VONG LE GIANG SINH 2019

ĐỂ BƯỚC NGƯỜI DỪNG LẠI

(Lễ Vọng Giáng Sinh 2019)

​Kính thưa cộng đoàn,

​Như vậy, chúng ta đã sẵn sàng để tiến vào cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh 2019. Trọng tâm của cử hành phụng vụ hôm nay chính là tái diễn mầu nhiệm Chúa Kitô Nhập Thể để cứu độ chúng ta. Toàn cảnh phụng vụ lễ Vọng Giáng Sinh đều toát lên ý nghĩa trọng đại nầy mà các ca kinh, lời nguyện và các bài đọc Lời Chúa là những phản ảnh rõ nét.

​Nói cách khác, sứ điệp phụng vụ trong Thánh lễ chiều nay muốn khơi gợi lên trong tâm hồn chúng ta niềm vui thánh thiện và tâm tình tri ân cảm tạ tình yêu bao la của Thiên Chúa, Đấng đã “ban tặng Người Con Một” giáng sinh cứu độ chúng ta. Lễ Giáng sinh sẽ thật sự là Tin Vui trọng đại, là ngày bừng sáng cho những ai sẵn sàng mở cửa đón nhận Thiên Chúa…

​Và Lời Chúa đã nói gì với chúng ta trong thánh lễ Vọng nầy ?

​Trong dòng chảy của cuộc sống đời thường vội vã, tất bật trôi theo các mùa Xuân, Hạ, Thu, thì hôm nay Mùa Đông chợt đến, mang theo một chút nhung nhớ, một chút đợi chờ đầy sâu lắng nội tâm, như một bài hát thân quen của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh: bài Mùa Đông của anh:

Em ơi đông lại về từ trăm năm lạnh giá. 

Tim em như ngừng thở từ sau ân tình đó

Em nghe không mùa đông, mùa đông.

​Tuy nhiên, ở giữa cái không gian Mùa Đông lạnh giá ảm đạm và buồn tênh đó, có một sự kiện đã khiến Mùa Đông trở nên ấm áp, thân thương và mang theo một niềm vui rộn rã, một yên bình thánh thiện, không chỉ cho một số người mà hầu như cho toàn thể nhân loại. Đó chính là sự kiện Giáng Sinh, biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Kitô giáo, mà ngày Sinh Nhật của Ngài đã được thế giới chọn làm cột mốc đầu tiên của Công Nguyên lịch.

​Thật vậy, biến cố nầy, sự kiện vô tiền khoáng hậu nầy, đã được các tiên tri từng báo trước qua dòng lịch sử của dân tộc Ít-ra-en mà hôm nay chúng ta vừa nghe lại các trích đoạn của ngôn sứ Isaia, một tiên tri đã tiên báo thật nhiều và thật rõ mầu nhiệm Đấng Cứu Thế ra đời.

​Vâng, vào khoảng hơn 600 năm trước biến cố Giáng Sinh, dân tộc Ít-ra-en đang sống như một mùa đông ảm đạm, buồn hiu, … trong thân phận tăm tối của những kẻ lưu đầy, tha phương nơi đất khách quê người. Chính trong hoàn cảnh “băng giá tâm hồn” và tối tăm hy vọng đó, lời Chúa qua miệng Isaia đã mang lại hơi ấm và ánh sáng: “Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi Đấng Công Chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu Độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời”.

​Và một khi Đấng Cứu độ chấp chính đăng quang, thì mọi sự sẽ được đổi thay: “Ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích” và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư…”.

​Riêng Thánh Phaolô trong BĐ 2, đã tóm lượt khái quát lịch sử của dân tộc Ít-ra-en từ thời các tổ phụ, đặc biệt từ biến cố “xuất Ai Cập”, xuyên qua việc tuyển lựa Vua Đa-vít để dẫn tới việc giáng sinh của Đấng Cứu Thế, cũng là một thuyết minh rõ ràng về tầm quan trọng của biến cố lịch sử nầy.

​Từ câu chuyện mang dáng đứng của lịch sử cứu độ, Lời Chúa muốn nói với chúng ta rằng: mỗi một cuộc đời, mỗi một thân phận, nhất là những cuộc đời đang bước đi trong bóng tối, đang lầm lũi trong đau thương, thất vọng… đều cần cuộc viếng thăm của Chúa, sự giáng sinh của Chúa và ơn cứu độ của Ngài, để như cách cảm nhận của bài thơ “Chúa Về”:

Chúa về !

như cơn mưa chợt về trong nắng hạn,

Để đất hồn con lên những búp non xanh.

Để cây hoang chợt nẩy lộc đâm cành,

Để suối khô tràn dòng xanh nước mát.

Chúa về !

Để lòng con qua bao mùa héo hắt,

Tìm được niềm vui, hy vọng nở hoa.

Mảnh đời con chợt tươi sáng ngọc ngà,

Chân mở lối thênh thang đường đi tới.

Chúa về !

Như anh sao đêm chợt về trong đêm tối,

Thắp đời con dài những tối mênh mang.

Sáng ấm lên ngày xuân mới huy hoàng,

Tim reo hát khúc tình ca rộn rã….

Chúa về !

Như ông chủ tìm đến nhà tôi tớ,

Như Đức Vua đi tìm gặp thứ dân.

Căn nhà hoang thân tội lỗi ngập tràn,

Bỗng bừng dậy tin yêu niềm vui mới.

Chúa về !

Cho con thỏa bao năm chờ tháng đợi,

Sương hồng ân tuôn đổ tự mây trời.

Mắt mỏi mòn thôi giọt đắng tuôn rơi,

Lòng ca hát khúc tân ca hớn hở.

Chúa về !

Để nối lại những chuyện tình duyên nợ,

Cho đất trời thôi cách biệt từ đây.

Để hôm nay và đường tới tương lai,

Tình Chúa, tình người thắm nồng mãi mãi !

​Và để đón nhận sự viếng thăm và can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử cuộc đời, mỗi người chúng ta lại được Tin Mừng Matthêô đề nghị một thái độ xứng hợp qua hình tượng Giuse.

​Thật vậy, nếu Giuse, là vị kế tục cuối cùng trong phả hệ của Đấng Cứu Thế theo Tin mừng Matthêô: “Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, bởi bà, Đức Giêsu gọi là Kitô đã được sinh ra”, thì không phải ngẫu nhiên mà chàng trai thợ mộc nầy được vinh dự làm “cha nuối Đấng Cứu Thế”, nhưng chắc một điều, về phương diện con người, Giuse là người công chính.

​Sự công chính của Giuse được biểu lộ cách rõ nét trong cách ứng xử của ngài xung quanh biến cố Giáng Sinh và đời thơ ấu của Chúa: dẹp qua một bên mọi toan tính, suy nghĩ và dự định của con người để ngoan nguỳ cuối đầu vâng theo thánh ý Chúa và đem hết sức mình để thực thi thánh ý đó trên mọi nẻo đường cuộc sống.

​Mỗi năm, qua Phụng vụ được cử hành, Chúa lại một lần Giáng Sinh. Ước mong sao, Chúa đến và Người đang thực sự là Đấng Emmanuel cho mỗi người, mỗi cuộc đời chúng ta hôm nay. Vì, chắc chắn, cũng đã có nhiều mùa Giáng Sinh đã đến, nhưng rồi “bước chân Chúa đã đi qua và không ở lại được” vì sự vô tâm, xem thường, khước từ của chính chúng ta.

​Vì thế, mừng Chúa Giáng Sinh cách đúng đắn nhất, đó là chúng ta có trách nhiệm làm cho Mầu Nhiệm Giáng Sinh hiện thực trong cuộc sống nầy, cuộc đời nầy, để Chúa Giêsu một lần nữa đến và ở lại trong cuộc đời mỗi người chúng ta, chứ không phải “Người đã đến và Người phải ra đi” như cách cảm nhận của linh mục Hoàng Đức trong ca khúc “Bước Người đi qua”:

“Thế có lần nào bạn mong nghe bước Người đến, thế có lần nào bạn mong xem bóng dáng Người. Thế có lần nào thế có lần nào, ngàn năm qua, vâng, ngàn năm, Người đã đến nhưng Người phải ra đi, Người đã đến nhưng Người phải ra đi.” (Trích ca khúc “BƯỚC NGƯỜI ĐI QUA” của lm.ns. Hoàng Đức).

​Xin Chúa Giáng Sinh, Ngôi Lời nhập thể, đang đến trong Thánh lễ nầy, trong Mình Máu là quà tặng tuyệt vời sâu thẳm, ở lại với chúng ta. Lạy Đấng Emmanuel xin ở lại với chúng con. Amen.

Trương Đình Hiền

QUÀ TẶNG GIÁNG SINH ĐẸP NHẤT

(Thánh lễ Đêm Giáng Sinh 2019)

Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa Cha ..

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Đặc biệt, kính thưa tất cả quý vị, quý bạn trẻ và các em thiếu nhi, cùng tất cả những người đang hiện diện nơi đây, (nhất là quý anh chị em không có cùng niềm tin Kitô),

Ở đây và giờ phút nầy, quả thật, tôi tin rằng: tất cả chúng ta cùng có chung một tâm tình, và trái tim mỗi người cùng rung lên một nhịp, đó là tươi vui, thanh thản và bình an.

Mà đúng vậy ! Làm sao mà không vui được khi đất trời đang giã từ tiết Đông mưa buồn lạnh lẽo để chuẩn bị bước tới những ngày nắng ấm của mùa Xuân.

Làm sao không vui được khi chúng ta sắp bỏ lại đằng sau 12 tháng tất bật, vất vả, với cả bon chen và phấn đấu, với cả nước mắt lẫn mồ hôi của năm 2019 để, với con tim tràn đầy hy vọng tin yêu, bước vào năm 2020 đang mở cửa đón chờ.

Làm sao không vui được khi hôm nay chúng ta vẫn còn nhìn mặt nhau để trao cho nhau những ánh mắt cảm thông, những nụ cười chia sẻ của tình người, tình bạn và tình tự huynh đệ của những người con trong đại gia đình con dân của vùng biển thung lũng Qui Hoà nên thơ nầy ; và riêng với những anh chị em giáo dân trong giáo xứ, Giáng Sinh nầy lại là Giáng Sinh của năm đầu tiên hướng tới việc đồng hành cùng người trẻ để giúp tiến tới việc trưởng thành toàn diện.

Chính trong ý nghĩa và mục đích “chia sẻ niềm vui Giáng Sinh”, tôi xin trân trọng được chân thành gởi đến toàn thể anh chị em và mọi người hiện diện đêm nay lời chúc thân thương nhất, chân tình nhất: Một Giáng Sinh đầy tràn niềm vui và Một Năm Mới chứa chan hạnh phúc. Merry Christmas and Happy New Year !

Giờ đây, trong tâm tình hiệp thông cảm tạ tình yêu Thiên Chúa và nguyện cầu Chúa Giáng Sinh ban muôn ân lộc xác hồn, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa : Có một khúc ca Giáng Sinh dễ thương mà tôi rất thích đó là bài “Cậu Bé Đánh Trống” (The Little Drummer Boy của Davis-Onorati- Simeone). Bài ca có những câu như : 

Baby Jesus (pa-rum pum pum pum)

I am a poor boy too (pa-rum pum pum pum)

I have no gift to bring (pa-rum pum pum pum)

that’s fit to give our King (pa-rum pum pum pum, rum pum pum pum, rum pum pum pum)

Shall I play for You? (pa-rum pum pum pum)

On my drum …..

Then he smiled at me, pa-rum pum pum pum, 

Me and my drum.

Hài Nhi Giêsu ơi,

Con cũng là một bé nghèo như Chúa.

Con không có món quà gì để mang tặng Đức Vua chúng con,

Nhưng con có thể chơi trống để Chúa nghe không?….

Và rồi Chúa mỉm cười với Bé và cái trống của Bé .”

Bản nhạc tưởng như một bài ca vui, nhưng theo tôi đó là một ca khúc đơn sơ tuyệt vời diễn tả một chiều kích sâu xa của huyền nhiệm Giáng Sinh: Giáng Sinh đó chính là một tặng phẩm tuyệt vời chúng ta nhận được từ Thiên Chúa đó chính là Hài Nhi Giêsu, một em bé nghèo được sinh ra trong hang lừa máng cỏ cách đây 2019 năm ; đồng thời, Giáng Sinh cũng gọi mời chúng ta biến mình trở nên “quà tặng đơn sơ khó nghèo để dâng lên Thiên Chúa và trao tặng cho nhau”.

Như vậy, trong dịp Giáng Sinh nầy, ngoài những “lời chúc có cánh” được ghi trong những cánh thiệp Giáng Sinh, liệu mỗi người chúng ta đã chuẩn bị được một quà tặng ý nghĩa nào để dâng cho Chúa Hài Nhi và trao tặng cho nhau chưa ?

Nhưng trước khi có câu trả lời đó, thiết tưởng chúng ta nên cùng nhau ôn lại một chút ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh mà toàn thể chúng ta đang long trọng cử hành đêm nay:

– Có một chân lý đức tin cơ bản mà người kitô hữu đã truyền cho nhau suốt 2000 năm nay qua bản tổng hợp các tín điều gọi là Kinh Tin Kính đó là chân lý “Thiên Chúa nhập thể-làm người”. “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”.

– Nhưng với những người không chia sẻ cùng một niềm tin với chúng ta, thì quả thật “mầu nhiệm Thiên Chúa Làm Người” quả là một thách đố, nếu không nói là xa lạ và ảo tưởng.

Điều nầy cũng đễ cảm thông thôi; vì, cách đây hơn 2000 năm, cho dù được các Sứ ngôn tiên báo, cho dù được Sách Thánh thông tin xa gần, dân Do Thái vẫn không hề chấp nhận được “Một Đấng Cứu Thế” sinh ra trong hang lừa máng cỏ, một Đấng Emmanuel con của gia đình Bác Thợ Mộc Giuse và Bà Maria ở làng quê Nadarét. Với tâm thức chung của họ lúc bấy giờ, và cũng là tâm thức của nhiều người trong nhân loại hôm nay, Thiên Chúa phải là một “Ông Trời” toàn năng trên các tầng mây, một Thượng Đế uy nghi lẫm liệt trên cõi vĩnh hằng; nếu Ngài có “hạ cố làm người”, thì cũng phải làm người trong cung cách của một vị đế vương oai hùng lẫm lẫm nơi gác tía lầu son, nơi cung đình tráng lệ là thủ đô Giêrusalem, chứ làm gì có một “Ông Trời sinh ra trong thân phận của một Em Bé khóc oa oa vấn tả nằm trong máng chiên lừa bao quanh chỉ có mấy chú mục đồng khổ nghèo kiết xác tại vùng quê Bêlem heo hút ? 

Cũng vì quan niệm như thế về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế và về nhân thân của Ngài, nên đám quan chức trong triều đình vua Hêrôđê, các tiến sĩ luật và hàng tư tế cao ngạo trong đạo Do Thái…đã sững sờ kinh ngạc khi nghe các đạo sĩ phương đông đến Giêrusalem tung tin “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương đông”(Mt 2,2).

Không như họ tưởng nghĩ, Thiên Chúa đã chọn cách “làm người”, làm Đấng Emmanuel thật gần gũi, bình dị, giản đơn và ở giữa những người nghèo, dành cho những ai thật sự khiêm hạ khát khao đi tìm Ngài trong tình yêu và chân lý mà trích đoạn Tin Mừng Luca hôm nay đã gói gọn trong mấy hàng tường thuật:

“Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ…. Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ….”.

Và đó chính là một quà tặng tuyệt vời nhất, cao cả nhất mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa: Giáng Sinh chính là “quà tặng tình yêu” mà Thiên Chúa ban cho loài người, như sứ ngôn Isaia đã từng loan báo trước đó 7 thế kỷ, mà Phụng Vụ hôm nay đọc lại trong Bài đọc 1: “Một Hài Nhi đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5); và sau nầy, Thánh Tông Đồ Gioan đã tái khẳng định trong Tin Mừng thứ 4: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Vâng. Chúa Giêsu-Kitô chính là một quà tặng tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho loài người, cho tất cả chúng ta không trừ ai.

– Vì là “Quà tặng của tình yêu” nên Ngài không đến mang theo một triết thuyết viễn vông, một ý thức hệ hoang tưởng, một sự phĩnh gạt hoang đường…nhưng là một Tin Mừng, một Tin Vui: “Nầy, ta báo cho anh em một Tin Vui trọng đại, tin vui cho toàn dân…”

– Vì là “Quà tặng của tình yêu” nên sự hiện diện của Ngài trong thế giới đã, đang và sẽ mang theo sự yêu thương, yên bình, hòa hợp, sẽ đẩy lùi mọi hận thù, ghen ghét, chiến tranh, như cách diễn tả của sứ ngôn Isaia mà chúng ta vừa nghe công bố nơi Bài đọc 1: “Cái ách nặng nề…cái gông trên vai…cái vương trượng của kẻ áp bức…sẽ bị nghiền nát…Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi làm mồi nuôi lửa.” ; hay như chính bài ca của các thiên thần đã vang lên trong đêm Ngôi Hai giáng thế: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

​Để minh họa cho ý nghĩa nầy, tôi chợt nhớ tới một giai thoại về 1 bài ca Noel của Pháp: Bài Catique de Noel lời ca của thi sĩ Placide Cappeau và phần nhạc và hòa âm của Adolphe Adam:   

Người ta kể rằng: trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), vào một ngày Giáng sinh tại mặt trận ác liệt, một lính Pháp bỗng nhảy lên khỏi chiến hào, hát to lên bài Cantique de Noel (Thánh ca đêm Noel)… Từ bên kia chiến tuyến, không có phát đạn nào của lính Phổ đã bắn vào anh ấy. Và thật bất ngờ, một lính Phổ cũng đã vụt đứng lên khỏi chiến hào đáp lại bằng bài carol cổ truyền của Phổ: bài Vom himmel hoch (Từ Thiên đường trên cao) – do Martin Luther viết. Trong khoảnh khắc đặc biệt nầy, một sự kiện hi hữu đã xảy ra: khi hai bài hát của hai anh lính chiến đối địch vang lên, toàn thể các chiến hào lặng im phăng phắt và sau đó là một tràng pháo tay vang dội thay thế cho những tiếng bom đạn gào thét trước đó…

​Quà tặng Giáng Sinh là như thế ! Quà tặng tình yêu bao giờ cũng dẫn tới đích điểm là hòa hợp, an bình như chính Đức Giêsu đã khẳng định qua con người và sứ điệp của Ngài: “Ta đến để chiên ta được sống và được sống phong phú…, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”.

– Vì Ngài là “quà tặng của tình yêu” nên bất cứ ai thật sự gặp được Ngài sẽ nhận được niềm vui và hy vọng mà Tin Mừng đã minh chứng qua những dấu lạ diệu kỳ: què đi, mù thấy, điếc nghe, câm nói, cùi phung lành sạch, những tâm hồn thương đau tội lỗi được băng bó chữa lành và những người nằm sâu trong huyệt mộ cũng được  cải tử hoàn sinh…

Mỗi một lần Giáng Sinh trở lại, khi ánh sao lạ một lần nữa được thắp sáng giữa trời đông, khi những bài thánh ca Noel vang vọng trên những nẻo đường cuộc sống… phải chăng đó chính là một lời nhắc nhở, không phải cho riêng mỗi người Kitô hữu mà là cho tất cả chúng ta, biết thanh lọc cõi lòng, đổi mới trái tim, điều chỉnh đôi tay và ánh mắt… để một lần nữa nhận ra “quà tặng tuyệt vời”, quà tặng tình yêu của Thiên Chúa và từ đó biến đời mình, gia đình mình, cộng đoàn giáo xứ mình thành “quà tặng của yêu thương, hòa bình” chia sẻ cho nhau và dựng xây thế giới. Đó cũng chính là điều mà Thánh Phaolô, trong thư gởi cho đồ đệ Titô được trích đọc trong Bài đọc 2 hôm nay, đã nhắc nhở cho mọi thế hệ Kitô hữu phải trân trọng và sống tích cực hồng ân cứu độ do Đức Kitô ban tặng: “Ngài đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (BĐ 2).

Riêng đối với anh chị em Kitô hữu thuộc giáo xứ Qui Hoà, nơi an dưỡng và điều trị của bao nhiêu anh chị em bệnh hoạn tật nguyền. Vì thế, quà tặng Giáng Sinh ý nghĩa và cần thiết nhất chính là hiện thực hóa những lời dạy của Phúc Âm: yêu thương và phục vụ trong tinh thần sẻ chia, bác ái, cùng với những thánh lễ dâng lên mỗi ngày, những lời kinh Kính Mừng của chuỗi Mân Côi, những những nghĩa cử yêu thương nhẫn nhục trong đời sống vợ chồng, những hành vi thơm thảo của cháu con dành cho ông bà cha mẹ, những sẻ chia manh áo chén cơm cho những gia đình đang gặp cơn quẫn bách …Mỗi người chúng ta có thể tìm thấy một “quà tặng Giáng Sinh” thích hợp cho cuộc hành trình đức tin của riêng mình ; và chắc chắn một điều, khi chúng ta biết sẵn sàng lắng nghe “Tin Mừng Giáng Sinh” như các Mục Đồng, sẵn sàng cất bước lên đường theo “Sao lạ Bê Lem” như các đạo sĩ Phương Đông…thì chắc chắn chúng ta tìm gặp Thiên Chúa, một Thiên Chúa của tình yêu, một Đấng Em-ma-nu-en đã đang và sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống.  

Như thế, cuộc cử hành đêm nay, Đêm Thánh vô cùng nầy, lại chính là cơ hội để anh và tôi, để chị và em, để tất cả chúng ta hân hoan vui mừng lãnh nhận chính quà tặng của Thiên Chúa, không phải thứ quà tặng rẻ tiền trong những chiếc vớ của ông già Noel mang đến, mà là quà tặng tình yêu tuyệt vời là chính Thiên Chúa, là hồng ân cứu độ, là Tin Mừng giải thoát, là Nước Trời ; và để đáp trả tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa khi ban tặng món quà vĩ đại là Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, chúng ta cũng hãy dâng lại cho Ngài món quà Giáng Sinh khiêm hạ nhỏ bé của chúng ta, như món quà đơn sơ nhưng ắp đầy tình yêu của “Chú bé đánh trống”.

Hài Nhi Giêsu ơi,

Con cũng là một bé nghèo như Chúa.

Con không có món quà gì để mang tặng Đức Vua chúng con,

Nhưng con có thể chơi trống để Chúa nghe không?….

Và rồi Chúa mỉm cười với Bé và cái trống của Bé .”

​Hài Nhi Giêsu chắc chắn cũng đang mĩm cười với mỗi người chúng ta khi chúng ta đến với Ngài đêm nay với chút quà đầy tình yêu như thế. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

ĐỂ TRỞ NÊN BÀ CON HỌ HÀNG VỚI CHÚA

(LỄ GIÁNG SINH BAN NGÀY 2019)

Dẫn nhập đầu lễ : Anh chị em thân mến,

​Niềm vui đó chính là sứ điệp trung tâm của Mầu Nhiệm Giáng Sinh như lời Thánh Lê-ô Cả trong BĐ II Kinh Sách lễ Giáng Sinh hôm nay đã nhấn mạnh trằng: “Hôm nay Đấng Cứu Độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm nầy phá tan sự sợ hải trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời” (Bài đọc 2 Giờ Kinh Sách Lễ Giáng Sinh”.

​Giờ đây, để xứng đáng lãnh nhận niềm vui của ơn cứu độ, niềm vui thánh thiện của mầu nhiệm Giáng Sinh, xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh, chúng ta hãy thú nhận tội lỗi.

Bài Giảng Lời Chúa : Kính thưa ông bà và anh chị em, các bạn trẻ thân mến,

Trong lời thánh thi Kinh chiều hôm nay, Hội Thánh đã hát lên:

Chúng con mừng kỷ nim

Ngày có một không hai

Từ lòng Cha thánh thiện

Chúa Nhập thể cứu đời.

Ngày bảo chứng tình thương,

Chúa bước vào cõi thế,

Trời đất nối đại dương

Hoan ca nào xiết kể

​Lý do gì để lễ Giáng Sinh lại dâng trào niềm vui như thế, lý do gì đã khiến Giáng Sinh trở thành niềm chung cho toàn nhân loại như thế ? Chúng ta cùng dừng lại để suy nghĩ đôi điều sứ điệp Lời Chúa được công bố hôm nay.

1. Nhập Thể: Một tình yêu hành động

​Như chúng ta đã chia sẻ với nhau trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Chỉ có thể cắt nghĩa được huyền nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh bằng hai tiếng TÌNH YÊU. Thế nhưng đó không là một tình yêu chỉ bằng lời suông mà là một hiện thực, một dấn thân, một hành động. Cũng chính trong ý nghĩa “Lời Hành Động” đó mà các bài đọc Lời Chúa được công bố hôm nay đều đồng thanh diễn tả tính cách năng động của “Lời”: 

– Lời Nhập Thể chính là Tin Mừng vĩ đại nhất, Lời có sức đổi thay mọi sự, biến mọi tang tóc saauf thương nên choáng ngợp vui mừng hoan hỉ, như chúng ta vừa nghe sứ ngôn I-sa-i-a đã diển tả trong Bài đọc 1: “đẹp thay bước chân người loan tin mừng…kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cát tiêng reo hò vang dậy…Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng…”; và Lời đó chính là “Lời hiện thực”, “Lời chứng tỏ”, “Lời thành tựu”, “Lời viên thành”…như thư Do Thái lại xác quyết:”Đã lắm phen bằng nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy Cha ông…vào thời sau hết Thiên Chúa đã phán dạy qua Thánh Tử…”. Và đặc biệt nhất, Thánh Gioan trong bài Tựa Tin Mừng của Ngài, đã khẳng định một cách rõ ràng như một câu định nghĩa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

​Vâng, Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh chính là một tình yêu hành động, một tình yêu không dừng lại ở một lời nói suông mà một “LỜI THÀNH NHỤC THỂ”. 

​Nếu Thiên Chúa trong lịch sử đợi chờ đã nhiều lần can thiệp, nhiều lúc hành động để cứu dân qua những điềm thiêng dấu lạ, thì đã đến lúc, Thiên Chúa xuất hiện, Thiên Chúa dấn thân, Thiên Chúa biểu lộ chính bản thân Ngài, chính cuộc sống Ngài, chính trái tim của Ngài, chính nỗi đau và cái chết, chính sự sống lại vinh quang của Ngài. Thánh Gioan đã cảm nhận đuợc chân lý nầy khi Ngài viết lại trong thư thứ nhất của Ngài:”Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã được nghe, điều chính mắt chúng tôi đã được thấy và chiêm ngưỡng, điều chính tay chúng tôi đã được chạm đến, đó là lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã xuất hiện chúng tôi đã nhìn thấy và xin làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời : sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay xuất hiện cho chúng tôi” (1 Ga 1,1-2).

​Như vậy, tin nhận mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh, đón nhận Con Chúa xuống thế làm người đối với chúng ta hôm nay đó là chấp nhận “sự can thiệp của Thiên Chúa trong mọi biến cố của đời mình”, là đón nhận sự hiện diện và hoạt động của Chúa Kitô trong giữa lòng cuộc sống. Và như thế, cho dù mùa Phụng vụ Giáng Sinh có qua đi, cho dù những biểu hiện Giáng Sinh bên ngoài bị xóa bỏ…thì trên mỗi chặng đường của cuộc sống, đức tin của chúng ta vẫn là sự bắt đầu mới mẻ, việc sống đạo của chúng ta lại là một cuộc lên đường …Tin và sống mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh là thế đó. Bởi vì nếu Giáng Sinh-Nhập Thể là một “tình yêu hành động” của Thiên Chúa dành cho chúng ta, thì sống mầu nhiệm ấy chính là một “tình yêu hành động” đáp trả dành cho Thiên Chúa và dành cho con người.

​Nhưng Thiên Chúa đã hành động làm sao ?

2. Nhập Thể : Một tình yêu sẵn sàng tự hủy

​Thế nhưng hành động của tình yêu và vì tình yêu bao giờ cũng đòi phải trả một giá đắt. Và giá đắt cuối cùng chính là hy sinh thân mình, là chấp nhận “chết”, là trở thành “lễ dâng”, trở thành “hy tế’. Nói cách khác, yêu cho tới cùng có nghĩa là “phải xóa mình đi”, phải “tự hủy” (Kenose) như chính Đức Kitô đã khẳng quyết: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Và chính Đức Kitô đã hiện thực hóa lời khẳng quyết đó bằng chính cái chết tủi nhục đau thương trên thập giá.

​Nhập Thể-Giáng Sinh đó chính là tình yêu lớn nhất, tình yêu trên mọi tình yêu. Tình yêu của Đấng tự xóa bỏ tước phận Thiên Chúa cao sang để hạ cố mang phận bạc con người (Pl 2,6-7), “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8). Và để cắt nghĩa rõ hơn tư tưởng nầy, chị Chiara Lubich, đã cầu nguyện với những lời thâm thúy:

Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.

Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.

Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên “dốt nát”.

Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người “tội lỗi”.

Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.

Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.

Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.

Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.

Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149

​Ngày hôm nay chúng ta đang cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh-Nhập Thể cho dù với cung cách rực rỡ tráng lệ của hoa đèn ca nhạc đông vui mang tính lễ hội, thì điểm đến, tiêu đích cuối cùng vẫn chỉ là: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Ca Nhập Lễ); là một Em bé Giêsu yếu ớt nằm trong máng chiên lừa, một chàng thanh niên thợ mộc Giêsu con bác phó mộc Giuse, một Thầy Giêsu đi chân trần nghèo nàn, đói mệt trên những nẽo đường cát bụi xứ Pa-les-ti-na đến độ “không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58), là một tử tội Giêsu bị kết án đóng đinh thập giá giữa hai tên trộm cướp…và hôm nay trên bàn thờ nầy, là chính Chúa Kitô chấp nhận làm “tấm bánh ly rượu” để rở nên máu thịt nuôi sống muôn người. 

Noi theo cách hành động của Thiên Chúa, chúng ta sống mầu nhiệm Nhập Thể-Giáng Sinh giữa đời thường hôm nay đó là biết không ngừng tự xóa mình đi, là biết không ngừng thực thi ý Chúa cho dù trăm đắng nghìn cay, là biết khiêm tốn quỳ xuống để rửa chân cho anh em cho dù phải hy sinh và tủi nhục, là trung thành từng ngày với lý tưởng phúc âm cho dù phải dập vùi thử thách, là can đảm thực hành Lời Chúa trong từng nghĩa cử nhỏ nhoi, là chấp nhận đoạn tuyệt để trở về cho dù con tim tan nát…Sống mầu nhiệm Giáng Sinh – Nhập Thể hôm nay là biết mĩm cười chấp nhận cái tối tăm vất vả của đời sống gia đình nhưng vẫn sáng lên niềm tin yêu hy vọng; là biết sẵn sàng dấn thân trong giữa chốn chợ đời bon chen tất bật, nhưng vẫn sáng lên sự liêm khiết của phúc âm ; là không nản lòng trước bệnh tật, không sợ hải phải sinh và nuôi dạy con cái, là chung thủy từng ngày trong giao ước lứa đôi, là an bình phó thác trong tay Cha khi xui tay nhắm mắt…

Nói cách khác, Thiên Chúa làm người để chúng ta được nên giống Người, giống trong tình yêu ban tặng, phục vụ và dĩ nhiên, trong sự thánh thiện rạng ngời của ân sủng cứu độ, như cách diễn tả của các vị Thánh Giáo Phụ từ ngàn xưa, Clément (Alexandrie) và Grégoire (Naziance) “Thiên Chúa đã làm người để con người làm Chúa”; hay ít ra, “bà con với Chúa”, nư câu chuyện của Dan Clak:

Vào một buổi tối giá rét mùa Giáng sinh, một đứa bé khoảng sáu, bảy tuổi đứng trước một cửa hiệu. Đứa bé không có giày, còn quần áo thì rách rưới. Một phụ nữ trẻ đi ngang qua và nhìn thấy niềm khao khát trong đôi mắt xanh xao của nó. Cầm tay đứa bé dẫn vào tiệm, bà mua cho nó đôi giày mới và một bộ quần áo ấm. 

Đưa bé ra khỏi tiệm, người đàn bà nói: “Bây giờ cháu có thể về nhà và chúc cháu một Giáng sinh vui vẻ”.

Đứa bé ngước nhìn người đàn bà và hỏi: “Thưa bà, bà có phải là Chúa không?”.

Người đàn bà cúi xuống nhìn đứa bé và đáp: “Không, con ạ, ta chỉ là một trong những đứa con của Chúa”.

Đứa bé nói: “Cháu nghĩ chắc bà phải có họ hàng, bà con gì với Chúa”.

​Ước gì toàn thể mỗi người chúng ta hôm nay biết sống làm sao và sống thế nào để đều có thể được một ai đó cũng nói với mình một câu tương tự : “Tôi nghĩ ông, bà, anh chị chắc phải có họ hàng, bà con gì với Chúa”. Amen

LM. Giuse Trương Đình Hiền