XIN CHỌN LÀM CÁNH CHIM HAY ĐOÁ HUỆ
XIN CHỌN LÀM CÁNH CHIM HAY ĐOÁ HUỆ
(Chúa Nhật 25 TN C – 2019)
Đã từ bao đời, theo truyền thông “khôn ngoan” của người Việt Nam được lưu dấu qua nền văn chương truyền khẩu, nhất là ca dao, tục ngữ, việc đánh giá, dè chừng những hạng người “hại dân hại nước” vẫn được ông bà nhắc nhở cháu con :
Con ơi nhớ lấy câu nầy,
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.
Nhưng xét cho cùng, ở dưới thế gian nầy, không chỉ xã hội Việt Nam, mà đâu đâu cũng đầy những kẻ bại hoại, những kẻ tìm mọi cách để làm lợi cho mình bất kể những hành vi, những phương kế xúc phạm và tác hại cho những kẻ khác, nhất là những kẻ nghèo hèn, thấp cổ bé miệng.
Điển hình là xã hội dân Do Thái từ thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, căn cứ vào giáo huấn của sách ngôn sứ Amos (764-755 BC) mà Phụng vụ trích đọc trong Bài đọc 1 Chúa Nhật hôm nay, đã vạch ra cho chúng ta thấy những gương mặt “giặc cướp” của thời xa xưa đó :
Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.” (Am 8,4-6).
Và cũng giống như niềm tin bàng bạc của đại đa số nhân loại về một “chiếc võng trời” (Thiên võng khôi khôi) sẽ không để “lọt lưới” bất kỳ người nào manh tâm hành ác (Sơ nhi bất lậu), nhà tiên tri mang tính “cách mạng” của Do Thái đã nhân danh Chúa mà tuyên bố dứt dạc : “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8,7).
Nhưng Lời Chúa không chỉ dừng lại việc hướng dẫn luân lý để loài người xây dựng xã hội tốt hơn, mà còn hướng đến chiều kích siêu việt để con người nhận ra thánh ý Thiên Chúa và được ơn cứu rỗi khi đi hết cuối đường lịch sử, như cách thuyên giải của Thánh Phaolô trong trích đoạn thư gởi cho đồ đệ Timôthê trong Bài đọc 2 hôm nay : “Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4).
Tuy nhiên, Thánh Phaolô cũng lưu ý rằng : để nhận biết Thiên Chúa và chân lý cứu độ của Ngài, con người phải tin và đón nhận chính Đức Kitô, “Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người”, “Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.” (1 Tm 2,5-6). Quả thật, khi vâng lệnh ý Cha “cắm lều ở giữa nhân loại” (Ga 1,14), Con Thiên Chúa chọn cuộc sống khó nghèo (Tám mối phúc thật), yêu thương(điều răn mới), phục vụ (rửa chân), và chấp nhận “phó mình làm giá cứu chuộc”.
Qua dụ ngôn “người quản lý ranh khôn” được thánh sử Luca tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy cách “phân định” đâu là sự khôn đích thực của “con cái sự sáng” và sự “tinh ranh” của “con cái đời này”. Thật vậy, đối với những con người không bước đi dưới ánh sáng của Lời Chúa, của Tin Mừng, thì tiêu đích của cuộc đời chỉ là “lợi nhuận”, là “có lợi cho bản thân”, là “được việc của mình”…; mối tương quan xã hội, con người với nhau không đặt nền tảng trên phẩm giá, trên nhân vị, trên tình yêu…mà đơn thuần, chỉ là “có lợi”, bất chấp cả luân thường, đạo lý. Đây chính là một chọn lựa với nguyên tắc hoàn toàn thế tục và đi ngược lại luân lý Tin Mừng : lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Đây là kiểu hành xử và lý luận của “người quản lý ranh khôn” : các anh cũng có lợi, tôi cũng có lợi, tội gì không sửa lại văn tự…!
Sở dĩ xã hội hôm nay đầy dẫy những tiêu cực, bại hoại, giả dối, tham nhũng, lừa đảo… phải chăng cũng vì có quá nhiều người đã chọn sống và hành xử theo cái “tinh ranh quái quỷ” đầy tham dục và ích kỷ. Những người mang danh Kitô hữu, những người “con của sự sáng” chấp nhận “lội ngược dòng”, sẵn sàng chọn lựa “làm tôi Thiên Chúa”, cho dù phải trả giá bằng “con đường thập giá”, con đường “trắng tay khó nghèo”, con đường “bấp bênh” của thân phận “con chim sải cánh trên bầu trời xanh” (Mt 6,26), hay “đoá huệ khoe sắc giữa mênh mông đồng nội” (Mt 6,28).
Thế nhưng chúng ta đừng quên lời ca bất hủ Magnificat của “Người Trinh Nữ nghèo Maria” :
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,52-53).
Trương Đình Hiền.
Recent Comments