HOÀNG TỬ HÒA BÌNH
HOÀNG TỬ HÒA BÌNH
Nguyễn Ngọc Thể
Nói đến hoà bình, không ai mà không nghĩ đến chiến tranh. Nếu không có chiến tranh thì người ta cũng không mấy khi đề cập đến hai chữ hòa bình.
Lịch sử trong quá khứ cũng như thời cận đại, mỗi khi chiến tranh xảy ra đã gây biết bao là chết chóc, tàn phá, hủy hoại. Vẫn biết hậu quả của chiến tranh là vậy nhưng tại sao con người vẫn còn tiếp tục đeo đuổi chiến tranh. Chiến tranh đã xảy ra giữa nước này với nước kia. Chiến tranh đã xảy ra ngay cả trong nội địa của một quốc gia. Người Pháp đã có lý khi nói : “Có đất thì có chiến tranh” (Qui terre a, guerre a).
Đọc sử Việt không ai mà không nghe nói đến thời Nam Bắc phân tranh. Thật vậy, dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627-1672), sông Gianh (thuộc tỉnh Quảnh bình) là ranh giới. Cuộc phân tranh này kéo dài suốt 45 năm, dù là vũ khí lúc ấy hãy còn thô sơ nhưng cũng đã gây biết bao đỗ vỡ tan hoang, chết chóc và lòng người thù oán nhau.
Suốt dọc từ thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 19, đặt biệt là dưới thời các vua Quang Trung, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã xảy ra bao nhiêu vụ giết chóc, tù dày khi các nhà truyền giáo Tây phương đặt chân đến truyền đạo tại Việt nam. Lúc mà đạo Chúa được loan truyền trên miền đất Việt thì cũng là lúc bắt đầu có những vụ giết chóc, tàn sát, phân sáp, không kể lớn bé trẻ già. Nhiều nhà thờ đã bị đốt phá. Vua quan hiềm ghét “tả đạo” vì cho là “đạo lai căng”. Vậy, việc theo đạo Chúa là một trọng tội? Theo đạo Chúa thì cho là bỏ ông bà, bỏ tổ tiên (?). Nhưng thực ra đâu phải vậy, ông bà tổ tiên được con cháu ngày ngày được kính yêu, tưởng nhớ, và hằng luôn cầu nguyện cho. Máu của của những người con Chúa đã đổ ra đó đây vì lòng tin kiên vững, không hề lay chuyển. Những cơn bão táp, giết đạo rồi cũng nguôi ngoai dần.
Chưa hết, hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nước Việt, một lần nữa, lại lâm vào cảnh nồi da xáo thịt, đất nước bị chia đôi qua lần đàm phán tại Genève năm 1954. Hai miền, hai thể chế: quốc – cộng mà chưa hề một lần ngồi xuống để cùng nhau tìm kiếm một giải pháp hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đem lại sự an hòa cho dân tộc. Ranh giới giữa hai bên, một lần nữa, lại cũng lấy dòng sông chia cắt đôi bờ: sông Thạch Hãn với chiếc cầu Hiền Lương, nằm trên lãnh thổ tỉnh Quảng trị.
Chia đôi để rồi bên miền Bắc tìm cách lấn chiếm, xâm lăng. Người anh em miền Bắc, vì được gieo rắt sự hận thù đến tột cùng, nên hiếu chiến, bao lần xâm lấn phía Nam, nên nhiều thanh niên đã từng gục ngã, bỏ thây nơi các chiến trường Miền Nam. Bên phía Nam được ví như ‘cây muốn yên mà gió chẳng ngừng”, và vì hai chữ Tự Do và cứ mãi lo phòng ngự, nên cũng đã hy sinh trước họng súng thù! Nhìn lại, âu cũng là ngưòi Việt cả mà. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng suốt 30 năm (1945-1975) khiến cho đến hàng triệu người phải chết bởi lòng tham vô bờ của những người cộng sản muốn nhuộm đỏ cả giải đất Việt hình chữ S. Rồi lại đàm phán, bàn đến chuyện hòa bình, ngưng bắn. Đàm phán dai dẵng tại Paris (Pháp quốc) trong khi ngoài trận địa lại có bao người trai phải hi sinh. Hiệp uớc “Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam”, cuối cùng cũng được ký kết giữa hai miền Bắc – Nam, và có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 1 năm 1973. Tuy nhiên, chữ ký chưa ráo mực thì cộng quân đã lại mở một cuộc chiến mới để rồi đưa đến việc thôn tính toàn bộ miền nam Việt nam năm 1975!
Nước Việt thân yêu nay đã không còn chiến tranh nữa nhưng vẫn chưa có hòa bình thực sự. Không còn chiến tranh không có nghĩa là đã có hòa bình. Tiếng súng đã ngưng rồi nhưng lòng người vẫn chưa được yên hàn. Nhưng hòa bình vì không còn đánh nhau là thứ hòa bình gì? Hòa bình, hiểu đơn giản là không còn tranh chấp, không còn cảnh cá lớn nuốt cá bé, không còn cảnh hiếp đáp, mạnh được yếu thua. Không có hòa bình nếu không có công lý. Phải có công lý thì mới có hòa bình. Ai kêu gọi cùng sống trong hòa bình mà không thực thi công lý thì người ấy chỉ là người nói suông, không thực tế.
Trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội đồng Liên hiệp quốc ngày 4 tháng 10 năm 1965, Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã lên tiếng: “Đừng bao giờ có chiến tranh. Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại.”
Hoà bình, trước hết phải được bắt đầu bằng chính nội tâm của mình. Hòa bình chỉ có thể có khi tâm hồn con người biết nghĩ đến lợi ích của người khác, biết nghĩ đến những nhu cầu thiết thực trong đời sống của tha nhân. Làm sao để cho mọi người đều có cuộc sống hài hòa, yên vui khi chính mỗi người phải biết thực sự hi sinh cái lợi, cái tiện nghi của mình vì nhu cầu của người anh em. Một vài câu chuyện nhỏ sau đây nói lên tinh thần đó.
“Ai cũng biết, vị vị danh tướng Dwight Eisenhower của Mỹ thời đệ nhị thế chiến. Ông là một vị tướng 5 sao trong Lục quân Hoa Kỳ và là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34 từ năm 1953 đến 1961. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, ông phục vụ với tư cách là tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh tại Châu Âu, có trách nhiệm lập kế hoạch và giám sát cuộc tiến công xâm chiếm thành công vào nước Pháp và Đức năm 1944–45 từ mặt trận phía Tây.
Vào thời xa xưa đó, một hôm ông Eisenhower cùng với đoàn tùy tùng của ông vội vã lái xe về tổng hành dinh quân đội ở Pháp để tham dự một cuộc họp khẩn cấp. Lúc đó trời đang mùa đông lạnh buốt lại thêm mưa tuyết rơi phủ đầy khắp nơi. Xe đang chạy thì ông bất ngờ để ý nhìn thấy có hai vợ chồng già người Pháp ngồi ở bên lề đường đang run rẩy vì cái lạnh giá buốt. Ông lập tức ra lệnh cho đoàn tùy tùng ngừng lại và muốn phái một thông dịch viên tiếng Pháp tới hỏi thăm cặp vợ chồng này. Một viên tham mưu nhắc nhở ông là nên để cho nhân viên công lực tại địa phương lo chuyện này, phái đoàn phải đi nhanh lên vì sợ trễ cuộc họp. Ông nói nếu đợi cảnh sát địa phương tới thì sợ là quá muộn và hai người này sẽ chết cóng.
Sau khi hỏi thăm, ông Eisenhower biết được là họ đang muốn tới Paris để gặp con trai nhưng xe của họ bị chết máy giữa đường. Ông bảo hai vợ chồng già mau lên xe của ông. Ông không hề quan tâm đến chức phận của ông và không hề tỏ thái độ gì trước hai kẻ đang gặp nạn này. Ông chỉ theo bản tính lương thiện vốn sẵn có của ông là luôn luôn muốn giúp đỡ người hoạn nạn mà thôi. Ông liền ra lệnh thay đổi lộ trình, đưa cặp vợ chồng tới Paris trước, rồi ông và đoàn tùy tùng mới lái xe tới tổng hành dinh để dự cuộc họp.
Không ngờ chính sự chuyển hướng đi thình lình ngoài kế hoạch này đã cứu mạng ông! Quân Đức Quốc Xã có tin tình báo nên biết chính xác hành trình của ông và đã bố trí sẵn các tay súng bắn tỉa nấp rình tại các ngã tư. Nếu ông tới thì sẽ bị hạ sát ngay chỗ đó. Nhưng hóa ra chỉ nhờ vào cái tâm lương thiện, cái lòng từ bi đã giúp ông đổi lộ trình và tránh thoát cuộc mưu sát này. Quả là tự cứu mình bằng cách giúp người khác.”
Một câu chuyện nữa nói về một danh nhân khác trên thế giới:
“Chuyện kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
Người ta kể chuyện là có thời ông Gandhi đi một chuyến xe lửa. Khi xe bắt đầu chuyển bánh thời ông nhảy vội vã lên tàu khiến cho một chiếc giày của ông rơi xuống đường. Ông không thể nào nhảy xuống để nhặt lại chiếc giày trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Ông bèn tháo luôn chiếc giày còn lại trong chân và ném về phía chiếc giày kia ở dưới đường. Hành khách trên tàu tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy thế và lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. .
Gandhi mỉm cười và ôn tồn giải thích rằng: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc giày thứ nhất thì người đó có thể tìm thấy chiếc thứ hai và như thế là có được đủ đôi giày để đi.”
Chúng ta ít khi nghĩ đến các người khác mà thông thường chỉ nghĩ về chính bản thân mình mà thôi. Khi bị mất mát thì điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của mình. Kế đó mất thêm nhiều thời gian nữa để nuối tiếc, than thở, rồi sinh ra chán nản. Nhiều khi trở nên bực bội và gắt gỏng nữa.
Gandhi đã có một hành động thật cao quý vì trong khi bản thân mình bị mất mát như thế, ông vẫn để tâm nghĩ đến người khác. Hành động này chứng tỏ việc nghĩ đến người khác đã trở thành một phần trong tâm tưởng và nguyên tắc sống của ông.
Nếu trong những lúc mà chúng ta được sống an bình và thành công mà chúng ta còn không quan tâm tới những kẻ bị bất hạnh hơn mình thì liệu khi gặp gian khó, mất mát, ta có thể làm được điều đó hay không? Trong xã hội, xung quanh chúng ta hàng ngày có biết bao nhiêu người thiếu thốn đang cần sự giúp đỡ. Những gì họ cần đến không nhất thiết phải luôn luôn là vật chất, nhiều khi họ chỉ cần một lời khích lệ, an ủi. Cõi ta bà này sẽ hạnh phúc biết bao nếu mỗi chúng sinh không chỉ chăm lo cho lợi ích riêng mình mà còn chăm lo cho lợi ích của người khác nữa.”
Thiên Chúa đã xuống trần gian hơn hai ngàn năm trước không ngoài mục đích là đem đến sự yêu thương, an hòa và tha thứ đến cho mỗi người và mọi người trên trái đất. Trong Đêm Thánh Giáng sinh, điều làm cho chúng ta hằng khắc ghi trong lòng là gì. Đó là lời các thiên sứ đã vui mừng loan báo:
“Sáng danh THIÊN CHÚA trên trời
BÌNH AN dưới thế cho người THIỆN TÂM.”
Đức Kitô chính là Thiên Chúa tự trời cao mà nay đã hi sinh giáng trần đế cứu nhân độ thế. Ngài đã đến để cứu thế và kiến thế. Ngài đến không ngoài mục đích là tái lập một nền hòa bình chân chính cho thế giới, cho nhân loại. Ngài chính là HOÀNG TỬ HÒA BÌNH. Ngài đã đến và đang hiện diện giữa nhân loại nhưng nhân loại vẫn chưa nhận ra được dung nhan của Ngài. Dung nhan của Ngài đó là gì? Dung nhan Ngài được ẩn đấu dưới thân phận của một người vô gia cư, một em bé đói rách, sống vất vưởng giữa chợ đời, hay nơi một em bé mồ côi, không cha không mẹ, sống lang thang để mong tìm nơi nương tựa hay tìm lấy chút tình thương.
Hơn lúc nào hết, ngày nay con người như đã đánh mất tình người. Chính vì thế, hòa bình vẫn chưa thực sự có trên địa cầu này, bởi bao hận thù, ghét ghen, vị kỷ vẫn còn ngự trị nơi cõi lòng của mỗi con người chúng ta.
Hãy đến với Đức Giêsu nơi máng cỏ để học lấy hai chữ HÒA BÌNH và YÊU THƯƠNG.
__________________________________
(Mừng Chúa Giáng Sinh – Năm 2015)
Recent Comments