Tâm tòng “chúa”
TÂN TÒNG “CHÚA” !
CHO MỘT NGƯỜI VỪA ĐI XA
Ngôn ngữ Việt nam thường thêm chữ “chúa” (viết thường) sau hoặc trước vào một danh xưng, công việc, đơn vị…nào đó để ngụ ý : người đó, vật đó, công việc đó, đơn vị đó rất…rất quan trọng, rất đúng, rất thật, rất nhiều, rất chính danh, rất…v.v…
Ví dụ :
– Ong “chúa” : là con ong đầu đàn, quan trọng nhất trong bầy.
– Rắn hổ “chúa” : là loài rắn hổ độc nhất, hung dữ nhất trong các loài rắn hổ.
Và người ta vẫn thường nói :
– Đó là một tay “ăn trộm chúa”.
– Tên đó là một gã “tham nhũng chúa”.
– Tay nầy là một tên “cọng sản chúa”…
Hoặc :
– Tao “chúa” ghét cái bọn Bắc Kỳ.
– Đúng là một tên “chúa” ở dơ.
– Con mẹ đó “chúa” hà tiện…
Riêng tại giáo xứ Tuy Hoà, trong một dịp Đại hội Tân Tòng hàng năm, có một anh gia trưởng Công Giáo tự xưng mình là “tân tòng chúa”, để muốn nói với mọi người rằng : tôi là một tân tòng lâu năm, tân tòng thứ thiệt, tân tòng mà giữ đạo đàng hoàng và rất có uy tín.
Khi nhắc tới anh “tân tòng chúa” nầy thì giới chức việc, các anh em trong ban Truyền thông…chắc không ai là không nhận ra đó chính là anh Gioakim Võ Văn Hào, còn có biệt danh “Dư Hào” (Thường được gọi là “Dư” thôi, để phần nào phân biệt với ông nhạc vợ của anh cũng mang tên “Hào” !).
Mà đúng vậy. Là một tân tòng, nhập đạo để lấy vợ Công Giáo (Chị Danh), nhưng anh “tân tòng chúa” nầy được cả gia đình bên vợ thương yêu kính trọng và gần như giao cho trách nhiệm quản trị công việc đời cũng như đạo : hôn quan tang tế !
Là một một người tài hoa, đa tài, nhất là năng khiếu trang trí, hội hoạ, kiến trúc…lại có khiếu hài hước cùng với tấm òng quảng đại, bao dung và hoà hợp với mọi người, bạn hữu, nên anh “tân tòng chúa” nầy gần như được mọi người trong giáo xứ Tuy Hoà thương mến, trân trọng : từ cha sở, cha phó, đến quý chức, các hội đoàn, bạn hữu.
Mỗi mùa Giáng Sinh, người ta thấy anh bỏ ra có khi cả 2 tháng trước để lầm lũi âm thầm, có khi một mình, có khi kéo cả vợ con, thực hiện các hạng mục trang trí Giáng Sinh, mỗi năm mỗi bắt mắt, cách điệu, hấp dẫn. Làm việc vừa có phương pháp khoa học, tính mỹ thuật cao, lại có tầm nhìn và chiều sâu văn hoá, đức tin…nên, các “tác phẩm” của anh đều chinh phục được sự mến mộ của mọi người.
Mà không chỉ chăm chăm lo cho giáo xứ Tuy Hoà thôi đâu ! Nơi nào cần đến, anh chẳng hề từ nan. Giáng Sinh năm 2014 anh ra tận Quảng Ngãi, dành cả tháng để giúp các hạng mục trang trí cho giáo xứ cách xa quê anh đến 300 cây số.
Điều đáng trân quý, đó là anh luôn chu toàn trách nhiệm trong sự thanh thản, vui tươi, không bao giờ than phiền, chê trách, đố kỵ, bất mãn. Chỉ trong khía cạnh nầy thôi, danh xưng “tân tòng chúa” dành cho anh quả là thích hợp. “Tân tòng chúa” nầy còn lèo lái một gia đình hạnh phúc và đạo đức. Vợ và các con đều noi gương “tân tòng chúa” dấn thân vào các sinh hoạt mục vụ giáo xứ.
Riêng trong nhóm bạn truyền thông, gần như không có cuộc họp mặt nào vắng anh; và cũng vì thế, không bao giờ họp mặt mà thiếu tiếng cười.
Nghe tin anh mất vào sáng sớm ngày 25.02.2019. Rất nhiều người tiếc thương và hụt hẫng. Để ghi niệm về anh, xin có đôi dòng chia sẻ cùng với bài thơ tiển biệt anh :
CHO MỘT NGƯỜI VỪA “ĐI XA” !
(Tưởng niệm về anh Gioakim Võ Văn Hào, cựu chức việc – thành viên ban truyền thông giáo xứ Tuy Hoà, vừa về với Chúa hôm nay tại Mỹ (2 giờ sáng 25.02.2019, giờ Việt Nam)
Cứ tưởng bọn mình,
Sẽ rong chơi cho đến tận cùng thế giới.
Cùng ngắm bình minh lên,
Hay bên nhau những hoàng hôn đứng đợi.
Đợi mùa xuân đến, đợi chiếc thuyền câu,
Đợi ly rượu nồng ấm áp bên nhau,
Vài con cá giò (kình) lênh đênh giữa biển !
Nhưng rồi, đường nhân thế
luôn ngang dọc những vết hằn đau điếng.
Chưa đủ hàn huyên mà đã vội chia xa,
Bình chưa cạn rượu bỗng ngấm chua cay,
Thì ra ! Bếp lửa nhân quần nay đã tắt ?
Cho dẫu biết,
“Một cõi đi về” luôn giăng mắc,
Kiếp phù sinh loài hoa cỏ chóng tàn !
Nhưng “kẻ ở người đi”, lòng ai chẳng xốn xang !
Và hẫng hụt,
Có phải không “một người vừa nằm xuống” ?
Thôi nhé,
Anh bình an chuyến tàu về “viễn xứ”,
Rồi chúng mình “ga cuối” sẽ gặp nhau.
Khói hương thơm hoà lời kinh nhỏ nguyện cầu,
Vẫn có nhau “nối linh thiêng vào đời”, anh nhé !
Sơn Ca Linh
Qui Nhơn 25.2.2019
Recent Comments