SỐNG và CHẾT

SỐNG và CHẾT

Thể Nguyễn

 

sung&chetCách đây khoảng 27 năm trước, tình cờ tôi đọc được một bản tin viết như sau:

Có hai vợ chồng người Mỹ sống trong hạnh phúc, an bình. Bỗng dưng, người vợ lâm trọng bệnh và qua đời! Lòng ông buồn khôn tả! Sau những ngày chôn cất người vợ xong, ông đã quyết định sống gần bên bà. Ngày ngày ông mang thức ăn, nước uống cùng với chiếc dù ra nghĩa địa ngồi bên mộ vợ suốt từ sáng cho đến chiều mới về nhà. Cứ như thế, ông sống bên cạnh người vợ ròng rã  bảy năm. Cuối cùng thì ông cũng đã qua đời, và dĩ nhiên phần mộ của ông cũng lại được các con chôn cất ngay bên cạnh vợ ông.” Đọc mẫu chuyện ngắn này, chúng ta nghĩ thế nào về tình yêu thương của đôi vợ chồng này? Thường, khi có người thân mất đi như là những bậc cha mẹ, vợ chồng. Người còn sống thì luyến tiếc, nhớ thương khôn nguôi. Thời gian đầu thì hay tới lui thăm viếng, cầu nguyện, xin lễ. Nhưng theo thời gian, những lần thăm viếng cũng thưa dần, rồi cũng quên mất người đã ra đi theo năm tháng dần trôi.

 

Không gia đình nào mà không có người thân đã qua đời, hoặc ở nơi quê nhà hoặc nơi chúng ta đang sinh sống. Tại các nghĩa trang trong những ngày này, có nhiều người đến viếng thăm những người thân yêu, bạn bè đã khuất với những bó hoa. Phải, Giáo hội dành riêng tháng 11 để đặt biệt tưởng nhớ và cầu nguyện cho những ai đã ly trần. Tôi còn nhớ, khi còn sống nơi quê nhà ngày trước, mỗi khi có ai qua đời trong một xứa đạo nào đó, nếu được báo tin, cha sở cho kéo chuông từng tiếng một để giáo dân cùng hướng lòng và cầu nguyện cho người vừa khuất. Đây cũng là một thông lệ tốt lành của một số các xứ đạo ở Việt nam lúc trước.

 

Cũng đã khá lâu, tôi đã được một chị người Việt kể cho nghe câu chuyện về bố mẹ của chị rằng: “Không rõ nguyên do nào mà rồi hai ông bà đã giận nhau trong suốt 17, 18 năm trời! Tuy giận nhau nhưng vẫn sống chung một nhà. Trong suốt thời gian này, hai ông ông bà không hề nói với nhau một lời nào! Phòng ai nấy ở. Mạnh ai nấy ăn. Con cái trong nhà cũng không sao tìm cách hòa giải. Hai ông bà không phải là những người con của Chúa. Đây là cảnh của một gia đình đã tan nát, phân ly. Tuy hai ông bà còn sống nhưng hai tâm hồn đã chết từ lâu! Lý do tại sao? Sống với nhau mà không một lời đối thoại, không một câu trao đổi, nói năng. Hai người là hai thế giới riêng biệt. Hai ông bà đã xa cách nhau cả thế xác lẫm tâm hồn, xa cách từ trong tâm thức, trong tư tuởng. Họ đã chấp nhận một cái chết ngay từ lúc còn sống. Vì đâu? Có những nguyên nhân nào? Nguyên nhân nội tại. Nguyên nhân khách quan. Một cảnh gia đình như thế thì còn gì buồn thảm bằng! Đây là một thế giới cô đơn. Đây cũng là một thế giới đã chết.Thế cho nên, hai ông bà này dù không chết về thân xác mà tâm hồn cũng đã chết ngay lúc mình còn sống. rất tiếc, họ đã không có niềm tin nên không còn tiếp xúc với Đấng đã dựng nên cuộc đời họ. Đáng thương hại thay và buồn thảm thay!

 

Thiên Chúa mãi mãi mới là ngưồn cội và là Chủ, là Chúa đời đời của con người bởi con người từ bụi đất mà ra và từ bụi đất Thiên Chúa đã cho con người nên hình nên dạng. Đời người quả thật mong manh vắn vỏi. Sách Giảng Viên đã nói rất rõ: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vả ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu thì cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.” (Gv 2: 2-8)

           

            Nhà văn nổi tiếng người Nga, Leo Tolstoy có câu chuyện như sau: “có một người kia, rất tham lam của cải ở đời. Đang khi đó, ngưòi giàu có kia, đất đai vô kể. Ông này đã hứa cho người tham của này là, đất đai tôi đó như ông thấy. Nếu ông có thể chạy nhanh được từ lúc sáng sớm, chạy càng nhanh bao nhiêu thì đất đai nơi quảng đường mà ông đã chạy qua sẽ thuộc về của ông. Ông chạy làm sao thì chạy nhưng phải trở về trước lúc mặt trời lặn thì mới được. Người tham lam này nghe nói vậy thì bắt đầu cắm cổ mà chạy. Khi đã quá trưa, khoảng đất mà ông đã chạy qua cũng đã nhiều. Giờ tới lúc ông phải quay trở lại và phải trở lại trước khi mặt trời lặn mới được, như lời ông chủ có nhiều đất đai đã dặn. Trên quãng đường ông vội vã trở về, vì mệt quá, nên ông đã nằm xuống nghỉ một hồi. Nghỉ xong, ông lại tiếp tục chạy và chạy. Trời đang về chiều. Ánh mặt trời đang gần tàn. Ông phải hối hả về lại điểm xuất phát trước khi mặt trời sụp lặn về phía trời tây. Khi gần đến điểm xuất phát hồi sáng sớm, vì mệt quá và vì đuối sức nên ông đã nằm xuống và tắt thở sau đó. Cuối cùng, khoảng đất mà ông đã chạy được chỉ vừa đủ để đặt chiếc quan tài mà người tham lam đang nằm trong đó.”

           

              Chung cục, cuộc đời là gì? Đời người chỉ như cánh hoa kia sớm nở tối tàn. Chỉ có Thiên Chúa mới là cùng đích, cội nguồn của đời người, vì Ngài là Đấng Vĩnh Hằng, là Đấng Vô Thủy Vô Chung. Sách Giảng Viên có thêm những lời như sau:

 

“Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

               một thời để chào đời, một thời để lìa thế;

              một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;

              một thời để giết chết, một thời để chữa lành;

               một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;

              một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;

              một thời để than van, một thời để múa nhảy;

              một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;

              một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;

              một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;

              một thời để giữ lại, một thời để vất đi;

              một thờ để xé rách, một thời để vá khâu;

              một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;

              một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;

              một thời để gây chiến, một thời để làm hòa.”

 

Lang thang trong nghĩa địa buồn một buổi chiều để thăm người thân quá cố. Những ngôi một nằm san sát nhau. Ngôi mộ nào cũng đều mang tên người đã nằm xuống với ngày sinh ngày tử. Có nghĩa địa đề câu: “ Nay tôi – Mai anh”. Có những người mới thấy họ ngày nào, cùng vui cười, chuyện trò với nhau, trông rất thân thương, rất gần với ta, nhưng nay còn đâu? Nay người mai ta, nay tôi mai anh đó là cùng đích của cuộc đời, của lẽ sống đời này. Nói như thế, nghĩ như vậy để ta suy gẫm cuộc đời vắn vỏi để rồi một ngày nào đó ta cũng nằm xuống với phần mộ mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho đời. Điều quan trọng là ta có được một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa hay không mà thôi. Có hay không đó là lời đáp trả của mỗi người chúng ta.

 

Nguyễn Ngọc Thể

(11/2016)

 

Leave a Reply