BUỔI HOÀNG HÔN ÊM Ả

Rev. Trương Đình Hiền
(Một chút cảm nhận về Tu Viện Mến Thánh Giá Gò Thị)

​Trong Năm Thánh hồng ân của Giáo phận Qui Nhơn, nếu có ai hành hương đến nhà thờ Gò Thị, quê hương của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông (1790-1855), cũng nên dành dành một chút thời gian để tham quan Tu viện Mến Thánh Giá Gò Thị, tọa lạc ngay phía sau lưng thánh đường.
​Khi nhắc đến “Tu viện Mến Thánh Giá Gò Thị” của năm 2017 nầy, chúng ta lại phải quay về 346 năm trước, tức năm 1671, một trong những điểm nhấn lịch sử quan trọng của công cuộc truyền giáo tại Đàng Trong, như sách lịch sử “GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN” đã ghi rõ :
“Dòng Chị Em Mến Thánh Giá, gọi tắt là Dòng Mến Thánh Giá, do Đức cha Lambert de La Motte thành lập tại Giáo phận Đàng Trong từ năm 1671. Trong Giáo phận Qui Nhơn dưới thời Đức cha Grangeon, Hội dòng này có 11 phước viện: Phú Thượng, Trà Kiệu, Cù Và, Gia Hựu, Đại An, Gò Thị, Làng Sông, Mằng Lăng, Bình Cang, Dinh Thủy và Kontum, với gần 300 nữ tu, nhưng sinh hoạt biệt lập với nhau, chỉ có Giám mục làm Bề trên các phước viện trong Giáo phận. Từ trước đến nay các nữ tu chuyên tâm làm việc lành, ăn chay hãm mình, đọc kinh cầu nguyện, đi rửa tội cho con nít ngoại giáo, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ mồ côi, nấu nướng, may vá, giúp việc hai nhà trường, nên có nhiều công khó. Tuy nhiên lề luật và những công việc làm theo kiểu cách ngày xưa không còn hợp với thời nay bao nhiêu. Nhất là Tòa Thánh đã thúc giục các Giáo phận mở trường học, bệnh viện và tổ chức các hoạt động từ thiện. Để đáp ứng các yêu cầu giáo dục và từ thiện này, các nữ tu địa phương cần phải được học hành chữ nghĩa, khả năng chuyên môn và tu luyện kỹ lưỡng hơn. Do đó cũng cần phải sửa đổi luật dòng cho phù hợp với hoàn cảnh mới, sứ vụ mới, và với giáo luật 1917”.
​Mặc dù có xuất phát điểm từ cội nguồn lịch sử trên 3 thế kỷ (1671), nhưng Tu viện Mến Thánh Giá Gò Thị mà chúng ta đang nói tới lại gắn liền với “giai đoạn cải tổ và chính thức thành lập Dòng Chị em mến Thánh Giá ở địa phận Qui Nhơn” (1924-1932).
​Để nắm rõ các chi tiết lịch sử liên quan đến giai đoạn nầy, chúng ta lại phải quay về với tài liệu “GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN”, qua các cột mốc sau :

1. Xây dựng “Nhà Mẹ” và chuẩn bị tiến trình cải tổ :

“Đức cha Grangeon đã ủy nhiệm trọng trách cải tổ Hội dòng cho cha Solvignon, thường gọi là Cố Lành, sau khi cha được bổ nhiệm về làm cha sở Gò Thị từ năm 1920. Công việc đầu tiên là xây dựng cơ sở Nhà mẹ tại Gò Thị. Cha đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để xin giúp đỡ. Nhà mẹ được khởi công xây dựng năm 1922, đến tháng 03 năm 1924 thì hoàn thành và được Đức cha Grangeon làm phép ngày 21.05.1924. Đó là một tòa nhà hai tầng khang trang đồ sộ. Nhà tập được xây dựng tiếp theo và hoàn thành vào giữa năm 1925. Song song với việc xây dựng Nhà mẹ, cha Solvignon còn lo soạn thảo nội quy, chuẩn bị việc khai mở lớp huấn luyện đầu tiên”.

2. Hoàn thiện cơ sở và những lớp nữ tu đầu tiên :

“Khóa huấn luyện đầu tiên trong chương trình cải tổ diễn tiến tốt đẹp, kết quả là ngày 14.09.1926, lễ Suy tôn Thánh Giá, có 17 trinh nữ được mặc áo dòng trong nghi thức trọng thể tại nguyện đường Nhà mẹ, do Đức cha Grangeon chủ sự với sự tham dự của cha Quyền đại diện và 15 linh mục. Tiếp theo sau nghi lễ mặc áo dòng của các tập sinh để bắt đầu năm tập một, Đức cha chủ sự nghi thức làm phép ngôi nhà tập hai tầng rộng lớn. Năm sau, ngày 08.12.1927 có 14 người được mặc áo dòng và ngày 01.02.1928 có thêm 14 người nữa. Họ được huấn luyện một cách kỹ lưỡng, được học tập văn chương chữ nghĩa, các việc nữ công, tập luyện nữ hạnh và các nhân đức của bậc tu trì, để khi mãn hạn nhà tập thì khấn hứa dâng mình cho Chúa. Đây không phải là một Hội dòng mới, nhưng vẫn là Dòng Chị Em Mến Thánh Giá như trước. Chỉ có điều là trước đây không có lời khấn, bây giờ có lời khấn.
Nhận thấy chương trình cải tổ tiến triển tích cực, Đức cha Grangeon quyết định đệ trình Bản tâu xin lập dòng lên Tòa Thánh để xin phê chuẩn, trong đó ngài trình bày mục đích chương trình cải tổ Dòng Mến Thánh Giá trong Giáo phận Qui Nhơn và tất cả những gì đã được thực hiện từ năm 1924 đến 1928. Cuối năm 1928, lớp tập sinh tiên khởi đã hoàn tất việc huấn luyện và Đức cha quyết định tổ chức lễ khấn tạm đầu tiên vào ngày 19.02.1929 tại tập viện Gò Thị. Đức cha Herrgott, Giám mục Giáo phận Phnom Penh, đang ghé thăm Qui Nhơn và được mời chủ sự lễ khấn, với sự tham dự của 17 linh mục trong Giáo phận. Sau lễ khấn, 14 khấn sinh tiên khởi đã lần lượt lên đường phục vụ. Ngày 02.03.1929, Thánh bộ Tu viện đã ban Sắc chuẩn y Bản tâu xin lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá của Đức cha Grangeon”.

3. Dòng Chị Em Mến Thánh Giá Qui Nhơn chính thức được thành lập :

“Cũng một đà phát triển như thế, năm 1930 Dòng Chị Em Mến Thánh Giá cải tổ đã có 45 thỉnh sinh, 12 tập sinh và 24 khấn sinh. Với số nhân sự ấy Hội dòng đã cung cấp một số chị em dạy học tại các trường học địa sở và phục vụ tại bệnh viện Kim Châu cũng như tại trại phong Qui Hòa. Sau hơn 3 năm được Thánh bộ Tu viện ban Sắc chuẩn y, ngày 14.09.1932, Đức cha Augustin Tardieu Phú đã chính thức ban “Chỉ thị lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá ở địa phận Qui Nhơn”. Ngày 22.08.1935, lễ khấn trọn đầu tiên của Hội dòng mới cải tổ đã được tổ chức tại Nhà mẹ Gò Thị do Đức cha Tardieu chủ sự. Số chị em khấn trọn là 11 người trong số 14 chị em khấn tạm của khóa đầu tiên. Một trong số các chị em khấn trọn lần này có nữ tu Marie Mélanie Nguyễn Thị Đồng sẽ trở thành Mẹ Bề trên tiên khởi của Hội dòng vào năm 1940”.
​Sở dĩ nhắc lại khá dài dòng về khái quát lịch sử của “Tu Viện Mến Thánh Giá Gò Thị”, là để những ai đã một lần đến đây có thể cảm nhận rằng : đằng sau bờ tường của Tu Viện êm ả kia, có những con người “liễu yếu đào tơ” đã đi qua dọc dài năm tháng của một cuộc hành trình đức tin 346 năm đầy máu xương và nước mắt, gian lao và khổ lụy, mà trang hùng sử của giáo phận Qui Nhơn vẫn còn ghi dấu :
“Trong cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885, Giáo phận Đông Đàng Trong đã bị tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay. Về nhân sự: 8 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 24.000 giáo dân đã bị sát hại hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc, cũng có người lập nghiệp nơi khác không trở về. Về cơ sở vật chất: Tòa Giám mục Làng Sông, 225 nhà thờ và nhà nguyện, 10 phước viện, 2 chủng viện (Làng Sông và Nước Nhỉ), 17 cô nhi viện, 2 phòng phát thuốc, 1 nhà in, 4 nông trại, bị phá hủy”.
​Chúng ta thấy đó, chỉ với 1 năm 1885 thôi, trong cuộc bách hại của phong trào Văn Thân thôi, mà đã có 270 nữ tu Mến Thánh Giá hy sinh. Như vậy trong suốt chiều dài 346 năm, chắc chắn còn rất nhiều những chứng nhân anh hùng chấp nhận đi vào quy luật của Tin Mừng : “Hạt lúa mì mục nát giữa lòng đất” (Ga 12,24). Và Giáo Hội cũng đã ghi nhận những của lễ hy sinh cao quý đó khi tuyên phong hai nữ tu Mến Thánh Giá Anê Soạn, quê Diêm Điền, Bình Định và Anna Trị, quê Dinh Thủy Phan Rang lên hàng “Các Tôi Tớ Chúa” ngày 12.11.1918.
​Về quê hương Gò Thị vào một chiều cuối thu, thấp thoáng bên trong cánh cửa Tu Viện, có những nữ tu đang cắm cúi chăm sóc những luống rau xanh, những đường hoa đang thắm nở, cùng với những âm thanh của tiếng phong cầm vang vọng đâu đó trên dãy lầu cổ kính gần 100 năm tuổi, đã mang đến một cảm giác yên bình thánh thiện.
​Vâng, ở giữa cái chợ đời bon chen bụi bặm nầy, có được một buổi hoàng hôn êm ả như thế quả là hiếm hoi ; và còn hiếm hoi hơn nữa, nơi đó, đang có những con người, những thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, từ bỏ tất cả để hiến dâng cuộc đời yêu thương và phục vụ con người, phục vụ Giáo Hội trong âm thầm lặng lẽ.

Trương Đình Hiền. (Tháng Mân Côi 2017)

Leave a Reply