CHÚT KỶ NIỆM XƯA
Chút kỷ niệm xưa
Dom. Hải
Tôi vào tiểu chủng viện Qui Nhơn năm 1969. Hết lớp 7 thì bị cho về. Tuy chỉ theo học có 2 niên khóa nhưng đời tu cũng đã để lại nhiều dấu ấn khó quên. Nhất là trong hai năm này đã diễn ra một số sự kiện lớn.
Khi chúng tôi nhập học, tiểu chủng viện mới còn đang xây dựng ở giai đoạn cuối và chúng tôi phải ở dãy nhà tạm nằm dài theo con đường từ cổng dẫn vào bên trong. Dãy nhà cất dã chiến kiểu như doanh trại quân đội. Cuối dãy nhà là nhà nguyện. Tháp chuông nằm bên hông nhà nguyện. Cuối 69 đầu 70, chủng viện mới xây dựng xong, đẹp đẽ, bề thế. Các chú vui mừng khiêng giường vác vali lên ở nhà lầu. Nhà nguyện nằm ở tầng cao nhất. Hồi đó tôi cứ tưởng chỉ niên khóa của mình mới ở dãy nhà tạm, sau hỏi lại được biết các chú phải ở trong dãy nhà này từ khóa 1966, lúc ở Làng Sông về, có nghĩa là các chú từ khóa 1966 trở đi chưa được vinh dự tu học ở chủng viện mẹ Làng Sông.
Tháng 9 năm 1969, trong một thánh lễ thường, cha chủ tế báo cho chúng tôi biết ông Hồ Chí Minh ở miền Bắc đã mất, và ngài nói thêm đại ý là ta có thể hy vọng về một nền hòa bình sắp sửa đến gần, sẽ không còn ai chết nữa… Cũng trong khoảng thời gian này, các văn kiện của công đồng Vaticano II được thực hiện ở Việt Nam mà thay đổi rõ ràng nhất là ở việc đổi tiếng La tinh ra tiếng Việt trong cử hành thánh lễ và vị trí linh mục ở bàn thờ là quay xuống thay vì quay lên như trước đó. Lúc này chúng tôi đã thuộc làu làu các câu thưa đáp bằng tiếng La tinh nên khi chuyển sang tiếng Việt cũng có phần luyến tiếc. Nhưng đôi khi ở các bàn thờ riêng có cha vẫn dùng tiếng La tinh và chúng tôi cũng vậy.
Sau này về sinh hoạt ở giáo xứ Vĩnh Phước, tôi tham gia vào đội giúp lễ. Cha sở lúc đó là linh mục Trần Bá Phiên (dòng Phan xi cô). Đi theo sự đổi mới của công đồng, ngài cho thay chuông giúp lễ bằng một cái chuông to gõ bằng cây, giống y chang chuông trong chùa của Phật giáo. Mấy lần đầu tiên, quì gõ mấy tiếng boong boong… boong, tôi phải cố gắng nhịn cười vì nghe lạ quá. Dù sao tôi vẫn thích tiếng chuông giúp lễ cũ hơn. Bốn con lắc va vào 4 trái chuông nhỏ tạo nên âm thanh reeng reeng vui tai và đầy hoan hỉ. Ngài cũng thay việc xông hương với bình xông hương lúc lắc xung quanh bàn thờ bằng một cái lư hương to tướng nằm yên trước bàn thờ. Đến nghi thức xông hương, tôi và thằng bạn giúp lễ cùng cha chủ tế bước lên bậc tam cấp. Thằng bạn mở nắp lư hương, tôi mở nắp hộp trầm hương nhỏ cầm trên tay, cha chủ lễ lấy cái muỗng nhỏ múc hai ba muỗng bỏ vào cái lư đã có sẵn mấy cục than trong đó. Một làn hương trầm thơm ngát bay lên và chú giúp đậy nắp lư hương lại…
Thật ra công đồng Vaticano II đã thay đổi khá nhiều việc nhưng chúng tôi không hiểu hết. Sau này lớn lên rồi tìm hiểu thêm trong các tài liệu mới biết Công đồng được khai mạc vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 bởi Giáo hoàng Gioan XXIII và kết thúc vào ngày 8 tháng 12 năm 1965 bởi Giáo hòang Phaolô VI. Trong hơn 3 năm đó Công đồng đã ra 16 văn kiện. Xin được phép trích dẫn ra đây vì thiết nghĩ điều này khá cần thiết:
1) Sacrosanctum Concilium, Constitution on the Sacred Liturgy, Hiến chế về Phụng vụ Thánh, ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1963, đề cập đến các nguyên tắc canh tân phụng vụ làm nền tảng cho nhiều cải tổ phụng vụ sẽ được thể hiện sau Công đồng.
2) Lumen Gentium, Dogmatic Constitution on the Church, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1963, đề xướng một sự hiểu biết về Giáo hội với các đặc tính: Giáo hội là một mầu nhiệm, có tính cách hoàn vũ, chia sẻ thẩm quyền, chú ý đến giáo dân, và cần canh tân và tái cải tổ.
3) Inter Mirifica, Decree on the means of social Communication, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, ban hành ngày 4 tháng 12 năm 1963, thảo luận về sự quan trọng của truyền thông đối với sự tiến bộ liên tục của nhân loại và sự góp phần của người Công giáo nếu có thể.
4) Orientalium Ecclesiarum, Decree on the Catholic Churches of the Easterm Rite, Sắc lệnh vềcác Giáo hội Công giáo Đông phương, ban hành ngày 21 thắng 11 năm 1964, ca ngợi di sản phụng vụ và thần học của các giáo hội này, tuy ở Đông phương nhưng vẫn giữ sự hiệp thông với Rôma.
5) Unitatis Redintegration, Decree on Ecumenism, Sắc lệnh về Hiệp nhất, ban hành ngày 21 tháng 11 năm 1964, Giáo hội Công giáo thú nhận lỗi lầm từ mọi phía vì những tranh chấp gây nên sự chia cắt trongKitô giáo; tìm cách đối thoại và hợp nhất với “những anh em đã chia lìa”.
6) Christus Dominus, Decree Concerning the Pastor Office of Bishops in the Church, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo hội, ban hành ngày28 tháng 10 năm 1965, xác định thẩm quyền và nhiệm vụ của các Giám mục trong giáo phận của các ngài, trong cuộc họp cấp miền, và trong giáo hội nói chung.
7) Perfectae Caritatis, Decree on Renewal of Religious Life, Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu, ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965, kêu gọi canh tân trong cơ cấu tổ chức và quy luật, nhưng coi yếu tố then chốt để canh tân là thể hiện các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục.
8) Optatam Totius, Decree on Priestly Training, Sắc lệnh về đào tạo Linh mục, ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965, kêu gọi việc huấn luyện các linh mục một cách nghiêm chỉnh, kể cả việc chú trọng đến các tiêu chuẩn cao trong việc học, đời sống tâm linh và huấn luyện mục vụ.
9) Gravissimum Educationis, Declaration on Christian Education, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965, xác nhận sự quan trọng của việc giáo dục Kitô hữu ở nhà, ở trường, và ở nhà thờ và kêu gọi việc cập nhật hóa các phương pháp giáo dục để phù hợp với các ngành khoa học xã hội.
10) Nostra Aetate, Declaration on the Relation of the Church to Non-Christian Religious, Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965, kêu gọi thái độ cởi mở và cộng tác với các tôn giáo lớn trên thế giới.
11) Dei Verbum, Dogmatic Constitution on Divene Revelation, Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa, ban hành ngày 18 tháng 11 năm 1965, xác định phương cách dùng Kinh Thánh và Truyền thống như các bày tỏ chính yếu của mặc khải Kitô giáo; điểm đáng chú ý là việc chấp nhận các phương pháp hiện đại trong việc khảo cứu Kinh Thánh và trong thần học.
12) Apostolicam Actuositatem, Decree on the Apostolate of the Laity, Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, được ban hành ngày 18 tháng 11 năm 1965, khuyến khích giáo dân sống đạo và loan truyền Phúc âm trong gia đình, nơi sở làm, và hoạt động xã hội.
13) Dignitatis Humanae, Declaration on Religious Freedom, Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo, được ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965, cho rằng phẩm giá căn bản của loài người đòi hỏi sự tự do không bị ép buộc về vấn đề tôn giáo. Mọi người phải được tự do thờ phượng theo lương tâm của mình.
14) Ad Gentes, Decree on the Missionary Activity of the Church, Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của Giáo hội, ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc truyền giáo bên ngoài Giáo hội, nhất là qua việc hình thành các cộng đoàn ở giáo hội địa phương.
15) Presbyterorum Ordinis, Decree on the Ministry and life of Priests, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và Đời sống linh mục, được ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965, làm sáng tỏ nhiệm vụ của linh mục và sự tương giao giữa linh mục với Giám mục và giáo dân.
16) Gaudium et Spes, Pastoral Constitution on the Church in the modern World, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, được ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1965, đưa ra hình ảnh của Giáo hội như để phục vụ thế giới; đặc biệt trình bày về lập trường của Giáo hội đối với vấn đề gia đình, văn hóa, kinh tế, chính trị, và hòa bình.
xxx
Tuy tôi tu học chỉ có 2 năm mà đã xảy ra 2 trận cháy nhà ! Trước cổng tiểu chủng viện là một khu gia cư có tên là Khu 2 mà nhà cửa đầy tạm bợ, phần lớn được dựng bằng tôn và gỗ để cho dân tị nạn chiến tranh ở vùng quê về tránh đạn. Một hôm ngọn lửa đã thiêu trụi nơi này. Trận cháy khác xảy ra tại tu viện Mến thánh giá Qui Nhơn nằm cách trường tụi tôi chỉ vài dãy nhà. Trận cháy không lớn nhưng cũng làm tốn khá nhiều thau xô của các chú bên Tiểu chủng viện. Có chú chữa cháy xong chạy về bên này mặt vẫn còn lem luốc lọ…
Lớp tôi ngày đó bây giờ tản mát khắp nơi, ai cũng phải trải qua không biết bao nhiêu là gian khổ. May mắn và đáng mừng là đã có 10 người được Chúa chọn lên làm linh mục. Mười linh mục cho một lớp là một con số đáng hãnh diện. Tôi cũng hãnh diện nhưng cũng lo, vì con đường mục vụ của các bạn tôi chẳng hề dễ dàng và suôn sẽ, kể cả người đang sống bên này hay ở ngoại quốc.
Tinh thần Công đồng Vaticano II vẫn còn nguyên giá trị. Mới năm ngoái tôi về thăm con bạn cùng lớp trước bảy lăm ở Nha Trang. Nó người bên lương. Chuyện trò có nhắc tới 2 bạn gái khác cũng ở bên Vĩnh Phước. Nó nói hồi đó mỗi lần nhà tui có đám giỗ tui đều nhắc bà già để dành cho tui một dĩa bánh không cúng, để riêng cho 2 đứa nó qua ăn, tui nói với bà già tụi nó có đạo nên không ăn đồ cúng…
Tôi cũng thấy vui vui… và bây giờ đã là thế kỷ XXI.
Dom Hải
Recent Comments