Tản mạn Judas
Tản mạn Judas.
Cát Giang
Nguyên nhân nào đã khiến Judas, từ một môn đệ thân tín trở thành tên phản bội, cam tâm bán đứng Thầy mình cho quân dữ. Chẳng ai biết. Suốt 20 thế kỷ nay, đó là một bí mật mà ngoài Chúa Jesus ra, trên đời này chỉ có mỗi mình Judas biết, nhưng y thì đã xuống tuyền đài nằm từ lâu rồi. Vì thế lời đáp cho vụ phản bội nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại này sẽ mãi mãi còn là một bí mật không lời giải.
Bốn phúc âm, nguồn tư liệu duy nhất có thể giúp ta truy tìm động cơ phản bội đã đề cập đến chuyện này quá ít. Nhìn đi nhìn lại, đó chỉ là vài dòng về 30 đồng bạc mà quân dữ đã đưa cho Yudas để trả tiền công chỉ điểm, cùng với một lời giải thích mang đầy tính con nhà đạo : Quỷ đã nhập vào linh hồn hắn” ( Luc 22,2) .
Quỷ nào đã nhập ? Quỷ hám danh hay quỷ hám tiền ? Quỷ hận thù ganh ghét hay là thứ quỷ quỷ quyệt nằm vùng ? Rất nhiều câu trả lời đã được đưa ra.
Có người bảo nguyên nhân phản bội của Yudas là do hắn đã theo Chúa với hy vọng Ngài sẽ dành độc lập cho dân tộc Do Thái, nhưng khi hiểu ra Chúa không làm chuyện “quốc sự”, vỡ mộng hắn phản bội.
Có kẻ lại nói ý tưởng phản bội thành hình trong con người Yudas từ lúc y thấy người phụ nữ đập vỡ bình dầu cam tùng có giá tới 300 đồng để lau chân cho Chúa. Theo hắn đó là một hành động phung phí, thế mà lại bị Chúa phê bình ( Yn 12, 5-8) . Vừa bất mãn, vừa nghĩ Thầy mình đã đổi thay, không còn thương yêu người nghèo nên hắn mới bán Ngài với giá 30 đồng, tức chỉ bằng một phần mười giá bình dầu kia cho bỏ tức !?
Lại có người nói do Yudas nghĩ rằng Chúa sẽ thực hiện một cuộc cách mạng giải phóng các tầng lớp bị trị. Cợm áo cho dân nghèo, ruộng đất cho người cày. Nhưng rốt cuộc Ngài lại nói “ ai có thì cho thêm” rồi còn dặn phải đóng thuế cho chính quyền. Như vậy chẳng khác nào Ngài cổ xúy cho bọn áp bức. Bất mãn hắn phản thùng.
Nhưng cũng có kẻ theo thuyết âm mưu thì lại quả quyết chỉ vì Yudas tin rằng khi bị bắt, thế nào Chúa cũng sẽ dùng quyền phép thoát khỏi kẻ thù. Ngài sẽ tự phá bỏ xiềng xích, sẽ đi lại giữa chúng như đi trong chốn không người. Phép lạ cả thể ấy sẽ làm lung lay nền móng tập đoàn áp bức, tạo phản ứng thúc đẩy dân chúng nổi dậy đánh đuổi ngoại bang. Thế nên hắn mới thử bán Thầy mình để trước hết là kiếm nhanh 30 đồng bỏ túi.
Có người lại bảo do Yudas đánh mùi thấy tình hình chung quanh đang rất ư là tình hình ! Các thầy thượng tế chạy đàng nào mà chẳng bắt Chúa trong nay mai, nếu cứ ở trong nhóm 12 thế nào cũng bị vạ lây. Sợ hãi, hắn vội bán Thầy chạy tội.
Còn nhiều lời giải thích khác cho hành động phản bội của Yudas, nhưng tựu chung lại, đó cũng chỉ là những giả thuyết của các nhà thần học, của các nhà chú giải kinh thánh, còn với đại đa số chúng ta, thì chuyện Yudas bán Chúa rõ ràng là do lòng tham 30 đồng bạc mà ra. Kinh thánh đã chép vậy mà.
Tham tiền ư ? Có thật tội ác này xảy ra chỉ vì ba chục đồng không ? Ở đây người viết chỉ xin lạm bàn đôi ba dòng, đúng sai không dám nói, vì tất cả cũng chỉ là chút tản mạn giữa lúc “trà thiếu rượu không” của một kẻ xưa nay vốn vẫn thuộc về nhóm “đại đa số”.
Muốn biết nguyên nhân hành động của bất kỳ ai đó thì ta nên tìm hiểu về con người đó. Yudas là một người như thế nào ?
Trước hết, Yudas là một môn đệ thuộc nhóm 12 thân tín của Chúa. Trong phúc âm, bản sơ yếu lý lịch của ông được ghi lại rất sơ sài, nó chỉ cho biết rằng ông ta là con của Simon Iscariot. Cái tên Simon với dân Do Thái cũng giống như tên Hùng tên Dũng trong tiếng Việt, rất phổ biến nên chẳng nói lên điều gì. Nhưng cái tên Iscariot thì khác, nó cho ta biết xuất xứ người mang nó.
Kerioth là một địa danh nằm ở miền nam nước Do Thái, thuộc xứ Giuđêa và là đất của chi tộc Yudas. Khi nghe mấy cái tên như Tư Cầu Ông Lãnh hay Dũng Đa Kao, ta liền biết ngay rằng anh Tư, anh Dũng kia là dân Saigon chính gốc, thì cái tên Yudas Iscariot này cũng vậy, nó nói cho ta biết rằng cái ông Yudas ấy là dân Kerioth, xứ Giuđêa ( Yôs 15, 25). Với người Do Thái, cách gọi tên theo quê quán này rất phổ biến. như Chúa Jesus vẫn được dân chúng gọi là Jesus Nadaret (Jn 18,5) và bà Maria Madalena có nghĩa là bà Maria ở thành Magdala…
Như vậy Yudas là người miền nam duy nhất trong nhóm 12, vì các môn đệ còn lại đều là dân gốc bắc, đều đến từ miền Galilê, quê hương Chúa Jesus (Cv 2, 7) . Một tay miền nam ăn nói trọ trẹ sống giữa một đám toàn dân bắc kỳ nòi ! Đáng ngạc nhiên đấy chứ.
Kinh thánh còn cho biết, trước khi theo Chúa, nhiều môn đệ đã từng quen biết nhau, thậm chí có người còn là anh em ruột, anh em con chú con bác, như thế, theo tình cảm tự nhiên, những đồng hương ấy sẽ gần gủi với Chúa và gắn kết với nhau hơn. Mọi sinh hoạt giữa họ đương nhiên cũng sẽ rất thoải mái. Người nhà mà.
Lạc lỏng chăng là một mình Yudas, một tay nam kỳ, chẳng những khác giọng nói mà cả cách làm cách nghĩ cũng khác. Tuy vậy, không những Chúa đã chọn Yudas mà còn đặt ông làm “cán bộ”. Phê rô thủ lĩnh, Yudas thủ quỷ. Đương nhiên Yudas phải có khả năng thì Chúa mới giao cho y túi tiền, cũng như y phải xứng đáng thì mới được Ngài chọn làm môn đệ.
Chúa không chọn các môn đệ cách ngẫu nhiên, gặp ai chọn nấy mà chỉ những kẻ hội đủ điều kiện. Điều kiện đầu tiên mà một môn đệ Chúa cần có, chắc chắn kẻ ấy phải là một người có tấm lòng chân thành, bụng dạ không giả dối. Ngài từng dặn đi dặn lại : Phải tránh xa và coi chừng men bọn giả hình (Lc 12,1 & Mt 16,6 ). Phải tránh xa bọn “ bên ngoài thì sơn phết hào nhoáng còn bên trong toàn giòi bọ thối tha”. Dường như chính sự giả hình mới là điều Chúa kỵ nhất trên đời này. Như vậy làm sao Ngài có thể chấp nhận cho một tên giả hình đứng trong hàng ngũ của mình được. Biết lòng nó độc thì lánh xa nó, kinh xưa đã từng nói vậy.
Bốn phúc âm dù ít ỏi, cũng đã cho ta thấy một con người Yudas tuy cực đoan nhưng lại rất chân thành trong những ý nghĩ của mình. Ông không phải hạng người giả dối như thiên hạ thường gán ghép. Gặp chuyện không phải là ông lên tiếng ngay, không im lặng để rồi lầm bầm sau lưng. Khi thấy người phụ nữ đập vỡ bình dầu thơm giá 300 đồng để lau chân Chúa, nhiều môn đệ cảm thấy khó chịu vì cho đó là điều phung phí nhưng họ cũng chỉ lầm bầm, chỉ có một mình Yudas lên tiếng.
Lúc thay lòng đổi dạ, Yudas không núp lùm ném đá giấu tay. Giữa bữa tiệc ly, khi Chúa bảo kẻ phản bội chính là người mà Ngài sắp chấm miếng bánh trao cho thì ông vẫn đưa tay ra nhận miếng bánh ấy. Tới khi Chúa bảo ông hãy đi làm chuyện đang chuẩn bị làm, tức là phản bội thì ông đã bình tĩnh đứng dậy rời khỏi bàn tiệc không ồn ào cũng chẳng điệu bộ.
Sau đó, khi dẫn đoàn quân dữ tới bắt Chúa thì chẳng cần đeo mặt nạ, chẳng cần đứng đàng xa ra hiệu, ông đàng hoàng tới sát bên và ôm hôn Ngài để báo cho quân dữ biết rằng chính người này là Jesus Nazaret, dù ông dư biết với hành động ấy ông đã tự đặt mình thành kẻ thù của cả 11 tông đồ. Những hành động quyết liệt như thế không phải là cách cư xử của một kẻ giả hình, một tên hèn nhát. Cho dẫu trong các ghi chép của cả ba phúc âm, ta đều thấy tên của Yudas luôn được đặt ở cuối bản danh sách, nhưng cách xếp hạng này chỉ là do sự phản bội sau này mà ra, còn từ đầu ông ta vẫn được anh em trong nhóm 12 tôn trọng.
Ta cũng biết, trước khi chọn môn đệ, Chúa đã cầu nguyện suốt một đêm (Lc 6, 12-16) nên đương nhiên giữa bao người theo mình, Ngài không thể chọn ra một kẻ xấu. Chúa không lầm khi chọn Yudas cho dù hắn sẽ là tên phản bội.
Thiên Chúa cho hắn tự do, tự do theo Ngài cũng như tự do không theo. Hoàn toàn tự do. Nhưng Ngài đã không chọn Yudas để hắn quay mặt phản bội mà là để hắn nên thánh. Mười một tông đồ kia đều đã nên thánh. Họ theo Chúa và chọn Chúa một cách dứt khoát. Còn Yudas hắn cũng theo Ngài nhưng cái mà hắn chọn lại chính là con người hắn, là cái vũ trụ trong tâm hồn hắn.
Một người đi theo Chúa suốt ba năm ròng, hằng ngày nghe lời Chúa dạy, thấy những gương sáng, thấy tấm lòng nhân ái yêu thương cũng như thấy bao phép lạ Ngài làm mà rốt cuộc lại trở thành một kẻ xấu. Tại sao vậy. Mãi mãi đó là một bí mật. Chúa phải chịu chết để hoàn thành công trình cứu chuộc, nhưng tại sao đó lại là Yudas. Mãi mãi cũng là một bí mật.
Phải chăng là do tư tưởng vô thần đã chiếm lĩnh tâm hồn Yudas. Tò mò lẫn ngạc nhiên trước các phép lạ Chúa làm nhưng Yudas không tin những phép lạ đó là do quyền năng siêu nhiên mà hắn cho rằng đó chỉ là những hiện tượng tự nhiên mà con người chưa thể giải thích.
Ai tìm sẽ thấy ai gõ sẽ mở. Muốn biết Chúa là ai nên Yudas mới xin làm môn đệ để tìm hiểu. Nhưng thực ra Yudas chỉ đi tìm cái mà ông đang giữ chặt trong lòng. đó chính là niềm tin vào vật chất, vào khoa học. Ông là một nhà khoa học thực nghiệm duy vật, chỉ tin những gì đang diễn ra trước mắt, tin cái đang có. Mọi con đường để Chúa bước vào tâm hồn ông đều đã bị bịt kín bởi lý luận. Hành động ném tiền vào thánh điện cũng là một biểu hiện cho sự báng bổ thần thánh có sẵn trong con người ông.
Trong nhóm 12, người mà Yudas có thể nói chuyện chắc sẽ là ông Tôma, một mẫu người “thấy mới tin”. Nhưng Yudas còn hơn thế, phải cắt nghĩa được cái mình thấy thì ông mới tin.
Khi Chúa nói “ Các ngươi đừng cứng lòng. Phúc cho ai không thấy mà tin” chắc hẳn Yudas đã tự nhủ “ Lòng tin thật sự phải là một lòng tin cứng lòng. Không thấy mà tin là phản khoa học. Cái có trước hết phải là cái thực.” Yudas chính là đối tượng mà Chúa bảo “ Dẫu cho kẻ chết sống lại nó cũng chẳng tin” ( Luc 16,31).
Do đó, Yudas đã đẩy Ngài vào bàn tay quân dữ với hy vọng trong cái tuyệt lộ ấy sẽ có câu trả lời để giúp hắn biết rằng Chúa có thật là Thiên Chúa hay chỉ là một nhà ma thuật. Nếu Ngài thật là Chúa, Ngài phải tự cứu mình…
Nhưng Chúa là con chiên xuống trần chịu hiến tế để cứu nhân loài, Ngài im lặng chịu xén lông (Is 53,7), im lặng chịu đòn roi sỉ nhục, im lặng chịu đóng đinh, chịu chết vì loài người.
Những điều này nằm ngoài dự kiến, nằm ngoài suy nghĩ của một Yudas vô thần. Nhìn Thầy mình im lặng đi tới cái chết, tâm hồn chai đá của y như tan ra. “Tôi chỉ là một tên giết người”. Trong cơn tuyệt vọng, chắc hẳn ông ta đã tự nhủ như thế và ông như nghe thấy tiếng Chúa : Yudas đừng tuyệt vọng. đừng để mình chết trong gông cùm tư tưởng. Bao năm theo Ta, con phải biết rằng không có một tội nào là không thể tha thứ. Ta chết chính là để cứu chuộc con.
Và Yudas đã đáp : Vô ích. Vô ích. Nếu Ông thật là Thiên Chúa thì tôi đã sinh ra, đã sống, và đã hành động chỉ là để phục vụ cho cái chết của Ông. Nhưng đó là định mệnh và tôi chấp nhận nó trong nổi tuyệt vọng khôn xiết.
Và rồi với sợi dây thòng lọng tròng vào cổ, ông ta đã chứng tỏ rằng, cho dù có chết, ông cũng không chịu thua Thiên Chúa ! Nhưng còn Thiên Chúa, Ngài có chịu thua ông hay không. Đây lại là một chuyện khác. Một bí mật khác.
Một cái nhìn về Yudas như thế, có thể cắt nghĩa được sự lựa chọn của Chúa, sự phản trắc cùng với cái chết của Yudas hay không, chẳng ai dám chắc, vì thực ra đó cũng chỉ là một giả thuyết và … chỉ có 30 đồng mới là thực.
Nhưng có thực chỉ vì tham tiền mà Yudas bán Chúa hay không ? Một số người sẵn sàng trả lời ngay và luôn là không. Vì sao ? Đơn giản là nếu chỉ vì tham 30 đồng thì chẳng phải là hắn ta đã đạt được mục đích rồi sao. Các thượng tế đã giao đủ 30 đồng không thiếu một cắc. Tiền trong tay, y phải vui mừng và xử dụng nó chứ không phải là đi tìm cành cây treo cổ.
Hơn nữa, 30 đồng là một cái giá quá bèo cho sinh mạng một con người đầy uy tín như Chúa Jesus. Chúa không lầm khi giao cho Yudas chức thủ quỷ, nếu tham tiền thì với cái tài đánh mùi tiền, hắn phải biết cái thời giá “sinh mạng chính trị” của Thầy mình lớn tới cỡ nào. Tham tiền thì không bao giờ hắn chấp nhận cái giá đó !
Chẳng phải Chúa vừa tiến vào Yerusalem trong “cờ hoa” rực rỡ với lũ lượt dân chúng tung hô. Một buổi thuyết giảng bình thường của Ngài mà đã có hơn 5000 người lặn lội tìm tới tận hóc núi để nghe. Đi tới đâu dân chúng cũng lũ lượt tuôn theo. Một nhân vật đầy hấp dẫn, nếu muốn có thể làm lung lay cả chế độ thì ba chục đồng chứ ba chục ngàn vẫn không là gì.
Hơn nữa, ba mươi đồng bạc kia sẽ chẳng đáng là bao nếu ta đem so với số tiền quỷ nhóm 12 mà Yudas đang nắm giữ. Đây là một suy đoán hợp lý. Cộng đoàn của Chúa được rất nhiều người yêu mến, do đó số tiền khách thập phương ủng hộ phải rất lớn.
Ta hãy xem ngay một bình dầu giá 300 đồng mà họ cũng chả tiếc, một bữa tiệc cho 12 người mà trong chốc lát họ cũng dọn lên đầy đủ, đến ngay một ngôi mộ đá mới làm, nằm ở một vị trí đắc địa sát cổng thành mà họ vẫn sẵn sàng dâng cúng để liệm xác Chúa… Thế thì tại sao lúc đi tự tử, móc trong túi ra, Yudas chỉ còn có đúng 30 đồng bạc để ném vào đền thánh. Số tiền quỷ còn lại nằm ở đâu ? Nếu cho rằng Yudas ăn cắp nó thì chắc chắn y phải gởi cho một ai đó cất rồi, và như thế thì người ấy đã đem xác y về chôn cất tử tế. Nhưng không một nhân vật nào như thế xuất hiện. Vì sao ? Tại vì trong thực tế chẳng hề có một nhận vật nào như thế. Ta có thể kết luận Yudas không là kẻ tham tiền, không là một tên ăn cắp, nên các thượng tế mới phải dùng chính 30 đồng bạc y ném vào đền thờ để lo việc mai táng cho y.
Vậy cái túi tiền của nhóm 12, cái túi tiền lúc nào bàn tay Yudas cũng khư khư nắm chặt như trong bức tranh “Bửa tiệc cuối cùng” mà danh họa Vinci mô tả, cái túi tiền đã trở thành logo, thành “thương hiệu bản quyền” Yudas nằm ở đâu ? Xin thưa là nó đã được Yudas bỏ lại bên bàn tiệc thánh rồi. Ông ta đã ra đi với hai bàn tay không. Ông chẳng tham cái gì không thuộc về mình. Của Caesar trả Caesar. Ba mươi đồng ném vào đền thờ là tất cả số tiền ông có.
Nếu không bán Chúa vì tham tiền vậy Yudas bán Chúa vì cái gì ? Mãi mãi là một bí mật.
Nhưng không phải đột nhiên mà ông ta trở thành một tên phản bội, cũng không phải ngày một ngày hai mà ông ta nhảy lầu. Yudas đã bước tới cái hố thẳm đời mình một cách từ từ, mỗi ngày bước một bước.
Ông bước tới hố thẳm bằng sự thất vọng khi cố gắng cắt nghĩa cho được một Thiên Chúa đang hiện diện bằng những lý lẽ duy vật. Ông bước tới hố thẳm bằng những thói xấu như bỏ túi riêng dăm ba đồng để mua vài chén rượu nồng uống cho đỡ nhạt miệng. Ông bước tới hố thẳm bằng sự xa lánh cộng đoàn, coi anh em nhóm 12 là lũ khờ dại, cuồng tín và ông ta đã bước tới hố thẳm bằng một tấm lòng chai đá nhất quyết không tin vào Thầy chí thánh.
Đón nhận nụ hôn Yudas, người mà tình thương của Chúa đành phải chịu thua, đầy đau đớn Ngài nói với hắn : Này bạn thân yêu ơi ! Bạn hôn Ta để nộp Ta ư ?
Nhưng niềm đau của Chúa chỉ lên tới tột đỉnh khi từ trên cây thập tự, đưa mắt nhìn về phía xa xa, gần bên khu vườn người thợ gốm và thấy xác người môn đệ yêu mến đang treo lũng lẵng trên cành cây. Trước cảnh tượng này, Ngài đã phải thốt lên trong nổi cô đơn cùng cực :
– Cha ơi ! Sao Cha nở bỏ Con …
Cát Giang
Recent Comments