CHUYỆN HÔM QUA NHƯ GIẤC MƠ LÂU RỒI.
Chuyện Phiếm đọc trong tuần 27 thường niên năm A 08/10/2017
“Chuyện hôm qua như giấc mơ lâu rồi!“
Chuyện đùa vui! Chuyện đùa thôi!
Người quên ta hay ta đã quên đi người?
Đừng bận tâm!
Chuyện vui chơi cho qua tháng năm
Cho hết ưu tư bao ngày
Còn vương mắc trên đôi bờ vai.”
(Nguyễn Trung Cang – Một Giấc Mơ)
(Mt 26: 26-28)
Lại phải thú thật với bạn và với tôi, rằng: nhạc-bản trích dẫn ở trên, bần đạo bầy tôi đây đã nghe nhiều lần từ hồi thập niên 1950 lúc còn trẻ. Nhưng, đâu biết rằng: bài này do nhạc sĩ trẻ họ Nguyễn tên gọi Trung Cang từng cảm-hứng sáng tác và phụ-hoạ theo âm-hưởng nhạc ngoại quốc, y hệt “Một Giấc Mơ”.
Nói thế, có nghĩa bảo rằng: mọi chuyện trên đời như chuyện “tìm bên nhau như gió mây ngang trời”, và cả những chuyện “tìm vòng tay”, hay “tìm bờ môi” ¸thì ôi thôi “người yêu ta hay ta đã yêu thương người” chỉ là “chuyện đùa vui” mà thôi. Thế nên, nhạc-sĩ trẻ nhà ta vẫn cứ bảo: “đừng bận tâm!” là bởi vì nếu cứ “ưu-tư bao ngày, còn vương mắc trên bờ vai”, cũng chỉ thoáng chốc nổi trôi như “một giấc mơ” theo cách rất Nguyễn Trung Cang, mà thôi.
Không tin ư? Vậy thì, mời bạn/mời tôi và mọi người cứ nghe thêm câu hát tiếp, có những lời như sau:
“Tìm bên nhau như gió mây ngang trời!
Tìm vòng tay! Tìm bờ môi!
Người yêu ta hay ta đã yêu thương người?
Đừng bận tâm!
Chuyện vui chơi cho qua tháng năm.
Khi trót cho nhau một đời.
Còn chi thú phiêu du ngang trời.
Sẽ ra đi thật xa một mình.
Vì chuyện tình đã không còn vui.
Còn gì tiếc nuối chỉ thêm buồn thôi.
Xin trao người một nụ cười thắm trên bờ môi.
Còn vui mãi khi xa người.”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)
Chuyện tình người, hay chuyện tình mình, ở đời, cũng thế thôi! Tức: vẫn “vui mãi khi xa người”. Thế còn, chuyện tình người ở nhà Đạo thì sao? Có vui mãi “khi xa người” không? Trả lời cho câu hỏi này ngay lập tức, e hơi khó. Khó, là bởi vì: đó không là chuyện cần cân-nhắc đúng/sai, ai phải/ai trái; mà bởi chuyện tình người trong Đạo hoặc chuyện tình người đi Đạo nó phiền phức, nhức-nhối lắm, chí ít là khi có sự việc này/khác cứ xảy đến khiến ta cần cân-nhắc cho kỹ mới nắm vững được ‘sự thật’.
Chuyện ở đây, hôm nay, là sự việc được kể như sau:
“Hôm rồi, bần đạo đang tập-trung tư-tưởng và bước vào tiền-đường nhà thờ ở Úc, bất chợt có bạn đạo nọ chặn lại hỏi han vài điều rồi đưa ra đôi câu “đố vui có thưởng”, mà rằng: “Đố bạn, trong thánh-lễ ta dự hằng tuần, thì đâu là giây phút quan-trọng trong buổi ấy?”
Nghe hỏi, bần đạo bầy tôi đây bèn trầm ngâm suy nghĩ trong thoáng chốc, rồi mạnh dạn trả lời, rằng:
-Theo tôi, đó là lúc mọi người bắt tay nhau ôm hôn hoà bình, có đúng không? Hay, ngài lại cho là lúc linh mục truyền-phép bánh/rượu thành Mình Máu Chúa, đấy chứ?”
-Cả hai đều sai hết! Mình vừa tham-dự khoá thần-học nguyên ngày cho người lớn tuổi, nghe cha giáo bảo: đấy là lúc mọi người đến nhà thờ chuẩn-bị nhập lễ; mọi người gặp nhau cười cười, nói nói, tay bắt mặt mừng rồi mới khởi sự.
-Ố là là! Có thế sao? Đây là lần đầu mỗ tôi nghe được điều ấy.
-Vâng. Tôi đây cũng ngạc nhiên đến sững sờ…”
Quả thật, không chỉ vì nhị vị ở trên mới là người “ngạc nhiên đến sững sờ” trong đời mình. Quả là, đời người có nhiều sự việc nghe qua cũng “ngạc-nhiên đến sững-sờ”, rất nhiều giờ, khi bạn và tôi, ta đọc được những tin-tức cùng bài viết, như bên dưới:
“Người Công-giáo sống trước ngày Công Đồng Vatican 2 mở ra hồi thập-niên 1960s, có lẽ đều nhớ là tại các điểm hành hương ở đây đó, ban tổ-chức cũng đã thiết-lập các buổi “Chầu giờ” hoặc “chầu lượt” có hào-quang Mình Thánh Chúa đặt trên bàn thờ, rất dài giờ. Đôi khi, bạn đạo của ta còn làm thế để mừng kính Đức Nữ Trinh Maria hoặc vị thánh nào đó, rất sủng mộ. Bổn đạo ta, có khi còn thân-hành tới đó, bỏ giờ ra mà cung kính sụp lạy Mình Chúa, nữa.
Đôi lúc, buổi “chầu lượt” được lập ra chỉ như bó hoa thiêng dâng Cha hoặc Mẹ Bề Trên, nhân lễ thánh bổn mạng của các vị này. Cụ thể hơn, cách nay vài tháng, có Hồng y nọ chuyên phụ-trách thánh-bộ tu-sĩ lại đã đề-nghị các Giám-mục thế-giới hãy tổ-chức cái-gọi-là “60 giờ chầu lượt” mừng “60 năm ngày Đức Bênêđíchtô 16 chịu chức linh mục, nữa.
Với đạo giáo thời xưa/cổ, thì việc dân-chúng tụ-tập ở nhà thờ dự “chầu lượt”, kể cả các vị theo Do-thái-giáo, đã trở-thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Chính nhờ thế, mà người xưa mới biết rõ ai đạo gốc, ai đạo theo.
Tin Mừng thánh Gioan, chương 4 có kể truyện người đàn bà xứ Samaritanô gặp Đức Giêsu ở giếng Giacob, có hỏi Ngài: đâu là nơi tốt nhất để mọi người đến thờ phụng? Phải chăng là núi Garizim bà đang đứng hay núi Zion ở Giêrusalem? Đức Giêsu trả lời: thời đã đến, mọi người đích-thực phụng-thờ Thiên Chúa (hoặc chầu lượt) không phải ở nơi này hay nơi khác, mà là “trong Thần Khí và Sự Thật”.
Và, Đức Giêsu lại nói thêm: Thiên-Chúa-Cha chỉ kiếm tìm những ai biết thờ phượng Ngài như thế mà thôi. Công đồng Vatican 2 đã cải-tổ phụng vụ bằng cách tạo sự quân-bình thần-học giữa việc cử-hành Tiệc Thánh (tức Thánh Lễ) với việc chầu Thánh-Thể ngoài buổi Tiệc. Thế-kỷ trước, người ta đã để mất sự quân-bình cốt-thiết này.
Tiệc Thánh là việc ngợi ca Thiên-Chúa, và là sự cứu-độ cho mọi người. Đấy là việc phụng-thờ của cộng-đoàn cử-hành sự hiện-diện của Đức Kitô và Mầu nhiệm Vượt Qua. Điều này xảy đến với cộng đoàn tụ-tập ở Tiệc Thánh (tức thánh-lễ) cả trong việc bẻ bánh Lời của Chúa lẫn việc dâng tiến bánh và rượu như hy-lễ chúc-tụng Danh Chúa. Thật ra, Đức Giêsu cũng hiện-diện với con người theo nhiều hình-thức rất “thực” như cách riêng-tư của mỗi nhóm/hội, đoàn-thể; thế nhưng, lại không cùng một nền-tảng như được dẫn ở trên.
Bởi thế nên, khi ông Phaolô phiền-trách giáo-đoàn Côrinthô về việc các vị dâng cúng Thức Ăn ở Tiệc Thánh, là: ông than-phiền về sự việc chức-sắc hôm ấy lại cứ ăn những gì mình đem cho cộng-đoàn thưởng-lãm, trong khi người khác vẫn đói bụng. Nếu ta ăn uống theo cách ấy, ông Phaolô từng nói, tức là ta coi thường Thân Mình Đức Kitô.
Giả như người đọc đây thấy được những điều ấy qua cảnh-tượng thần-học nào đó ở thế-kỷ thứ 19, tức đã hiểu: những gì ông Phaolô muốn diễn-tả rõ ràng là: các vị kia không cảm-kích đủ sự thể là Thân Mình Đức Kitô đang thể-hiện nơi người anh/người chị của mình sau khi biến-thể ở cộng-đoàn -tức có nghĩa là: Thân Mình Đức Kitô hiện-diện theo cách tư-riêng/đặc-thù nơi người nghèo đói, yếu kém.
Hiện nay, nhà Đạo ta có chiều-hướng nhân rộng số giờ “chầu lượt” trước Mình Thánh Chúa đặt ở bàn thờ. Người đi chầu, chỉ thấy vui khi nhìn số lượng người thuộc các nhóm/hội đoàn thể và đôi lúc cũng có người trẻ biết trải-nghiệm giờ nguyện cầu dài đằng đẵng. Nhưng, lại có mối lo ngại rằng sự quân-bình do Công Đồng Vatican 2 đề-xướng, có thể cũng biến mất. Thế quân-bình nói đây, là việc cử-hành Tiệc Thánh do Đức Kitô lập (ở câu nói: anh em hãy làm việc này để nhớ đến Tôi: hãy cầm lấy mà ăn đi) với việc phụng-thờ/“chầu lượt” ngoài thánh-lễ.
Phụng thờ trong Thần Khí và Sự Thật, là động-thái thường-xuyên nơi con người. Sự sống thấm đậm bằng đường lối phụng thờ như thế nói nhiều đến sự việc thời khắc giảm thiểu thành một loại tính-toán khiến bà con mình trở-thành người bệnh, thôi.
Để tránh nguy-hiểm hiểu/biết về sự hiện-diện này, thì mọi giờ “chầu lượt”/thờ phụng này, phải được công-khai đưa vào việc cử-hành Tiệc Thánh, mới đúng lẽ.” (X. Dom Armand Veilleux, Abbot of Sourtmont tháng 10/2012)
“Phụng thờ trong Thần Khí và Sự Thật”, còn là và vẫn là tình-huống có tâm tình nồng-thắm thân thương, vào buổi lễ. Hệt như nhận định của ai đó, vào hôm trước, khi bạn đồng song ghé bến Sydney mà đồng hành với anh em, rất đệ/huynh, như sau:
“‘Hãy mỉm cười chúc bình an cho nhau’, đây là lời linh-mục Tiến Lộc, DCCT từng nhắc nhở trong thánh lễ cử-hành tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Fairfield, Sydney chiều ngày 10.5.2015. Nghe dặn, tôi lại yêu thêm giây phút này và mở miệng cười nhiều hơn nữa, dù tôi vẫn luôn cười thật tươi khi chúc bình an cho nhau. Lời nhắc nhở, lại cũng làm tôi chợt nhớ đến bài phỏng-vấn nào đó của người Úc nọ tôi có dịp đọc, qua câu hỏi: “phần nào trong thánh lễ khiến bạn thấy vui nhất?”, lúc ấy người trả lời bảo rằng: đó là lúc ta ‘đọc kinh Lạy Cha’. Có người lại thấy ‘thân thiết nhất là lúc bắt tay chúc bình an’ cho nhau; người khác thì cho đó là: ‘giây phút ta rước Mình Thánh Chúa’ vào lòng. Người khác, lại cho biết đó là ‘bài hát kết lễ’; bởi thông thường thì, ca đoàn vẫn hát những bài tươi vui, phấn khởi thúc giục mọi người ra đi rao truyền Tin mừng và sống đạo!…
Hôm nay tôi có cảm nghiệm với 3 câu trả lời trên, đơn giản như sau: Này nhé, “chúc bình an cho nhau” với nụ cười thật tươi, chắc hẳn làm mình thấy yêu mến, thân thiện với người chung quanh hơn. Và, đây có thể là cơ hội, hoặc giây phút lòng mình mở rộng hơn cả, để tha thứ những người mà bình thường mình cảm thấy rất khó làm.
Tôi lại cũng đồng ý với người trả lời rằng: thích nhất là lúc ta đọc ‘kinh Lạy Cha’ vì hôm nay linh mục Tiến Lộc đã mời mọi người cùng nắm tay nhau hát vang kinh Lạy Cha – chắc hẳn mọi người cũng như tôi, đều thấy ấm áp như cùng với anh chị em một nhà – cùng một cha, cầu nguyện và hỗ trợ nhau vậy.
Tôi cứ thầm nhủ bảo rằng: lâu lắm rồi, tôi lại được dự một thánh lễ ấm cúng, thoải mái và muốn được nghe thêm lời chia sẻ của vị chủ tế là bạn đồng song với nhà tôi. Có lẽ lời chia sẻ của ông hôm ấy cũng ngắn gọn, giản dị, thực tế, đúng với quan niệm thánh lễ là Tiệc Lòng Mến, để gặp gỡ Thiên Chúa ngang qua người anh, người chị ở quanh ta – chứ không là một buổi đậm nhiều hình thức tế lễ như các tín-hữu ở thế kỷ đầu đời vẫn quan niệm. Đã là Tiệc Lòng Mến thì nơi đâu có anh em dù chỉ vài người thương mến nhau họp lại, là đã có Chúa ở cùng rồi. Mà, đã là “tiệc” thì mọi người đều tươi vui, nhẹ nhàng chứ! ….
Có lần, tôi nghĩ: dự Tiệc Thánh và rước Mình Máu Chúa hàng tuần nói riêng như một gặp gỡ Đức Kitô qua anh chị em trong cộng đoàn và là nguồn tiếp sức Tình yêu vô tận từ Thiên Chúa. Chính vì có nguồn tiếp sức/nạp điện này, nên ta mới cho đi Tình yêu đến với những người chung quanh như: gia đình, chòm xóm, cộng đoàn v.v. Và cũng nhờ vậy ta luôn có ‘một đời vui đi đạo’ vì có thể tha thứ, thông cảm, ‘chín bỏ làm mười’, hoặc như nếu có nhìn thấy ‘cái dằm’ nơi mắt người khác, thì cũng thấy cả ‘cái chổi xể’ nơi mắt mình, để rồi có tầm nhìn tích-cực hơn.
Điều đánh động tôi hơn nữa, là ngay vào đầu thánh lễ, lm Tiến Lộc đã nhắc: ‘nếu trước khi dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có ai bất hoà với mình thì hãy để của lễ đó đến mà làm hoà với người anh em ấy đã, rồi hãy trở lại dâng lễ vật của mình’. Thỉnh thoảng, tôi cũng được nghe câu ấy nhưng hôm nay thấy lời nói thật sâu sắc và ý nghĩa- như một nhắc nhở hãy biết kiểm lại mình, biết tha thứ cho nhau, làm hoà với nhau, để rồi cùng hát Kinh Thương Xót ‘Xin Chúa thương xót chúng con ….’ (trích lời san sẻ tâm tình của chị Đàm Thị Mai hôm Lm Tiến Lộc CSsR ghé thăm Sydney năm 2015)
Về tình thân thương họp mặt vào buổi lễ hoặc ở bất cứ nơi đâu, mỗi người đều ghi đậm một tâm tình, cảm-nghiệm rất đậm sâu, đầy ý-nghĩa. Có những ý-nghĩa và tâm tình sâu sắc còn đọng lại trong tâm khảm mỗi người và mọi người mãi mãi tận thiên-thu. Tất cả, đều là sẻ san. Tất cả đều mang một sắc mầu tình-tự hiếm quí, đáng cảm thông ghi nhận mãi.
Duy có tình-tự thông cảm giữa mỗi người và mọi người theo thể loại vui cười nhiều tiếu lâm đáng để người đọc như bần đạo bầy tôi đây suy-tư nhiều ngày. Còn hay hơn bài chia sẻ ở bục giảng. Một trong các sẻ san tình tự ấy lại mang tính hơi “tiếu lâm” chay, nhè nhẹ như sau. Hôm nay, trong lúc hơi thiếu đề-tài và truyện kể để minh hoạ, xin mạn phép trích-dẫn những hai bài, như sau:
“Môt ông trùm nọ giúp việc trong nhà thờ chẳng may chết và lên cửa thiên đàng. Ông bước vào phòng chờ đợi và ngạc nhiên sao thấy nhiều đồng hồ quá. Đồng hồ nào cũng có tên của người mới chết, nhưng ông không tìm thấy cái đồng hồ của ông đâu cả. Thấy thánh Phêrô đi ra ông liền hỏi:
– Thưa thánh Phêrô, sao đồng hồ trên đây có tên của mỗi người và cái thì chạy nhanh, cái thì chạy chậm?
Thánh Phêrô trả lời:
– Mỗi cái tượng trưng cho một linh hồn mới chết. Linh hồn nào phạm tội ít thì đồng hồ chạy chậm, linh hồn nào càng phạm tội nhiều thì đồng hồ càng chạy nhanh.
Ông mừng thầm nghĩ rằng chắc mình không có tội nên không thấy đồng hồ của ông. Ông hỏi:
– Thế còn cái đồng hồ của con đâu sao không thấy?
Thánh Phêrô đáp:
– Trời mùa hè nóng quá mà cái đồng hồ của con lại chạy nhanh nhất, ta mang vào phòng làm quạt máy rồi.
Và, một truyện về việc đền bù tội lỗi vào mùa Chay, như sau:
Trong buổi giải tội Mùa Chay, một thanh niên vào xưng tội với cha khách:
– Thưa cha, con mới xưng tội được hai phút.
Cha khách ngạc nhiên lắm:
– Hai phút thôi mà đã phạm tội rồi sao?
– Thưa cha, con vừa ra khỏi tòa giải tội thì gặp ngay con bồ cũ của con đang đứng sắp hàng chờ vào xưng tội.
– Gặp thì đã sao đâu nào? Các con phải tha thứ cho nhau, chứ.
– Dạ thưa con giận quá, con chửi nó một trận.
– Chửi làm sao mà phải xưng thế?
– Đồ Khốn kiếp… Con khốn nạn….
Cha khách vội đưa hai tay lên bịt tai lại:
– Thôi, đừng kể thêm nữa. Để Cha tha tội cho con. Còn, việc đền tội thì con trở lại xin lỗi nó.
– Thưa cha không thể được. Xin cha cho con đọc kinh để đền tội thay vì đến với nó.
– Ừ, vậy thì đọc 1 kinh.
Chàng mừng thầm vì chỉ đọc có 1 kinh:
– Thưa cha, nhưng là kinh gì ạ?
Cha khách thản nhiên:
– Thì kinh cầu chịu nạn chứ kinh gì nữa.
Chàng há hốc miệng chả hiểu kinh ấy là kinh gì mà phải chịu nạn?!”
Thế đấy! Truyện kể đôi lúc cũng có thể thay thế cho các biện-luận dông dài. Cũng có khi chỉ để bộc lộ một tình-cảm nào đó, dù khó thương. Trong cuộc đời, lại cũng có những tình huống “khó” như thế. Thôi thì, ta lại dùng truyện tiếu lâm nhạt, để mua vui cũng được vài giây phút rồi đóng bài lại, cho đỡ “rách việc”
Truyện là truyện như thế này:
“Thời buổi này hay có thiên tai. Một hôm, một bà nọ vừa mới xưng tội xong bước ra khỏi nhà thờ thì bị chết vì trận động đất lớn. Bà lên tới cổng thiên đàng gặp thánh Phêrô, vừa thấy bà, thánh Phêrô nói:
– Bà phải vào luyện ngục đền tội.
Bà trợn mắt kinh ngạc thắc mắc:
– Thiên Chúa lòng lành, con mới xưng tội và đền tội xong thì bị chết vì động đất mà chẳng được lên thiên đàng sao?
Thánh Phêrô giải thích:
– Đúng như bà nói, Thiên Chúa rất công bình. Bà mới xưng tội và đền tội xong thì bị chết vì động đất, nhưng tội bà xưng và đền tội thì toàn là tội của chồng bà. Vậy giờ đây bà phải vào luyện ngục đền tội chưa xưng.
Bà nọ vẫn còn chưa hiểu:
– Thưa ngài, tội chưa xưng là tội gì?
Thánh Phêrô:
– Là tội của bà đó.
Bà nọ cứ há hốc miệng với đủ mọi dấu chấm hỏi và chấm than như thế này: !!!???
Quả thật, cuộc đời người cũng đầy những dấu chấm than và chấm hỏi như trên. Còn, việc hiểu được truyện kể hay chuyện đời người là như thế. Như thế, tức như thể người kể nay đã bão hoà, không còn muốn viết thêm hay kể thêm, cho rồi.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng có lúc cảm nghiệm
Những chuyện như thế
Rất trong đời.
Recent Comments