NHỮNG VẾT THƯƠNG MANG HÌNH “HẠT LÚA”

NHỮNG VẾT THƯƠNG MANG HÌNH “HẠT LÚA”

Dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh, những đau khổ của chúng ta giờ đây đã được biến đổi. Nơi từng có cái chết, giờ đây ở đó có sự sống. Nơi từng có tang thương, giờ đây có niềm an ủi…” (Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi2021 của ĐGH Phanxicô)

Ngày ấy…

Tháng 4 xứ Giu-đê-a 

vẫn còn tiết Xuân đêm về sương lạnh,

Có “Tin nóng” ùa về,

tràn ngập phố phường khắp nẻo Salem…

“Có anh chàng Thợ mộc người Nadarét bị đóng đinh,

chẳng biết sao…

chôn chưa được 3 ngày đã sống lại…” (Lc 24,19-24)

Có kẻ bảo là “ma”,

Có người cho “đó là một âm mưu phe phái…

của bọn dân chài dốt nát cuồng Giêsu”(Mt 28,11-15)

Hay “não trạng dị đoan hoang tưởng…mê, ngu

của lũ mạt hạng cùng đinh, đàn bà con nít…”.

Cứ cho là vậy,

Thế nhưng, vẫn chính Con Người chiều hôm nao đã chết,

thân treo khổ giá và khắp mình đầy vết thương đau.

Vết dấu đinh tay, chân…, và dấu cạnh sườn hằn sâu…

Vẫn Con Người đó,

đang sống, có đây, mang trên mình những vết thương chí mạng !

Và kể từ dạo ấy,

đúng hơn,

kể từ buổi “bình minh Ngày Thứ Nhất rỡ rạng”,

Những “vết thương thập giá đã Phục Sinh”,

Những vết hằn của Đấng bị Đóng Đinh,

Giờ mang dáng đứng của khải hoàn vinh thắng.

Nào chẳng phải sao,

Như “Hạt lúa mì, hạt giống tốt, bị vùi sâu, chết lặng,

phải qua thời “trầy vi tróc vảy… dưới đất đen.

Phải chịu thương chịu khó mang những vết hằn…

Phải đợi phải chờ, phải đi qua chặng đường “mục nát” !

Ngài đã sống lại, 

đã phục sinh cả linh hồn và thể xác;

Không phải xác thân “đẫy đà, tròn trịa, bảnh bao…

Không phải con người “liền da liền thịt, không một chút hư hao…”,

Mà chính là thân xác phục sinh 

còn mang đủ những vết hằn đau thương thập giá !

Vâng, kể từ đó,

Vết thương đau nhân loại đã mang “dáng hình hạt lúa”,

Sự sống đã bừng lên trên con đường sự chết đi qua.

Nơi vực thẳm đau thương, giờ rực thắm ngàn hoa,

Nơi mộ địa, nước mắt, khăn tang… 

Giờ vươn sự sống, hy vọng, nụ cười vui bất tận…

Nụ cười phục sinh 

của Phêrô, của Gioan…sau những trận đòn cấm ngăn, tra tấn,

Nụ cười phục sinh 

của 300 năm bách hại, hầm trú… thuở ban đầu.

Nụ cười phục sinh

Nơi rừng vắng La Vang, pháp trường Bảy Mẫu, khắp năm châu…

Nụ cười phục sinh

Nơi trái tim cô bé Maria Goretti,

Hay trên môi miệng của Anrê Phú Yên

Trên đường ra pháp trường thành Chiêm đẫm máu…

Vâng,

Nhờ những vết hằn trên thân xác Đấng Phục Sinh từ dạo ấy,

Thập giá, khổ đau… đã trở thành “tặng phẩm của tình yêu”,

Đường trần gian, dẫu chông gai, cây đắng trăm chiều,

“hoa Phục sinh” đã trỗ 

trên “những vết thương mang dáng hình hạt lúa” !

Sơn Ca Linh (Bát Nhật PS 2021)