THIẾU “QUÊ HƯƠNG ĐÓ” TA SẼ VỀ ĐÂU?

THIẾU “QUÊ HƯƠNG ĐÓ” TA SẼ VỀ ĐÂU?

ĐI VỀ MÀ NỐI LINH THIÊNG (tiếp theo)

(Chút cảm nhận trong chuyến “về quê Mùa Các Đẳng” Thăm Lăng mộ tử đạo Vạn Lộc, Tịnh Bắc – 06.11.2019)

​Ngược dòng lịch sử 54 năm về trước, tháng 11 của năm 1965, con đường mang tên “Tỉnh lộ 5”, từ Sơn Tịnh lên Sơn Hà, mà hôm nay là Quốc lộ 24B, đã sặc mùi tử khí sau trận chiến đẩm máu của mặt trận Ba Gia diễn ra trong suốt tháng 5 và tháng 6. Nếu trong lịch sử chiến tranh Đông Dương lần thứ II, trận chiến Ba Gia được cả hai bên Nam (VN Cộng hoà) Bắc (Việt nam Dân Chủ) và cả phía đồng minh của miền Nam là Mỹ đều thừa nhận đó là trận chiến khốc liệt mang tầm mức loại “trận địa chiến” mà cả hai bên đối đầu đều chấp nhận trả giá với nhiều thương vong sinh mệnh, khí tài và những hệ luỵ tàn khốc của chiến tranh.

​Riêng về Giáo Hội Công giáo, liền 3 xứ đạo miền Tây Sơn Tình cùng với các giáo họ trực thuộc của vùng nầy gần như bị xoá tên: Cù Và, Tân Lộc, Bình Đông mà con số giáo dân ước tính trên dưới 10.000. Cơ sở thờ tự và hoạt động mục vụ bị bom đạn san bằng; giáo dân, ngoài những số bị chết và bị thương, phần đông được các cha sở hướng dẫn di tản khỏi vùng lửa đạn, tạm dung tại vùng ven thị xã Quảng Ngãi để sau đó di dân và tái định cư hẵn vào các vùng phía nam như Cam Ranh, Bình Tuy, Long Khánh…

​Hôm nay, sau 54 năm của cuộc chiến huynh đệ tương tàn Ba Gia thuở ấy, con đường “tỉnh lộ 5” đẩm máu, giờ đã yên ắng, hiền hoà, nối biển lên rừng, từ Sa Kỳ, Mỹ Khê qua “Thiên Ấn niêm hà” tới “Thạch Bích tà dương” cho tới khi mất hút giữa những đồi núi núi bạt ngàn của vùng phía tây Thạch Nham Trà Khúc…

​Đúng, cuộc đời và những biến thiên không đi ngoài những viễn cảnh mà tác giả sách Giảng Viên đã chiêm nghiệm:

Ở dưới bầu trời này,

mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :

một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;

một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;

một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;

một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;

một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;

một thời để than van, một thời để múa nhảy ;” (Gv 3,1-4)

​Sở dĩ nhắc lại con đường “tỉnh lộ 5” và cuộc chiến Ba Gia 54 năm về trước, vì hôm nay, những ngày đầu tháng Các Đẳng, cũng trên con đường nầy, ngang qua khu di tích tưởng niệm Ba Gia, có nhiều anh chị em giáo dân tha hương tìm về thăm lại mồ mã cha ông đã nằm xuống và yên nghĩ trên chính vùng đất của một thời chập chùng binh lửa.

​Một trong số những địa chỉ dành cho “một cõi đi về” đó là khu lăng mộ mới được trùng tu của Bà Matta Các, vị đại ân nhân của giáo phận Qui Nhơn và là hội hữu hội Phaolô Châu cấp thượng hạng mà tên cụ còn ghi rõ trên bảng đá cẩm thạch tại nhà khách chủng viện Làng Sông, cùng với một số phần mộ giáo dân tử đạo thuộc giáo họ Vạn Lộc, giáo xứ Tân Lộc cũng được quy tập chung lại trong khu lăng mộ nầy.

​Quả thật, niềm tin vào sự sống vĩnh hằng của người Kitô hữu gần như được hâm nóng và trở thành một thứ “văn hoá hiếu đạo” được diễn đạt cách hồn nhiên và sâu lắng trong những ngày đầu tháng 11 Các Đẳng nầy. Bất cứ nơi đâu có lăng mộ, có đất thánh, có nghĩa trang Công Giáo…là nơi đó có bóng dáng của “thiện nam tín nữ”, có thoang thoảng khói nhang và âm vang những câu kinh, bài hát nguyện cầu cho những người đã nằm xuống.

​Với niềm xác tín mạnh mẽ vào mầu nhiệm “Các Thánh cùng hiệp thông”, người còn sống và kẻ đã qua đời luôn thông hiệp cùng nhau trong một “Thân mình duy nhất là Giáo Hội”, để cầu thay nguyện giúp cho nhau được đạt bến bờ phước hạnh, nên đối với người Công Giáo, không có chuyện người đã ra đi sẽ rơi vào cô độc, lãng quên như cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã từng bộc bạch qua ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống”:

Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai 

Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời 

Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!

​Vâng, trong những ngày đầu tháng Các Đẳng nầy, người Công Giáo không phải đi viếng mộ theo kiểu bất chợt, tình cờ qua đường như “Thuý Kiều thăm mộ Đạm Tiên”:

Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.

Gọi là gặp gỡ giữa đường,

Họa là người dưới suối vàng biết cho...(Truyện Kiều của Nguyễn Du)  

mà là một nghĩa cử của Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, là sự tuyên xưng mạnh mẽ về cuộc sống phục sinh sau khi chết, và về mối giây hiệp thông trong gia đình con cái Chúa giữa những người còn sống và những kẻ đã qua đời mà lời Kinh Tiền Tụng I lễ An Táng đã xác quyết: “Nơi Người, niềm hy vọng sống lại đã chiếu toả trên chúng con, để những ai buồn sầu vì số phận chắc chắn phải chết cũng được an ủi vì Chúa đã hứa ban phúc trương sinh bất diệt sau nầy. Vì lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời.”

​Sáng nay, chợt nghe những lời ca kinh vang lên giữa khung trời cuối thu của vùng nương đồi Tịnh Bắc, nơi mà cách đây 54 năm, những ngày cuối tháng 5.1965, ngập tràn lửa đạn, máu đổ, đầu rơi, huynh đệ tương tàn trong chiến cuộc Ba Gia; hay xa thêm nữa, 134 năm về trước, cũng tại vùng đất nầy, trong chiến dịch Bình Tây sát tả của phong trào Văn Thân (1885), biết bao người tín hữu nơi đây đã bị sát hại vì niềm tin mà khu lăng mộ nầy như là một chứng tích. Những lời ca kinh trong Thánh lễ cầu nguyện và tưởng niệm để những bước chân đi về miền đất cũ nối lại linh thiêng và để thêm một lần xác tín: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20).

​Quả thật, nếu không xác tín vào chân lý đó, nói cách khác, nếu không có hay “thiếu” “quê hương trên trời đó”, thì như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã ưu tư “Ta về, ta về….đâu”?

Trương Đình Hiền