt qua tình trạng “lười” và “chủ nghĩa phòng thủ”:
Một trong những bài báo phân tích, nhận định và phê bình xã hội Việt Nam hôm nay mà tôi thích nhất đó là bài “VIỆT NAM-ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG KẺ LƯỜI BIẾNG”.
Sau khi phân tích những cái “lười tiêu biểu” như : lười vận động, tập thể dục, lười học, lười làm, lười suy nghĩ, lười tranh đấu, tác giả Lục Phong đã ném xuống những nhận định chua chát :
“Bạn đã từng nghe, chắc chắn như vậy, và hãy thừa nhận là lũ người xung quanh bạn thật gớm ghiếc. Và bạn, tôi chỉ đích danh bạn đó, cũng chưa chắc là một trường hợp đặc biệt gì ngoài lũ gớm ghiếc đó đâu. Một lũ tệ hại, cười với nhau những nụ cười giả tạo, đôi tay vịn chắc túi tiền và trôi vào dòng cuộc sống. Chúng ta chắp vá đất nước này, rách chỗ nào vá chỗ đó, nhưng đúng như Lưu Quang Vũ nói: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc làm đúng khác.”
Nhưng chúng ta chẳng quan tâm lời dạy này. Chúng ta chắp vá nhiều hơn là đằng khác. Ai đó đút lót, chúng ta đút lót nhiều hơn. Ai đó đối phó để được điểm cao, chúng ta quyết tâm biết được đề thầy sắp ra giờ kiểm tra. Ai đó quăng rác bừa bãi, chúng ta quăng rác một cách tinh vi. Ai đó lừa đảo ta, ta học cách đó để lừa đảo lại người khác. Và chúng ta có một xã hội như ngày hôm nay. Chẳng ra một cái gì cả. Một dân tộc ghê tởm nhau, đề phòng nhau đến những chuyện nhỏ nhặt đến như vậy thì làm sao còn đầu óc để đầu tư vào những thứ tiến bộ khác hơn? Một xã hội co cụm, những ánh mắt đầy hoài nghi, ghê tởm thay cho chúng ta!
Chúng ta lười mọi thứ. Chúng ta lười vận động, rồi thì sức khỏe chúng ta kém, sức chịu đựng không có nên chúng ta nhác học, lười làm, buồn ngủ khi phải nghĩ và chán ngán khi phải chịu đựng. Tất cả những gì chúng ta có là đối phó, từ trong ra ngoài. Không đối phó bằng cách hối lộ tiền, thì đối phó bằng cách mua bằng cấp giả, nếu không được thì học đại cho xong, và trong lúc học cũng đối phó với thầy cô. Vâng, chúng ta đối phó “kính thưa các loại”. Nhưng điều làm tôi ghê tởm hơn cả tật đối phó, chính là không thèm đối phó nữa mà sẵn sàng thải rác ra đường như không giữa ban ngày ban mặt, buông lời tục tĩu, dâm dục giữa thiên hạ. Số đó không hề ít, xin chớ coi thường.”
Còn trong Hội Thánh thì sao? Có thể, sau cuộc họp HĐMV nầy, cũng sẽ có người trề môi mọi sự rồi cũng “vũ như cẩn”! Không, Giáo Hội không cho phép điều đó xảy ra; và giới trẻ cũng không đợi chờ một “Hội đồng mục vụ giáo phận” làm ăn thất bát và vô trách nhiệm, lười biếng và chỉ “ôm gối phòng thủ” với những con đường mòn tệ hại. Đức thánh cha Phanxicô trong số 41 của Tông huấn Christus Vivit đã nói thật rõ:
“Mặc dù có nhiều người trẻ hài lòng khi thấy một Hội thánh khiêm tốn tin tưởng vào những ân huệ của mình, và có khả năng phê phán cách đúng đắn và huynh đệ, nhưng một số khác lại đòi hỏi Hội thánh biết lắng nghe nhiều hơn, chứ không phải lúc nào cũng lên án thế gian. Họ không muốn thấy một Hội thánh im lặng và e ngại lên tiếng, cũng không muốn thấy một Hội thánh chỉ biết loay hoay tranh đấu cho vài ba vấn đề ám ảnh mình. Để được người trẻ tín nhiệm, đôi khi Hội thánh cần tìm lại sự khiêm tốn và đơn sơ lắng nghe, biết nhận ra một ánh sáng nơi những gì người khác nói giúp Hội thánh hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Hội thánh luôn phòng thủ, thiếu khiêm tốn, không biết lắng nghe, không chấp nhận bị chất vấn, sẽ đánh mất đi sự tươi trẻ và biến mình thành một viện bảo tàng. Khi đó, làm sao Hội thánh có thể đáp lại những ước mơ của người trẻ?” (CV 41)
5. Cùng làm việc dưới ánh sáng “hiệp hành”:
Trong chương Bảy của tông huấn Đức Kitô đang sống”(CHRISTUS VIVIT), khi bàn đến mục vụ giới trẻ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý :
“Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale) , nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm «sự quí trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. Với tinh thần này, chúng ta sẽ có thể tiến đến một Giáo hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”. (CV 206)
Đã nói tới “hiệp hành” thì phải “đi chung” và “chỉ trên một con đường” cho tới đích; và như thế, không phải “một sớm một chiều” mà chắc chắn phải “dài đường”.
Quả thật câu chuyện “hiệp hành” là “câu chuyện dài” của lịch sử “lữ hành” của Giáo Hội muôn nơi muôn thuở, ít ra, là câu chuyện đã diễn ra như một “xuất phát điểm” sau ngày Chúa Phục Sinh tại bờ biển Ti-bê-ri-a của hai ngàn năm trước:
Ông Si-mon Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền…” (Ga 21,3).
Trên “con thuyền của Thánh Phêrô” hôm nay, mọi người chúng ta, không trừ ai, đều được gọi mời “cùng đi với nhau và với Thánh Phêrô”. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là công việc khởi đầu, nhưng là bước căn bản, để “tấm lưới Nước Trời” được buông trên biển đời dương thế; nếu không có sự “hiệp hành” nầy, thì “người khách lạ đứng trên bờ” có đợi chờ thâu đêm suốt sáng cũng chẳng có “cơ hội” để thể hiện quyền năng “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, sẽ bắt được cá” (Ga 21,6).
Vì thế cho nên, như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của các dân tộc Phi Châu mà Đức Phanxicô đã lấy lại để ân cần nhắc nhở các bạn trẻ trong tông huấn Christus Vivit : “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”, công cuộc tông đồ cho người trẻ hôm nay nói riêng, hay cuộc sống và sứ vụ của Hội Thánh nói chung, phải mang tính “hiệp hành”; và đó chính là nguyên tắc hướng dẫn và lựa chọn căn bản cho cuộc họp Hội Đồng Mục Vụ hôm nay.
Xin Chúa chúc lành cho công việc của chúng ta được thành tựu như ý Chúa.
Lm. Giuse Trương Đình Hiền.
Recent Comments