ÁNH BẠC GIỮA MÂY ĐEN

ÁNH BẠC GIỮA MÂY ĐEN

(HAY “CÔNG NGHỊ” VÀ CHIỀU KÍCH “HIỆP HÀNH” TRONG GIÁO HỘI HÔM NAY)

(Tổng hợp các nhận định-phê bình về Công Ngh sắp tới của Giáo Hội Công giáo tại Đức quốc)

Cha sở nhà quê

​Trong những ngày qua, khung trời Giáo Hội Công Giáo tại Âu Châu đang vần vũ một “đám mây đen” xuất phát từ sự kiện Tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” (Binding synodal path) của Giáo Hội Công giáo tại Đức quốc đang trong quá trình chuẩn bị và thực thi. Đây là một “Công Nghị” của toàn Giáo Hội tại Đức quốc được tổ chức và đồng chủ trì bởi Hội Đồng Giám Mục Đức và Uỷ Ban Trung ương Công giáo Đức(ZdK); và “tiến trình công nghị” nầy đang hoàn tất những bước chuẩn bị cuối cùng.

​Sở dĩ so sánh sự kiện nầy với “đám mây đen đang vần vũ” bởi vì tiến trình đi tới Công nghị nầy xét về chiều kích “Hiệp Hành” (Synodality), một “mô thức căn bản” của Giáo Hội trong thiên niên kỷ nầy, đang bị đặt trước một cuộc khủng hoảng “mang chiều kích Giáo Hội” khá nghiêm trọng, đến độ, chính những mục tử hàng đầu trong cuộc, đã cảnh báo về một viễn cảnh sẽ có một “Đức Giáo” hoặc đó là “con đường dẫn đến diệt vong”

​Đây không hề là một cuộc “đổ dầu vào lửa” vào một sự kiện mục vụ đầy nhạy cảm của Hội Thánh hoàn vũ mà đơn giản chỉ là một “tổng hợp” các nhận định và phê bình mang tính “chính truyền” (thuộc thẩm quyền chính thức của Hội Thánh) để giúp bà con giáo dân dễ dàng “phân định” và đón nhận sự kiện nầy trong thái độ bình tĩnh, hiệp thông và cầu nguyện.

I. TÍNH “CHÍNH DANH” CỦA TIẾN TRÌNH CÔNG NGHỊ CÓ HIỆU LỰC RÀNG BUỘC”.

​Trước hết, sự kiện mục vụ mang tầm mức quốc gia của Giáo Hội Công Giáo tại Đức chính thức thức được Hội Đồng Gám Mục Đức gọi là “TIẾN TRÌNH CÔNG NGHỊ CÓ HIỆU LỰC RÀNG BUỘC” (BINDING SYNODAL PATH). Chúng ta cùng dừng lại để phân tích tính “chính danh” của “cơ cấu tổ chức”đang gây tranh cải nầy.

1. Khái quát về từ ngữ: Tiến trình – Công nghị  Có hiệu lực ràng buộc.

 Tiến trình (Path) : Một chương trình (nghị sự) được thực hiện với một “lộ trình” dài (phân biệt với một chương trình ngắn hạn, một cuộc “họp” gói gọn trong trong một thời gian nhất định : 3 ngày, 1 tuần…).

– Công nghị (Synodal – Synod) : Theo nghĩa của “Bộ Giáo Luật 1983”, Công Nghị được xác định với 2 cơ cấu sau :

a/. Công nghị Giám Mục (Synod of Bishops) : tức THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, một cơ cấu quan trọng được Đức Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1965 và được quy định rõ trong Bộ Giáo luật 1983 từ các điều 342-348.​

“Thượng Hội Đồng Giám Mục là hội nghị các Giám Mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các Giám Mục, để góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc bảo toàn và thăng tiến đức tin và phong hoá, cũng như trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới”

b/. Công nghị Giáo phận (Diocesan Synod) : Là cơ cấu dành cho Giáo hội địa phương (Giáo phận), được Bộ Giáo luật 1983 quy định rõ trong các điều 460-468.

“Công nghị giáo phận là cuộc hội họp các đại biểu linh mục và các Kitô hữu khác của Giáo Hội địa phương nhằm mục đích giúp đỡ Giám Mục giáo phận trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng giáo phận, chiếu theo quy tắc của những điều khoản sau đây.”

– Có hiệu lực ràng buộc (Binding) : Tức hiệu lực pháp lý của các nghị quyết của Công nghị.

2. Phê bình tính “chính danh” :

2.1/. Về cơ cấu “công nghị” (Synod) :

​Nếu xét theo ý nghĩa được xác định bởi Giáo luật (điểm “a” và “b” nói trên) thì “tiến trình công nghị” (synodal path) mà Giáo hội Công giáo Đức đang chuẩn bị thực hiện không thuộc cơ cấu nào trong hai cơ cấu trên.

– Trước hết, không phải là “Công nghị Giám Mục” (synod of Bishops) tức cơ cấu “Thượng Hội Đồng Giám Mục”, cho dù là cấp hoàn vũ hay cấp vùng, thường kỳ hay ngoại thường, cơ cấu nầy hoàn toàn trực thuộc Đức Giáo Hoàng. (Xem Bộ Giáo luật 1983, các điều từ 342-345).

– Cũng không là “Công nghị giáo phận” (Diocesan Synod) : Vì “Tiến trình Công nghị” của Giáo Hội Đức không thuộc bình diện giáo phận mà là ở tầm mức quốc gia, toàn thể giáo hội Công giáo Đức. Đây là hình thức thuộc bình diện “Công đồng địa phương” (Particular Council) được Giáo luật quy định thuộc loại “Công đồng giáo miền” (plenary council) vì liên quan đến Giáo Hội của một quốc gia :

“Công đồng giáo miền là công đồng tập họp tất cả các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một Hội Đồng Giám Mục, phải được tổ chức mỗi khi Hội Đồng Giám Mục ấy xét thấy cần thiết hay hữu ích với sự phê chuẩn của Tông Toà” (Bộ Giáo luật 1983, điều 349, khoản 1).

​Chúng ta hãy nghe ý kiến của Đức Hồng y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican, trong thư gởi cho Đức Hồng Y Marx, Chủ tịch Hộ Đòng Giám Mục Đức, về tính “không chính danh” của cơ cấu “tiến trình công nghị” của Giáo Hội Đức:

Đánh giá pháp lý của Vatican đã đưa ra một loạt các mối quan tâm về cấu trúc được đề xuất và những người tham gia vào tiến trình công nghị tại Đức. Tòa Thánh đã kết luận rằng các Giám Mục Đức không lên kế hoạch cho một phiên họp của các Giám Mục, mà thay vào đó là một Công Đồng toàn quốc của một Giáo Hội địa phương – là điều mà các ngài không thể tiến hành nếu không được Tòa Thánh chấp thuận.

“Từ các điều khoản của dự thảo kế hoạch, có thể thấy rõ rằng Hội Đồng Giám Mục Đức đã có ý định triệu tập một Công Đồng Địa Phương như được nêu trong các khoản giáo luật 439 đến 446 nhưng né tránh không sử dụng thuật ngữ này.

“Nếu Hội Đồng Giám Mục Đức đi đến xác tín rằng cần phải có một Công Đồng Địa Phương, thì họ phải tuân theo các thủ tục do Bộ Giáo luật đưa ra để có thể đi đến một cuộc thảo luận có hiệu lực ràng buộc.”

Một Công Đồng, không giống như một tiến trình công nghị, là một cuộc họp của các Giám Mục có thẩm quyền ban hành luật cho Giáo Hội tại một quốc gia hoặc một khu vực cụ thể, nhưng phải đặt dưới quyền trực tiếp của Tòa Thánh, là nơi xác định phạm vi thẩm quyền của Công Đồng đó. Một công nghị, là danh xưng các Giám Mục Đức dùng, chỉ là một phiên họp nhằm thảo luận về các vấn đề mục vụ và tư vấn, và hoàn toàn không có thẩm quyền để thiết lập các chính sách. 

Tổ chức một Công Đồng ở cấp quốc gia là một việc rất hiếm so với việc tổ chức một công nghị, và phải được Tòa thánh phê chuẩn chương trình nghị sự, phạm vi hành động và các quyết nghị cuối cùng. Kế hoạch của các Giám Mục Đức tổ chức tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm đưa ra các chính sách mới cho Giáo Hội tại Đức, theo thư Vatican, là “không thể chấp nhận”.

​Người ta chỉ có thể cắt nghĩa việc “đánh tráo khái niệm” giữa “Công nghị” và “Công Đồng địa phương” của Hội Đồng Giám Mục Đức với lý do : “Công nghị” hay “Công đồng” đều có ý nghĩa như nhau khi cùng xuất phát từ một tiếng Hy Lạp (Sunodos) và được bổ sung ý nghĩa bởi một từ Do Thái (Qhal), như cắt nghĩa của Ủy Ban thần học Quốc tế của Toà Thánh :

Chữ Hy Lạp σύνοδος (sunodos) được dịch sang tiếng Latin là synodus hoặc concilium. Concilium, trong cách sử dụng ngoài đờiđó là một hội đồng được triệu tập bởi một số cơ quan hợp pháp. Mặc dù hai từ “công nghị – synod” và “công đồng – council” khác nhau về ngữ nguyênnhưng lại đồng quy về ý nghĩa. Thực ratừ “công đồng – council” đã làm phong phú thêm nội dung ngữ nghĩa của từ “công nghị – synod” khi tham chiếu một từ Do Thái là קָהָל (qahal), có nghĩa là “cộng đoànđược Chúa triệu tập” mà Tân Ước dịch sang tiếng Hy Lạp là έκκλησία (ekklesia)một thực tại chỉ về cuộc tập hợp cánh chung của Dân Chúa trong Chúa Kitô.

​Tuy nhiên, Uỷ Ban Thần Học Quốc tế cũng xác quyết thêm : cách hiểu và cách dùng “lẫn lộn” nầy chỉ là “câu chuyện từ Công Đồng Vatican II trở về trước”. Đặc biệt với các quy định của Bộ Giáo luật 1983, khái niệm “Công nghị” và Công đồng” đã được Hội Thánh cắt nghĩa và minh định với những khoản luật rõ ràng, không thể “hàm hồ” và lẫn lộn :

Trong Giáo hội Công giáo, sự phân biệt trong cách dùng các từ ngữ “công đồng – council” và “công nghị – synod” chỉ mới xuất hiện gần đây. Tại Công Đồng Vatican II, hai từ nầy đồng nghĩa với nhau, cả hai đều đề cập đến phiên họp của công đồng. Chính Bộ Giáo Luật của Giáo Hội (1983) đã chỉ ra sự phân biệt các hạn từ. Trước hết là phân biệt giữa các Công đồng địa phương (Công Đồng miền hoặc Công đồng giáo tỉnh) và Công đồng Chung xét trên cùng một bình diện; thứ đến, phân biệt giữa Thượng Hội Đồng Giám mục và Công nghị giáo phận trên bình diện khác.”

2.2/. Về “tham dự viên” của “Tiến trình công nghị” :

​Theo những phân tích dựa trên “nền tảng Giáo luật’ (1983), “Tiến trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức rõ ràng là một “Công Đồng địa phương”; và vì thế phải tuân thủ các quy định của Giáo Luật, trong đó có quy định về các “tham dự viên”.

​Giáo Luật, Điều 443, khoản 4, quy định :

“Các linh mục và các Kitô hữu khác nữa cũng có thể được mời tham dự các công đồng địa phương với quyền tư vấn mà thôi; tuy nhiên, số người không vượt quá phân nữa những thành viên được nói đến ở triệt 1-3”.

​Trong khi đó, “tiến trình Công nghị” của Công Giáo Đức, sau hai cuộc “bỏ phiếu” (19.8.2019 và 25.9.2019) để lựa chọn “phương án nghị trịnh” dành cho “Tiến trình Công nghị”, trong đó, “các Giám Mục Đức quyết định tiếp tục kế hoạch thành lập tiến trình công nghị dưới sự lãnh đạo chung của người đứng đầu Hội Đồng Giám Mục Đức và ZdK”mà các thành viên của tổ chức nầy (ZdK) lại chiếm tỷ lệ đáng kể trong số các “tham dự viên”, với quyền biểu quyết. Điều có có nghĩa, “tiến trình công nghị” đã “phớt lờ” quy định của Giáo luật (Điều 443, khoản 4).

​Theo nhận định của Đức Hồng y Brandmüller, truyền thống “phớt lờ” quy định của Giáo Luật và “xem thường” vai trò của Toà Thánh không chỉ mới có lần “tiến trình công nghị” nầy, mà đã từng xảy ra trong lần “Thượng Hội Đồng Würzburg” trong lịch sử gần đây của Giáo Hội Công Giáo tại Đức :

Đức Hồng Y Brandmüller đặc biệt đề cập đến Thượng Hội Đồng Würzburg kéo dài từ 1971 đến 1975, vì theo ngài có một số điểm tương đồng với tiến trình công nghị hiện nay. Thượng Hội Đồng đó rõ ràng cũng “đã phá vỡ truyền thống Thượng Hội Đồng của Giáo Hội, cả về mặt quy chế lẫn các chương trình nghị sự khi cho người giáo dân có quyền biểu quyết và có số tham dự viên tương đương với con số các Giám Mục và linh mục tham dự Thượng Hội Đồng.” Những thành viên cũng được lựa chọn từ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), là những người có một lịch sử lâu dài chống lại các giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ và các giáo huấn về đạo đức tính dục. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong tiến trình công nghị được bắt đầu vào đầu Mùa Vọng sắp đến.

2.3/. Về các “Chủ đề” chính của “Tiến trình Công nghị” : 

​Theo quy định của Giáo luật điều 445, mục tiêu của Công Đồng địa phương nhắm đến là để “đáp ứng mọi nhu cầu mục vụ cho dân Chúa trong địa hạt của mình, trong khi phải bảo đảm việc “luôn luôn tuân giữ luật phổ quát của Giáo Hội” và “cổ vũ việc tuân giữ và bảo vệ kỷ luật chung của Giáo Hội”. Trong khi đó, mục tiêu mà “Tiến trình Công nghị” tại Giáo Hội Công giáo Đức muốn đề xuất những giải pháp và quy luật mới (có hiệu lực ràng buộc) liên quan đến những vấn đề “nhạy cảm” thuộc kỷ luật chung đã được Giáo Hội áp dụng cho toàn Dân Chúa.

​Chúng ta hãy nghe “chuyên viên chú giải luật” của Toà Thánh phát biểu và bình luận về vấn đề nầy như sau :

Trong bài đánh giá pháp lý về các đạo luật dự thảo, Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật, lưu ý rằng các Giám Mục Đức đề xuất việc thảo luận trên bốn chủ đề chính: “thẩm quyền, sự dự phần và phân chia quyền lực” giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương, “đạo đức tình dục”, “hình thái đời sống linh mục”, và “ phụ nữ trong các thừa tác vụ và chức vụ của Giáo Hội”. 

Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone viết: “Thật dễ dàng để thấy rằng những chủ đề này không chỉ ảnh hưởng đến Giáo Hội tại Đức nhưng ảnh hưởng đến Giáo Hội toàn cầu và – với một vài ngoại lệ – không thể là đối tượng của các cuộc thảo luận hay quyết định của một Giáo Hội địa phương mà không đối kháng với những gì đã được Đức Thánh Cha bày tỏ trong lá thư của ngài”.

Trong bức thư gửi Giáo Hội tại Đức được công bố vào tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo các Giám Mục Đức phải tôn trọng sự hiệp thông phổ quát của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Mỗi khi một cộng đồng giáo hội cố gắng tự mình giải quyết các vấn đề, tin tưởng và tập trung hoàn toàn vào những lực lượng hoặc các phương pháp, trí thông minh, ý chí hay uy tín của mình, cuối cùng cộng đồng ấy chỉ làm gia tăng và duy trì lâu hơn nữa những vấn nạn mà cộng đồng ấy cố gắng giải quyết”.

​Trong Giáo luật điều 459, khoản 2 cũng đã lưu ý về các “nghị trình của các Hội Đồng Giám Mục” luôn phải “tham khảo ý kiến Toà Thánh” trong những vấn đề “có tính cách quốc tế” :

“Tuy nhiên, mỗi khi khởi xướng những hoạt động hoặc đề cập đến những vấn đề có tính cách quốc tế, các hội đng phải tham khảo ý kiến của Toà Thánh”

2.4/. Về “hiệu lực ràng buộc” :

​Về “hiệu lực ràng buộc” (hay “hiệu lực bắt buộc”) Giáo luật 1983 đã quy định rõ nơi điều 341 (Dành cho Công Đồng Chung) và Điều 446 (dành cho Công Đồng địa phương). Xin trích :

Điều 341 :

– Khoản 1 : Các sắc lệnh của Công Đồng chung chỉ có hiệu lực bắt buộc khi đã được Đức Giáo Hoàng Rôma cùng với các Nghị Phụ Công Đồng phê chuản, và sau đó được chuẩn y và truyền ban hành.

– Khoản 2 : Các sắc lệnh cho Giám Mục đoàn ban hành bằng một hành động mang tính hiệp đoàn, theo một hình thức khác được Đức Giáo Hoàng Rôma đề xuất hoặc được ngài tự do chấp thuận, cũng cần phải có sự chuẩn y và công bố như trên mới có hiệu lực bắt buộc.

Điều 446 :

Một khi công đồng địa phương đã bế mạc, vị chủ toạ phải liệu sao để chuyển tất cả mọi văn kiện của công đồng về Tông Toà; các sắc lệnh do công đồng biểu quyết chỉ được ban hành sau khi đã được Tông Toà duyệt y; chính công đồng xác định thể thức ban hành các sắc lệnh và các thời hạn mà các sắc lệnh được ban hành bắt đầu có hiệu lực bó buộc.

​Theo tinh thần cũng như quy định rõ ràng trên của các đều khoản Giáo luật, các nghị quyết hay sắc lệnh của Công Đồng hay Công Nghị để được mang tính pháp lý và có “hiệu lực bắt buộc” đều phải được chuẩn nhận bởi quyền tối hậu của Toà Thánh (Thẩm quyền Tông Toà). Một Công Đồng, Công nghị, nhất là Công Đồng địa phương, không thể có những hiệu quả “tự thân” “mang tính ràng buộc. 

​Với sự cân nhắc đặc biệt dựa trên Giáo luật hiện hành và truyền thống thần học về cơ cấu “công đồng, công nghị…”, Toà thánh, trong thư gởi Hội Đồng Giám Mục Đức, đã mạnh mẽ phê bình và cảnh báo với một số nội dung sau :

Tổ chức một Công Đồng ở cấp quốc gia là một việc rất hiếm so với việc tổ chức một công nghị, và phải được Tòa thánh phê chuẩn chương trình nghị sự, phạm vi hành động và các quyết nghị cuối cùng. Kế hoạch của các Giám Mục Đức tổ chức tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm đưa ra các chính sách mới cho Giáo Hội tại Đức, theo thư Vatican, là “không thể chấp nhận”…; cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” tại Đức là “vô giá trị về mặt giáo hội học”.

​Điều nầy hoàn toàn nằm ngoài khả năng, thẩm quyền của Công đồng hay Công nghị, như nhận định của Đức Tổng Giám Mục Filippo Iannone, người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về giải thích các văn bản luật:

“Làm thế nào một Giáo Hội địa phương có thể thảo luận với hiệu quả ràng buộc khi các chủ đề thảo luận có liên quan đến toàn thể Giáo Hội?…Hội Đồng Giám Mục không thể mang lại hiệu lực pháp lý cho các nghị quyết về các vấn đề này, điều đó vượt quá khả năng của nó”.

“Tính đồng nghị trong Giáo Hội, mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến, không đồng nghĩa với dân chủ hay những quyết định biểu quyết bởi đa số,” Đức Tổng Giám Mục Iannone viết, và lưu ý rằng ngay cả khi một Thượng Hội Đồng Giám Mục gặp gỡ tại Rôma, thì quyết định chung cuộc có công bố hay không, có hiệu lực thi hành hay không vẫn nằm trong thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng.

II. CÔNG NGHỊ GIÁO HỘI ĐỨC VÀ CHIỀU KÍCH HIỆP HÀNH

1. Từ một “xuất phát điểm tích cực”:

​Không thể phủ nhận rằng : Giáo Hội Đức đang mang trên mình tất cả những trăn trở và thách đố mục vụ đang chi phối không phải nơi Giáo Hội Công Giáo Đức mà là trên toàn thể Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Đặc biệt, các vấn đề nổi cộm mà Giáo Hội Đức đang phải đối diện từ sau Công Đồng Vatican II như “lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ, việc bỏ đạo hàng loạt của giáo dân, mối tương quan hiệu quả tích cực trong việc phân quyền lãnh đạo mục vụ…”, đã khiến các vị mục tử thuộc Hàng Giám Mục Đức thao thức kiếm tìm một con đường “khả thi” để giữ gìn và phát triển Giáo Hội.

​Nhà báo Christian Weisner thuộc tổ chức “WE ARE CHURCH” đã tóm tắt “xuất phát điểm đầy tích cực” của Giáo Hội Công Giáo Đức qua các dòng như sau (tạm dịch) :

Đáp lại kết quả gây sốc của cái gọi là nghiên cứu lạm dụng được công bố vào cuối tháng 9 năm 2018 (“nghiên cứu MHG”), các giám mục Đức đã công bố tại cuộc họp mùa xuân vào tháng 3 năm 2019 một “Tiến trình công nghị ràng buộc”.

Cần ngược dòng lịch sử để hiểu vấn đề nầy: Sau Công đồng Vatican II vào cuối những năm 1970, “Thượng hội đồng Giám Mục Wurzburg” cho Tây Đức cũ và “Thượng hội đồng mục vụ của Giáo hội Công giáo ở CHDC Đức”, cả hai đều trình bày đời sống Giáo Hội ở Đức một cách rất tích cực. Qua đó, Thượng hội đồng Giám Mục Wurzburg đã quy định quyền bình đẳng giữa các giám mục và “giáo dân”, và ngay thời điểm đó, các Giám Mục đã ủng hộ việc phong chức phó tế cho phụ nữ. Tuy nhiên, những quyết định này đã không được Rôma chấp nhận, việc nầy thuộc thẩm quyền riêng. Tuy nhiên, theo phiên bản sửa đổi của Bộ Giáo Luật 1983, một quy định pháp lý kiểuThượng Hội Đồng Giám Mục Wurzburg là không khả thi. Các chủ đề ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội không được nghị trình. Rôma từ chối dính liếu vào các cuộc thảo luận và quyết định như thế. Tất cả điều này có thể đã đóng một vai trò khi các giám mục Đức tại cuộc họp mùa xuân vào tháng 3 năm 2019 tại Lingen, miền bắc nước Đức, đã đề nghị cho Ủy ban Công giáo Trung ương Đức (ZdK) “tham gia trực tiếp công nghị ràng buộc”. Cơ cấu nầy giống như một “Công nghị”, nhưng lại không theo quy định của Giáo luật hiện hành.

2. Đến “tâm thức cực đoan, kẻ cả”:

​Cả thế giới không lạ gì về sự thông minh và ý chí tuyệt vời của người Đức. Tuy nhiên, phải chăng vì cái “gen” ưu đãi nầy, mà dân Đức nói chung, và Kitô giáo Đức nói riêng, đã mang lại những “hệ luỵ” khá đau đơn cho xã hội cũng như cho Giáo Hội.

​Hơn 500 năm trước, vì “quá thông minh và ý chí”, một Luther đã làm “rách toang” tấm áo Giáo Hội, tấm áo vốn đã “vá chằng vá chịt” sau bao nhiêu va vấp trên cuộc lữ hành gian nan của phận người. Riêng xã hội nhân loại hôm nay vẫn còn đang mệt mỏi, phân rẽ cùng những cơn ám ảnh ghê rợn của chủ thuyết “Cọng sản”, của thảm kịch Đệ nhị thế chiến”… do “sáng kiến” của những người Đức (Karl Marx, Engels, Nietzsche, Hitler…).

​Chúng ta có thể nghe nhận xét sau đây của một nhân vật cấp cao của Giáo Hội cũng mang dòng máu Đức:

Với các kiến thức uyên thâm của một vị từng là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết tiến trình công nghị ở Đức ngày nay bắt nguồn từ lịch sử tư tưởng Đức về một “giáo hội quốc gia” và tình cảm chống Rôma, là điều đã phát triển ngày càng tỏ tường từ hậu bán thế kỷ 20, khi các Giám Mục Đức càng ngày càng tỏ ra bất chấp các quyết định từ Rôma.

​Và Vị Hồng Y nầy đã liệt kê ít nhất là 4 lần trong lịch sử Giáo Hội đương đại, các Giám Mục Đức nói riêng và Giáo Hội Đức nói chung, đã cho thấy tính “cực đoan, kẻ cả” của mình trong cách hành xử với thẩm quyền tối cao của Giáo Hội :

– Các Giám Mục Đức đã “tương đối hóa” lệnh cấm của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Humanae Vitae.

– Các Giám Mục Đức đã đưa ra “Tuyên bố Königstein”, trong đó cho phép các cặp vợ chồng được quyết định theo lương tâm của họ có nên sử dụng các phương tiện và các thực hành nhằm tránh thai hay không. 

– Thượng Hội Đồng Würzburg kéo dài từ 1971 đến 1975,  “đã phá vỡ truyền thống Thượng Hội Đồng của Giáo Hội, cả về mặt quy chế lẫn các chương trình nghị sự khi cho người giáo dân có quyền biểu quyết và có số tham dự viên tương đương với con số các Giám Mục và linh mục tham dự Thượng Hội Đồng.” Những thành viên cũng được lựa chọn từ Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK), là những người có một lịch sử lâu dài chống lại các giáo huấn của Giáo Hội về luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ và các giáo huấn về đạo đức tính dục. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong tiến trình công nghị được bắt đầu vào đầu Mùa Vọng sắp đến.

– “Đức Gioan Phaolô II đã vấp phải một sự phản kháng mạnh mẽ hơn các vị khác khi ngài cấm các trung tâm tư vấn của Giáo Hội tại Đức cấp ‘giấy chứng nhận tư vấn’ cho các phụ nữ mang thai. Luật ở Đức đòi các phụ nữ phải có ‘giấy chứng nhận tư vấn’ như một điều kiện tiên quyết để có thể phá thai hợp pháp.” Vị Giáo Hoàng Ba Lan lý luận rằng cái giấy đó “thực tế là án tử hình của những đứa trẻ chưa chào đời,” Đức Hồng Y giải thích. Ngài cho biết thêm: “Quyết định này phát sinh một sự kháng cự mạnh mẽ và dai dẳng nơi hầu hết các Giám Mục Đức, đặc biệt là Đức Hồng Y Lehmann và Đức Giám Mục Kamphaus.”

​Và Vị Hồng y nầy đã chua chát nhận xét : “các Giám Mục Đức vẫn khăng khăng chống Huấn Quyền Hội Thánh. Không vị Giáo Hoàng nào kế vị Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục thành công trong nỗ lực buộc các Giám Mục Đức xem xét lại tuyên bố này”; và ngài cũng cay đắng thốt lên : nhiều Giám Mục Đức không có lòng khiêm nhường và có khuynh hướng muốn trở thành “bậc thầy” của Giáo Hội Hoàn Vũ khi muốn xuất cảng ý tưởng của mình sang các quốc gia khác.

​Người ta còn đọc thấy nới “thái độ kẻ cả” mang tính tôn giáo nầy còn hàm chứa “não trạng chủ nhân ông” của một “đại gia” về kinh tế, tài chánh, mà cả Toà Thánh Rôma và các Giáo Hội địa phường nghèo nàn khác phải “bám vào”, ít nhất bằng cách, phải thoả hiệp với những “đề nghị cấp tiến” chỉ thích hợp cho một thiểu số nào đó trong Giáo Hội Công Giáo Đức, như nhận xét sau đây của ký giả :

Ngân sách của Tòa Thánh vào khoảng 300 triệu Euro, thực ra chỉ bằng 1 phần 3 ngân sách tổng giáo phận Munich của Đức Hồng Y Marx. Trong thư gửi Đức Hồng Y Marx, Đức Thánh Cha yêu cầu Đức Hồng Y thông báo cho các vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh về tình trạng tài chánh trầm trọng hiện nay và gấp rút tìm các phương thế giải quyết. Các viên chức Vatican e rằng tình trạng thiếu hụt ngân sách kéo dài hiện nay có thể làm giảm nguồn tài chánh dự trữ của Tòa Thánh, làm thương tổn đến sứ mạng của Đức Giáo Hoàng trong các lãnh vực đòi nhiều tài nguyên như các quan hệ ngoại giao, việc bảo trì các dinh thự và đền đài lịch sử cũng như các kho tàng nghệ thuật của Vatican, và những chi phí thiết yếu khác như tiền hưu bổng của các nhân viên. Sự lệ thuộc của Tòa Thánh vào Đức Hồng Y Marx có thể giúp giải thích thái độ của các Giám Mục nước này khi bác bỏ một đề nghị được Đức Thánh Cha đưa ra hồi tháng Sáu năm nay.

​Hay như nhận xét của Đức Hồng Y Walter Brandmüller về “tác động” của các Giám Mục Đức đối với Thượng Hội Đồng Amazon sắp tới :

các Giám Mục Đức muốn “ảnh hưởng” đến Giáo Hội Hoàn Vũ từ “nguồn tiền dồi dào chảy từ tiền thuế đóng cho Giáo Hội Đức sang các vùng nghèo hơn trên thế giới, qua đó tăng cường ảnh hưởng của Đức trên trường quốc tế. Chẳng hạn, ảnh hưởng của Đức đối với Thượng Hội Đồng Amazon.

3/. Một “tiến trình công nghị” không mang “mô thức hiệp hành(The synodal form):

​Cho dù đã có một thời điểm nào đó, chẳng hạn như cuộc “Đại ly giáo của Phương Tây” vào cuối thời Trung cổ, Công Đồng chính giải pháp duy nhất và khả thi để tái lập sự hiệp nhất cho Hội Thánh. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự “hãn hữu” khi thẩm quyền tối cao của Giáo Hội gần như “vô hiệu”. Ngoài ra, tiến trình công đồng, một cơ chế cần phải bám theo Truyền thống và phải tính đến thẩm quyền nguyên thủy của Giáo hoàng như một bảo đảm cần thiết.”

​Gợi lại một “sự cố lịch sử” đó để thấy rằng : “tiến trình công nghị” của Giáo Hội Đức, theo như những diễn tiến cho đến giờ phút nầy, đang đứng trước một cuộc khủng hoảng trầm trọng về “mô thức hiệp hành” (the synodal form) của Giáo Hội. Đây là một “công nghị” phản ảnh một Giáo Hội đang thiếu ba yếu tố nền tảng mang tính tương quan và “hai hành động mang tính mục vụ thực hành” để kiến thiết nên một Giáo Hội được thánh Gioan Kim Khẩu định nghĩa là “Giáo Hội hiệp hành”

Ba yếu tố nền tảng mang tính “tương quan” đó là :

– “TẤT CẢ” : “tiến trình công nghị” không phản ảnh và đại diện cho “cảm thức đức tin” (sensus fidei) của toàn thể Dân Chúa. Giáo Hội Đức không phải là đại diện cho “Giáo Hội hoàn vũ”.

– “MỘT NHÓM” : Hội Đồng Giám Mục Đức, hay Uỷ Ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) luôn cần lắng nghe nhau và đón nhận nhiều ý kiến khác để tạo nên “nhóm đại diện” phản ảnh trung thực tiếng nói của Dân Chúa, chứ không chỉ là một “thiểu số độc quyền”.

– “MỘT” : Tức phải liên kết với Đại diện Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng chính là “nhân tố” để Hội Thánh “nên một”. Mọi cơ cấu trong Giáo Hội mà tách lìa khỏi yêu tố “MỘT” nầy, sẽ dẫn đến chia rẽ, ly giáo. (Xem thêm Uỷ Ban Thần học Quốc tế cắt nghĩa “3 yếu tố nền tảng đó” như sau:)

Hai hành động mang tính mục vụ thực hành” đó là :

– “LẮNG NGHE” : “Tiến trình công nghị” chưa thật sự “lắng nghe nhau”: Giám Mục đoàn nghe nhau, Hội Đồng Giám Mục nghe Dân Chúa, nghe Toà Thánh.​

– “TRUYỀN GIÁO” : “Công nghị” chỉ dừng lại giải quyết những “vấn đề nhạy cảm” thuộc kỷ luật và bí tích theo hướng “thoả hiệp với thế gian” hơn là nhắm đến “viến tượng truyền giáo”, vốn là chiều kích căn bản làm nên một “Giáo Hội hiệp hành”.

KẾT LUẬN :

​Người Anh, nghe đâu từ thế kỷ 17, đã truyền cho nhau câu ngạn ngữ nầy : “Every dark cloud has a silver lining” (Đám mây đen nào cũng có ánh bạc).

​Một cách nào đó, trên “bầu trời Giáo Hội Công Giáo” cũng đang vần vũ một “đám mây đen”; những “mây đen”: một đàng phát xuất từ chính những yếu đuối, bất toàn, gương mù gương xấu, chia rẽ… của các thành viên trong Giáo Hội, trong đó có cả những bậc “quyền cao chức trọng”; một đàng là những tấn công, kết án, loại trừ của những “thế lực phản Kitô” càng lúc càng hung hăng, dữ dội.

​Sự kiện “tiến trình công nghị có hiệu lực ràng buộc” của Giáo Hội Công Giáo Đức cũng là một “đám mây đen khổng lồ” đang dự báo những cơn “mưa to gió lớn” trên bầu trời Công Giáo phương tây và ảnh hưởng không nhỏ tới Giáo Hội hoàn vũ mà Đức Hồng y không ngần ngại gọi đó là một “bóng ma” sẽ dẫn Giáo Hội Đức đến ‘con đường diệt vong” :

“Không còn có thể thờ ơ nữa: bóng ma của một giáo hội quốc gia ở Đức càng ngày càng tỏ tường” Đức Hồng Y viết. Ngài nhấn mạnh rằng “tình trạng cô lập trong phạm vi quốc gia của những người Công Giáo Đức còn sót lại, khi co cụm trong một thứ Đức Giáo, gần như không có bất kỳ mối quan hệ đến Rôma, chắc chắn sẽ là con đường diệt vong.”

​Tuy nhiên, cũng có người lạc quan, như ký giả Francis Rocca của tờ Wall Street Journal thì lại hy vọng rằng :

Tiến trình công nghị mang tính ràng buộc” có lẽ là cơ hội duy nhất và có lẽ là cuối cùng để vượt qua cuộc khủng hoảng Giáo Hội hiện nay ở Đức. Tuy nhiên, để thực hiện công nghị này, các giám mục cần phải đối thoại minh bạch mà không cần điều kiện tiên quyết nào, theo các điều khoản bình đẳng với Ủy ban Trung ương Công giáo Đức (ZdK), các thành viên khác thuộc giáo dân, các nhà thần học và các nhóm cải cách. Dù saocũng không nên không đặt quá nhiều hy vọng vào “tiến trình công nghị” này, trừ khi biết rõ ai sẽ tham gia  cách thức đưa ra quyết định cũng như bản chất ràng buộc của công nghị

​Và còn thế nữa, Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, nguyên chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh đã nhìn về Giáo Hội Đức không phải với “bức phông” ảm đạm của “tiến trình công nghị” mà là “hậu cảnh” của một “đoàn chiên Đức” khoẻ khoắn, yên vui, làm nên sức sống cho Giáo Hội :

Nhiều người đến với tôi cho biết rất nản lòng, một số người muốn rời khỏi Giáo Hội. Nhưng tất cả không phải là bóng tối. Hãy nhìn những người trẻ này. Hãy nhìn vào những ơn gọi này, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà ngay cả ở Đức. Bạn biết người ta nói nhiều về sự tục hóa ở Đức, nhưng tại Đức vẫn có những người trẻ Công Giáo và các gia đình Công Giáo thánh thiện. Tôi tin rằng Chúa Kitô đã nói Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Ngài sẽ ở bên chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Tôi đặt niềm xác tín nơi Ngài. Tôi hoàn toàn tin tưởng Ngài.

​Cùng với niềm hy vọng đó, chúng ta bước vào Tháng Mân Côi, năm nay, là “Tháng truyền giáo ngoại thường” với tâm tình hiệp thông cầu nguyện với Đức Thánh Cha Phanxicô xin xin cho hơi thở của Chúa Thánh Thần khai sinh một “mùa xuân” truyền giáo mới trong Giáo Hội.

​Và đó chính là “ánh bạc” đang rạng rỡ giữa bầu trời vần vũ mây đen.

Cha sở nhà quê (Tháng 10.2019)