Chuyện 16 tấn vàng

 

Lại Chuyện 16 Tấn Vàng

Nguyễn Thanh Huân

Tin Tức – Tin Đồn

Trong thế giới tự do tây phương chuyện trong công khố quốc gia còn bao nhiêu vàng hay ngoại tệ hiện kim dự trữ gần như là một bí mật quốc phòng. Như nước Úc thường đầu tháng năm mỗi năm chính phủ công bố ngân sách năm tới trong đó nêu ra chính phủ thu – chi bao nhiêu, đánh thuế cái gì, còn nợ bao nhiêu và lúc nào thì thặng dư. Tuyệt nhiên hiếm khi đả động đến số vàng hay ngoại tệ hiện kim bảo chứng. Chính phủ Việt nam cộng hòa (VNCH) thời trước cũng vậy. Ấy thế mà những ngày gần cuối tháng 4.1975, người dân nghe cái tin “động trời” nầy và thực hư ra sao chúng ta thử tìm hiểu xem sao.

Những ngày gần cuối tháng 4. 1975 có quá nhiều tin tức giật gân, nóng hổi, sốt dẻo từ rất nhiều nguồn. Đài BBC cũng là một trong những nguồn tin đó. Đúng sai hay giật gân thì bây giờ đã rõ. Tội nghiệp cho đồng bào miền Trung, miền đất chịu bao nhiêu thiên tai rồi nhân tai, bom đạn cày xéo còn chưa đủ bây giờ họ phải chạy theo tin đồn: tin đồn chia cắt thêm đất nước, tin đồn đã hiệp thương, tin trên đài BBC nơi nầy chỗ kia đã mất liên lạc, mất kiểm soát v.v… Đúng là mấy ông phóng viên sa-lông máy lạnh ngồi trong nhà mà suy diễn. Có lần người viết đang ở Phan thiết bình an vô sự, tối đó nghe trên BBC nói Phan thiết đã mất liên lạc. Thế là dân chúng đùng đùng di tản về phía Bình tuy tạo nên một dòng người như thác lũ. Tối 30.04 cũng đài nầy nói dân chúng đứng hai bên đường Trương minh Giảng và Hồng Thập Tự vẫy cờ đón chào đoàn quân giải phóng. Thật sự chỉ có mấy ông bà 30/4 mang khăn đỏ thôi chứ dân chúng nào?! Rồi cũng mấy cái đài phát thanh nọ loan tin sau khi tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ chức bay qua Đài loan với cả mấy tấn hành lý, có cả thuê bao chở 16 tấn vàng.

Nghe vậy người dân càng oán ghét và căm giận ông Thiệu hơn đã không bảo toàn đất nước, giờ phút cuối còn hốt của quốc gia tiêu xài. Cạn tàu ráo máng!! Thôi thì người ta thuê dệt đủ thứ chuyện và cũng đủ màu sắc, gia vị hành tiêu muối ớt chanh sả, tạp pí lù.

Sự Thật Mở Dần

Không biết sau bao lâu Tiến sĩ Nguễn văn Hảo, một bộ trưởng của VNCH còn ở lại với chế độ mới, lên tiếng xác nhận là 16 tấn vàng còn nằm nguyên trong công khố quốc gia và xem chừng ông kể công là nhờ ông mà giữ lại được tài sản đất nước dù đã có những thương thảo chuyển đi nhưng hơi nhì nhằng chuyện bảo hiểm, hãng máy bay chở đi.Nói thì nói vậy chứ người ta cũng chưa tin mấy vẫn cứ nghĩ rằng 16 tấn vàng đã chở ra khỏi Việt nam. Thế rồi trong một cuộc họp báo nọ tại California có người đã hỏi đích thân tổng thống Nguyễn văn Thiệu và ông cũng đã trả lời rất rành mạch, rõ ràng: số vàng và ngoại tệ hiện kim vẫn nằm tại ngân hàng quốc gia và đặt lại vấn đề tổng thống lấy quyền gì mà chở vàng dự trử ra khỏi ngân khố quốc gia? Làm sao mà ông hành xử một mình được? [Điểm son của chính phủ VNCH là tam quyền phân lập, dân chủ như các nước tây phương hiện đại].

Nhìn lại coi, nếu tổng thống Thiệu tự tung tự tác ông phải có cơ ngơi đồ sộ, lâu đài đâu đó chứ? Nhà của tổng thống Thiệu ở Phan rang còn đó, phải nói nhà của các đại gia hiện thời còn ngon gấp mấy lần. Không thấy có tư dinh hay biệt thự nào khác còn lại trên đất nước VN và ngay cả ở Mỹ hay Anh; người ta cũng không nghe nói ông có lâu đài, shop, khách sạn nào. Đến tổng thống Ngô đình Diệm còn nghèo hơn. Không có nhà làm gì có tư dinh, khách sạn. Tổng thống Ngô đình Diệm chỉ có nhà cha mẹ ở Phủ cam, Huế. Rồi nhìn lại các quan chức hiện tại, chỉ riêng cái nhà từ đường không thôi đã giống như một lâu đài bên tây phương. Tiền bạc tính hàng triệu Mỹ kim trở lên. Con cái học ở ngoại quốc và tìm cách ở lại, mua nhà, cơ sở kinh doanh ở ngoại quốc v.v…Một bà đại biểu quốc hội VN rủng rỉnh tiền đầu tư và có quốc tịch Malta. Wikileaks nêu tên 186 người VN giàu sụ, có cơ sở kinh doanh ở ngoại quốc.

Cách đây ít năm Huy Đức cũng viết trong Bên Thắng Cuộc về chuyện 16 tấn vàng nầy đã xác nhận cùng với nhiều người khác là không có chuyện chở vàng ra khỏi VN ở thời điểm trước tháng 4/1975. Thôi vậy là đã rõ rồi. Tuy nhiên mới đây những ngày cuối tháng 4. 2017 trên tờ Tuổi Trẻ online có đăng loạt bài: Ngân hàng quốc gia VNCH – Bí mật tháng 4 – 1975 thành bốn kỳ:

Kỳ 1: Những ngày cuối cùng của ngân hàng quốc gia VNCH.
Kỳ 2: Chuyện tiếp quản ngân hàng quốc gia VNCH.
Kỳ 3: Ngân hàng thu hồi 5.7 tấn vàng từ Thụy sĩ.
Kỳ 4: 150 ngày cuối của đồng bạc Trần Hưng Đạo.

Đọc hết bốn bài tường thuật, giọng văn xách mé, kiêu căng, đắc thắng không còn nữa mà có vẻ biết chân nhận sự thật hơn: làm việc khoa học, nghiêm chỉnh, có trách nhiệm, chi thu rõ ràng. Chính ông Nguyễn văn Dễ, phó tổng giám đốc Vietcombank thời đó phải thức nhận:

“Cuộc tiếp quản hệ thống ngân hàng miền Nam sau tháng 4-1975 đã đạt kết quả tốt đẹp.

Chính nghiệp vụ sổ sách chặt chẽ, khoa học của các ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Quốc gia VNCH trước năm 1975 đã giúp chúng tôi nắm được chính xác tất cả tài sản quốc gia mà chính quyền miền Nam để lại.

Chúng tôi có thể biết rõ lượng ngoại tệ và vàng còn bao nhiêu, đang nằm ở ngân hàng nào, nước nào, số nào bị Mỹ phong tỏa, số nào có thể rút ra ngay được”.

Ngay từ tháng 9-1975, Việt Nam đã cử đại diện tham dự các hội nghị thường niên của tổ chức tiền tệ IMF, WB, ADB.

Một vài chỗ khác họ còn ca ngợi hết lời như: Thống đốc ngân hàng quốc gia đầu tiên là ông Dương tấn Tài được đánh giá là người cực kỳ liêm chính. Thống đốc Vũ quốc Thúc, tiến sĩ kinh tế, người có công đưa nến tài chính miền Nam thoát khỏi cái bóng đô hộ 100 năm của người Pháp. Rất giỏi như tiến sĩ kinh tế Harvard Nguyễn xuân Oánh làm thống đốc năm 1964 và thống đốc trẻ tuổi cuối cùng là Lê quang Uyển, 36 tuổi làm từ 1070-1975. Ba thống đốc khác là Trần hữu Phương, Nguyễn hữu Hanh và Nguyễn văn Dõng.

Nhờ vậy ngày tan đàn sảy nghé 30/4 VNCH đã để lại một gia tài phải nói khá giàu dù đã chật vật, vất vả, kham khổ quá nhiều qua chiến tranh do chính miền bắc gây ra. Đại cương ta có thể thấy được:

– Vàng: 22 tấn: 16 tấn vàng thoi ở tầng hầm ngân hàng

5.7 tấn vàng gởi ở ngân hàng Thụy sĩ

– Tiền mặt – Hiện kim: 125 tỷ đồng trong kho

7.8 tỷ đồng quỹ lưu dụng.

Hơn 19 tỷ đồng của các ngân hàng tư nhân ký gởi.

– Ngoại tệ – Mỹ kim: 252.2 triệu Mỹ kim

138 798 820 Mỹ kim lưu dụng

– Chưa kể một số vàng và đá quí do tư nhân ký gởi ngân hàng.

Các nhân vật liên quan đến việc tiếp thu ngân hàng trong những ngày đầu là Lữ minh Châu tự Ba Châu, dân nằm vùng sau làm tổng giám đốc ngân hàng. Nguyễn thành Nguyên tự Hai Nguyên, ủy viên tiếp quản từ cục R về thành và Trần quang Bút tự Năm Hải cũng là cán bộ từ cục R về thành sau làm trưởng Vietcombank.

.Chuyện thu hồi tài sản (theo Tuổi Trẻ online ngày 29.04.2017)

Đoàn tiếp quản cảm thấy nhẹ nhõm và rất vui khi hầu hết sổ sách, chứng từ, tài liệu báo cáo hoạt động và tài sản ở các ngân hàng đều còn tương đối đầy đủ.

Thực tế không như một số tin đồn đã xảy ra như tiêu hủy, tẩu tán để quân giải phóng không thể tiếp quản được “mạch máu” nền kinh tế miền Nam.

Đến thời điểm 30-4-1975, tổng số vàng dự trữ quốc gia của Việt Nam Cộng hòa còn lại gần 22 tấn. Trong đó có 16 tấn vàng thoi trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia và 5,7 tấn vàng gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ.

Ngoài ra, một số vàng khá lớn và đá quý do các tư nhân ký gửi vẫn còn ở ngân hàng. Theo cuốn Lịch sử ngân hàng Việt Nam, toàn bộ số tiền mặt của Việt Nam Cộng hòa thu được hơn 150 tỉ đồng.
Trong đó, tiền các loại thu được trong kho Ngân hàng Quốc gia 125 tỉ đồng, gồm cả những tờ mệnh giá 1.000 đồng in hình các con thú mới chuẩn bị phát hành vẫn đang niêm phong dưới tầng hầm Ngân hàng Quốc gia. Tiền quỹ lưu dụng 7,8 tỉ đồng và tiền quỹ của các ngân hàng tư nhân trên 19 tỉ đồng.

Đặc biệt, tổng dự trữ ngoại hối của chính phủ Sài Gòn cũ là 252,2 triệu USD, số dư có 138.798.820 USD do Ngân hàng Quốc gia và 26 ngân hàng thương mại gửi ở nước ngoài mà chủ yếu là Mỹ và Thụy Sĩ.

Theo ông Lữ Minh Châu, tổng dự trữ ngoại hối của Sài Gòn như vậy là tương đối lớn tính theo thời giá lúc bấy giờ. Nó rất cần thiết để khôi phục nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh.

Tuy nhiên sau 1975, chính sách cấm vận của Mỹ đã phong tỏa hơn 97 triệu USD.

Số ngoại hối còn lại cũng chưa thể rút ngay được, trong khi lượng ngoại tệ bằng tiền mặt tiếp quản được cả hệ thống ngân hàng Sài Gòn chỉ hơn 201.000 USD

Chuyện Tẩu Táng Của Cải (Tuổi Trẻ online)

Riêng vàng của Việt Nam cộng hòa lúc ấy để lại có hai nguồn. Thứ nhất là nguồn trong nước với 16 tấn vàng dự trữ ở tầng hầm Ngân hàng Quốc gia.

Về sau, lượng vàng này được đưa qua Liên Xô bán cùng với các loại vàng có trong nước gồm tất cả 40 tấn, để trả nợ và giải quyết các nhu cầu khó khăn (Tuổi Trẻ đã đăng chi tiết trong hồ sơ “Vượt qua đêm dài đói kém”).
Thứ hai là 5,7 tấn vàng do Việt Nam cộng hòa ký gửi ở Thụy Sĩ. Theo ông Ba Châu, số vàng dự trữ này vô cùng quý giá với tình hình của đất nước lúc bấy giờ. Nó cần được bán ra để giải quyết các khó khăn cấp bách.

Theo ông Dễ, sở dĩ 5,7 tấn vàng từ Thụy Sĩ không được bán ở thị trường quen thuộc Liên Xô vì đã bán ở quốc gia này 40 tấn vàng rồi

Tuy nhiên, nếu để yên ở ngân hàng Thụy Sĩ thì cũng không yên tâm trước các biện pháp cấm vận ngày càng khắt khe của Mỹ.

Sau năm 1975, chính quyền nước này đã phong tỏa hơn 97 triệu USD của Việt Nam cộng hòa gửi ở các nước. Rất có thể Thụy Sĩ, một nước trung lập, rồi cũng có thể phải chịu áp lực từ Mỹ, gây khó khăn cho Việt Nam.

Các cuộc họp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Vietcombank đã đặt vấn đề phải xử lý an toàn 5,7 tấn vàng này.

Cân nhắc ban đầu là chuyển về nước, nhưng trước tình hình khó khăn nên buộc phải tìm cách bán. Khả năng bán ở Liên Xô cũng được xem xét, nhưng cuối cùng quyết định chuyển về ngân hàng Tiệp Khắc.

Theo ông Dễ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân “chia nhỏ ra thì hay hơn dồn tất cả vào một chỗ”.

Đầu tiên, ông Dễ và các cán bộ nghiệp vụ của Vietcombank tiến hành đàm phán với Bank fur Internationnalen Zahlung Sausgleih, ngân hàng Thụy Sĩ đang giữ 5,7 tấn vàng của Việt Nam gửi.

Công việc hơi tốn thời gian và đòi hỏi nhiều chi tiết, nhưng cuối cùng cũng hoàn tất vì trước đó Việt Nam đã chứng minh quyền thừa kế hợp pháp ở các tổ chức tài chính quốc tế.

Sau đó, họ làm việc với ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc đề nghị tiếp nhận số vàng Việt Nam chuyển đến từ Thụy Sĩ.

Giai đoạn đàm phán này diễn ra nhanh gọn hơn nhiều, vì Tiệp Khắc đã có mối quan hệ từ lâu với chính phủ Hà Nội và viện trợ cho Việt Nam rất nhiều trong chiến tranh.

Các thủ tục chuyển giao quốc tế hoàn tất. 5,7 tấn vàng được đưa về ngân hàng quốc gia Tiệp Khắc an toàn. Số vàng này được Việt Nam nhờ Tiệp Khắc bán để lấy ngoại tệ.

Còn nửa tấn cuối cùng thì chính trường Tiệp Khắc xảy ra bất ổn, nhưng Vietcombank đã kịp thời chuyển về nước an toàn.

Riêng 2,7 tấn vàng còn lại chưa bán hết ở Liên Xô cũng được chuyển về Việt Nam trước khi nước này xảy ra thay đổi chính trị.

Đặc biệt, số ngoại tệ khả dụng của Việt Nam cộng hòa gửi ở nước ngoài cũng được Vietcombank tiến hành các thủ tục rút dần về nước để giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ nghiêm trọng.

Riêng hơn 93 triệu USD bị Mỹ phong tỏa cũng được thu hồi sau khi Mỹ bãi bỏ chính sách cấm vận với Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, Việt Nam không chỉ thu hồi được tất cả số tiền gốc ngoại tệ ký gửi ở nước ngoài mà còn lấy được cả lãi với tổng số lên đến gần 396 triệu USD

Tương Lai Mờ Mịt

Nhà nước VN nói được đã hưởng gia tài của VNCH từ vàng, ngoại tệ, hiện kim dự trử.Họ cũng lấy luôn những khoản ký thác của tư nhân nơi các ngân hàng và đến giờ nầy coi như của đổ xuống sông. Tuy nhiên cái trớ trêu là nếu mắc nợ ngân hàng nhà nước mà đi bảo lãnh, đoàn tụ rời khỏi VN, cầm chắc trong tay phải thanh toán sổ sách, không thiếu một xu. Nhà nước ta “sòng phẳng” đến thế là cùng?!

Dù chiến tranh người dân phải lánh nạn về phía quốc gia, ruộng vườn canh tác không bao nhiêu, nhưng cuộc sống người dân miền nam không quá cơ cực. Hố ngăn cách giữa giàu và nghèo ít phân định rõ ràng. Hơn nữa tình cảm giữa người dân với nhau ví dụ người thành thị kẻ thôn quê là yêu thương đùm bọc. Ở đâu có thiên tai, tai nạn khốc liệt v.v…chưa cần chính phủ hô hào thì đã có các phong trào đoàn thể, tôn giáo, học sinh sinh viên, hướng đạo v.v… sẵn sàng đi đến tận nơi cứu trợ, cứu giúp kịp thời. Đâu có cảnh phường xã, địa phương ăn chận ngăn cản? Đùng một cái sau ngày 30/4, dân chúng nghèo xơ xác. Tự nhiên cái gì cũng thiếu đến hột muối cũng khó khăn, viên đá quẹt lửa cũng đắt và khó tiềm nói gì đến thuốc tây trị bệnh.Người dân Bình Định lúc đầu còn dùng vải bao cát, bao bột mì tương đối còn dày may quần áo mặc lao động, về sau “hàng khan hiếm” họ “chơi luôn” loại vải bao cát thưa như vải mùng! Thứ đồ Mỹ ngụy chôn xuống đất, moi lên xài mới đủ sức bền vật liệu hàng ngày lên núi làm rẫy, gánh vác nơi ruộng đồng.Tình hình càng bi đát hơn sau hai lần đổi tiền vào tháng 9.1975 và năm 1978 cùng hòa nhịp ở thành phố đánh tư sản mại bản, đi kinh tế mới; ở thôn quê họp tác xã.Thật kêu trời không thấu.

Thử nhìn lại tỷ giá hối đoái đồng bạc VN cách đây 62 năm thời thủ tướng Ngô đình Diệm (17.12.1955): 1(một) Mỹ kim bằng 35 đồng VN và một bản Anh bằng 98 đồng VN. Tỷ giá hối đoái hiện tại: Một Mỹ kim bằng 22 ngàn đồng VN, một Úc kim bằng 17 ngàn đồng VN. Xem thế đồng bạc VN mất giá như thế nào cho dù hàng năm số kiều hối từ người Việt nam hải ngoại gởi về ít nhất 10 (mười) tỷ Mỹ kim mỗi năm [12 tỷ năm 2016].Số tiền nầy giống như trên trời rơi xuống chưa kể những khoản tiền thân nhân trực tiếp về thăm quê nhà, chưa kể dầu thô, khí đốt khai thác từ hơn 30 giếng dầu ở biển Đông mà giếng dầu Bạch Hổ có trử lượng dầu có hạng trên thế giới. Nếu những tố cáo của ông Trịnh xuân Thanh về việc bán dầu thô ngoài biển là có thật, việc tăng giá dầu, giá xăng ở VN chẳng có gì lạ nghĩa là người dân chẳng có hưởng lợi chi về chuyện mỏ dầu, dân chịu thuế hai lần: bán (lậu) dầu thô, mua dầu đã lọc.

Đã có người lo lắng rằng vào khoản tháng 8 năm nay là đáo hạn nhà nước VN phải trả hơn 18 tỷ Mỹ kim tiền lời ngân hàng. Tiền đâu bây giờ? Chuyện nầy có nhà nước “no”, dân đừng lo. Người dân Việt hay diễu mà ý tứ đôi ba nghĩa cũng thật là thâm trầm. Mong rằng nhà nước VN còn đói đói, đầu gối biết bò mà “lo” cho dân cho nước, chứ khi đã “no”, bụng phệ rồi, ì ạch ngồi một chỗ tận hưởng, chắc khi đó chỉ có …phe nhóm hay chân dài hưởng nhờ hay được lợi thế hơn phải không?

Nguyễn Thanh Huân

May 2017

Leave a Reply