CHÂN THÀNH HAY CHÂN THẬT

CHÂN THÀNH HAY CHÂN THẬT”

Dom.Long

Người ta hay đánh đồng ý nghĩa giữa 2 từ chân thành và chân thật, cả tôi cũng vậy. Mãi cho tới khi đang theo học Triết Học tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế ( từ năm 1971 – 1974 ) trong một lần nghe giảng lễ do Cha Bề Trên Đại Chủng Viện chủ tế, tôi mới có sự phân biệt rõ hơn về ý nghĩa của hai từ Chân Thành và Chân Thật.

Con người ta có thể chân thành: nhiều khi tỏ ra rất chân thành là đằng khác nhưng lại không có sự chân thật chẳng hạn câu chuyện về Giuda , Người phản bội Chúa trong số 12 thánh tông đồ. Đã dùng một cái Hôn có thể rất chân thành nhưng lại là dấu chỉ để nộp Đức Jesus Kitô cho quân binh đến bắt Chúa.

Cũng vậy, trong đời sống xã hội ngày nay, nhất là trong lĩnh vực kinh tế hay chính trị, người ta đã tạo ra cho mình rất nhiều hình ảnh để làm vỏ bọc, để lăng xê hay P.Q tên tuổi một mục đích nào đó. Tất nhiên để thành công để đạt được mục đích, người ta sẽ tỏ ra rất chân thành trong cách làm nhưng chưa chắc đã chân thật. Chính vì thế trong luân lý Kito giáo luôn luôn có nguyên tắc: “mục đích không thể biện hộ cho phương tiện”. Chính nguyên tắc luân lý Ki tô Giáo này đã làm phát sinh tranh cãi trong nhiều lĩnh vực nhất là trong Ngành Y Khoa: Những bệnh nhân đang rất đau đớn trên giường bệnh mà không có hy vọng sống sót có nên được ra đi một cách nhẹ nhàng thanh thản sớm hay không. Nhưng giáo hội công giáo sau cộng đồng Vatican II vẫn chưa cho phép.

Ngoài ra trong những dịp lễ lạc người ta hay dùng kiểu nói: xin chân thành kính chúc, xin chân thành cảm tạ. Đây cũng chỉ là một kiểu nói xã giao chung chung, một cách nói lịch sự, nhưng chắc gì là tất cả những người trong cử tọa hôm đó đều được tôi hoan nghênh. Chưa tính có một vài người mà tôi không hề thích thú, không hề muốn gặp mặt. Chân thành nhưng chưa hẳn đã có sự chân thật.

Nếu tìm trong tự điển tiếng Việt chúng ta sẽ thấy từ trái nghĩa với chân thật chính là giả dối. Đúng vậy: Dù là giả dối nhưng nhờ khéo che đậy bằng cách làm có vẻ rất chân thành nhiều người đã qua mặt được biết bao nhiêu cơ quan ngôn luận và pháp luật. Quả thật thế giới ngày nay đã được che đậy bởi sự chân thành nhiều hơn là biết sống chân thật. Chính cách sống đó đã đánh mất bản chất thật của con người mình để rồi không còn nhận ra chính mình, không biết mình là ai?

Trong xã hội người ta vẫn thường nghe nói “ phải biết mình là ai “hoặc”Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Con người ta “ thích biết người, thích phê phán người, nhưng lại không chịu biết mình là Ai? Kinh thánh có nói” Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong con mắt mình thì lại không để ý tới( MTT 7,3).

Sống không chân thật nên con người cũng không dám nghĩ thật làm thật, hậu quả là đạo đức xã hội ngày càng suy thoái, giới trẻ ngày càng mất niềm tin vào tương lai. Cho nên ở nước ta bất cứ đâu người dân cũng đều nghe, đều thấy các khẩu hiệu” Chống tham nhũng” nhưng kết quả như thế nào: Người ta có thật sự dám chống lại nạn tham nhũng hay không? Hay cũng chỉ hô hào cho có phong trào. Họ chân thành chống thật đấy nhưng lại không chân thật, không chống thật. Nếu đâu đó có sai sót thì kiểm điểm rút kinh nghiệm( mà người ta hay nói đùa Kinh nghiệm là một sợi dây dài vô tận vì không bao giờ rút hết được).

Có một lần tôi tình cờ đọc được trên mạng xã hội “ Face book” ai đó đã so sánh tính cách đặc trưng của một vài Quốc gia, dân tộc trên thế giới rằng: Người Mỹ nói là làm, Người Nhật làm trước nói sau, Người Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo và Người Việt Nam chúng ta nói thì không bao giờ làm. Thật là đáng tiếc nếu tính cách của Người Việt Nam lại đúng như vậy nhưng dẫu sao chúng ta cũng không được quơ đũa cả nắm” Mía hư thì có đốt nhà dột có nơi” Đất nước chúng ta có biết bao người tốt, dám nghĩ dám làm, dám sống thật và làm thật.

Đời nào cũng vậy con người ta hay thích nghe những lời ngọt ngào, nịnh bợ hơn là nghe nói thật. Cho nên trong lịch sử cổ kim đều xuất hiện đám quan nịnh thần: Thành ngữ trung Hoa có câu” Trung ngôn nghịch nhĩ” ( lời nói ngay thật thường làm người nghe chướng tai). Đây chính là những nhân vật làm mất nước hại dân, luôn bị người đời lên án.

Có một câu chuyện cổ kể rằng, một nàng công chúa muốn thử tài một vị vua thông minh đã dắt ông vào một căn phòng trang trí rất nhiều hoa giả và nói với vị vua” Trong căn phòng này chỉ có một bông hoa thật, Ngài có thể tìm ra bông hoa thật đấy không” vị vua lụi hụi đi tìm nhưng quả thật rất khó vì hoa nào cũng giống hoa nào. Mồ hôi đầm đìa Ngài bảo nàng Công Chúa cho người mở các cửa sổ để đón gió và một lúc sau vị vua phát hiện ra bông hoa thật vì nó là bông hoa duy nhất có con ong bay tới đậu. Nhưng nếu không có con ong, làm sao để phân biệt được đâu là những bông hoa thật giữa nghìn trùng hoa giả.

Đó là hành động, là cách sống! Có lẻ cách duy nhất để đánh giá một con người đó là nhìn vào cách sống của họ. Những ai dám nghĩ dám làm mới là người thật việc thật. Không những xã hội rất cần những con người như thế mà cả trong Giáo Hội, trong từng Họ Đạo, Giáo Khu cũng cần những gia đình biết sống Đạo như thế….

Đó chính là cách truyền giáo sống động và hiệu quả nhất ở mọi nơi và trong mọi thời” Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ, Thầy Là Các con yêu thương nhau”(Ga 13,35).

Mùa Phục Sinh năm 2018

                                                                                                  Dom. Long

Leave a Reply