DẪU CÓ LÀ “NGƯỜI CÔNG NHÂN ĐẾN TRỂ”

(Từ Tin Mừng Mt 20,1-16 : Dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”)

Sơn Ca Linh

Chúa Nhật chiều nay nhiều người đến muộn ?
Thế nên, đành chọn hàng ghế cuối cùng…
Ai thế nhĩ ? Từ ký ức mông lung,
Anh chị em con có ai người xa lạ !

Đó là chú xe ôm ở bên khu nhà lá,
Đã nghèo thôi lại “dấn” một bầy con.
Chắc hôm nay lỡ chuyến cuối xe ôm,
Đường dài quá đành làm “người đến trễ” !

Kìa “bác Tư” người taxi tài xế,
Tóc trên đầu đã lốm đốm muối tiêu.
Đi sớm về trưa luôn cả buổi chiều,
Rày đây mai đó nên thường lễ muộn !

Có lạ gì kia “chị Hai rau muống”,
Nghe đâu chồng bỏ đã mấy năm.
Gái một con nên ong bướm lăm xăm,
Buôn gánh bán bưng nên thường trễ lễ !

Ngồi co ro ở cuồi cùng dãy ghế,
Áo thun quần bò cái mặt khờ đanh.
Cô bé sinh viên mái tóc còn xanh,
Tranh thủ làm thêm luôn ngày Chúa Nhật !

Ngồi bên cạnh có anh dự tòng lất cất,
Chắc hai người đang “tính kế trăm năm”.
Ngồi dự lễ mà mắt cứ xa xăm,
Đã đi lễ muộn lại còn chia trí.

Đây nữa, thầy giáo “Lam” nghe đâu vừa li dị,
Bị “treo tòa” nên lơ láo bâng khuâng.
Chúa Nhật nào cũng đến muộn lưng chừng,
Có khi đã đọc xong phần Tin Kính…

Vườn Nho Cha đủ muôn dân bách tính,
Kẻ nửa mùa, người đến trước, đi sau.
Khố rách áo ôm, trí thức sang giàu,
Bệnh hoạn, tật nguyền, nghèo hèn, tội lỗi…

“Một đồng thôi”, dẫu có người đến vội,
Lương bổng hồng ân Chúa muốn chia đều.
Muốn hết mọi người ai cũng được yêu,
Dẫu có là “người công nhân đến trễ” !

Sơn Ca Linh
(Chúa Nhật 24/9/2017)

Leave a Reply