CHAO ÔI GHÊ QUÁ!

Suy Tư Tin Mừng tuần 27 thường niên năm A 08/10/2017
Tin Mừng Mt 21: 33-43)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn sau đây: Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” Đức Giêsu bảo họ: “Kinh Thánh có câu. ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta’. Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao?
Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
“Chao ôi! Ghê quá! Chao ghê quá!”
“Cảm thấy hồn tôi ớn lạnh rồi.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Hồn tôi ớn lạnh rồi, chẳng phải vì “một vũng cô liêu cũ vạn đời”. “Chao ơi ghê quá! Ghê ghê quá!” phải chăng vì thợ vườn nho giết cả con của chủ vườn, thật đáng trách. Đáng chê trách, như dụ ngôn truyện kể ở trình thuật hôm nay.

Trình thuật, nay thánh sử ghi về dụ ngôn vườn nho, có người chủ gửi cả con mình đến với tá điền để hỏi chuyện. Chuyện Nước Trời. Chuyện, Chúa phú ban cho dân con Do Thái mọi ơn lành để sinh lợi. Ngài còn sai phái cả ngôn sứ đến chăm nom vườn nho để không bị ai phá. Nhưng, họ lại giết hại cả Người Con được sai phái, lẫn vườn nho Nước Trời, để rồi phải chịu hậu quả đắng cay là người La Mã đến xâm chiếm. Trên thực tế, vườn nho Nước Trời không bị phá, nhưng lại đã trao cho dân con đi Đạo, nay là tá điền mới.

Trình thuật tả sự thay đổi đến với nho vườn hiền hoà. Rồi từ đó, có so sánh dân con đi Đạo với tá điền Do thái, để xem ai thực hiện điều Ngài uỷ thác? Dân con đi Đạo hay tá điền được chọn, ai là người đáng được khuyến khích? Dân con Nước Trời có khá hơn tá điền Do thái được chọn không? Là tá điền mới, dân con đi Đạo có hứng chịu cùng một cảnh huống như tá điền được chọn không? Mọi việc sẽ ra sao, nếu như công việc Vườn Nho không còn được trao cho tá điền mới là dân con đi Đạo nữa?

Kinh thánh có nhiều đoạn ghi rõ những chuyện như thế. Những chuyện kể, để người đọc nhận ra rằng dân con đi Đạo ở Palestine cũng là người thuộc sắc tộc Do thái, đã hồi hướng trở về để lo việc Chúa. Họ là những tá điền vườn nho Do thái từng chỉ trích người cận thân và cận lân ở cộng đoàn, bằng ngôn từ khá nặng, cốt để diễn tả tình huống gay go ấy.

Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm là: chúng ta nhờ biết được cung cách rất khác biệt về nguồn gốc người Do thái ở “vườn nho”, nên ta có được lập trường thật đúng cách khi quan hệ với nguời Do thái trong/ngoài nước. Trong quan hệ với họ, ta luôn có trong đầu hai loại người Do thái rất khác biệt. Cả hai đều tốt lành. Tốt, cả về mặt thiêng liêng tinh thần cũng như thực tế. Và, ta còn nhận ra được rằng: quà tặng Chúa ban, ta nhận được là ngang qua người Do thái được Chúa chọn để chuyển trao. Và, khi ta cảm kích biết ơn Chúa, ta cũng cảm tạ cả người Do thái về vai trò chuyển tải này nữa.

So sánh thái độ của dân con đi Đạo với đám tá điền Do thái, là để nói về người Do thái xưa sống ở thời mà mọi thứ từ tôn giáo đến chính trị, xã hội đều đan kết nhau thành đặc trưng đặc sủng, rất Do thái. Có so sánh, mới thấy là thế giới của người xưa đi Đạo vẫn ôm đồm nhiều thứ như cung cách của xã hội ngàn năm văn hiến. Và so sánh, để thấy rằng: tôn giáo của người xưa không mang tính chất đa nguyên/đa dạng hoặc dân chủ phóng/khoáng như một số tôn giáo khác.

Tuy nhiên, cung cách giữ đạo của người xưa dính dấp nhiều vào xã hội đều mang lại khó khăn cho riêng mình. Loại hình ấy, là loại hình trọng nam khinh nữ. Loại hình chủ trương thứ luật lệ cứng ngắc, khắc nghiệt. Cả những chuyện như tiền bạc, tài chánh, chính trị, nhất nhất đều không coi trọng thể chế nào khác ngoài Israel ra.

Bởi thế nên, khi Đạo Chúa lan rộng qua khắp mọi miền đất nước ở trời Âu để rồi bén rễ sâu ở phương Tây lâu ngày, lại trở thành tôn giáo rất khác biệt. Khác, ở chỗ: người thời đó vẫn so sánh Đạo Chúa với đạo của người Do thái như soi tấm gương hai mặt của cùng một thực trạng con người. Đạo Chúa ở trời Tây khi ấy, đã trở thành thứ tôn giáo đi sâu vào lòng dân tộc, ở nhiều nước. Đi sâu và lan rộng, bằng nền tảng chính trị, kinh tế cũng như luật lệ, rất riêng biệt. Đạo Chúa ở nơi đó, không còn là thể chế bao gồm nhiều thứ, nhưng vẫn tạo được ảnh hưởng rất mạnh lên thế giới xung quanh mình. Thế giới, mang đến cho Đạo những ân huệ khả dĩ gây tác dụng ngược lên Đạo. Nói cách khác, Đạo Chúa không còn là đạo của người Do thái khi xưa và chẳng còn ôm đồm nhiều thứ, như trước nữa.

Điều lạ kỳ, là: người Do thái nay lại muốn có lại những lợi lộc rút từ thế giới trần tục, ở trời Tây. Họ không còn suy nghĩ như người Tây phương khi trước hoặc nghĩ mình buộc phải thích nghi với cung cách giữ Đạo mà người đi Đạo ở trời Tây, vẫn hay làm. Nghĩa là, họ chẳng khi nào cho mình là phó thường dân đi Đạo (như những người Công giáo hay Thệ phản thường làm thế). Hoặc, cho rằng mình chỉ là giáo dân hạng thứ, dù vẫn ở trong Đạo và vẫn giữ Đạo. Họ nghĩ mình vẫn là người Do thái đích thật. Và Chúa vẫn thương yêu họ, như mọi người.

Nhìn vào Hội thánh 50 năm về trước, người giữ Đạo ở trời Tây cũng sống cùng kiểu như người Do thái. Cũng tin vào Đức Chúa. Cũng đi nhà thờ nhà thánh và lãnh đủ mọi bí tích. Nhưng, lại xây dựng một thế giới theo hình thức đạo giáo, kiểu Tây. Tựa như các làng mạc miền quê nước Úc, hoặc vài thị trấn ở Hoa Kỳ, cuộc sống Đạo/đời là thế. Cũng có nhà thờ riêng. Nhà thờ, là trung tâm tạo cuộc sống hăng say, năng nổ cho mọi người. Cũng có trường Đạo. Có hội từ thiện. Có người mở tiệm vẫn rập theo cung cách người có Đạo, rất lương thiện. Có nơi, còn thiết lập cả nhà thương để thương người bệnh. Có đời sống kinh kệ, đạo hạnh. Có câu lạc bộ thể thao, giải trí theo cách con nhà có Đạo, nữa. Tức, sống như người Công giáo vẫn sống. Sống giữa đời có cuộc sống tuy hai mà một.

Ngày hôm nay, cuộc sống của người đi Đạo không còn thế nữa. Người người được giáo dục theo khuôn khổ thế giới rộng lớn. Người người được đào tạo để có cuộc sống doanh thương chức nghiệp rộng lớn đến độ Hội thánh không còn chen chân ở đó nữa. Người Công giáo trở thành nhà giáo, chuyên gia hoặc doanh thương với ngành nghề khác nhau. Hội thánh chỉ có vai trò hướng dẫn để sống Đạo chứ không là người thiết lập ra thể chế. Và, người sống ở đây đã có lý lịch riêng của thế giới này, trước khi là thành viên của Hội thánh.

Có người quan niệm: hai lối sống ấy đều đáng quan ngại. Bởi, do chạy theo lối sống giống như thế Hội thánh đã để mất căn tính riêng của mình. Bởi thế nên, nhiều người mới có tinh thần nệ cổ, là vì muốn trở về với thời xưa, khá cổ lỗ. Muốn trở lại thời có đủ mọi thứ. Thời, mà thế giới nay gặp khủng hoảng nặng nề về luân lý, chuyên chú vào văn hoá của sự chết. Và thế giới nay chẳng giúp giải quyết được sự phân cách giàu/nghèo. Theo quan niệm của họ, thế giới hôm nay không còn chất xúc tác khích lệ nền luân lý đích thực được nữa. Và, Hội thánh ở trời Tây nay cũng thế. Hội thánh cứ phải nhượng bộ và xuống cấp. Hội thánh, không còn là “tôn giáo” đích thực, nhưng chỉ còn mang nhãn hiệu đẹp có được từ cuộc sống hiện đại, thôi.

Trong khi đó, phần đông người Công giáo lại nghĩ khác. Theo họ, lối sống Đạo của người ở trời Tây chẳng có gì khiến ta xấu hổ, nhưng vẫn là một thách đố, cho mọi người. Thách và đố ta tìm ra Thiên Chúa ở xã hội mình sống. Thách và đố mình học hỏi làm người của Chúa ở thế giới tục phàm này.

Điều đáng buồn, là: nhiều năm qua, phương Tây từng phát triển/nở rộ rất nhiều thứ. Và, Hội thánh mình đã tìm ra được chỗ đứng trong đó. Trong khi người Do thái lại không làm được điều gì tốt lành theo nghĩa đùm bọc về văn hoá, chính trị, kỹ nghệ và quân sự. Họ ra như chỉ thuộc hàng thứ yếu trong một thế giới quá lớn rộng. Ngày nay, người Công giáo lại vẫn nghĩ Đạo của mình tốt lành hơn đạo của người Do thái. Thật ra, thì Đạo Chúa ở trời Tây đang trên đà suy sụp. Trong khi đó, người Do thái lại tìm đuợc đất lành năm xưa. Tìm được tâm hồn mình. Và họ đang minh chứng cho thế giới thấy được chuyện này.
Chuyện này, áp dụng cả cho người Hồi giáo lẫn người Do thái, ở các nơi. Người Hồi giáo tuy cũng có nguồn gốc từ thế giới cổ xưa vốn thừa hưởng giáo huấn của vị “ngôn sứ” lấy kinh Koran làm kim chỉ nam dẫn đường. Có luật Sha’aria hướng dẫn để sống đúng tinh thần của Kinh Sách. Họ là người tự coi mình như một kết hợp giữa xã hội và tôn giáo.

Buồn một chuyện, là: người Đạo Chúa và đạo Hồi vẫn chơi trò tranh chấp khích bác nhau. Cả hai lại không chấp nhận rằng mình khác nhau; và chẳng nhận chân ra rằng chính Chúa đã làm cho ta ra khác biệt. Khác biệt, theo hướng tích cực khiến ta nhớ lại chuyện kể về một bé em Do thái dám hỏi vị thượng tế câu động trời rằng:“Làm sao các ngài chứng minh được con người là hình ảnh của Thiên Chúa nếu như mọi người có khác biệt?” Vị thượng tế nghe hỏi bèn trả lời rất khôn khéo: “Sở dĩ ta là hình ảnh của Thiên Chúa là vì ta có khác biệt, đấy bé ạ!”

Về với dụ ngôn hôm nay, mọi người đều thấy: Thiên Chúa là chủ vườn nho rộng lớn. Và, Ngài vẫn muốn có hoa trái vườn nho tạo ra. Và Ngài còn muốn cả rượu ngon từ hoa quả chín mộng ấy nữa. Rượu ngon Ngài uống, là do thợ vườn khác biệt làm ra. Khác, cả tính tình lẫn cách trồng trọt và biến hoa trái thành rượu, từ những khác biệt đó.

Lm Kevin O’Shea CSsR biên-soạn – Mai Tá lược dịch.

Leave a Reply