NHƯ BÀN TAY NGƯỜI THỢ ẤY
NHƯ BÀN TAY NGƯỜI THỢ ẤY
(Lễ Thánh Giuse Thợ, Bổn mạng giáo xứ Sơn Nguyên – Thánh lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ mới)
(01/5/2017)
Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ của ngày lễ Thánh Giuse Thợ hôm nay, Hội Thánh đã hát lên những lời cầu nguyện thật dễ thương :
Hỡi người thợ vô danh
Của xưởng mộc nghèo khó,
Xin ban no lành
Cho người lao công khắp cùng xứ sở…
Quả thật, cách đây 2000 năm, chàng thợ mộc Giuse ở làng quê Na-da-rét chỉ là một “người thợ vô danh” mà người đương thời khi nhắc đến đã không quên điểm thêm chút âm sắc rẽ khinh, dè bĩu : “Anh ta chẳng phải là con của tay phó mộc đó sao ?” (Mt 13,55).
Sau 2000 năm thì bác phó mộc Giuse kia đã không còn vô danh nữa, mà lại còn vang danh lẫy lừng, không chỉ trong thế giới Kitô giáo, mà trong cả nhân loại. Bởi vì cái tên “người thợ mộc Giuse” luôn gắn liền với tên của một Người Con (cho dù chỉ trên danh nghĩa pháp luật) đó là Giêsu, Đấng Cứu Thế, Đấng là Thiên Chúa làm người, là Vua trên các vua, Chúa trên các chúa !
Và hôm nay, Hội Thánh đang tôn vinh “Người thợ mộc vô danh” đó trong một ngày lễ được ĐGH Pio XII thiết lập cách đây 62 năm (năm 1955) vừa để tôn vinh những giá trị tốt lành của lao động, vừa đặt Thánh Giuse thợ làm người bảo trợ cho anh chị em lao công trên toàn thế giới.
Như vậy, lao động đâu còn mang ý nghĩa tiêu cực, như là “một bản án” mà nhân loại bị buộc phải thi hành : “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,19), mà là một “con đường thăng tiến” gắn liền với chính phẩm giá cao đẹp của mình : mang hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26) và được chính Thiên Chúa gọi mời cọng tác trong công cuộc “quản lý và xây dựng” công trình tạo dựng của Ngài : “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai”. (St 2,15). Và hơn nữa, kể từ khi Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người trong thân phận của một người lao công thợ mộc (Mt 13,55), đã chấp nhận “lao động bằng chính đôi tay của mình tại Na-da-rét”, thì, như khẳng định của hiến chế Gaudium et Spes : “với việc dâng hiến lao động của mình cho Thiên Chúa, con người tham dự vào chính công cuộc cứu độ của Đức Kitô.” (GS 67).
Vâng, chính nhờ đôi tay chai sạn thấm đẫm mồ hôi vất vả, nhọc mệt của những người lao động vô danh như Thánh Cả Giuse, Đức Mẹ Maria, Phêrô, Gioan, Giacôbê, Phaolô… mà hôm nay chúng ta có Tin Mừng Phục Sinh được công bố trên toàn thế giới, có “Ngôi nhà Hội Thánh Chúa Kitô” được thiết lập trên khắp thế gian.
Cũng vậy, làm sao có ngôi đền thờ Thánh Phêrô vĩ đại sừng sững giữa Rôma hôm nay, cùng với hàng triệu ngôi thánh đường nhỏ to trên khắp thế giới đang tồn tại, nếu không có những “người thợ” đã lao động cật lực, đã vắt cả tim óc, đã hy sinh tới “đồng xu cuối cùng”…!
Và đây lại là câu chuyện của cộng đoàn Sơn Nguyên của chúng ta hôm nay, khi trong chính ngày lễ Thánh Giuse Thợ nầy, ngày Bổn mạng của cộng đoàn giáo xứ, cũng là ngày được chọn để “Đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường giáo xứ”.
Thật ra đây không là chuyện mới mẻ, không là công việc mới bắt đầu ; mà là một cuộc hành trình đức tin đang tiếp nối. Thật vậy, chính hành trình đức tin đã quy tụ chúng ta tại một nơi vốn là rừng thiêng nước độc, là vùng kinh tế mới khỉ ho cò gáy, để làm nên một cộng đoàn, một giáo họ rồi một giáo xứ.
Nếu đã có một thời gian, dù trong ngôi nhà tạm mái tranh vách đất, hay mái tôn cột kèo xiêu vẹo…chúng ta, con cháu chúng ta, vẫn sống đạo tốt, vẫn trung thành giữ ngày Chúa Nhật, kinh nguyện sớm tối, giáo lý kinh bổn đều đặn…thì hôm nay, khi cùng nhau xây dựng ngôi thánh đường mới nầy, cuộc hành trình đức tin đó càng phải được củng cố thêm, sinh động thêm, phát triển thêm.
Những người thợ không có đức tin, có thể họ đến đây lao động, xây dựng nhà thờ, chỉ để đổi lấy những tờ giấy bạc vô hồn…; còn chúng ta, cộng đoàn chúng ta, mỗi người chúng ta, đến đây để dâng hiến những giọt mồ hôi như của lễ, những gánh nặng như quà tặng tình yêu, những hy sinh đóng góp như “những đồng xu của bà góa” ; hay trên hết, như tấm lòng khiêm hạ, vâng phục, trung tín của “người thợ vô danh” Giuse mà chính ngày đặt viên đá nầy, chúng ta đang tôn vinh và chiêm ngưỡng.
Chính trong tâm tình và ý nghĩa đó, chúng ta có thể mượn lời Thánh Thi hôm nay, để thưa với Thánh cả Giuse :
Hỡi người thợ vô danh
Của xưởng mộc nghèo khó,
Xin cho những người đang xây dựng thế giới nầy (ngôi thánh đường nầy)
Thấy Ngài phục sinh,
Thấy Ngài phục sinh trong bàn tay của họ…. Amen.
Giuse Trương Đình Hiền
Recent Comments