TÌNH KHÚC CHIỀU MƯA

Lễ Mình Máu Chúa, chợt có lời thơ những ngâm rằng:

“Linh hồn em vội vã, vẽ chân dung”
“bay vội vã, vào trong hồn mở cửa.”

Chân-dung vẽ rồi, lại thấy hát:

“Tình chết, không đợi chờ!”
Tình xa, ai nào ngờ!
Tình đã phai nhạt màu, còn đâu?
Tình trót, trao về người
Thì dẫu, lỡ làng rồi
Người hỡi, xin trọn đời lẻ loi!

À thì ra, thi-ca âm-nhạc ở đời, cũng chỉ nói lên đôi lời trìu-mến với người anh người chị ở khắp nơi, chốn nợ đời nhiều tình-tiết.
À thì ra, thi-ca và âm-nhạc sẽ còn chuyển-tải mãi những điều như thế đến mọi người, trong/ngoài nhà Đạo rất hôm nay.
Thế đó, là những tình-tự xin được gửi đến bà con thân thương của bần đạo ở chốn thánh Nước Trời nhiều niềm nhớ.
Mai Tá
Từ Sydney luôn nhớ đến tất cả bạn bè thân hữu rất vui vầy
www.giadinhanphong.com

Suy Tư Tin Mừng sau lễ Mình Chúa ngày 18/6/201

Tin Mừng (Ga 6: 51-58)
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói:
“Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Đức Giêsu nói với họ:
“Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

“Linh hồn em vội vã, vẽ chân dung”
“bay vội vã, vào trong hồn mở cửa.”
(dẫn từ thơ Nguyên Sa)
Vội hay không, thì anh và em nào vẽ được những chân dung, của hồn mình. Chí ít, là khi vẽ xong, em cũng vội bay vào trong hồn mở cửa. Phải chăng, đó là tâm trạng của người đời? Còn nhà Đạo, nay vẽ gì khi mừng kính Mình Máu Chúa, rất Kitô?

Trình thuật hôm nay thánh Gioan cũng có ghi nhưng không vẽ. Thánh nhân ghi, là ghi về Thánh Thể, để kể về cuộc đời Chúa có tình yêu, sự sống, rất văn chương.

Cứ sự thường, người người bảo: ở văn chương thi tứ, bốn thể loại thấy rất rõ để diễn tả đời người và người đời, là: kịch tính, mỉa mai, hài hước, lãng mạn. Tình tiết này, ăn khớp với bốn mùa: thu, đông, xuân, hạ, rất nghe quen.

Xét về kịch tính của cuộc đời, người người sẽ thấy thời khắc/tháng năm luôn thăng trầm, khó lẩn tránh. Chỉ có tình yêu, mới kiên định được nổi khó khăn, cần hy sinh. Tính mai mỉa ở người đời, ai cũng thấy mặt ngoài có vẻ dễ chịu, nhưng bản chất thật khó chịu. Trường hợp này, tình yêu là những ngày dài đầy khổ đau. Nhưng, với các vị tử đạo dù bị bức bách, vẫn không chịu đầu hàng.

Tính hài hước của cuộc đời, người người kỳ vọng sẽ thấy ngạc nhiên xảy đến, dù rất khó. Nhưng khi đó, tình yêu sẽ là những tháng ngày hoà lẫn giữa thích thú và chán buồn. Chỉ mong có được kết hậu, để vui hơn. Tính lãng mạn của cuộc đời, người người sẽ quên mất thực tại, chỉ giữ lại những mộng mơ, vào ngày cuối. Và khi ấy, tình yêu là thế giới tư riêng, không như ý. Xem như thế, đời người vẫn trải nghiệm những phấn đấu, xúc cảm, rồi buồn bã, và thức tỉnh.

Xét văn chương, ta thường bảo mọi chuyện đời đều chất chứa tính “cổ điển”. Và, một trong các đặc trưng của “cổ điển”, là sự chan hoà giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Từ đó, người người sẽ hiểu: đời mình là sự hoà tan rất nhiều thứ, cũng giống như tình yêu vốn đượm nhiều sắc thái nên vẫn khiến người từng trải rày sẽ bảo: đời là thế. Nào có khác tình yêu đâu! Đến đây, ta sẽ bảo: chuyện tình đời gia đình mình cũng mang tính cách cổ điển, hệt như thế.

Phúc âm ta đọc từ mùa Phục Sinh cho đến Lễ Ngũ Tuần, cũng đều mang tính cách “cổ điển”, như cuộc đời. Tức, cũng hoà trộn một cách nhuần nhuyễn giữa kịch tính, mỉa mai, hài hước và lãng mạn. Chương 11-12 Tin Mừng thánh Gioan là một ví dụ cụ thể về kịch tính, từ cái chết của Ladarô, đến các phản ứng Đức Kitô cho đến sự việc Ngài lên đường đi Giêrusalem, cũng thế.

Chương 5-10, là thể loại trào phúng, rất mai mỉa. Trong đó, thánh sử ghi rõ Chúa là Vị Thẩm Phán rất đích thực. Ngài là Bánh Hằng Sống. Là Nước. Là, Ánh Sáng. Là, Đấng Chữa Lành và là Vị Mục Tử Chân Chính, rất đích thực. Chương 2, hiện rõ văn phong lãng mạn, trữ tình. Có, thánh Gioan Tẩy Giả nói đến niềm vui của lang quân. Có truyện Đức Giêsu đối thoại với nữ phụ người Samari. Nói tóm lại, với Tin Mừng thánh Gioan, cuộc đời Chúa là sự chan hoà giữa bản chất đích thực của tình yêu và sự sống.

Cách đây ít năm, ở Úc, có trình chiếu bộ phim mang tên “Người vẫn cứ đi”. Phim, do tác giả người Nhật từng viết “Chẳng ai biết rõ” nay xây dựng trên kịch bản làm nền cho phim, để bàn về quan hệ của các thành viên trong gia đình. Trước nhất, là nhân vật chính thủ vai mẹ già rất truyền thống sống trong nhà. Cụ Bà luôn chuẩn bị của ăn thức uống, phụ giúp con gái ruột của mình, tức nhân vật thứ hai trong cốt truyện.

Ở đoạn khác trong phim, lại có thêm nhân vật thứ ba, là gia chủ đang năn nỉ vợ (tức nhân vật thứ tư) nên về xin lỗi mẹ già, để rồi cùng hẹn sẽ đến thăm cụ dù chỉ trong thoáng chốc. Trên đường về, ông mải bận tâm lo lắng về chuyện họp mặt gia đình để bắt vợ mình phải đeo mang quà cáp, đồ đạc cũng rất nặng. Và rồi, cả hai cũng gặp mẹ. Hôm đó, có mặt cả người cha (tức nhân vật thứ 5), một bác sĩ về hưu, tai hơi lãng.

Nhân vật thứ sáu là người chị cả, cũng đã đến. Đi theo sau, là ông anh rể vui tính (nhân vật thứ 7) cùng với hai con. Thoạt xem phim, khán giả thấy đó như cuộc liên hoan đoàn tụ, của gia đình. Nhưng vẫn thiếu một thành viên nữa, tức nhân vật số 8, là người anh lớn đã tử nạn, cách đó đến 15 năm. Và, mẹ già hôm ấy lại vẫn muốn mời một người trong làng mà cụ cho là thủ phạm lỡ gây ra cái chết của con cụ (nhân vật số 9). Cụ nghĩ thế, nên anh ấy cũng chẳng thể nào quên được chuyện đau buồn từng xảy ra. Và cuối cùng, người con út còn nhỏ tuổi cũng đã đến. Tổng cộng, là 10 người. Mỗi người mỗi vẻ, làm nên tính chất rất đặc thù của đời người.

Chuyện đời người nói ở đây, cũng “bình thường”. Nhưng, khá phức tạp và tế nhị. Tế nhị nhất, là đoạn nói về năm tháng vẫn trôi qua, không ngần ngại/do dự. Có im lặng là vàng. Có một chút đắng cay. Một chút hy vọng sẽ không bị kềm toả, bởi vật chất. Có cảm xúc rất bất chợt. Có người vắng mặt. Cũng có tình yêu tuy biểu lộ không nhiều. Có, niềm vui chung tuy gượng ép. Nhưng, tất cả đều đã chói sáng bằng lớp vỏ bọc ngoài. Và, sáng hơn cả vỏ bọc nữa. Đó chính để tỏ lòng hiếu đễ với bậc tổ tiên, cao niên.

Bối cảnh của phim trông tựa như khu vườn còn khép kín. Có, cửa đóng then cài. Có, cuộc sống nghịch thường. Có, đủ mọi tình tự lẫn đặc thù tưởng chừng như giả vờ làm thân cho đẹp lòng người mẹ rất cao niên. Nhưng bên dưới lớp vỏ bọc lịch sự/lễ phép ở bên ngoài, vẫn là những tâm tính chua cay, hận thù. Khuất tất.

Nhân vật chính, là cụ bà cao niên ra như vẫn hằn in tâm trạng độc đoán. Cứng ngắc. Bởi, thực tế cuộc đời, là người ai mà chẳng độc đoán. Khó tính khó nết. Cái tính rất khó của cụ bà trong phim, là sự độc đoán/khó chịu ngày một gia tăng. Và, vẫn cứ bộc phát vào ngày con cháu tụ họp hằng năm, Để đến nỗi, người con út vốn tính thẳng thắn, bộc trực vẫn không chịu tham dự.

Tất cả mọi nhân vật trong phim đều như đang đối đầu với một chuyện. Đó là, sự thiếu vắng. Như hồn ma cứ ám ảnh người nhà. Tức, mọi người vẫn cứ phải sống mà không được phép lựa chọn hoặc trắng hoặc đen, chỉ một mầu. Hoặc ngọt ngào hoặc cay đắng, một cuộc đời.

Tuy nhiên, tựa đề của phim truyện vẫn còn ghi dấu “Người vẫn cứ đi”. Đi mãi không ngừng. Phải chăng là đi về với hòa giải, hoà hợp. Chừng như có thứ gì đó không thể lẩn tránh. Thứ gì đó, rất bi ai.

Hôm nay, Hội thánh mừng kính Lễ Mình Máu Chúa Kitô, rất Thánh Thể. Lễ hội này, các gia đình đều đến nhà thờ để tham dự, và rước Mình Thánh Chúa. Cuộc sống hài hoà của các thành viên Hội thánh hoà lẫn với sự sống tràn đầy của Đức Kitô. Cuộc sống Ngài nuôi dưỡng thành viên, như gia đình. Có thăng, có trầm. Có hy vọng, có hạn chế. Nhưng Ngài vẫn trao ban quà tặng như mọi người trông ngóng trong quá khứ. Và, tương lai. Có, thứ gì đó đánh động mọi người, từ bên ngoài. Chính đó là ơn huệ. Để, ta cảm tạ.

Đón rước Mình Thánh Chúa vào buổi Tiệc Thánh Thể cũng là một chữa lành. Trên thế gian, không phải gia đình nào cũng rách nát như phim truyện. Nhưng, mỗi người vẫn duy trì những bí ẩn của đời mình, không thể hàn gắn. Không thể chữa lành. Thế nên, hôm nay, mọi thành viên Hội thánh cùng với gia đình khác mình không quen cũng đến dự Tiệc Thánh để được chữa lành, từ Thánh Thể. Thánh Thể, chuyển biến tất cả thành người phàm có quan hệ mật thiết, với nhau. Có, hạnh phúc từ những phúc hạnh mà chính mình không tạo được cho mình. Hoặc, cho người nhà mình.

Tất cả đều trở về nhà mình và “vẫn cứ đi”, nhưng không biết. Biết rằng, chính mình là thành phần của Thân Mình rất Thánh, Đức Kitô.

Trong hân hoan cảm nhận, cũng nên về với lời thơ còn để ngỏ, ở bên trên, mà ngâm rằng:
“Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa.
Gặp hai hôm, thành nhị hỷ của tâm hồn.
Thơ học trò, anh chất lại thành non,
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu.”
(Nguyên Sa – Áo Lụa Hà Đông)

Chất rượu nơi “đôi mắt ngất ngây”, vẫn là thần linh của Thân Mình rất Thánh, nay mừng Chúa. Vẫn mong rằng, chất rượu ấy sẽ luôn thành “nhị hỷ” của tâm hồn người anh, người chị trong Hội thánh. Hôm nay. Và mãi mãi.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.
Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần sau lễ Mình Máu Chúa năm A 18/6/2017

“Tình chết, không đợi chờ!”
Tình xa, ai nào ngờ!
Tình đã phai nhạt màu, còn đâu?
Tình trót, trao về người
Thì dẫu, lỡ làng rồi
Người hỡi, xin trọn đời lẻ loi!

(Nguyễn Ánh 9 – Tình Khúc Chiều Mưa)

(Lc 2: 51b)

Với nghệ-sĩ, thì: Mưa, thường đem lại cho nhiều một thứ tình nào đó rất sướt mướt gọi là Tình Khúc Chiều Mưa. Mưa buổi chiều, chứ không phải sáng sớm hoặc nửa đêm. Bởi lẽ, chiều xâm xẩm rồi mà lại mưa xuống, thế mới thấm.

Mưa gì thì mưa. Mưa, đến độ khiến người tình đã thấy những là: “tình chết”, rồi “tình xa” và “tình phai nhạt”, thế mới khiếp. Khiếp đến độ, mới “chiều mưa ngày nào”, đã thấy tình yêu dạt-dào, rồi lại “mộng ước mai sau”, thôi thì “tình đầu đừng có thương đau” như ca-từ diễn tả ở câu tiếp:

“Chiều mưa ngày nào . . . sánh bước bên nhau
Tin yêu dạt dào . . . mộng ước mai sau
Cho ân tình đầu . . . mãi mãi dài lâu
Cho duyên tình đầu đừng có thương đau !
Chiều nay một mình . . . chiếc bóng đơn côi
Mưa rơi giọt buồn . . . giá buốt tim tôi
Mưa rơi lạnh lùng . . . xóa dấu chân xưa
Tin yêu bây giờ . . . trả lại người xưa
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Thế đó, là mối tình đầu hay tình cuối cũng không biết, ở ngoài đời. Còn, ở nhà Đạo, lại cũng có một thứ tình không khó diễn tả hoặc bộc-lộ, nhưng lại là thứ tình “mông-lung” hướng về các “tượng đất”, rất nguy-hiểm như nhận-định của Đức Giáo Tông Phanxicô trong buổi kỷ-niệm 100 năm ngày Mẹ hiện ra với 3 trẻ ở nước Bồ, như sau:

“Phải chăng, anh chị em vẫn vinh-danh “Người Nữ được chúc phúc” ở đây là vì Bà luôn tin-tưởng vào lời Chúa ở khắp nơi? Hoặc, Anh chị em ngỏ lời với “Tượng Mẹ bằng thạch-cao” chỉ để xin xỏ đôi điều với giá rẻ mạt chứ? Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công-khai đặt những câu hỏi như thế với cả ngàn người hành hương Fatima hôm kỷ-niệm 100 năm ngày Lễ Hội.

Mẫu-gương Đức Maria luôn tin-tưởng và dấn thân theo Đức Giêsu, là điều ta cần trân-trọng hơn cả. Đức Maria không thể trở-thành mẫu-mã/hình-hài mà các tín-hữu Đạo Chúa đã tạo cho Mẹ do bởi lòng xót thương, trìu mến mà ra.”

Vào trước hôm mừng kỷ-niệm 100 năm ngày Đức Maria hiện ra tại Fatima, Đức Giáo-Hoàng đã đề ra một câu hỏi, chuyển đến cả ngàn người hành hương hôm 12/5/2017, là để họ suy-nghĩ về “Đức Maria nào” mà họ chọn mừng kính. Phải chăng đó là “Đức Nữ-trinh Maria của Tin Mừng”? Hoặc, “Đức Maria là Đấng từng ngăn-chặn cánh tay giận-dữ của Thiên-Chúa, để Ngài không trừng-phạt con người”?

Hôm ấy, Đức Giáo-hoàng đã đưa ra câu hỏi gay gắt như thế với hơn chục ngàn người hành-hương dự lễ. Những người hành-hương hôm ấy, tay cầm nến trắng thắp sáng cả một quảng trường đầy người, trước khi được Đức Giáo Hoàng Phanxicô hướng-dẫn nguyện-cầu bằng kinh Mân Côi.

Đức Giáo Hoàng, đã đến viếng khu di-tích lịch-sử ở Fatima vào buổi chiều trước đó, bằng trực-thăng. Đoàn người đông-đảo hứng-chí cầm cờ và khăn tay trắng vẫy chào Đức Giáo Hoàng trong chiếc xe đặc-biệt dành cho các vị Giáo-hoàng. Sau đó, ngài thả bộ đi vào Nguyện-đường là nơi Đức Mẹ từng hiện ra khi trước với ba trẻ nhỏ hôm 13/5/1917. Toàn thể Giáo-hội Công giáo lại sẽ tiếp-tục mừng kính như thế mỗi tháng cho đến ngày 13 tháng 10 sắp tới…

Sau vài phút thinh-lặng, Đức Giáo Hoàng lại đã nguyện-cầu Đức Mẹ hãy đổ tràn nước mắt xuống các tường/thành chung quanh, và vượt mọi lằn ranh chia cách đến khắp nơi mà tỏ-lộ công-lý và hoà-bình của Thiên-Chúa.

Đức Giáo-Hoàng lại cầu nguyện tiếp bằng những ý/từ như sau: “Ở phần sâu thẳm nơi tâm can vô nhiễm của Mẹ, xin Mẹ giữ lấy mọi nỗi lo-âu/sầu-buồn của gia-đình nhân-loại; bởi lẽ, họ đang khóc lóc nài van nguyện cầu cùng Mẹ trong thung lũng đầy nước mắt này…”

Đức Giáo Hoàng lại cũng nhắc nhở người hành-hương hôm ấy hãy cùng nhau nguyện-cầu Đức Mẹ như Mẹ từng dạy các trẻ ở Fatima xin Chúa nhân-từ xót thương “những người cần Ngài hơn ai hết.” Đức Giáo Hoàng đã đề-cao Đức Maria như “mẫu gương rao truyền Lời Chúa”, cách đặc-biệt; bởi, tín-hữu nam/nữ nào hướng về Mẹ đều thấy được nơi Mẹ một điều rõ-ràng là: khiêm-nhu/hiền-từ không là đặc-trưng của những kẻ yếu-đuối nhưng là của người mạnh-mẽ.”

Đức Giáo-Hoàng còn nói thêm: “Ai đặt nặng chuyện Thiên-Chúa chuyên trừng-phạt kẻ có tội, sẽ là người phạm lỗi bất-công cùng tột với Ngài; bởi họ đâu biết rằng: người có tội đã được Thiên-Chúa thứ tha ngang qua tấm lòng đầy thương xót của Ngài. Lòng Chúa xót thương con người phải đặt trước mọi trừng-phạt. Và trong mọi trường-hợp, sự trừng-phạt của Thiên-Chúa luôn luôn phải được đặt dưới ánh sáng của tình Ngài xót thương, hết mọi người.”

Và, Đức Giáo-hoàng lại đã kết-luận: “Cùng với Đức Maria, mỗi người chúng ta sẽ trở nên dấu-chỉ và là bí-tích của lòng Chúa xót thương, luôn tha-thứ mọi người, hết mọi sự.” (X. Junno Arocho Esteves, Pope Francis tells Fatima pilgrims: Follow the Mary of the Gospel”, Catholic Herald ngày 13/5/2017)

Nói về Đức Maria với dấu chỉ của lòng Chúa xót thương muôn người, còn là nhớ lại lời tác-giả Luca viết về Mẹ, lúc ban đầu, như sau:

“Riêng mẹ Ngài

thì Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy

ở trong lòng”.

(Lc 2: 51b)

Nói về lòng Chúa xót thương chứ không trừng-phạt mọi người, vào mọi lúc, bạn và tôi hẳn còn nhớ câu truyện kể của tác giả Song Lam từng nói về tấm lòng của người trẻ nọ, như sau:

“Chúng tôi không thể ở lại San Diego để mừng sinh nhật Chúc Minh tuần tới vì đã hết ngày phép. Con nhỏ có vẻ không vui. Tôi nói với nó mai mốt về hưu có thể chúng tôi về Cali ở với chúng nó. Nó mừng rơn, gặn hỏi tôi: Thiệt hông dì? Thế rồi nó nói dì dượng xuống đây, con chừa cái Master bedroom cho hai ông bà, bao ăn ở chỉ charge $500 thôi. Tôi nói ô kê với điều kiện là sáng ăn tôm hùm chiều cháo bào ngư tối đi coi văn nghệ, vợ chồng nó cười ha hả.

Đến phi trường L.A. chân tôi tê cứng không bước xuống xe được, ông xã mới vịn tay tôi đỡ xuống xe. Vợ chồng Chúc Minh được dịp la bài hãi:

– Trời ơi hai ông bà già tình tứ quá!

Tôi cười:

– Già thì có tình già chứ, gừng càng già càng cay, mấy đứa bay không nghe người đời nói vậy sao?

Suốt 6 giờ đồng hồ từ L.A về đến N.J tôi cứ nghĩ ngợi về chữ “tình già”, tựa đề bài thơ mới đầu tiên của Phan Khôi xuất hiện trên báo năm 1932:

Hai mươi bốn năm xưa

Một đêm vừa gió lại vừa mưa…

… Ôi tình nghĩa đôi ta thì rất nặng

Mà lấy nhau ắt là không đặng…

Lời thơ ngây ngô như lời nói, đầy đủ “thì, là, mà” nhưng gây sóng gió không nhỏ trong buổi đầu hình thành thơ mới. Người đời thường cho rằng vợ chồng về già chữ tình không còn, sống với nhau về nghĩa. Tôi không biết đúng sai, có điều tôi nhận thấy vợ chồng già tình cảm không còn sôi nổi, bộp chộp như hồi trẻ mà thấm đẫm hơn, sâu lắng hơn. Chắc vì lý do đó ca dao có câu:

Con cá làm ra con mắm

Vợ chồng già thương lắm mình ơi

Người xưa không sai chút nào khi dùng chữ “thương lắm”. Ủa, vậy người trẻ không “thương lắm” hay sao? Không hẳn là vậy, vợ chồng trẻ yêu nhau đắm đuối say mê nữa là đằng khác, nửa bước không rời. Nhưng chữ “thương lắm” dùng cho vợ chồng già mang một ý nghĩa dài lâu hơn, nghĩa là họ đã trải qua mấy chục năm dài lận đận với nhau, xẻ ngọt chia bùi. Theo tôi, câu hát trên nói về tình nghĩa vợ chồng lúc về già còn mang ý nghĩa cần thiết nữa. Qua rồi tuổi thanh xuân khi con cái đã đủ lông đủ cánh bay khỏi tổ ấm gia đình, chúng nó có vợ có chồng, có con cái, có nhà riêng, thì chỉ còn lại hai vợ chồng già trong cái mà người Mỹ gọi là “Empty nest”.

Bây giờ ông nhìn bà, bà nhìn ông, cả hai mái đầu đều bạc, nay nóng lạnh, mai nhức đầu… Nếu không dựa vào nhau thì còn biết trông cậy vào ai?

Trong tháng 7/2014, bài viết của tác giả Philato “70, chán mớ đời” khiến tôi đọc đến mấy lần vì thấy mình trong đó. Thực là chán quá chừng ở cái tuổi trên dưới 70, nghĩa là tuổi già lãng đãng khi nhớ khi quên, bước cao bước thấp, bệnh hoạn hà rầm…” (X. Song Lam, Tình…Tiền…trong tuổi già, ở trên mạng)

Nghe kể rồi, mới thấy người viết nhạc cứ kể một thôi/một hồi các thứ tình-tiết nghe đến sầu/buồn. Thôi thì, sầu sao thì sầu, bạn và tôi, ta cứ nghe thêm một lần nữa, những câu hát cũng khá buồn…tình, như sau:
“Tình lỡ, nên tình buồn,
Tình xa,nên tình sầu !
Tình yêu, phai nhạt màu, tình đau!
Lời cuối, cho cuộc tình
Dù đã, bao muộn phiền
Lòng vẫn, yêu trọn đời … người yêu ơi!”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Thế đấy, là câu kết cũng rất đẹp. Đẹp như một bài thơ “thiên-thần” cũng không tả được như thế. Còn đây, lại là câu truyện kể khác để minh-hoạ và cũng để kết-luận câu chuyện dài mọi người bàn:

“Trong cuộc sống, có những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt, nhưng bạn đừng quên…

1. Cho mọi người nhiều hơn là họ mong chờ và hãy làm điều đó thật nhiệt tình.

2. Ghi nhớ những bài thơ bạn yêu thích.

3. Đừng vội tin những gì bạn nghe.

4. Khi bạn nói yêu ai đó, hãy hiểu hết nghĩa của những từ ngữ ấy.

5. Khi bạn nói xin lỗi, hãy nhìn vào mắt người bạn đang xin lỗi.

6. Hãy đính hôn ít nhất là 6 tháng trước khi bạn kết hôn.

7. Tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên.

8. Đừng bao giờ cười vào những ước mơ của người khác.

9. Hãy yêu một cách sâu sắc và đam mê. Có thể bạn sẽ bị tổn thương, nhưng đó là cách

duy nhất bạn học sống một cách hoàn hảo.

10. Khi không đồng ý điều gì, hãy đấu tranh một cách công bằng.

11. Đừng phán xét ai qua thân nhân hay hoàn cảnh xuất thân của họ.

12. Hãy bắt chính mình nói chậm nhưng suy nghĩ nhanh.

13. Khi ai đó hỏi bạn những câu hỏi mà bạn không muốn trả lời, hãy mỉm cười và hỏi lại “Tại sao bạn lại muốn biết điều đó?”

14. Một tình yêu lớn và những khám phá vĩ đại cũng bao gồm những rủi ro to lớn.

15. Hãy liên lạc với mẹ bạn thường xuyên nếu bạn sống xa nhà.

16. Theo đuổi 3 điều: tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và có trách nhiệm với những việc mình làm.

17. Đừng để 1 cuộc đấu khẩu nhỏ làm tổn thương 1 tình bạn lớn.

18. Khi bạn nhận ra bạn vừa gây ra lỗi lầm, hãy nhanh chóng sửa sai.

19. Mỉm cười khi nhấc điện thoại lên, người gọi sẽ nghe được điều đó trong giọng nói của bạn.

20. Tranh thủ thời gian ở một mình.

21. Hãy mở rộng đôi cánh tay bạn để thay đổi, nhưng đừng để mất đi giá trị của chính mình.

22. Hãy nhớ sự im lặng thỉnh thoảng là câu trả lời tốt nhất.

23. Đọc nhiều sách. Tivi không thay thế được điều này.

24. Sống một cuộc sống tốt và đức hạnh, để sau này về già nghĩ lại, bạn sẽ muốn sống một cuộc đời như thế lần thứ hai.

25. Mức độ tình yêu trong gia đình bạn luôn là nền tảng cuộc sống của bạn. Tất cả những gì bạn làm là tạo một mái nhà thanh bình và hoà thuận.

26. Khi bạn bất đồng với người yêu, hãy chỉ đề cập đến vấn đề hiện tại, đừng đụng chạm đến quá khứ.

27. Đừng chỉ nghe những gì người ta nói, hãy nghe tại sao họ nói như vậy

28. Chia sẻ kiến thức của bạn. Đó là cách để khám phá ra sự bất tử.

29. Hãy đối xử tử tế với thiên nhiên.

30. Đừng bao giờ làm gián đoạn khi bạn đang được khen ngợi.

31. Ý thức được công việc của mình.

32. Đừng tin ai đó khi người ấy không nhắm mắt trong lúc bạn hôn người ấy!

33. Mỗi năm 1 lần, hãy đi đến nơi nào mà bạn chưa từng đến.

34. Nếu bạn làm ra nhiều tiền, hãy giúp đỡ mọi người. Đó là tài sản giá trị nhất.

35. Hãy nhớ, 1 mối quan hệ tốt nhất là khi tình cảm của bạn dành cho người đó vượt lên trên những gì bạn cần ở họ.

36. Hãy chiêm nghiệm thành công của bạn dựa trên những gì bạn phải từ bỏ để có được nó.

37. Sống với sự hiểu biết và kiến thức.

38. Đôi lúc cũng phải yêu và nấu ăn một cách liều lĩnh.(Những điều không thể quên do St sưu tầm)

Quên, thì cũng chẳng quên đâu! Có chăng, là ngại hoặc lười. Có khi, là cả hai, vừa lười lại vừa ngại, thế mới chết. Thôi thì, chẳng chết thằng Tây đen Tây trắng nào hết, nếu bạn và tôi, ta cứ ca và hát những lời ca trích ở trên, nghêu-ngao rằng:

“Tình lỡ, nên tình buồn,
Tình xa,nên tình sầu !
Tình yêu, phai nhạt màu, tình đau!
Lời cuối, cho cuộc tình
Dù đã, bao muộn phiền
Lòng vẫn, yêu trọn đời … người yêu ơi!”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai

Đôi lúc cũng muốn

Nghêu ngao những lời

Không được vui

Rất như thế.

FREE Animations for Your Email – by IncrediMail! Click Here!

Leave a Reply