XIN ĐƯỢC Ở TRONG NHÀ CHÚA

XIN ĐƯỢC Ở TRONG NHÀ CHÚA
Lm. Laurensô M. Phan Ngọc Bích, CRM
Anh chị Thân Hữu thân mến,
Nói về vẻ đẹp và hạnh phúc gia đình, hẳn chúng ta có thể nghe biết bài hát “Bài Tango cho em” được nữ ca sĩ Ái Vân thể hiện:
“Từ ngày có em về, nhà mình tràn ánh trăng thề, giòng nhạc tình đã tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như giòng suối. Anh yêu phút ban đầu, đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu, trong mắt em buồn về mau, em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau.
Tiếng đàn hòa êm ái, nhịp bước em thêm lả lơi, cung điệu buồn chơi vơi, đôi tâm hồn riêng thế giới. Mình dìu sát đi em, để nghe làn hơi cháy, trong tim nồng nàn. Tiếc thương chi trời rộng thênh thang, vương vấn để rồi một đời cưu mang.
Giờ mình có nhau rồi, đời đẹp vì tiếng em cười, vượt ngàn trùng qua bể khơi, dắt dìu cùng về căn nhà mới. Ta xây vách chung tình, nhiều chông gai có tay mình, xin cảm ơn đời còn nhau, ghi sâu phút ban đầu bằng bài tango cho em”.
Chia sẻ với anh chị em một điều gì đó vừa thánh thiêng mà cũng vừa đời thường, thật không dễ chút nào ! Cuộc đời của người Thân Hữu có quá nhiều sắc màu phong phú, vừa có cảm nghiệm của đời sống tu trì lại vừa có kinh nghiệm của đời sống gia đình. Có lẽ nếu anh chị Thân Hữu chia sẻ những trải nghiệm ấy cho nhau và cho những người tu trì thì thật tuyệt vời.
Nhưng có một ý tưởng được gợi lên trong mùa Phục Sinh này, có thể cho chúng ta một ý tưởng để cùng nhau tâm tình. Đó là : “Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài” (Tv 26,4 Đáp ca Thứ Sáu tuần II Phục Sinh).
Lời Chúa trên đây rõ ràng là rất thích hợp dành cho những người tu trì như các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, tập sinh, đệ tử, dự tu, và cả cho những em nội trú trong các dòng tu, như các em nội trú tại cộng đoàn Phaolô hoặc Mến Thánh Giá trong giáo xứ Tuy Hòa.
Nhưng cũng thật chắc chắn rằng tất cả chúng ta, mọi thành phần Dân Chúa đều đọc lời Đáp ca đó, rồi còn lập đi lập lại nhiều lần lúc ấy trong thánh lễ Thứ Sáu Chúa Nhật II Phục Sinh như một xác tín : “Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi…”. Và như vậy, ước mong khẩn cầu cho “được cư ngụ trong nhà Chúa” cũng là của chúng ta nữa !
Sự thật anh chị Thân Hữu đâu còn ở trong nhà dòng, đâu còn ở trong đời tu, thế mà vẫn xin được ở trong nhà Chúa suốt đời. Vậy để ứng nghiệm Lời Chúa này, chỉ còn một cách là : biến gia đình của mình thành “nhà Chúa” để cư ngụ suốt đời. Khi ấy sẽ đọc là : “Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong gia đình tôi suốt đời, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài”. Thật là một điều quá lớn lao, quá đỗi kinh ngạc phải không anh chị em ?
Nhưng đó là sự thật, vì gia đình là một Hội Thánh, một “Hội Thánh tại gia”. Gia đình và nhà Chúa là một !
Làm thế nào để biến gia đình mình thành một “Hội Thánh tại gia” như thế ? Thưa phải làm cho gia đình mình thành một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn yêu thương, một cộng đoàn sự sống, một cộng đoàn giáo dục, một cộng đoàn chứng nhân Tin Mừng (x.GLCG số 2204,2205).
Để là một cộng đoàn đức tin, gia đình anh chi Thân Hữu được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy sinh của Chúa Kitô. Việc đọc kinh cầu nguyện hằng ngày. đọc suy Lời Chúa hằng ngày nhất là tham dự thánh lễ thường xuyên, sẽ củng cố đức tin trong gia đình. Nếu đức tin không được nuôi dưỡng và lớn lên qua kinh nguyện và phụng vụ thường xuyên như vậy, mọi thành viên trong gia đình rốt cục sẽ èo uột và khô héo.
Để là một cộng đoàn yêu thương, không ai trong chúng ta được phép quên điều này : gia đình được thiết lập do tình yêu thương, được tồn tại nhờ tình yêu thương, được phát triển bằng tình yêu thương và được hạnh phúc sung mãn cũng nhờ tình yêu thương. Nhiều khi tình yêu đó bị thử thách. Bất hạnh và tan nát dễ thường xảy ra cho gia đình nếu không coi những thách đố này là cách để lớn lên trong tình yêu và đạt đến tình yêu gương mẫu Đức Kitô : “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1).
Để gia đình là một cộng đoàn sự sống, chúng ta nhớ lại lời Hội Thánh : “Gia đình là một tế bào nguyên thủy của sinh hoạt xã hội, là một xã hội tự nhiên nơi mà người nam và người nữ được kêu gọi hiến thân cho nhau trong tình yêu và trong việc thông truyền sự sống. Uy quyền, sự ổn định và sinh hoạt của các mối liên hệ trong gia đình phải được coi là nền tảng của sự tự do, của ổn định, của tình huynh đệ trong xã hội. Gia đình là cộng đoàn để ngay từ tuổi thơ, người ta học được những giá trị luân lý, bắt đầu tôn thờ Chúa và sử dụng sự tự do của mình ” (GL CG số 2207).
Nói đến gia đình là một cộng đoàn giáo dục, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có nói : “Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường học thứ nhất, chính là gia đình Công giáo” (Đường Hy Vọng). Ý ngài muốn nhắn gửi rằng tương lai của Hội Thánh và của xã hội, của quê hương tổ quốc, đều tùy thuộc vào gia đình, trong đó cha mẹ chính là thầy cô đầu tiên và mãi mãi trong gia đình. Qua các thống kê xã hội, ta thấy các gia đình trẻ đổ vỡ ngày càng gia tăng, các đôi nam nữ sống chung không hôn phối hay sống thử ngày càng nhiều, một số rơi vào tệ nạn như băng đảng, trộm cướp, nghiện ngập, cờ bạc, trụy lạc… Nguyên nhân có nhiều, nhưng nơi gia đình Công giáo chính là thiếu bầu khí đạo đức, thiếu gương sáng của bậc phụ huynh, cha mẹ chưa tích cực tự giáo dục và chăm lo giáo dục đức tin cho con cái, nhiều bạn trẻ và cha mẹ chưa ý thức tầm quan trọng của các khóa giáo lý hôn nhân…
Để gia đình là một cộng đoàn chứng nhân Tin Mừng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, với Đại Hội Quốc Tế Gia Đình tại Manila năm 2003, đã nêu cách thức chính yếu: hãy trung tín với ơn gọi hôn nhân gia đình, vì đó là con đường chuyên biệt để trở nên môn đệ Chúa Kitô, để đóng góp vào việc mở mang Nước Chúa và triển nở trong sự thánh thiện mà mọi Kitô hữu đều được kêu gọi. Cuộc sống gia đình hằng ngày đầy những mỏi mệt, căng thẳng và cả vấp ngã. Nhưng trong cuộc hành trình đó, chúng ta không đơn côi. Chúa Giêsu và Đức Maria luôn hiện diện bên chúng ta, như Ngài và Mẹ Ngài đã có mặt ở tiệc cưới Cana trong lúc khó khăn (x.Ga 2,1-12). Làm sao để người khác khi nhìn vào gia đình chúng ta, đều có thể đọc thấy Tin Mừng Chúa Kitô được viết trong đó.
Nếu được như vậy thì người Thân Hữu đã xem gia đình mình là nhà Chúa, đã coi nhà mình là thánh điện, và mình có thể thốt lên tận đáy lòng : “Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong gia đình tôi suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa và chiêm ngưỡng thánh điện của Ngài”. Xin cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi biết luôn trân trọng Nhà Dòng của mình cũng là Nhà Chúa để cư ngụ suốt đời hầu vui hưởng hạnh phúc trong tình yêu và dâng hiến.
Mùa Phục Sinh và Tháng Hoa đã về, mến chúc gia đình anh chị Thân Hữu là như thế.
Tuy Hòa, Phục Sinh 2017
Lm. Laurensô M. Phan Ngọc Bích, CRM

Leave a Reply