Năm cuối
Năm cuối
Dom. Long
Sau khi vượt qua kỳ thi trắc nghiệm tại giáo xứ Hội Đức, tôi được nhận vào lớp 6 Tiểu Chủng Viện Làng Sông niên khóa 1964. Khi ấy tôi vừa 11 tuổi, mới học xong lớp 5 trường tiểu học Hoài Hảo. Cái tuổi chưa đủ khôn, chưa đủ lớn.
Từ giã Hội Đức, từ giã cha xứ là Linh Mục Trịnh Hoài Ân người có biệt tài: “Câu hòn chì” để đoán những việc đã xảy ra, tôi được ba mình dẫn đi nhập học.
Từ xa nhìn thấy TCV Làng Sông hiện ra thật đồ sộ, thật hùng vĩ. Từ cổng vào là hai hàng cây sao cao vút, với hai dãy nhà lầu to lớn nằm hai bên đối xứng, ở giữa là ngôi nguyện đường đầy nét cổ kính.
Sau khi gặp cha Nguyễn Thanh Bình, Giám Đốc Tiểu chủng viện để bàn giao đứa con, cha tôi ra về. Nhìn bóng dáng cha quay đi mà lòng tôi buồn rười rượi. Lần đầu tiên đi học xa nhà ở một nơi xa lạ với biết bao lạ lẫm, lòng tôi đầy bỡ ngỡ. Thế là tôi đã trở thành Các Chú (ở TCV là Các Chú, lên Đại Chủng Viện là Các Thầy).
Có thể nói chương trình học của Các Chú ở Tiểu Chủng Viện cũng gần giống với chương trình học của các học sinh trung học ngoài đời thời bấy giờ. Chỉ khác là ngoài học văn hóa còn có thêm các sinh hoạt tôn giáo: Giờ lễ – Giờ chầu – Giờ suy niệm – Giờ viếng Chúa… Đây là một chương trình giáo dục con người toàn diện nhằm đào tạo cho Các Chú cả về trí thức, thể chất và tâm linh. Tôi luôn luôn tự hào và cảm thấy may mắn là mình đã được đào tạo tại lò TCV Làng Sông.
Nhưng năm 1964 cũng là năm tình hình chiến sự bắt đầu sôi động, chiến tranh lan rộng. Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ (ngày 1-11-1963), các vùng quê bắt đầu mất an ninh. Ban ngày sống với chế độ Cộng hòa miền Nam, đêm về thì các chú du kích, bộ đội giải phóng xuất hiện. TCV Làng Sông cũng rơi vào tình hình như vậy. Có lần mới sáng sớm, chúng tôi đã thấy các chú bộ đội đi thành hàng trên con đường làng trước cổng TCV. Không thể để cho mối lo lắng về an ninh kéo dài ảnh hưởng tới công việc chung, trước mùa hè năm 1964 Đức Giám Mục giáo phận (Đức Cố Giám Mục Đa Minh Hoàng Văn Đoàn) cùng với ban Giám Đốc TCV đã quyết định dời TCV Làng Sông lên Thành phố Quy Nhơn. Từ đây tên TCV Làng Sông được đổi thành TCV Quy Nhơn.
Thế là vì tình hình chiến sự mà năm tôi vào Làng Sông cũng chính là năm cuối cùng Các Chú còn được học tại TCV Làng Sông.
Đến năm 1968 khi Đức Cố Giám Mục Phao Lô Huỳnh Đông Các vừa du học từ Hoa Kỳ về làm Giám Đốc TCV, ngài đã cho xây dựng lại TCV Quy Nhơn, gồm hai khối nhà 4 tầng khang trang đẹp đẽ nằm giữa nhà thờ chánh tòa và tòa giám mục Quy Nhơn như ngày hôm nay.
Sau bảy năm làm Các Chú, tôi tốt nghiệp Tú Tài Bán năm 1970, Tú Tài Toàn năm 1971 (bắt đầu năm 1973 thì bỏ thi Tú Tài Một và chỉ còn giữ lại kỳ thi Tú Tài Hai – tương đương bằng tốt nghiệp cấp ba bây giờ).
Đầu năm học 1971 anh em lớp tôi được Đức Giám Mục gởi ra học tại ĐCV Xuân Bích Huế. Chương trình đào tạo tại ĐCV Xuân Bích Huế lúc ấy gồm ba năm triết học và bốn năm thần học. Nhưng năm chúng tôi ra ĐCV Huế cũng là năm cuối cùng ban triết học còn học tại đây. Bắt đầu năm sau, tức từ niên khóa 1972-1973, ban triết được dời vào ĐCV Hòa Bình Đà Nẵng. Như vậy lớp chúng tôi là lớp cuối cùng học ba năm triết học tại Huế. Lại một cái năm cuối nữa !
Đây cũng là thời kỳ mà cuộc chiến Nam Bắc trở nên khốc liệt (tác phẩm Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam đã mô tả được phần nào thời kỳ khốc liệt ấy). Tháng 3-1972, quân đội giải phóng miền Bắc ồ ạt tấn công vào Quảng Trị và chiếm được địa danh này. Hè năm đó, trước nguy cơ chiến tranh, ban Giám Đốc ĐCV Xuân Bích Huế đã phải cho các Thầy nghỉ hè về lại gia đình sớm.
Học mãn ba năm triết tại ĐCV Huế, tôi được Bề Trên gọi về thực tập tại TCV Quy Nhơn niên khóa 1974-1975. Ai đâu ngờ đâu đây cũng là năm cuối cùng của chương trình đào tạo Các Chú tại các TCV trên toàn miền Nam !
Cùng đi thực tập TCV năm ấy, còn có thầy Nguyễn Văn Khôi, hiện là Đức Giám Mục giáo phận Quy Nhơn, thầy Trương Đình Hiền, hiện là Cha Tổng Đại Diện giáo phận Quy Nhơn, thầy Nguyễn Văn Hải (có biệt danh là “Hải Tiến Sỹ”) hiện nay là tiến sỹ Hải đang định cư ở Úc, thầy Nguyễn Thanh Huân hiện cũng đang định cư ở Úc và thầy Phạm Xuân Điềm hiện là anh nông dân thứ thiệt tại ấp Bình Tân xã Xuân Phú, Xuân Lộc.
Sau biến cố năm 1975, một số Thầy (lớp lớn) được tập trung về ĐCV Quy Hải (trường trung học Vi Nhân cũ, nguyên là trường trung học La San bàn giao lại cho giáo phận Quy Nhơn) do Cha Nguyễn Soạn làm Giám Đốc – hiện giờ ngài là Đức Giám Mục Phê rô Nguyễn Soạn và đã nghỉ hưu.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, năm 1978, cơ sở này đã bị tịch thu để làm khu nhà ở cho tập thể giáo viên trường đại học Quy Nhơn. Từ đó một số Thầy phải về tập trung tại TCV Quy Nhơn. Một số khác được Bề Trên gởi đi giúp xứ. Một số khác tìm cách ra nước ngoài để theo đuổi con đường tu trì và được thụ phong Linh Mục nơi xứ người. Còn một số khác nữa thì không tiếp tục ơn gọi mà xuất ra lập gia đình, trong đó có tôi.
Giờ đây nhìn lại quãng thời gian dài mười bốn năm được ở trong nhà Chúa với biết bao cảm xúc khó tả, trong đó có cái cảm xúc đặc biệt của một kẻ chuyên lọt vào Năm Cuối, tôi chỉ còn biết cảm tạ ơn Chúa về những hồng ân và sự quan phòng mà Ngài đã ban cho tôi trong suốt thời gian qua với hai tiếng xin vâng: FIAT MIHI !
Chắc chắn rồi ai trong chúng ta cũng sẽ có một năm cuối cùng trong cuộc đời mình, cái năm mà không ai biết sẽ đến vào lúc nào. “Cho nên Anh Em cũng vậy, Anh Em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút Anh Em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Mtt 24-44).
Mùa Phục Sinh năm 2017
Dom. Long
Recent Comments