CÁI CHỮ LA TINH

Cái chữ Latinh

Cát Giang

Cái học chữ Lat đã hỏng rồi
Mười trường theo học chín trường thôi.
Tuy chỉ là mấy câu nhái theo thơ Trần Tế Xương, nhưng nó cũng đã phản ánh được chuyện học tiếng Latinh ở các tiểu chủng viện thuộc miền nam giữa thập niên 60. Khi ấy, mười tiểu chủng viện thì đã có tới chín trường bỏ tiếng Latinh, nếu ở đâu đó còn học, thì cũng chỉ coi nó như một môn nhiệm ý, học cho biết.
Từ 1963, sau khi công đồng Vatican cho phép thánh lễ được cử hành bằng tiếng bản xứ thì trong nhà thờ, người ta hết gặp cái cảnh phía trên các cha cứ Saecula saeculorum, còn phía dưới các con cứ lầm rầm Kính mừng thánh Ma… sao cho đủ ba chuổi năm mươi là hết lễ, là Ite Misa est.
Trước sự thay đổi ấy, nhiều giáo phận đã nhanh chóng ra quyết định bỏ tiếng Latinh. Đà Nẵng Nha Trang bỏ, Cần Thơ Long Xuyên bỏ, Mỹ Tho cũng bỏ, chỉ có Qui Nhơn là không bỏ. Quy Nhơn vẫn một lòng một dạ cùng La tinh. Từ lớp đệ lục (lớp bảy) trở lên, mỗi tuần sáu giờ lên lớp, lũ tôi vẫn nhịp nhàng « sum es est », vẫn rộn ràng “do vestem pauperi”, vẫn sang sảng “magister dixit”. Lũ tôi vẫn cắm đầu cắm cổ cày ải trên mảnh đất Latinh, cứ tựa như cả cái dòng họ bọn Roma cổ xưa nói tiếng Latinh, sắp tràn qua nước ta rồi vậy.
Thật đáng tiếc cho Latinh, một ngôn ngữ từng được cả đế quốc Roma hùng mạnh ngày xưa xử dụng và hiện nay, bộ chữ cái của nó vẫn đang được hơn 4 tỉ 900 triệu người trên thế giới dùng, trong đó có Việt Nam, lại phải trở thành một thứ tử ngữ, ngôn ngữ chết.
Các bài văn của Cicero, Caesar, Hanibal… có câu cú trúc trắc vòng vèo còn hơn cả đường đèo Cù Mông, vẫn được lũ tôi ngày đêm khiêng tự điển ra mà xếp lại cho ngay hàng thẳng lối. Ôi. Nếu có ai đó bảo rằng “ phong ba bảo táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga » thì đó chỉ là vì họ chưa biết tiếng Lat. Đụng tới món Latinh rồi sẽ biết ngay cái gì là đá, cái gì là vàng. Tiếng Nga chỉ là võ sỉ hạng ruồi, tiếng Lat mới là võ sĩ hạng nặng, chỉ cần dợt sơ qua vài đường quyền, Latinh sẽ cho đối thủ biết ngay thế nào là lễ độ.
Còn nhớ lúc vừa mới nhận những cuốn sách giáo khoa Latinh mà dù ở lớp nào bìa cũng chỉ in mỗi một màu xanh rêu đậm, chưa kịp lật ra xem mà các đàn anh đã ân cần dặn lũ tôi là thằng nào muốn giỏi tiếng Lat thì phải thông thạo môn la làng !
Chia ráo. Đó là châm ngôn của Latinh. Chẳng những động từ chia, mà cả danh từ, tính từ cũng chia luôn. Mỗi chữ phải chia đủ 12 lần. Số ít chia 6 lần, số nhiều 6 lần. Mà từng chữ lại có những kiểu chia khác nhau, thế mới chết chứ. Nội chuyện học chia cho nhuyễn đã muốn sụm bạ chè. Nominatif, vocatif, genitif, accusatif, datif, ablatif. Tùy trường hợp trong câu mà ta chọn một chữ thích hợp nhất trong 12 chữ đó đem ráp vào. Mà cái trường hợp ấy thì nhiều như sao trên trời như cát dưới biển. Vậy phải làm sao. Chỉ một cách duy nhất, đó là : học. học nữa, học mãi ( Nghe nói đồng chí Y lít Lenin nhờ có thời gian theo học Latinh mà phát minh ra được câu nói hay ho này )
Các cha giáo cũng biết Latinh khó nên vẫn thường xuyên động viên chúng tôi bằng những lời nghe chẳng ăn nhập gì với mục đích học ngoại ngữ : Học Latinh là để tập cho mình biết suy luận chặt chẻ. Cha mẹ ơi ! Sao không nói luôn là học vẻ bánh mì sẽ luyện cho con người ta khả năng nhịn đói ! Nhưng nghĩ lại cũng đúng. Câu cú trong tiếng Latinh rất chặt chẻ, một chữ dù đứng chổ nào bất kỳ, nhưng chỉ cần nhìn vào giống, nhìn số, nhìn cas của nó là ta ( ta ở đây dùng chỉ riêng những thằng học giỏi) biết ngay nó thuộc về nơi nào. Chẳng phải ngẫu nhiên mà xưa nay các hiệp định hòa bình trên thế giới đều được soạn thảo bằng tiếng Latinh. Văn bản Latinh không có chổ cho giải thích lươn lẹo.
Một bằng chứng nữa chứng minh cho việc học tiếng Latinh khó, đó là dốt. Dốt cả lũ, dốt hoành tráng. Học hết cấp 3 mà mười thằng thì đã có tới tám thằng rưởi dốt tiếng Lat rồi. Trong khi đó, hai ngoại ngữ còn lại là tiếng Anh và Pháp thì nói xin lỗi chuyện gì chứ mấy cuốn truyện trinh thám, truyện đồng quê Anh Pháp tụi tôi đọc khỏe re, cầm tờ Times hay tờ Le Monde xem cũng chẳng đến nổi. Nhưng riêng Latinh thì xin lạy. Nghe như vịt nghe sấm. Xem như mù xem voi. Bài nào đã học rồi thì còn hiểu đôi chút, chứ gặp bài mới là chắp tay con quỳ ngay tại chổ. Khó cực kỳ. Dù tụi tôi chẳng hề làm biếng, dù tụi tôi vẫn cày sâu cuốc bẩm, thậm chí còn cày sâu hơn các môn khác. Thế mà dốt vẫn hoàn dốt. Xong 12 là chữ thầy trả thầy.
Giờ đây nếu một ai đó hỏi tôi là có còn nhớ gì về tiếng Latinh không thì xin thưa rằng bụng dạ nào mà ta có thể quên nó được. Tôi vẫn còn nhớ từng cái bìa sách in màu xanh rêu đậm mà trong suốt sáu năm trường anh em chúng tôi đã hì hục mài cho rosa hóa ra rosis, mài cho sắt hóa thành xà beng.
– Hỡi những cuốn sách có bìa in màu xanh rêu đậm, cho tới chết ta vẫn sẽ không bao giờ quên các ngươi… nếu có quên thì chỉ là quên những thứ nằm ở phía bên trong mà thôi.

Cát Giang

Leave a Reply