NĂM MƯƠI NĂM. NHÌN LẠI
NĂM MƯƠI NĂM…NHÌN LẠI…
Trước năm 1975, ngày 15.08 hàng năm là ngày các trường học khai giảng niên khóa mới. Tiểu Chủng Viện ( TCV/QN ) Qui Nhơn, một trường trung học tư thục của Giáo phận Qui Nhơn, cũng không ngoài thông lệ này. Vào ngày khai giảng lớp đệ thất niên khóa 1967 – 1968 tại TCV/QN, 54 chú đã trúng tuyển từ ba Giáo hạt Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, khăn gói từ giã gia đình vào TCV. Những mái đầu xanh thơ ngây ở độ tuổi 12, chưa bao giờ sống xa gia đình, nay thực sự trải nghiệm một cuộc sống mới. Chú nào ở Qui Nhơn thì được cha mẹ chở đến bằng xe máy, còn xa hơn thì đi bằng xe đò hoặc máy bay. Ai cũng vui mừng sung sướng vì được đi tu, cha mẹ cũng thế. Một tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt. Chỉ có điều không thể tránh khỏi là nỗi nhớ nhà khủng khiếp, nhất là đối với những người ở xa tít tận Sàigòn như tôi chẳng hạn. Nhìn thấy các chú lớp lớn “bình tâm như vại” mà thán phục vô cùng…
Thế rồi 50 năm đã trôi qua. Người ta bảo là thời gian ấy được tính bằng hai thế hệ con người. Sau 50 năm, tất cả những gì phải đến thì đã đến, để định hình những con người, nay được gọi là CCS 1967 của CCSLSQN.
Như thông lệ của lớp 1967, cứ 2 năm họp mặt một lần. Trong lần họp mặt thứ 5 ( 2015 ) tại Nhà thờ Đồng Tre, anh em đã quyết định chọn lần họp mặt thứ 6 là dịp kỷ niệm 50 năm ngày vào Chủng viện Qui Nhơn. Địa điểm sẽ là nhà của Nguyễn Kim Tân, cựu trưởng lớp năm xưa ở Chủng viện, hiện đang sống tại Long Khánh, để sống lại dĩ vãng của những ngày làm chú nhà trường. Kỷ niệm ấy cách nay đã nửa thế kỷ… Nhưng địa điểm họp mặt cuối cùng đã thay đổi là tại Nhà thờ Sông Cầu, để anh em sau khi họp lớp, sẽ đi Qui Nhơn nhập vào ngày hội của CCSLSQN, rồi tham dự ngày Khai mạc Năm Thánh của Giáo phận Qui Nhơn. Cũng hay! Anh em có dịp tham dự 3 trong 1, đúng với tinh thần của CCSLSQN: Ut sint Unum.
Thời gian có sức làm biến đổi con người và cuộc sống một cách mãnh liệt. Đá là một vật thể cứng, còn nước tạo nên một dòng chảy êm ái hiền hòa. Thế mà nước cứ chảy làm đá lớn bao nhiêu cũng phải mòn. Hình hài của con người và hoàn cảnh sống nơi anh em lớp 1967 cũng thế. Sau 50 năm, lớp 1967 của TCV Qui Nhơn đã để lại cho Giáo Hội 3 Linh mục, 1 Thày sáu vĩnh viễn, phần còn lại bước vào cuộc sống gia đình. Một vài anh em đã không còn trên trần gian này…
Cuộc họp mặt kỷ niệm 50 năm lớp 1967 là dịp đặc biệt để anh em nhìn lại nửa thế kỷ “xuất gia nhập viện” ( xin hiểu là TCV ). Nhưng ngay nhân vật biểu tượng cho lớp 1967 ngày xưa là cựu trưởng lớp Nguyễn Kim Tân đã không đến được. Mong muốn lắm, nhưng căn bệnh thấp khớp, kẻ đồng hành thầm lặng với tuổi cao, đã làm Tân án binh bất động; rồi Sum, Long, Hồng… hiện trong tình trạng không đi xa được. Và một số anh em không về họp mặt được vì những lý do khác nhau…
Bên Mỹ thì lần này anh em tổ chức khá hoành tráng. Vào trung tuần tháng 6, Cha Kim Sơn đã kết hợp với Thày sáu Huấn, Ngọc Diệp, Huệ “già”, cùng với một số giáo dân của Cha Sơn, làm thành một đoàn đi hành hương Rôma và Đất Thánh. Những hình ảnh này, thấy Sáu Huấn đã đổ tràn ngập trên “Phay”.
Sông Cầu là địa điểm họp mặt 2 ngày ( 24, 25/07/2017 ) của lớp 1967 quốc nội. Từ sáng sớm ngày 24, anh em đã đổ bộ đồng loạt xuống thị xã Sông Cầu bằng… xe đò, sau một đêm hành trình: Vợ chồng Đậu Hiệu, Phúc “Baraba”, Dũng “thầy”, Minh Toàn, Tấn Phát. Đặc biệt nhất là có cả Minh Sĩ. Sau một cơn đột quị, tưởng Sĩ không thể đi đâu nữa…nên có người cháu tháp tùng để trợ giúp. Trưa hôm sau, có thêm vợ Phát, đã cố gắng đi sau khi giải quyết việc nhà. Thế đấy, anh em họp mặt lần này là 8, cộng với 2 người vợ và 1 người cháu, vị chi là 11.
Phần trần tình chung quanh cuộc họp mặt hơi dài và đã chiếm đến ba phần tư bài viết: Vì để đến được chốn này, anh em đã phải vượt qua bao nhiêu cửa ải của “thời gian” giữa “thế gian”. Vì chỗ này chính là “thế ngay”, nơi chỉ còn chỗ cho tình huynh đệ, mà có được là nhờ Tình Nhà Chúa. Vì đây là một trạm dừng chân vắn vỏi của thời vàng son: Một phút huy hoàng rồi chợt tắt, hơn là le lói suốt năm canh.
Như mọi lần họp mặt, anh em đã sống những giây phút riêng tư bên nhau thật thắm tình, trong Thánh lễ, khi cầu nguyện, lúc chia sẻ cuộc đời, bên bàn ăn, giữa biển trời, dưới trăng sao. Số sót lần này chỉ có 8, nhưng anh em đã hướng về tất cả những người còn lại, từ ngày khai trường của dạo ấy, và hứa hẹn gặp lại nhau hai năm nữa…
Sông Cầu đẹp vì có biển! Hình ảnh còn lắng đọng trong tôi là lúc anh em có cuộc hàn huyên dưới biển Vĩnh Hòa. Giữa làn nước trong xanh, dưới bầu trời giăng mây trắng, chúng tôi cảm thấy mình như đang hòa tan trong biển bao la, bao la của lớp 1967, bao la của anh em CCSLSQN, bao la của Giáo phận Qui Nhơn, trong cõi bao la của biển Thái Bình. Và lòng người bỗng thấy an vui…/.
Gx Sông Cầu ngày 18.08.2017
Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp
Recent Comments