CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG

CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG

Tiểu Chủng Viện Làng Sông toạ lạc tại Thôn Quảng Vân, Xã Phước Thuận, Huyện Tuy Phước Tỉnh Bình Định. Đây là 1 Tu Viện được xây dựng theo kiến trúc Gothic, trầm mặc, cổ kính nằm êm đềm dưới những hàng sao xanh rì gần cửa sông Phú Hòa đổ ra Đầm Thị Nại. Tiểu Chủng Viện Làng Sông còn được người dân địa phương gọi là “ Nhà Thờ Lòng Sông” vì nơi đây được bao quanh toàn là vùng ruộng đồng sông nước.

Không rõ Tiểu Chủng Viện Làng Sông ra đời từ năm nào – Nhưng sau văn thư ra ngày 22/02/1963 của Thánh bộ Chủng viện và đại học gởi cho các chủng viện với lời đề nghị các nơi nên tổ chức lễ mừng kỷ niệm thì ngày 14 tháng 1 năm 1964 Tiểu chủng Viện Làng Sông đã tổ chức mừng kỷ niệm Bách chu niên. Như thế Chủng viện Làng Sông đã được thành lập từ năm 1864 và tới nay là  hơn 150 năm .

Tuy nhiên đó chỉ là năm ra đời còn cơ sở trường được xây dựng sau đó rất lâu, dưới thời Đức Giám Mục Đamianô Grangeon Mẫn theo mẫu thiết kế của Cha Dorgeville và được hoàn thành ngày 21/09/1927. Công trình này vẫn tồn tại cho tới hôm nay .

 Hiện nay toàn thể công trình kiến trúc cổ kính này đã được Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi cho trùng tu đẹp đẽ, khang trang để chào đón biến cố lịch sử kỷ niệm 400 năm giáo phận Quy Nhơn đón nhận tin mừng ( ngày 26/07/2017).

Nếu du khách có dịp về Bình Định nên một lần ghé thăm trườngđể chiêm ngưỡng cái công trình kiến trúc cổ nằm giữa một không gian thoáng đãng hài hòa với thiên nhiên và cây cỏ chung quanh. Nó sẽ giúp tâm hồn mọi người tìm được những phút giây thư thái .

Nói tới đây, tôi chợt nhớ đến bài hát được Cha giáo Nguyễn Trường Cửu sáng tác: “ Đây Chủng Viện oai hùng, hàng sao cao vút…” . Đó là một bản nhạc hùng mạnh với những ca từ đẹp đẽ mô tả về Chủng Viện Làng Sông mà mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn còn nguyên những cảm xúc như lần đầu tiên được nghe, cách đây hơn 54 năm, khi mới chập chửng bước chân vào Tiểu Chủng Viện năm 1964.

Khi nhập học trường Làng Sông tôi mới lên 11 tuổi. Cái tuổi còn quá non để đủ khôn, đủ lớn. Mọi sinh hoạt trong trường đều đi theo một lập trình đã có sẵn, đó là Bản Nội Qui Tiểu Chủng Viện” vẫn được đọc hàng ngày trước bữa ăn trưa và ăn tối”.

Lại nói về những hàng cây sao: Vì là cây cổ thụ cành lá xum xuê nên hàng năm cứ tới mùa mưa bão sân trường lạitràn nước lũ từ dưới sông dâng lên và những cành sao gãy đổ. Thế là vào những giờ ra chơi chúng tôi lại có dịp lội nước, trèo lên các cành cây nghịch ngợm thích thú. Sợ các chú gặp nguy hiểm, cha Giáo Đỗ Bích Ngô anh ruột của Cha Đỗ Bích Diệp,với chiếc roi cá đuối trên tay âm thầm chèo thuyền ra rồi bất ngờ xuất hiện, ngài quất roi làm cả bọn không kịp chạy. Sợ roi cá đuối lắm nên nhiều đứa ” khôn trước tuổi lúc nào cũng kẹp vài quyển vở lót sắn trong quần đùi sau đít để lở có ăn roi cá đuối thì chẳng cảm thấy đau đớn gì”..

Một kỷ niệm khác cũngm tôi nhớ là thằng bạn cùng lớp là Chú Dũng, sau này có biệt danh là “ Dũng Chuối”. Chả là khu vườn rộng nằm sau nhà bếp được trồng chuối và hình như lúc nào cũng có chuối chín trên cây. Nhìn mấy buồng chuối ửng vàng kia các c thèm lắm, thèm không những vì hình ảnh mấy buồng chuối cứ đập vào mắt mình mà còn vì đang độ tuổi lớn, bụng lúc nào cũng đói, cũng muốn nạp thêm calori để tăng trưởng.

Rồi chuyện gì phải đến đã đến khi cái buồng chuối lớn nhất, hấp dẫn nhất trong đám biến mất. Chuyện tày trời như thế làm sao qua mắt được thầy Giám Thị. Chú Dũng bị phát hiện là nhân vật đã hái trộm. Tang vật được dấu trong vali để nơi phòng ngủ. Thế là hình phạt do đích thân Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện là cha Phaolô Nguyễn Thanh Bình đưa ra : Trong tất cả các giờ sinh hoạt đi đâu Chú cũng phái xách buồng chuối kè kè theo bên mình. Một hình phạt chưa có tiền lệ. Vừa lạ vừa buồn cười! Mà còn lạ hơn khi sang tới ngày thứ hai thì cái buồng chuối lớn ấy chỉ còn lại mỗi cái cùi. Lý do là vì mỗi lần chuối được dựng đâu đó liền bị các chú khác lén bứt ăn. Thật tội nghiệp cho Chú Dũng đã vác buồng chuối nặng mà lại không được hưởng (Dũng hiện nay vẫn còn sống khỏe, vợ con đuề huề, cuộc sống kinh tế ổn định tại Quận Tân Bình TP Hồ Chí Minh).

Còn một chuyện “động trời” nữa đó là chuyện về Chú Mỹ và Chú Chi. Các chú này trên tôi 2 lớp thuộc niên khóa 1962. Hai Chú đều là những học sinh giỏi, xuất sắc của lớp. Học giỏi nên được Cha Bề Trên ưu ái cho sáng sáng vào giờ lao động thay vì phải làm công tác quét lớp, dọn phòng vệ sinh như chúng tôi thì lại được cho vào phòng ngài dọn dẹp lau chùi bàn ghế. Thế rồi vì tò mò mới lục lọi tủ sách, lấy trộm truyện Tàu đem ra ngoài đọc, lại còn dám khui mấy chai nước ngọt co- ca co-la ra uổng thử cho biết. Đi đêm có ngày gặp ma, sau vài lần tự sướng đã bị phát hiện. Thế là A Lê hấp bị đuổi cổ về ngay không cho một lời trăn trối.

Lại nói về chuyện lớp của tôi. Khi mới vào Làng Sông niên khóa 1964, sĩ số lớp chúng tôi là đông nhất, 60 tên. Thế mà chỉ sau một năm còn lại chưa tới 50. Cứ thế, sau mỗi niên khóa lại bị rụng lần. Quá nhiều lý do: Đứa thì nhớ nhà khóc kể đòi về, nhất là những Quí tử con nhà giàu. Cái này thì dễ, muốn về nhà trường kêu cha mẹ vào dẫn về liền. Đứa thì vì hạnh kiểm xấu: đánh lộn, ắn cắp vặt, lười biếng lao động...vv… Nhưng nhiều nhất vẫn là về cái khoản học lực. Cứ mỗi năm lại có trên dưới 10 cái tên cuối sổ bị “ cắt điThế nên mỗi lần tổng kết nghĩ hè, 10 tên đội sổ đều lo âu hồi hộp không biết mình có còn được Tu tiếp hay không?

Như lớp chúng tôi đầu vào niên khóa 1964 sỉ số là 60, nhưng đến 1972 sau khi lấy Tú tài II, chỉ còn lại đúng 19 Chú được lên Đại Chủng Viện. Nhưng rồi cuối cùng chỉ còn 4 thầy được bước lên bàn thánh ( Cha Lữ Minh Điểm, Cha Trương Đình Hiền, Cha Trần Bạch Hổ ở Úc và Cha Lê Văn Quảng ở Đài Loan). Đúng như lời kinh thánh: “ Chúa gọi thì nhiều nhưng chọn thì ít” (MTT 22-01-14).

…. Và còn biết bao kỷ niệm êm đềm khác khi còn làm Chú ở Tiểu Chủng Viện Làng Sông niên khóa 1964 mà tôi không thể kể hết được.

Phải chăng tuổi trẻ thì hướng về tương lai còn tuổi già thường hay hồi tưởng về quá khứ, nhất là một quá khứ đẹp đẽ và êm đềm như thời gian làm Chú tại Tiểu Chủng Viện Làng Sông.

Tuy hòa, Mùa Phục Sinh 2018

                                                                          Dom. Long

Leave a Reply