Tâm tình quê hương qua bài thơ của một cô giáo

Tâm tình quê hương qua bài thơ của một cô giáo
Nguyễn Thanh Huân

ca chetThời buổi xa lộ thông tin toàn cầu, ngày xưa người ta nói hàng trăm thứ, nhưng bây giờ hàng trăm quá nhỏ, ăn nhằm gì, đơn vị tính quá lớn nào là giga, mega, tera, nano v.v…không biết đâu mà lường; chuyện gì cũng có thể tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên những ngày gần đây xuất hiện trên facebook một bài thơ năm đoạn chỉ vỏn vẹn 176 chữ của một cô giáo không phải là thi sĩ mà lại làm nóng lên trên  mạng thông tin toàn cầu.

 

Ngày 25.04.2016 người ta thấy bài thơ trên facebook của Trần Thị Lam, một ngày sau đã có trên 2000 lượt người chia sẻ. Nhưng nếu tìm kiếm trên google ngày 29.04.16 với tên bài thơ thì có tới 440,000 kết quả và ngày 12.05.16 có đến 706,000 kết quả; còn nếu tìm kiếm tên cô giáo Trần Thị Lam thấy có hơn 1.5 triệu kết quả. Không biết bao nhiêu bài thơ họa lại hay trả lời: đất nước mình rồi sẽ về đâu? Nhạc sĩ, ca sĩ và ngay cả không phải là ca sĩ chuyên nghiệp có chút máu văn nghệ cũng lên you tube và trải rộng tâm tình cho người nghe. Chuyện gì đã xảy ra và tại sao như vậy?

 

Nguyễn mạnh Côn đã dành bao thời gian dài viết lên cuốn sách “Đem tâm tình viết lịch sử”. Quả thực, ông đem tâm tình viết qua các biến cố từ ngày 03.09.1945 đến 20.07.1954, ngày chia đôi đất nước Việt nam ở vĩ tuyến 17 tại sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, có vẻ cũng không tác động gì mấy đến giới thanh niên hay trí thức, cũng có thể thời ấy vì thời cuộc khó phổ biến và phương tiện truyền thông chưa phổ cập. Tuy vậy cũng vì những thao thức ấy mà ông phải chết trong tù !! Thật đau buồn và mất đi một nhà văn tâm huyết với đất nước, với thời cuộc.

 

Cô giáo Trần thị Lam, nếu sánh với Nguyễn mạnh Côn chắc không xứng vai bỡi cô còn trẻ (43 tuổi), nghề viết lách chắc chưa bằng và chưa có quyển sách nào. Nhưng cô đã làm một bài thơ gây bão tố trên mạng thông tin và lòng người trong những ngày qua. Bài thơ như sau:

 

Đất nước mình ngộ quá phải không anh?

            Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

            Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú móm

            Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi

 

            Đất nước mình lạ quá phải không anh?

            Những chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vĩ

            Những dự án và tượng đài nghìn tỉ

            Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay.

 

            Đất nước mình buồn quá phải không anh?

            Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc

            Rừng đã hết và biển thì đang chết

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa

 

Đất nước mình thương quá phải không anh?

Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại

Di sản cho mai sau có gì cho con cháu ta trang trải

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu.

 

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?

Anh không biết làm sao em biết được

Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước

Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?

 

Phải đọc qua bài thơ nầy đôi ba lần hơn mới có thể thấy hay đúng hơn cảm được ý tác giả. Trong bài thơ, đôi bạn – trai gái- đang tâm tình hay trao đổi không phải chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày cũng không phải yêu đương lãng mạn tình đời, mơ nhà cao cữa rộng, mái ấm gia đình… mà là đang hàn huyên, khắc khoải thời cuộc, đang ưu tư vận mệnh đất nước, đang nghĩ đến trách nhiệm người công dân yêu nước, đang trải rộng tâm hồn trên những chặn đường quê hương dân tộc, đang theo dõi những biến cố thời cuộc và lịch sử không phải một vài năm trở lại đây mà đã có suốt bốn ngàn năm rồi vậy!

 

Lời tâm tình thỏ thẻ của cô gái nhẹ nhàng ở mỗi đầu câu của mỗi đoạn (đất nước mình ngộ,lạ,buồn, thương, quá phải không anh)dẫn đưa người bạn trai vào những thực tại không thể chối cãi được của hai câu kế (chưa trưởng thành [1],phung phí [2],mất hết tài nguyên[3],nợ nần chồng chất [4]) và câu thứ tư là một kết luận có vẻ phủ phàng, đau xót(nhát đảm [1],coi thường sinh mạng [2],thụ động [3],xấu hổ [4]). Đó là cái khuôn cho bốn đoạn thơ. Mỗi câu đầu của bốn đoạn thơ như một điệp khúc của bài nhạc lập đi lập lại và chỉ thay đổi có một chữ:Đất nước mình ngộ quá phải không anh? Thay chữ ngộ thành: lạ, buồn, thương. Đây là những tĩnh từ biểu lộ tâm tình thật nhẹ nhàng, một tâm tình nặng trĩu tình quê hương dân tộc, đầy tình người, rất nhân bản dường như làm cho người bạn trai có vẻ lúng túng và khó lòng giải đáp dùm cho cô: anh không biết làm sao em biết được?

 

Mối tơ lòng nầy lớn quá và cả hai đều đành chịu. Cái đành chịu, cái khúc mắc, nỗi lòng trăn trở của cô lại mở ra một lộ trình bao la, bao gồm tất cả: trời xanh, người trước, người sau. Ý ẩn tàng đàng sau có thể hiểu được là đối với vấn đề đất nước, quê hương dân tộc, ai cũng có phần trách nhiệm, cần phải ý thức, cần thao thức, cần phải làm một cái gì.Coi chừng lây nhiễm bệnh thời đại: bệnh vô cảm. Vô tri là bất mộ mà. Mình không biết, không ưu tư làm sao mình yêu mến, mình chu toàn trách nhiệm. Nếu không như thế, đời sống con người “không chịu lớn”, vẫn còn trẻ con, “vẫn còn bú móm”, sống nhục nhã, phải “cúi đầu’ lòn cúi, quị lụy và hậu quả là “ sinh mạng con người chỉ như cái móng tay”, nhỏ bé, không đáng coi trọng, người ta cắt vứt bỏ đi không thương tiếc. Vắc chanh bỏ vỏ mà !

 

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?

Anh không biết làm sao em biết được

Câu hỏi gởi trời xanh, gửi người sau, ngưởi trước

Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?

 

Có thể thấy được tâm tình gửi gắm của cô gái nằm ở câu cuối của bốn đoạn thơ:

 

Trước những bất công mà không biết kêu đòi

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa

 

Ý tưởng chủ lực ở câu đầu: tại sao “trước những bất công mà không biết kêu đòi?”. Lẽ tự nhiên: con khóc, khát sữa mẹ mới cho bú.Phải biết kêu, phải biết đòi, phải biết nhận thức đời sống con người mới trưởng thành.Phân biệt đâu là lẽ phải, đâu là công lý sự thật, đâu là sự ác sự bất công, đâu là sói đội lớp chiên, đâu là bánh vẽ, mỵ dân, ru ngủ, đâu là lợi ích dân tộc. Cần phải thấy, phải nhận ra sự thật đàng sau những cái bánh chưng vô cùng kỳ vĩ, những dự án và tượng đài nghìn tỉ, những lễ hội rùm ben, những sự kiện thể thao, hoa hậu v.v…để làm gì? Hãy liên tưởng đến những việc tương tự thời Pháp thuộc cũng tổ chức như vậy. Phải nói VN hiện giờ thật là nhiều ngày lễ, lễ hội không những ngoài xã hội rồi đến các tôn giáo, ban ngành, các hội nhóm, đoàn thể, đến cá nhân nào là sinh nhật, thăng chức, cưới hỏi, đầy tháng,kỷ niệm 1, 2, 3…năm gì đó v.v…thôi thì đủ các ban ngành, đủ chuyện để bia rượu, bánh trái trải dài ra; phong bì phong thơ…chạy vào túi !! Còn đất nước sẽ về đâu chỉ còn hỏi trời xanh ! Ngộ, lạ, buồn, thương quá phải không anh? Nhận thức điều đó cũng là một thách thức lớn bỡi biết được cái chỗ yếu (weak points), cái khiếm khuyết  nên “sinh mạng con người chỉ như cái móng tay”. Và ở đây cũng có thể hiểu được trách nhiệm nhà nước chẳng mấy quan tâm lo cho cuộc sống người dân.

 

Một đàng người dân quan tâm, hành động vì tấm lòng yêu nước thì nhà nước lại chẳng coi sinh mạng con người ra sao! Chỉ như một cái móng tay!

 

Quả vậy                                  đất nước minh buồn quá phải không anh?

Biết bao nhiêu tài nguyên:     biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc

Mà bây giờ thì                        rừng đã hết và biển thì đang chết

Chỉ còn những ngày buồn ủ rũ nhớ lời vang vọng: những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa.

 

Tuy nhiên dù những sự thật phũ phàng như vậy:chưa trưởng thành (đoạn 1), phung phí (đoạn 2), mất hết tài nguyên (đoạn 3), nợ nần chồng chất (đoạn 4) dường như tâm tư cô gái không hoàn toàn thất vọng, vẫn còn hy vọng vào tương lai dù đen tối chút xíu vì món nợ chồng chất:

 

Di sản cho mai sau có gì để con cháu ta trang trải

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu.

 

Chữ “có gì” và “mà không phải” vừa mô tả tâm trạng lo âu mà cũng vừa nói lên chút gì hy vọng, niềm tự hào dân tộc đã ẩn tàng trong lòng cô giáo. Không biết đây có phải là một trong nhiều năng  khiếu bẩm sinh và nghệ thuật nội tướng của phụ nữ Việt nam chăng? Quán xuyến trong ngoài nay việc nhà việc nước cũng trọn vẹn như có thể thấy nơi bà Trưng, bà Triệu, Bùi thị Xuân, cô Giang, cô Bắc và biết bao bà mẹ, phụ nữ Việt nam đáng ca ngợi, nể phục qua ca nhạc, thơ ca như Chinh phụ ngâm, Hòn vọng phu, Mẹ Việt nam v.v…

 

Nhìn chung có thể coi đây là đoản văn cô đọng tâm tình, ưu tư về vận mệnh quê hương dân tộc sau nhiều thời gian trăn trở. Cô đọng, gói gọn rất nhiều sự kiện lịch sử, thời cuộc mà đọc lên ai cũng biết nó chỉ về thời nào, chỉ cái gì, do đó khó lòng cắt chỗ nầy bỏ chỗ kia. Đoạn 2 mang nhiều chất thơ hơn cả vì nghe âm vần: kỳ vĩ, nghìn tỉ, chỉ như.

 

Đọc toàn văn có vẻ như là lời tâm tình nũng nịu của cô gái thật nhẹ nhàng, dễ thương. Lời văn trong sáng. Kiến thức phổ thông bao quát hay hiểu biết rất nhiều về chuyện thời sự. Thời sự về tình tự quê hương dân tộc chứ không phải chuyện xe cán chó, chuyện từ thành tới tỉnh hay những chuyện phòng the, thời trang của các minh tinh, tài tử v.v…nên đã thu hút được nhiều người quan tâm, thích thú.

 

Có thể nhìn thấy bài thơ là một thông điệp tâm tình của cô giáo như một tâm sự rất chân thật nhắc nhở mỗi một người: ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện đất nước quê hương cũng quan trọng không kém, cũng trách nhiệm không thua: Đất nước mình rồi sẽ về đâu, thưa anh, thưa em, thưa ông bà, thưa các thầy,thưa các linh mục, giám mục, thưa các mục sư, thưa các vị lãnh đạo?

 

Ai sẽ trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?

 

Nếu để ý một tý, cô giáo có thể phần nào đã ngầm trả lời. Một lối trả lời hay một giải đáp để ngõ rất khéo léo, họp tình, họp lý và họp cảnh nữa là đàng khác? Đây là lúc không phải nhẫn nhịn. Thời gian đã quá đủ rồi. Bốn ngàn năm còn gì nữa. Đây là lúc phải ngẩn cao đầu, phải có niềm tự hào dân tộc,phải nung nấu lòng nhiệt huyết Phan bội Châu, phải hiện đại hóa khí phách Phan chu Trinh, phải thắp sáng hào khí Nguyễn Huệ Quang Trung mới có hy vọng sánh vai cùng năm châu bốn biển.

 

Trước những bất công phải biết kêu đòi

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu.

 

Nếu triết học nói “hỏi tức là trả lời’ thì câu hỏi (đất nước mình sẽ về đâu anh) của tác giả bài thơ đã phần nào có câu trả lời – một câu trả lời để ngõ, rộng mở tùy thuộc vào sự đáp trả, nhận thức hay hành động của mỗi người. Tác giả dùng lối phủ định sau những sự thật phũ phàng nhằm để nêu bật sự việc, sự kiện lịch sử để đánh động, thức tỉnh lòng người trở về sống với thực tế đời thường. Nếu hiểu ở ý nghĩa xác định thì đó là một thách thức to lớn, một lời mời gọi, một sự thúc giục mạnh mẽ. Thử coi:

 

  1. Nếu biết trưởng thành theo năm tháng, đâu còn có gì là ngộ nữa vì biết thực thi, thể hiện quyền làm người, quyền công dân, thấy chướng tai gai mắt, bất công phải biết kêu đòi.
  2. Đừng hùa theo, đừng nghe theo những lời dua nịnh bên ngoài- bánh chưng, tượng đài, tốn phí vô ích, cần phải lo đến an sinh xã hội, mạng sống con người quí trọng thì không có gì là lạ nữa.

 

Tóm lại, toàn văn bài thơ gợi lên lối đối thoại như tâm tình của người em gái hỏi anh trai về biết bao chuyện thời sự lịch sử và đang nóng bỏng ( rừng đã hết và biển thì đang chết) đang xảy ra trên mọi miền đất nước. Nhưng xem chừng đó chỉ là một lối trao gởi nhắm đến hết mọi người công dân. Do đó bài thơ thu hút sự chú ý của nhiều người cũng không có gì là lạ. Người ta trân quí cô giáo ở tâm tình tha thiết với quê hương dân tộc, cái ý của bài thơ nhiều hơn là lối làm thơ.

 

Vấn đề của cô giáo hay chủ ý của bài thơ: Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu đã vang vọng hay đang vang vọng bao nhiêu trong tâm tưởng chúng ta? Nếu không thì chúng ta chỉ  như “những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa” vì không còn lại gì cho quê hương đất nước cả: Rừng đã hết và biển thì đang chết. Buồn lắm thay! Đây có phải là một báo động đỏ chăng?

 

Sydney, 25 May 2016

Nguyễn Thanh Huân

 

Leave a Reply