Kỷ niệm 50 năm trên đường Ơn Gọi của lớp CCSQN nk 1966

MÓN QUÀ ĐẦU NĂM Ý NGHĨA

(Kỷ niệm 50 năm trên đường Ơn Gọi của lớp CCSQN nk 1966)

50logo“Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình thương mến”.
Những ngày đầu năm là những ngày đầy ý nghĩa và hy vọng. Không phải những món quà vật chất, đắt tiền nhưng không gói ghém được tình yêu thương. Sống trong thế giới hưởng thụ, người ta chỉ nghĩ đến vật chất. Món quà càng đắt tiền thì càng có giá tri. Nhưng thật ra chỉ có quà món quà tặng thắm đượm tình thương mến thương mới có giá trị lớn nhất.
Paul Claudel có nói: “Quà tặng phải đưa vào tận con tim, chứ không phải chỉ trên đôi tay.”
Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta:
“Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì, ngoài tình thương mến”.
Vì thế quà tặng chỉ có ý nghĩa và có giá trị khi nó nói lên tình cảm sâu sắc, sự quan tâm tế nhị, lòng yêu mến chân thành. Do đó, tặng quà không có nghĩa là cho đi của cải dư thừa, mà chính là trao tặng chính (bản thân) mình. Bà góa dâng cúng trong đền thờ hẳn phải là tấm gương để chúng ta noi theo. Dù chỉ bỏ vào thùng tiền 2 đồng xu nhỏ, nhưng Chúa Giêsu đã khen ngợi: “Bà đã cho nhiều nhất, vì bà đã cho chính một phần sự sống của mình”.
Có thể nói, quà tặng được coi là quí giá nhất phải là quà tặng dốc cạn túi. Trao ban đích thực chính là trao ban thì giờ, trao ban sự tôn trọng, trao ban lòng quí mến, trao ban sự thứ tha. Đó là quà tặng cao quí nhất mà mọi người đang chờ đợi nơi chúng ta.
Trong tinh thần đó, trong ý nghĩa đó, hôm Chúa nhật 14/02 vừa rồi, anh em CCSQN Nk 1966 đã đến viếng thăm một bệnh nhân và cũng là một người bạn đồng môn bé nhỏ là tôi đây. Trong cuộc hội ngộ mini đầu năm này, tôi thật cảm động vì những tình cảm chân thành mà anh em trong lớp dành cho tôi. Thật không biết phải nói gì ngoài sự biết ơn mà anh em đã không ngại tốn kém tiền bạc, trao ban thời giờ quý báu từ xa mà đến. Thành phần viếng thăm hôm ấy gồm có trưởng lớp Augustinô Đoàn Quang Uy (tức Uy mập), các anh Phao-lô Võ Tá Thảo, Đôminicô Bùi Xuân Thọ, Phan-xi-cô Xaviê Lê Hữu Quận (tài xế), Antôn Vũ Thanh Bình, 2 thầy: Phao-lồ Nguyễn Sao (còn gọi là Paul Sao) – Giu-se Nguyễn Uy Nam (còn gọi là Nam ròm hay Hai Nhiêu), đặc biệt có Thầy cả Phao-lô Maria Trần Hữu Dũng CSSr. Và cũng giống như thời Chúa Giê-su ngày xưa, mỗi khi có Chúa hoặc các tông đồ đi đâu, thường được tháp tùng bỡi các phụ nữ đạo đức trong dân. Lần này có 2 vị phu nhân đạo hạnh cùng đi (thăm viếng) là chị Maria Nguyễn thị Thùy Hương (Vợ CCS Đỗ Thái) và chị Maria Nguyễn thị Thúy Hằng (Vợ CCS Bùi Xuân Thọ). Trong bầu không khí tràn ngập vui mừng và hy vọng (Gaudium et Spes) của đầu xuân Bính Thân năm nay, cuộc thăm viếng không những có thể mô phỏng cuộc viếng thăm bà ELIZABETH của Đức Maria mà còn mang đậm ý nghĩa những cuộc viếng thăm của Đức Ái, như Chúa Giê-su khi thăm viếng hai chị em Maria – Matta hay chuyến thăm Lazarô dù biết rằng anh ta đã bệnh và khi đến nơi thì đã chết rồi. Cuộc thăm viếng này làm cho tôi chợt nhớ đến Kinh mười bốn mối, mà thuở còn học giáo lý vỡ lòng ai cũng thuộc:
Kinh Mười Bốn Mối. Thương người có mười bốn mối.

Thương xác bảy mối.

Thứ nhất cho kẻ đói ăn. Thứ hai cho kẻ khát uống. Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm cho khách đỗ nhà. Thứ sáu chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn bảy mối…

Và như trong kinh 14 mối – thương xác 7 mối đó, tôi thuộc diện thăm viếng Thứ bốn viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc (vì mặc dầu không ở tù, nhưng với triệu chứng liệt ½ người không đi lại được như mọi người, tôi cũng chẳng khác gì người đang ở tù – kiểu tù nhân trong thân xác tôi)
Thật cám ơn anh em vì cuộc thăm viếng này, nó tựa như một món quà vật chất mà anh em có thể trao tặng cho tôi với muôn vàn phúc lộc đầu xuân trong đó. Anh em đã đích thân đến đây để chia sẻ chút tình bạn bè đồng môn mà cuộc sống con người ai cũng có. Đặc biệt trong năm Bính Thân 2016 này mà anh em trong lớp ai cũng biết là: Năm kỷ niệm 50 năm bước theo Ơn Gọi của lớp CCSQN Nk 1966.
Để cuộc đi thăm không biến thành một cuộc đi chơi vô nghĩa mà mặc lấy tính cách sống động nhất của Bác Ái Ki-tô giáo, của tình thương mến thương và lòng ưu ái mà anh em có thể dành cho tôi và cho nhau, và cũng để Thiên Chúa chúc phúc cho chúng ta trong dịp kỷ niệm 50 năm trên đường Ơn Gọi này, tôi xin viết ra vài dòng cảm nghĩ để lưu niệm và ghi nhớ:
Mỗi người anh em chính là hiện thân sống động của Đức Giê-su khi đến thăm tôi. Và đây mới chính là quà tặng quí giá nhất mà tôi có thể nhận được từ nơi anh em – giống như món quà mà Thiên Chúa Cha đã trao ban cho loài người chúng ta: chính là Đức Giê-su Ki-tô.
Trong tinh thần đó, xin mọi người hãy cùng tôi hợp lòng hợp ý cầu nguyện với lời cầu nguyện đầu xuân sau đây:
Lạy Chúa, xin cho những nghĩa cử mà mỗi khi anh em chúng con làm cho người anh em hôm nay luôn được đi kèm với lòng yêu thương chân thành. Xin cho chúng con cảm thấy mình được lớn lên trong tình yêu Chúa mỗi khi chúng con thực thi một nghĩa cử yêu thương nào đó cho anh em chúng con. Xin cho chúng con hiểu và nhận ra rằng 50 năm trên đường Ơn Gọi của chúng con là 50 năm yêu thương tràn đầy, dù chúng con là ai: Linh Mục, Giám Mục hay Giáo dân (thì chúng con cùng là anh em đúng nghĩa khi có một cha chung trên Trời).
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trao ban trọn vẹn chính mình cho nhân loại chúng con. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng sống đích thực là sống trọn vẹn cho tha nhân. Amen!
(Để ghi nhớ mãi 50 năm trên đường Ơn Gọi của lớp CCSQN nk 1966)
PM. HXT

Leave a Reply